* biên dịch bởi Lê Hoàng Thạch từ Monochrome*
Bắt đầu từ năm 2009, với sự ra đời của máy Carl F.Bucherer Calibre A1000, bộ phận bánh đà lên cót ngoại biên đã ngày càng trở nên chất lượng lượng hơn. Giải pháp thông minh này biến bánh lắc lên cót thành một bộ phận hình khuyên, được gắn và xoay quanh cỗ máy thay vì gắn ở một phía. Cơ chế này giúp cho cỗ máy không bị che lấp và giúp bạn có thể quan sát đầy đủ vẻ đẹp của nó. Bên cạnh đó, bánh đà lên cót ngoại biên cũng giúp cho các nhà chế tạo đồng hồ, có thể thiết kế ra những chiếc đồng hồ tự động lên dây mỏng hơn, bỏ bớt đi độ dày của nó so với bản cũ.
CFB A1000 của Carl F. Bucherer tung ra Năm 2009, đây là cỗ máy đầu tiên có bánh lắc lên cót ngoại biên được sản xuất trên quy mô lớn.
THẬP NIÊN 1950 – NHỮNG NỖ LỰC ĐẦU TIÊN.
khi nhắc về những đặc điểm nhận diện đặc trưng của dạng bánh lắc lên cót ngoại biên, khi so sánh với các dạng bánh lắc khác như bánh lắc tự động tiêu chuẩn, hoặc bánh lắc cúc áo micro rotor, ta cần chú ý vấn đề sau : đầu tiên là cách bố trí, bánh lắc lên cót ngoại biên được bố trí nằm hẳn bên ngoài rìa cỗ máy, có kết cấu hình tròn, phía trên có gắn con nặng bằng 1/2 hình tròn, nó tách biệt hẳn với các cơ cấu cơ học khác của cỗ máy. Lợi thế của nó chính là khả năng phô bày gần như toàn bộ kết cấu cơ học vận hành, cùng với đó là giảm tối đa độ dày, khiến cho đồng hồ có thể đạt tới mức cực kì mỏng manh.
Ý tưởng về việc lên dây cót ở vùng ngoại vi cỗ máy vốn không hề mới, chúng ta sẽ tham khảo một bằng sáng chế được đăng kí vào tháng 6 năm 1955 bởi Paul Gosteli Geneve ( hình dưới) mô tả một hệ thống lên dây cót, với đặc trưng sử dụng bánh lắc hình khuyên bao quanh. ngay trong bức ảnh này, các bạn có thể nhận thấy rõ các đặc điểm đặc trưng của dạng bánh lắc này. đây cũng chính là mốc thời gian đầu tiên mà các nhà sử học xác nhận dành cho loại cơ chế bánh lắc này.
bánh lắc ngoại biên – bằng sáng chế N ° 322325, bởi Paul Gosteli
Tương tự như vậy, khoảng 10 năm sau, hãng Patek Philippe cũng đã áp dụng một bằng sáng chế cho một cỗ máy tự động lên cót ( số 548.213, nộp ngày 15-6-1965, công bố tháng 2 năm 1968), nó sử dụng một bánh lắc hình khuyên, toàn bộ cơ chế lên cót được bố trí bên ngoài xung quanh cỗ máy. Patek đã sản xuất nó dưới cái tên Calibre 350. Do những thách thức về mặt kĩ thuật : không thể áp dụng thân vỏ và núm chỉnh giờ truyền thống do bánh lắc nằm ở vị trí bao ngoài. Do đó, buộc họ phải đưa núm chỉnh giờ sang mặt bên. ( phía sau đồng hồ). Sau khi nộp bằng sáng chế cho bộ máy tự lên dây cót vào năm 1965, Patek Philippe đã theo đuổi dự án của mình trong nhiều năm. Năm 1969, hãng ra mắt đồng hồ với máy cal. 350. Năm 1979, một phiên bản cải tiến, cal. I-350. mã máy I-350 được sản xuất với số lượng khoảng 10.000 chiếc.
những chiếc đồng hồ sử dụng bánh lắc lên cót ngoại biên của Patek thời kì này là một sự đột phá, nhưng điều đáng tiếc là nó ra đời trong thời điểm mà nền công nghiệp đồng hồ thuỵ sỹ đang bị điêu đứng, cơn sốt đồng hồ thạch anh đã đẩy những chiếc đồng hồ cơ học truyền thống đi vào ngõ cụt. thứ hai, cỗ máy này cũng có quá nhiều nhược điểm, phần núm vặn buộc phải đưa ra phía sau, dẫn tới sự cố hấp hơi nước từ cổ tay lọt vào thông qua núm chỉnh, tiếp đó là rào cản kĩ thuật thời đó, đã khiến phần lên cót bị gặp vấn đề , bằng chứng là cỗ máy 350 ban đầu có thể lên cót hai chiều nhưng sau đó buộc phải cải lùi bằng cách chỉ lên cót được một chiều để tránh hỏng hóc. năm 1985, những cỗ máy này bị Patek chấm dứt sản xuất.
2009 – SỰ TRỞ LẠI CÙNG VỚI CARL F.BUCHERER ( CFB)
CFB chắc chắn sẽ phải được xem là ” công thần” trong việc tái sử dụng cơ chế này vào thời hiện đại kể từ 2009. Năm 2007, hãng Carl F Bucherer đã mua lại Téchniques Horlogères Appliquées – một đơn vị độc lập chuyên thiết kế máy đồng hồ tại Thuỵ Sỹ. Hãng Bucherer đã mất tới 3 năm để phát triển cơ chế máy tự động độc đáo này, và cuối cùng thì họ đã thành công. Nhờ một giải pháp kĩ thuật hiệu quả và tiện lợi, bao gồm một bộ núm chỉnh dạng thân cây truyền thống đặt ở vị trí 3 giờ. Nguyên lý mà hãng áp dụng, là sử dụng ba con lăn nhỏ được phủ DLC, kèm theo các vòng bi trợ lực bằng vật liệu Ceramic để điều khiển bánh lắc ngoại biên. Bộ vòng bi trợ lực này không cần bôi trơn và có khả năng lên dây hai chiều. Điểm thành công của hãng Carl F Bucherer đó chính là họ đã tuỳ chỉnh cỗ máy ở mức rất hoàn hảo , đây là một dạng máy mô đun, hãng hoàn toàn có thể lắp đặt thêm các cơ chế khác vào bổ sung nếu họ muốn, kèm theo đó là việc bố trí núm chỉnh giờ vẫn được đặt ở hông phải truyền thống, tránh sự cố hấp hơi nước như hãng Patek đã gặp phải. Khả năng trữ cót của cỗ máy khá ấn tượng, lên tới 55 giờ, đi cùng với hai bộ giảm chấn incabloc giúp cỗ máy chống chọi tốt hơn với các cú va đập.
Carl F.Bucherer đã áp dụng cơ chế thông minh này lần đầu tiên trên máy A1000 calibre vào năm 2009, và sau đó là trên máy A2000 Calibre vào năm 2016 ( bản nâng cấp của A1000) và gần đây nhất là trên máy T3000 với bộ điều chỉnh Tourbillon ngoại biên vào năm 2018. Tất cả đều đều được thiết kế và sản xuất hoàn toàn In-house, tại Lengnau. Lịch sử hiện đại chính thức ghi nhận công lao to lớn này của hãng, và cũng từ đây, cơ chế này đã được lọt vào mắt xanh của những ông lớn sừng sỏ trong giới chế tạo đồng hồ, trở thành công cụ hữu ích cho họ khai thác.
ÁP DỤNG TẠI CÁC HÃNG ĐỒNG HỒ KHÁC
Từ ý tưởng của Carl F.Bucherer, một số nhãn hiệu khác đã bắt đầu áp dụng bánh đà lên cót ngoại biên trên những cỗ máy của họ trong những năm gần đây. Chẳng hạn như Dewitt, Vacheron Constantin, Breguet hoặc Audemars Piguet.
chỉ một năm sau khi cal A.1000 ra mắt, hãng đồng hồ cao cấp Dewitt, đã theo gót Bucherer tung ra một cỗ máy có sử dụng bánh lắc lên cót ngoại biên cực kì phức tạp có tên là DW 8014 cho dòng đồng hồ twenty 8 eight . Cỗ máy này có kết cấu bao gồm một cỗ tourbillon, cơ chế Deadbeat khiến kim giây giật từng nhịp như đồng hồ thạch anh, hãng đồng thời cũng phát triển cơ chế lên dây cót tuần tự tự động độc quyền, đảm bảo phân phối năng lượng đồng đều và hiệu quả, từ 92 đến 95 % sức mạnh dây cót chính. Có thể nói sự ra đời của cỗ máy phức tạp DW 8014 trong năm 2010 đã khẳng định vị thế của bánh lắc lên cót ngoại biên trên những chiếc đồng hồ cơ học cao và siêu cấp.
tính phô trương và hiệu quả của bánh lắc lên cót ngoại biên đã được các ông lớn để mắt tới. Năm 2011, hãng AP lừng danh đã chính thức cho ra mắt chiếc đồng hồ Royal Oak Offshore Tourbillon Chronograph, với cỗ máy bên trong có tên là Calibre 2897. Đây là một cỗ máy cực kì phức tạp và tinh xảo, có sở hữu tính năng bấm giờ và tourbillon. và tất nhiên, để có thể phô bày ra cỗ máy bên trong một cách đầy đủ và tráng lệ nhất, cơ chế bánh lắc lên cót ngoại biên đã được áp dụng, đem tới khả năng trữ cót 65 giờ. chiếc đồng hồ được bán với giá rất cao, lên tới 300.000 usd.
nối tiếp AP, một trong những hãng lớn và quan trọng khác là Breguet, đã tung ra chiếc đồng hồ Tourbillon siêu mỏng vào năm 2014 có tên Breguet Classique Tourbillon Extra-Thin Automatic 5377. Nó cực kì cổ điển theo trường phái riêng nhà Breguet, cực kì tinh xảo với hàm lượng thủ công cao. mỏng chỉ 7mm và trở thành một trong những chiếc đồng hồ tự động có gắn Tourbillon mỏng nhất thế giới. Điều đặc biệt giúp cho cỗ máy lẫn đồng hồ đạt được độ mỏng như vậy, chắc chắn phải nhắc đến cơ chế bánh lắc lên cót ngoại biên được gắn trên nó, và vô tình, Breguet đã gợi mở ra một cuộc chiến khốc liệt về thu mỏng kích thước cho các hãng khác, với giải pháp rất rõ ràng từ cơ chế bánh lắc.
Những bánh đà lên cót ngoại biên là công cụ tuyệt vời để tạo ra những cỗ máy đồng hồ siêu mỏng đến mức kỉ lục. Cuối năm 2017, Piaget đã trở thành kẻ nắm giữ kỉ lục thế giới về chiếc đồng hồ tự động mỏng nhất. Được trang bị cỗ máy 910P, bánh lắc lên cót có thể được nhìn thấy thông qua mặt số, chiếc Altiplano Ultimate Automatic chỉ dày đúng 4.3mm. Bánh lắc lên cót được gắn bao quanh cỗ máy và gắn vào nắp đáy đồng hồ – một trong nhiều giải pháp giúp tiết kiệm không gian bên trong.
Chỉ vài tháng sau đó, BVLGARI đã lập hai kỉ lục trong một chiếc đồng hồ duy nhất : Octo Finissimo Automatic Tourbillon – chiếc đồng hồ tự động mỏng nhất và Tourbillon mỏng nhất với độ dày 3.95mm. Nhờ có bánh đà lên cót ngoại biên, cỗ máy tự động này chỉ có độ dày chỉ tương đương với một cỗ máy lên cót bằng tay. Tuy nhiên, Bvlgari đã phải bổ sung một núm đẩy tại góc 4 giờ để có thể chỉnh giờ hoặc lên dây tay cho đồng hồ.
Cuối cùng, nhưng cũng không kém phần quan trọng, hãng Cartier đã khởi xướng nên một ứng dụng thú vị khác đậm chất nghệ thuật. Hãng đã sử dụng bánh lắc ngoại biên làm vật trang trí, kết nối với hình chạm khắc hai đầu con báo bên trong cỗ máy Calibre 9603 MC. Mỗi lần lắc cổ tay là các biểu tượng di chuyển một cách độc đáo. Chiếc đồng hồ có tên là Rencontre De Pentheres, giới thiệu tại triển lãm SIHH 2018.
KẾT LUẬN
Bánh đà lên cót ngoại biên chắc chắn là một trong những cải tiến lớn gần đây nhất dành cho cơ chế tự động. Trong khi bánh lắc lên cót cỡ nhỏ micro-rotor và bánh đà lên cót trung tâm đã được sử dụng rộng rãi từ những năm thập niên 1950, thì loại cơ chế này mới chỉ phổ biến gần đây. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nhãn hiệu sử dụng giải pháp đẳng cấp và kĩ thuật này cho đồng hồ của họ. Nó kết hợp được nhiều ưu điểm : độ mỏng, lên dây hiệu quả, không che khuất tầm nhìn về cỗ máy, chính vì những lợi thế trên mà việc áp dụng phổ biến cơ chế này là rất hợp lý. Tất nhiên, việc sản xuất đại trà có vẻ sẽ cần thời gian, bởi chúng ta sẽ phải chờ đợi một đơn vị lớn, ví dụ như ETA hay Sellita nhảy vào cuộc, đem theo tiềm lực khổng lồ cùng với kinh nghiệm, các mối quan hệ đối tác sâu rộng để có thể biến sự khác thường thành những điều bình thường. Chúng ta sẽ cùng chờ đợi.