Lịch tuần trăng Moonphase là một tính năng hữu dụng, nhưng chưa thực dụng, tuy nhiên lại rất được yêu thích trên đồng hồ. Bởi nó làm tăng tính thẩm mĩ của chiếc đồng hồ cũng như được xem là một món ” ăn chơi ” dành cho tín đồ sành chơi. Ngay bên dưới mặt số đồng hồ, các nhà chế tạo vẫn đang ngày đêm cải biến tính năng biểu tượng này, khiến nó càng ngày càng trở nên chính xác và phức tạp hơn.
Có nhiều phiên bản khác nhau của tháng âm lịch, nhưng điều quan trọng nhất với các nhà chế tác, là ” tháng giao hội” – Synodic Month. ( hay còn gọi là tháng âm lịch – anh em lưu ý là âm lịch nó có mấy loại tháng nhé), và chu kì có thể nhìn thấy của các giai đoạn mặt trăng. Độ dài trung bình của nó là 29,530587981 ngày, tức 29 ngày 12 giờ 44 phút 2.80 giây. Hầu hết các đồng hồ moonphase loại thường có bánh xe chứa 59 bánh răng ( 2×29.5 ngày). Mỗi bánh răng nhích lên tương ứng 1 ngày, cùng lúc đó sẽ có 2 mặt trăng truyền thống xuất hiện luân phiên nhau, trên cùng một ô cửa sổ – đó chính là tính năng moonphase.
Các cơ chế thường thấy đều phải tùy chỉnh 1 ngày sau khoảng thời gian 2 năm rưỡi. Tính toán pha mặt trăng càng gần với mức độ trung bình của âm lịch thì sẽ càng chính xác. Với các cơ chế ngày càng tinh vi, tỉ số truyền sẽ làm tăng độ chính xác lên nhiều : chỉ phải điều chỉnh 1 ngày sau khoảng thời gian 1 thế kỉ, một thiên niên kỉ hay thậm chí là cả triệu năm!
Bên dưới đây là chiếc A.lange & Sohne Richard Lang Terraluna L096.1. Chỉ báo lịch tuần trăng của nó cần phải được điều chỉnh một ngày sau mỗi 1.058 năm, mặt trăng cũng sẽ hoàn thành quỹ đạo quanh một đĩa mô tả trái đất mỗi lần trong 1 ngày.
Nhiều nhà chế tác khác cũng đã cố gắng nâng mức độ chính xác của Moonphase, chẳng hạn như Christiaan Van Der Klaauw, với một mặt trăng mô tả thật – Real Moon. Nó sở hữu một chỉ báo mặt trăng 3D với sai lệch chỉ một ngày sau mỗi 11.000 năm. Đây cũng là pha mặt trăng dạng 3D chính xác nhất trên thế giới từng được tích hợp trong một chiếc đồng hồ cơ khí.
Sau đó, một thương hiệu độc lập, và khá độc đáo là Ochs Und Junior đã chế tạo ra chiếc đồng hồ Moonphase chính xác tới 3478,27 năm tới. Nó chắc chắn không phải là chiếc Moonphase chính xác nhất, nhưng cần phải xét tới việc chiếc đồng hồ này áp dụng một hệ thống bánh răng tuần hoàn chỉ có 5 phần ( dạng cơ chế mới).
Và ngay sau đây, có lẽ là ” trùm cuối” nhà Moonphase : Sauterelle À Perpétuelle 2M được tạo ra bởi nhà chế tác đồng hồ độc lập Andreas Strehler vào năm 2015. Cho tới nay, nó là chiếc đồng hồ đeo tay Moonphase chính xác nhất thế giới trong toàn bộ lịch sử chế tạo đồng hồ cơ khí đeo tay : chỉ cần điều chỉnh một ngày sau 2,060 triệu năm. Dựa trên tính toán tỉ lệ của giáo sư Robert Baggenstos, Andreas Strehler đã thiết kế bộ bánh răng Gear Train hoàn toàn mới cho chiếc 2M – một sự kết hợp rất tuyệt vời.
Ngay sau đó, Andreas Strehler tiếp tục cho ra mắt chiếc đồng hồ cơ khí mới, Luna Exacte. Nó không chính xác hơn về mặt cơ học, nhưng chính xác hơn về mặt hiệu chỉnh. Cũng giống như đồng hồ, pha mặt trăng rất khó để đọc chuẩn xác ngoại trừ trăng mới và trăng tròn. Người đeo đồng hồ phải tự phán đoán tuổi trăng. Nhưng ở đây, chiếc đồng hồ này có một thang đo trên mặt số, cho phép cài đặt mặt trăng trong 3 giờ gần nhất, bằng thang đo Vernier.
BẮC VÀ NAM BÁN CẦU
Những người ở Bán cầu khác nhau sẽ nhìn thấy mặt trăng theo cách khác nhau. Ví dụ có thời điểm, ở bắc bán cầu nhìn thấy mặt trăng hình chữ D, thì nam bán cầu lại nhìn thấy mặt trăng hình chữ C. Chỉ có trăng tròn và trăng mới thì giống nhau ở cả hai phía đường xích đạo.
Hầu hết các đồng hồ hiển thị mặt trăng quan sát được ở bán cầu bắc. Tuy nhiên, một số nhà chế tác đồng hồ đã phát triển những chiếc đồng hồ với biểu tượng Moonphase ở cả 2 bán cầu – như IWC lịch vạn niên hoặc gần đây là Arnold & Son Double Hermisphere Perpetual Moon.