* biên dịch, tổng hợp và viết bởi Lê Hoàng Thạch*

Thưa quý vị và các bạn, như một số bạn đã biết, vào những năm thập niên 60, trước khi cơ quan chứng nhận Chronometer COSC ra đời, thì khi đó ở Thụy Sỹ lúc này vẫn còn tồn tại những trạm quan sát thiên văn : OBSERVATORY. Đây là các cơ sở chứng nhận nên dòng chữ Chronometer trên mặt số của những chiếc đồng hồ vintage như Omega, Seiko, Zenith, Patek, Longines…. Đây là những cơ sở rất quan trọng và vĩ đại, đến nỗi mà Omega đã in hình nó lên mặt sau của nắp đáy dòng sản phẩm Constellation của họ. Tại đây đã diễn ra các cuộc đua tranh về độ chính xác của những cỗ máy đồng hồ đến từ khắp nơi trên thế giới, ( chủ yếu là Thụy Sỹ ), và nơi đây, vào cuối thập niên 1960 đã chứng kiến một kẻ ngoại đạo, đã đi lên và đánh bại tất cả các hãng còn lại của Thụy Sỹ ngay trên sân nhà của họ về độ chính xác cơ học, lật đổ ngôi vương của người da trắng, cái tên đó là Seiko! Và trong bài viết này, tôi xin mời các bạn ngược dòng thời gian để tìm hiểu về một quãng thời gian mà gần như tất cả các hãng lừng danh của thụy sỹ từng tham gia đều cố tình giấu đi này nhé!

BỐI CẢNH VÀ GIẢI THÍCH VỀ CÁC TRẠM QUAN SÁT THIÊN VĂN – NƠI CHỨNG NHẬN CHRONOMETER THỜI TRƯỚC 1970

                              trạm quan sát thiên văn neuchatel, thụy sỹ 

 

Thời điểm cuối những năm thập niên 1950, hãng đồng hồ Seiko, khi đó bao gồm 2 nhà máy sản xuất là Suwa Seikosha, và Daini Seikosha đã tham gia các cuộc thi đồng hồ Chronometer trong nội địa Nhật bản, do chính phủ tổ chức và gần như thống trị các hạng mục ở đây ( mẫu rất nổi tiếng là Seiko marvel). Từ đó, Seiko đã có được một sự tự tin nhất định và quyết định đưa đồng hồ của mình sang Thụy Sỹ để thử sức. ( thực tế là nhân viên seiko đã thừa nhận là họ có chút tự tin thái quá vào khả năng của mình).

Tại Thụy Sĩ, vào thời kì huy hoàng trước khi diễn ra khủng hoảng thạch anh ( cuối thập niên 1970) thì các cuộc thử nghiệm máy đồng hồ tại các trạm quan sát thiên văn, tức là chứng nhận độ chính xác chronometer cho máy đồng hồ và sau đó TÍNH ĐIỂM là một sự kiện vô cùng quan trọng và có uy tín trong giới chế tạo đồng hồ. Người ta thường gọi chúng với các tên là OBSERVATORY CHRONOMETER.

    một chiếc Vacheron Constantin được chứng nhận chuẩn Chronometer thời xưa
                          một chiếc Vacheron Constantin được chứng nhận chuẩn Chronometer thời xưa

 Tại đài quan sát thiên văn Neuchatel – đài quan sát nổi tiếng bậc nhất trong tất cả các đài thiên văn ở Châu Âu, các cuộc thi được tiến hành định kì hàng năm cho hàng loạt các loại máy đồng hồ khác nhau, từ bỏ túi cho tới đồng hồ đeo tay, tất cả đồng hồ cơ khí và thạch anh. Nó bao gồm một loạt các bài kiểm tra thời gian, diễn ra trong vài ngày và có tính điểm số riêng cho từng máy, sau đó nó được chứng nhận là đồng hồ OBSERVATORY CHRONOMETER ( ngắn gọn là Chronometer) đi kèm với một chứng chỉ có tên là BULLETIN DE MARCHE. Vị trí của Neuchatel nằm ở thung lũng Valle de Joux- một trung tâm chế tạo đồng hồ Thụy Sỹ, cuộc thi ở Neuchatel dành cho bất cứ ai, kể cả những kẻ ” ngoại quốc”.

Ngược lại, các cuộc thử nghiệm thời gian ở trạm quan sát thiên văn Geneva chỉ dành cho các thương hiệu đồng hồ có trụ sở ngay tại đây, ví dụ như Rolex và Patek thường hay gửi đồng hồ của họ vào nơi này để thử nghiệm, hãng Omega “hiếu chiến” cũng đã thành lập một công ty con ngay trong thành phố chỉ để được mang máy của họ đến để cạnh tranh, đây cũng là nơi chứng nhận cỗ máy Tourbillon đeo tay đầu tiên trên thế giới do Omega chế tạo.

                                                trạm thiên văn GENEVA

Những thử nghiệm này diễn ra ở đất Thụy Sỹ, chúng được điều hành bởi các trạm quan sát thiên văn ở Neuchatel và Geneva – là nơi quy tụ tất cả những nhà sản xuất đồng hồ đầu bảng thời kì đó, trong đó điển hình là Omega, Longines, Girard Perregaux, zenith… Đã cố gắng với mọi nỗ lực để đánh bại lẫn nhau.

Từ những cuộc thi này mà các cỗ máy như Peseux 260, Longines 360 và Zenith 135 đã được phát triển, và đây cũng là nơi tạo ra danh tiếng cho chúng. Nếu thành công trong cuộc thi này thì sẽ tạo ra một bước ngoặt rất quan trọng để phát triển và mở rộng hãng Seiko, thời kì sau thế chiến.

SEIKO ” THAM CHIẾN” – TỪ THUA THẢM ĐẾN VINH QUANG.

Hãng seiko tiến hành tham gia lần đầu tiên tại đài quan sát thiên văn Neuchatel, tổ chức vào năm 1963. Họ đệ trình một chiếc đồng hồ thạch anh Crystal Chronometer Clock ( ko phải đồng hồ đeo tay đâu nhé) nằm trong hạng mục đồng hồ hàng hải ( Marine Chronometer) và xếp thứ 10, điều này khiến Seiko trở thành công ty ngoại quốc đầu tiên lọt vào top 10 và đánh dấu chiến thắng đầu tiên của Seiko.

                                                                       Crystal Chronometer Clock

Sau khi đạt kết quả rất khả quan ngay lần đầu dự thi dành cho Clock, hãng Seiko quyết định tung cả hai nhà máy chủ lực của mình vào để thi ngay trong năm 1964, với hạng mục rất tham vọng và khó nhằn nhất thời đó là máy đồng hồ đeo tay cơ học. Tuy nhiên, Seiko đã thất bại thảm hại với thành tích tốt nhất là vị trí 144 khốn khổ, với cỗ máy đến từ Suwa Seikosha đạt 7.97 điểm ( điểm càng bé càng tốt). Xin nói luôn là hai vị trí bét bảng cũng dành chia đều cho cả 2 nhà máy, lần lượt là Suwa vị trí 185 ( 15.45 điểm) và Daini vị trí 186 ( 15.89 điểm).

Thất bại thảm hại nhưng không hề nản lòng nhụt chí, cả hai đơn vị sản xuất của Seiko tiếp tục tham gia cuộc thi ngay trong năm sau (1965), kết quả đạt được là có 3 cỗ máy của Seiko đạt đủ điều kiện Chronometer, với thứ hạng tốt nhất là 114 ( 5.86 điểm), Daini Seikosha cũng được đứng hạng thứ 6 trong bảng xếp hạng các nhà sản xuất. Vào thời điểm này, hãng Seiko cũng xác định dồn toàn lực cho cuộc thi này với những nỗ lực vô bờ bến và kì công nhất lịch sử chế tạo đồng hồ Nhật Bản, họ thậm chí còn tính toán tạo ra các hộp chứa kháng từ để cất máy đồng hồ của họ, trên các chuyến bay vận chuyển xuyên qua các cực từ trường để tránh bị nhiễm từ và cho kết quả thi tốt nhất.

Vào năm 1966, thành công thậm chí vượt ngoài mong đợi, với 32 cỗ máy đủ điều kiện và thứ hạng tăng vọt lên vị trí thứ 9 với 2.61 điểm ( máy của Daini Seikosha, và kẻ xếp số 1 là Omega). Thành công này đưa nhà máy Daini thăng lên hạng 3 trong bảng xếp hạng các nhà sản xuất. Và sang tới năm 1967, Seiko tiếp tục làm sửng sốt các nhà chế tạo Thụy sỹ bằng việc vọt lên thứ hạng thứ 4 trong bảng điểm dành cho máy đồng hồ : 2.04 điểm cho máy Cal.052 tới từ Daini. Và trong top 10, Seiko đã chiếm tới 4 suất là 4-5-7-8, tất cả đều là máy của Daini. Năm đó Seiko có tổng cộng 62 máy đạt chuẩn Chronometer, nhà sản xuất đứng đầu bảng tổng sắp là Omega, theo ngay sau đó là Daini và Suwa – đây cũng là năm mà trạm Neuchatel đã hủy thi vì lo sợ sức mạnh của Seiko.

Có một điểm thú vị là họ cũng sử dụng loại máy cal.052 cho chạy ở tần số 72.000 bph, tuy nhiên kết quả thì lại không tốt như khi chạy ở 36.000 vph, nó đạt vị trí thứ 13 – ảnh minh họa ngay bên dưới.

                           máy cal.052, số sê ri 052123, đạt vị trí thứ 13, chạt ở tần số 72.000 vph

Seiko đã không có cơ hội tiến xa hơn nữa tại trạm quan sát thiên văn Neuchatel, bởi vì năm 1968, họ đã hủy bỏ các cuộc thi đồng hồ Chronometer vô thời hạn – và cũng có nghĩa là năm 1967 là năm cuối cùng mà cuộc thi được tổ chức. Người ta đã đồn đoán  ( mà có lẽ là sự thật) là để tránh các hãng Thụy Sỹ bị bẽ mặt trước người Nhật. Hãng Seiko đã ngay lập tức chuyển hướng sang cuộc thi ” Concours De geneve” do trạm quan sát thiên văn Geneva tổ chức.

Tại Geneva, hãng Seiko đã đạt được mốc son chói lọi nhất trong lịch sử đồng hồ cơ của mình ( và cũng là của Nhật Bản): họ đã càn quét và chiếm hết vị trí từ 4 đến 10 trong bảng xếp hạng cho hạng  mục máy đồng hồ đeo tay! Còn các vị trí từ 1-3, là máy đồng hồ Beta 21 thạch anh đến từ liên minh CEH – Center Electronique Horloger, một đơn vị được hỗ trợ hết mức bởi ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sỹ ( máy được sản xuất và mang tên hãng Omega – đây cũng là máy thạch anh đầu tiên được sx thương mại của Thụy Sỹ). Điều đó có nghĩa là : các cỗ máy cơ khí của Seiko đã hoàn thành mục tiêu trở thành kẻ đứng đầu trong thể loại máy cơ khí! Đánh bại tất cả các hãng danh tiếng của Thụy Sỹ ngay trên chính sân chơi của họ!

giấy chứng nhận giải thưởng dành cho Daini Seikosha năm 1967 tại trạm quan sát thiên văn NeuChatel

Sau chiến thắng vang dội của Seiko vào năm 1968, trạm quan sát thiên văn Geneva sau đó cũng quyết định theo chân trạm Neuchatel : hủy bỏ tất cả các cuộc thi và chấm dứt luôn truyền thống lâu dài về các cuộc  thử nghiệm thời gian tại các trạm thiên văn Thụy Sĩ!

Mặc dù các cuộc thi Chronometer đã bị hủy bỏ, nhưng đài quan sát Nechatel vẫn tiếp tục kiểm tra và chứng nhận chuẩn Chronometer cho đồng hồ. Và do đó, vào năm 1968, hãng Seiko – khi đó đang càn quét bảng xếp hạng ở Geneve, đã lệnh cho Daini Seikosha đem 103 cỗ máy cal.4520 đến đài quan sát thiên văn Neuchatel để xin chứng nhận, đây là những cỗ máy chạy ở tần số cao : 36.000 vph, tương tự các cỗ máy đã giành giải thưởng. Có 73 cỗ máy đã được chứng nhận Chronometer. ( tóm lại là máy thương mại). Và điểm bất ngờ nhất là tất cả 73 chiếc đồng hồ Chronometer trạm thiên văn này được bán luôn vào ngay trong năm sau đó, và tới 1970 thì bổ sung thêm 25 chiếc chạy Cal.128. Có tổng cả 4580 cỗ máy đã được chứng nhận, và tổng cả 226 chiếc đồng hồ đeo tay có Chronometer thiên văn được bán công khai.

máy Cal.r45, cỗ máy huyền thoại chạy ở tần số 36.000 vph , đứng hạng 4 và giúp seiko đánh bại các hãng thụy sỹ về độ chính xác cơ khí

Ngoài hãng Girard Perregaux, Seiko là hãng duy nhất đã tiến hành sản xuất đại trà và bán lẻ ra thị trường những chiếc đồng hồ có mang loại chuẩn Chronometer này. Các công ty khác đã bán ra với số lượng rất rất nhỏ, ví dụ như Rolex Kew “A” rất nổi tiếng trong những năm 1940. Seiko và GP đã sản xuất và bán ra với số lượng tương đối lớn, ví dụ như hãng GP đã bán ra tới hơn 600 chiếc đồng hồ Chronometer Hi-beat ( tần số cao có chứng nhận Chronometer trạm thiên văn) vào những năm thập niên 1960.

                 giấy chứng nhận của trạm quan sát thiên văn Geneva

Mỗi một máy cal.4520 Chronometer sẽ được bán kèm với 1 giấy chứng nhận từ trạm Neuchatel có tên là ” Bulletin De Marche” hoặc ” Chronometer Cerfiticate”. Giá bán của nó lên tới 180.000 yên Nhật – mỗi chiếc đồng hồ được chứng nhận như vậy có giá bán gấp 6 lần một chiếc Grand Seiko cơ bản ở thời điểm đó.

Cũng tương tự như Grand Seiko 45GS với phong cách thiết kế thân vỏ, chiếc Seiko Astronomical Observatory Chronometer Cal.4520 ( đọc ngắn gọn là đồng hồ Chronometer thiên văn) có vỏ từ vàng hồng 18k – tất cả vỏ, núm, cọc giờ và mặt số đều là vàng, và rõ ràng đây là một chiếc đồng hồ tuyệt đẹp.

Những chiếc đồng hồ bấm giờ đạt chứng nhận Chronometer thiên văn đánh dấu một gian đoạn lịch sử chế tạo đồng hồ tuy ngắn ngủi nhưng lại vô cùng hấp dẫn. Sau khi bị đình chỉ, thì tới năm 2009 nó đã trở lại. Được tổ chức nhằm tôn vinh các giá trị tuyệt vời cho kĩ nghệ chế tạo đồng hồ Thụy Sỹ, với các thành phần bao gồm chính phủ bang Neuchatel, viện COSC, và trạm quan sát thiên văn Besancon. Cuộc thi có tên ” Biennial Concours International de chronometrie” hoặc ” international Chronometry Competition”, với mục đích cao quý là tiếp nối truyền thống của các cuộc thi xưa kia thời thế kỉ 19 và 20, không chỉ đối với máy đồng hồ, mà còn dành cho cả một chiếc đồng hồ hoàn chỉnh tới tay người tiêu dùng.

Nhưng, điều buồn cười là trong số các quy tắc của cuộc thi, liên quan đến xuất xứ của chiếc đồng hồ, có ghi rõ ” tất cả các thành phần sử dụng để tạo nên một cỗ máy phải được thực hiện ở Châu Âu” ( thật là vãi cả cao thượng của mấy anh da trắng) .

BẢNG ĐIỂM VÀ THỨ HẠNG CÁC HÃNG ĐỒNG HỒ TẠI ĐÀI QUAN SÁT NEUCHATEL TỪ 1945 ĐẾN 1967

Ngay bên dưới đây, sẽ là link của toàn bộ các hãng đồng hồ, cùng các cỗ máy đã đem đi dự thi và đạt chứng nhận Chronometer tại trạm thiên văn Neuchatel, từ năm 1945 đến 1967, với tất cả 3356 cỗ máy đồng hồ. Bảng cơ sở dữ liệu này được tổng hợp bởi tiến sĩ Christian Muller, một bác sĩ y khoa ở Đức nhưng có niềm đam mê về đồng hồ. Có thể nói, đây là một cơ sở dữ liệu chi tiết và chưa từng có từ xưa đến nay, giúp làm sáng tỏ bản chất về sức mạnh của các hãng trong thời kì xưa, cũng như đem tới cho người đọc những nhận định tuyệt vời về một thời kì trỗi dậy mạnh mẽ của đồng hồ Nhật Bản trước Châu Âu nói chung và Thụy sỹ nói riêng, anh em click vào link dưới để xem, lưu ý là điểm càng thấp thì thứ hạng càng cao.

                                   http://www.observatory.watch/index.html

3/5 - (2 bình chọn)