* biên dịch bởi Lê Hoàng Thạch*
Trong phần thứ 2, chúng ta đã tập trung vào sự gia tăng về chất lượng, cũng như sự phổ biến của đồng hồ Thụy Sỹ. Vào cuối thế chiến 2, đồng hồ Thụy Sỹ đã chiếm lĩnh thị trường toàn cầu, chúng được biết đến như những chiếc đồng hồ chất lượng và tốt nhất, nhờ được sử dụng trong quân đội thời thế chiến 2, rất nhiều người đàn ông trở về nhà với một chiếc đồng hồ Thụy Sỹ.
Bất chấp nhận thức về đồng hồ đeo tay thời trước thế chiến, những cựu quân nhân cho rằng đây là thứ vật phẩm đáng tự hào thời hậu chiến. Tuy nhiên, liệu Thụy Sỹ có thể chiếm lĩnh thị trường mãi được hay không, chúng ta sẽ cùng theo dõi phần 3 của loạt bài này!
SAU CHIẾN TRANH : SỰ THỐNG TRỊ CỦA ĐỒNG HỒ THỤY SỸ
Nhu cầu mua bán đồng hồ Thụy Sỹ đã tăng cao sau thế chiến 2, do chính sách trung lập trong chiến tranh, nên nền công nghiệp sản xuất của họ không bị buộc phải hỗ trợ cho bất kì nỗ lực chiến tranh của phe nào, nó thuộc về các đối thủ của họ như Mĩ và Nhật Bản.
Cuộc tấn công lớn nhất của các nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sỹ, đó chính là đưa sản phẩm đánh vào thị trường Mĩ ngay trong thời chiến. Thị trường khổng lồ này đã được các nhà sản xuất nhắm tới cách đó nhiều năm trước, nhưng không thành công do các sản phẩm nội địa Mĩ có chất lượng rất tốt. Nhưng khi chiến tranh nổ ra, các nhà sản xuất nội địa bị buộc phải chuyển qua làm kíp nổ bom và đồng hồ Chronograph, người Thụy Sỹ đã có thể len chân vào đây.
Khi chiến tranh chấm dứt, các nhà sản xuất đồng hồ Mĩ cần phải có thời guan để có thể quay trở lại sản xuất đồng hồ, chính lúc này, phía Thụy Sỹ đã tận dụng triệt để lợi thế, bởi mọi người đều có tiền, và trong chiến tranh họ chẳng thể tiêu tiền – và ngay lúc này họ đang muốn vung tiền ra mua hàng !
Vì Không vấp phải sự cạnh tranh nào đáng kể, nên các nhà sản xuất Thụy Sỹ đã chiếm lĩnh 50% thị trường đồng hồ toàn cầu. Các nhà sản xuất Mĩ và Nhật Bản phải chật vật tìm cách giành lại quyền kiểm soát thị trường đồng hồ, nhưng họ sẽ cần một cái gì đó thật lớn lao để có thể làm điều đó.
KHỦNG HOẢNG THẠCH ANH
Có một câu chuyện thường được lan truyền, là người Thụy Sỹ đã ngủ quên trên đỉnh vinh quang và bỏ bê việc đổi mới, nhưng điều này có vẻ không đúng lắm. Các nhà sản xuất đồng hồ Thụy đã cố gắng áp dụng công nghệ mới trong những năm 50-60 , mặc dù vẫn phải thừa nhận là không nhiều như họ từng làm trước đây.
Những nỗ lực thay đổi công nghệ đầy tiên được áp dụng cho những loại đồng hồ điện-cơ, với ổ cót được thay thế bằng pin, sản xuất vào thập niên 1950. Những chiếc đồng hồ nguyên mẫu đầu tiên được sản xuất bởi liên doanh Elgin của Mĩ, và công ty đồng hồ Lip của Pháp. Hãng Hamilton đã bán ra chiếc đồng hồ cơ điện đầu tiên ra thị trường vào năm 1957, có tên là Hamilton 500. Bên cạnh đó, một hãng khác của Mĩ là Bulova cũng đã phát triển một loại đồng hồ điện từ năm 1954, nó đi theo hướng sử dụng âm thoa tích điện, năng lượng cung cấp bởi pin. Tên của nó là Accutron và cha đẻ là người Thụy Sỹ, tiến sĩ Max Hetzel.
hamilton 500
bulova accutron
Những bước tiến nhỏ của người Mĩ đã thúc đẩy Trung tâm CEH của Thụy Sỹ – một liên minh nhiều hãng đồng hồ nhằm phát triển công nghệ đồng hồ thạch anh, và Seiko cũng bắt đầu những nỗ lực tạo ra thế hệ đồng hồ quartz. Người ta hi vọng rằng, động thái hướng tới công nghệ thạch anh sẽ trở thành kim chỉ nam cho toàn ngành công nghiệp đồng hồ. Seiko đã phát triển thành công chiếc Seiko Crystal Chronometer QC-951, nó được sử dụng như máy đo thời gian dự phòng trong cuộc đua marathon ở thế vận hội tokyo 1964.
Cho tới năm 1969, Seiko đã thành công khi tung ra chiếc đồng hồ thạch anh đeo tay đầu tiên thế giới, có tên là Seiko Astron. Người Thụy Sỹ đi sau một chút, khi họ cũng theo chân người Nhật vào năm 1970, nó có tên là Ebauches SA Beta 21, nhưng vấn đề nằm ở chỗ, nó không thể làm vừa lòng công chúng như kì vọng ban đầu. Thay vì nắm lấy công nghệ mới, hoặc nỗ lực hết mình cho công tác tiếp thị, người Thụy Sỹ lại quay trở về cách làm truyền thống! Tại thời điểm đó, sự đổi mới gần như đã chững lại hoàn toàn, khi các nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sỹ tin rằng : truyền thống là cách duy nhất để thành công.
Chính những suy nghĩ này đã tàn phá nền công nghiệp đồng hồ Thụy Sỹ. Sau khi seiko bắn phát súng đầu tiên với Astron, cuộc cách mạng đã bắt đầu. Các nhà sản xuất ở Mĩ và Nhật Bản đã nắm lấy công nghệ thạch anh, và liên tục tinh chỉnh vả cải tiến nó.
Chi phí sản xuất rẻ hơn đã làm giảm đáng kể giá bán của đồng hồ, cho phép sản xuất ra những chiếc đồng hồ rất vừa túi tiền. Sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ ở thập niên 1970, khiến cho nền kinh tế thị trường bị rung chuyển. Người ta đã ý thức hơn về giá trị của đồng tiền, và những chiếc đồng hồ thạch anh giá rẻ đến từ Nhật, Mĩ trở nên hấp dẫn hơn đồng hồ cơ khí Thụy Sỹ đắt tiền.
một vài chiếc quartz thụy sỹ thời kì này! chúng khá là thảm hại!
Trong vòng 10 năm, xuất khẩu đồng hồ Thụy Sỹ bị suy giảm đáng kể, năm 1973 họ xuất đi 40 triệu chiếc, nhưng đến năm 1983 chỉ còn lại 3 triệu! Nhiều nhà sản xuất nổi tiếng bị dừng hoạt động, nhân công cũng tụt giảm không phanh trong 18 năm, từ 1970-1988, số nhân công đã mất tới 2/3 : giảm từ 90.000 còn 28.000.
GIẢI CỨU NGÀNH CÔNG NGHIỆP ĐỒNG HỒ THỤY SỸ
Đến năm 1983, rõ ràng là phải cần làm gì đó để cứu ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sỹ, một tập đoàn đồng hồ lớn đã được hình thành, và giải pháp của họ có tên là SWATCH : một chiếc đồng hồ giá rẻ làm bằng nhựa, dùng một lần. Hơn 2,5 triệu chiếc Swatch đã được bán ra thị trường trong vòng 2 năm, giúp Thụy Sỹ lấy lại được một phần quan trọng thị trường đã mất, nó cũng là khởi đầu cho sự hồi sinh cho một ngành công nghiệp đang gặp khó khăn.
nicolas hayek-người đứng đầu swatch khi đó
Ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sỹ lúc này đã bị teo nhỏ đi nhiều so với thời điểm trước khủng hoảng thạch anh, với nhiều nhà sản xuất tập trung vào thị trường cực kì cao cấp. Những nhà sản xuất như Rolex hay Patek không quan tâm đến việc bán đồng hồ giá rẻ sản xuất hàng loạt, họ chỉ bán những chiếc có giá rất đắt.
Các nhà sản xuất khác lại tập trung vào thị trường tầm trung, giá bán lẻ từ 500 – 1000 đô la, nhưng nó không rẻ được như Swatch hay đồng hồ Nhật Bản. Swatch là công cụ cứu cánh cho ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sỹ, và nó giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng thạch anh. Nếu không có chiếc đồng hồ này, thì rất có thể ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sỹ đã bị lụi tàn.
THỤY SỸ VS NHẬT BẢN
Trong hơn 3 thập kỉ sau đó, hai nền công nghiệp đồng hồ đã chiến đầu vì uy quyền, như họ đã từng làm trước thời thế chiến 2. Một trong những thay đổi lớn nhất sau cuộc khủng hoảng thạch anh là nơi sản xuất. Trước khủng hoảng thạch anh, hầu hết đồng hồ được tạo ra ở Thụy Sỹ, nhưng sau đó đã dịch chuyển sang vùng Viễn Đông. Ngay cả với luật Swiss made mới mạnh mẽ hơn, thì vài thành phần của một chiếc đồng hồ, có đóng mác Swiss Made vẫn sản xuất tại Viễn Đông.
Trong năm 2014 ( năm ra đời bài viết này), theo Statisticbrain.com, thị phần của ngành đồng hồ Thụy Sỹ có giá trị 54%, mặc dù có sự phục hồi đáng kinh ngạc này, thì nó vẫn phải đối mặt với một thách thức khác, mà đang được dự đoán sẽ gây ra cuộc khủng hoảng thạch anh lần 2.
SỰ TRỖI DẬY CỦA ĐỒNG HỒ THÔNG MINH
Seiko và Casio là một vài nhà sản xuất đã cố gắng cho ra đời những mẫu sản phẩm, mà có thể tạm gọi là đồng hồ thông minh vào những năm 1990. Hãng Samsung đã phát triển một chiếc điện thoại lai đồng hồ đeo tay vào năm 1999, và hãng IBM đã tạo ra Watchpad vào năm 2000 ( đồng hồ Linux), nhưng ý tưởng về một chiếc đồng hồ thông minh đã không thực sự cất cánh, cho tới khi cuộc cách mạng Smart phone ập tới.
Cho tới năm 2013, những chiếc đồng hồ thông minh chất lượng bắt đầu được tung ồ ạt ra thị trường, như Samsung Galaxy Gear, Sony Smartwatch 2, hay Pebble. Và điểm đáng nói là chẳng có một cái tên nào nổi trội đến từ Thụy Sỹ.
Có rất nhiều tin đồn tập trung vào chiếc đồng hồ đến từ Apple, kẻ đang thống trị ngành công nghiệp điện thoại thông minh, trong thời gian này, đã có cơ hội dành cho các nhà sản xuất Thụy Sỹ đi trước Apple, nhưng nó đã không xảy ra. Năm 2014, Apple Watch đã được công bố để bán vào năm 2015, và ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sỹ bắt đầu lo lắng.
Rất may là các nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sỹ đã phản ứng nhanh hơn nhiều so với khủng hoảng thạch anh, Mondaine, Tag Heuer và một số nhà sản xuất khác đã nhanh chóng phản ứng với những chiếc Smartwatch của riêng họ, và cho tới nay vẫn chưa bị tổn thương bởi cuộc cách mạng Smartwatch.
Trong vài năm tới, chúng ta sẽ thấy cuộc cách mạng Smartwatch sẽ thay đổi ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sỹ như thế nào.
Ps : năm nay đồng hồ Applewatch với doanh số 31 triệu chiếc đã vượt qua doanh số đồng hồ Thụy Sỹ. Tương lai rất là khó khăn đây