” biên dịch bởi Lê Hoàng Thạch”

Đồng hồ cơ khí gần như đã biến mất trong màn sương của lịch sử. Nhưng không phải như vậy….

Phần một của câu chuyện 2 phần này ( phần đầu bao gồm 2 bài trước) đã kết thúc vào tháng 4 năm 1989, khi Dennis Miller của tờ Saturday Night Live đưa ra những thông tin cập nhật cuối tuần của anh ta về một chiếc đồng hồ cơ khí mới của Thụy Sĩ, vừa được bán ra với giá hơn 3 triệu đô la.

Patek Philippe Calibre 89, sản phẩm được tạo ra dành cho lễ kỉ niệm 150 năm thành lập công ty, là một điều kì diệu về mặt cơ học trên toàn thế giới, bởi số lượng các tính năng bổ sung ( complication) kinh khủng – 33 và một cái giá đáng nể.

Nó cũng là một lời nhắc nhở nổi bật về sức mạnh đáng chú ý của đồng hồ cơ khí ( và chiếc đồng hồ này cũng sở hữu 4 tính năng đánh chuông ). Hai mươi năm trong kỉ nguyên đồng hồ thạch anh, đồng hồ cơ khí vẫn không chết ( sự sụp đổ của nó được coi là điều chắc chắn trong những năm 1970), mà còn trở lại cuộc chơi, không hề tệ cho một công nghệ già cỗi tới 500 năm tuổi.

Đồng hồ cơ đã tạo ra một hiện tượng hồi sinh tuần hoàn trên thị trường, tôi đã có một báo cáo vào mùa xuân năm 1990, nó là thời kì phục hưng của Thụy Sĩ, xuất khẩu đồng hồ cơ khí tăng 44% trong 2 năm qua, đạt 1.5 tỷ đô la. Chiếm tới 39% doanh số xuất khẩu của Thụy Sỹ. Patek Philippe Rolex, những kẻ đã tạo ra các cỗ máy cơ học cho riêng mình, đã gia tăng kỉ lục khả năng tiếp thị uy tín, giá trị và sự hiếm có của kĩ nghệ thủ công Thụy Sỹ truyền thống. Và bây giờ thì những người khác đang đi theo sự dẫn dắt của họ. Một điệp khúc của máy móc đời mới đã ghi dấu tại hội chợ Basel Năm này, với nhiều thương hiệu lần đầu tiên trình diễn các cỗ máy cơ học ở mọi cấp độ. Sự hồi sinh của cơ khí thậm chí đã ảnh hưởng tới thị trường, SMH ( Swatch ngày nay) đã có kế hoạch ra mắt một chiếc Swatch cơ học trong năm đó.

Swatch automatic, một chiếc đồng hồ bằng nhựa trị giá 85 đô la với cỗ máy tự động ETA, xuất hiện vào năm 1991 chứ không phải 1990, và cỗ máy này cũng không được chuyển ra thị trường ( ám chỉ các thị trường đồng hồ trọng điểm), cũng không phải là dành cho thị trường thế giới thứ 3 ( các nước kém phát triển hơn), nơi đồng hồ thạch anh vẫn còn khan hiếm do hạn chế về pin đồng hồ. Lý do thực sự, mà sau đó Hayek nói với tôi, là ông ấy muốn thúc đẩy sản xuất dây tóc tại cơ sở Nivarox, nhà cung cấp dây tóc duy nhất cho ngành công nghiệp. Số lượng đồng hồ cơ khí trong năm 1990 vẫn còn rất nhỏ, không quá 2 triệu chiếc. Nếu cơ khí quay trở lại, Hayek muốn một khối lượng lớn hơn và quy mô kinh tế tốt hơn cho bộ phận rất quan trọng trong cỗ máy này, bằng bất cứ giá nào.

Để rõ ràng hơn, câu chuyện lớn tại hội chợ Basel năm 1990 không phải là cơ khí, mà đó là chiến thắng của Thụy Sỹ trong mảng đồng hồ thạch anh. Công nghệ thạch anh lúc này vẫn đang thống trị thế giới, và Thụy Sỹ đã làm chủ được nó với một thế hệ anh hùng mới. Hãng Movado, thuộc sở hữu của Gerry Grinberg của Mỹ, đã gia tăng từ 2 triệu đô la doanh thu năm 1983 lên 70 triệu đô trong năm 1989, sản lượng đồng hồ thạch anh của Raymond Weil đã tăng 76% trong 2 năm trước, doanh thu năm 1989 đạt 90 triệu đô la. Severin Wunderman, người được cấp giấy phép sản xuất đồng hồ Gucci đã tăng gấp đôi doanh số, trong hai năm kể từ 1983 để đạt được mức 331 triệu đô la. Những lo ngại vào đầu năm 1980 rằng người Thụy Sỹ sẽ trở thành chư hầu của người Nhật vì những vấp ngã của họ trong khủng hoảng thạch anh đã trôi qua.

Lúc này, đồng hồ cơ khí bắt đầu cất cánh, để giới thiệu chúng, trong một động thái đặc biệt , ban quản lý hội chợ Basel đã cho phép nhà đấu giá đồng hồ Osvaldo Patrizzi tổ chức đấu giá 400 chiếc trong phòng khiêu vũ Grosser Festsalle, ngay bên trong hội chợ vào năm 1990. Gần 1000 người đã tham dự sự kiện kéo dài 6 giờ này. Thật đáng ngạc nhiên, Patrizzi đã mở phiên đấu giá với 3 chiếc Rolex Daytona từ bộ sưu tập hiện tại, nó bổ sung thêm bằng chứng về cơn sốt đồng hồ bấm giờ đã dẫn tới sự phục hồi đồng hồ cơ khí. Nó vẫn sẽ tiếp nối với sự dẫn đầu của sự ” cuồng” Daytona, Rolex Daytona vẫn đang là cơn sốt, tôi được thông tin vào năm 1992, Garrards, một cơ sở bán trang sức ở Luân Đôn, đã nhận được từ 8-10 yêu cầu cho chiếc đồng hồ này mỗi ngày. Và Garrards đã giao khách hàng : một chiếc Daytona mỗi sáu tháng!

HIỆU ỨNG CALIBRE 89

đầu những năm 1990, một cơn sốt đồng hồ cơ học khác đã xuất hiện : cơn sốt Complication ( tính năng bổ sung cao cấp cho đồng hồ). Ngay sau chiếc Calibre 89 đã xuất hiện hiện một loạt những chiếc đồng hồ đáng ngạc nhiên từ những kẻ tiên phong cơ học ở thập kỉ trước. Những chiếc đồng hồ này có sự kết hợp giữa các Complication và vượt xa đồng hồ Chronograph. Vào năm 1991, hãng IWC đã tiết lộ mẫu đồng hồ đeo tay Grand Complication đầu tiên trên thế giới, có giá lên đến 150.000 đô la. Chỉ trong vòng vài tháng, công ty đã có 350 đơn đặt hàng. Điều đó có nghĩa là, đối với một số người mua, họ phải chờ đợi tới 7 năm.

Năm 1992, hãng Blancpain đã giới thiệu bộ ” 6 kiệt tác nghệ thuật đồng hồ”, đó là một bộ sưu tập đồng hồ phức tạp, theo sau là chiếc 1735, với sự kết hợp của 6 tính năng bổ sung cấp cao trong 1 chiếc đồng hồ. Chiếc 1735 là đồng hồ đeo tay Grand Complication thứ 2 trên thế giới ( đi kèm tính năng bấm giờ chia kim). Blancpain tuyên bố rằng họ sẽ làm được 30 chiếc sau 6 năm với giá 600.000 usd mỗi chiếc, và họ đã bán hết.

Cũng trong năm đó, hãng Ulysse Nardin đã giới thiệu chiếc Jahannes Kepler, chiếc đồng hồ cuối cùng trong series đồng hồ đeo tay thiên văn Trilogy Of Time, bắt đầu với chiếc Astrolabium Galileo Galilei từ năm 1985.

Năm 1993, IWC trở lại với sản phẩm phức tạp hơn. Nó thậm chí còn kì công hơn so với các mẫu Grand Complication, có tên là II Destriero Scafusia ( nghĩa là ” con ngựa chiến từ Schaffausen”). Đây là một mẫu đồng hồ bấm giờ chia kim, điểm chuông tới phút, lịch vạn niên, lịch tuần trăng, tourbillon, và còn nhiều hơn nữa với tổng cộng 21 tính năng bổ sung phức tạp. Có giá bán lên tới 350.000 đô la, sản xuất giới hạn 125 chiếc, bao gồm 750 bộ phận cấu thành.

Nghệ nhân hàng đầu của IWC là Kurt Klaus đã thiết kế cỗ máy từ phần mềm CAD, có sự trợ giúp bởi máy tính tương tự như chúng ta đã thấy với Calibre 89, nó đã mở ra một thế giới mới của vi mô hóa cơ học. Hãng IWC đã giới thiệu công nghệ CAD/CAM vào năm 1988. Trong chuyến thăm IWC năm 1996, tôi đã lưu ý thấy tại bàn của Klaus không có tiếng động ồn ào, anh ấy làm việc với hai chiếc máy tính, hai màn hình, một bảng vẽ điện tử đi kèm bút và máy tính cầm tay. Đây là những công cụ của các bậc thầy đồng hồ ngày nay.

Những chiếc đồng hồ này là đầu tàu cho một làn sóng High Complications với con số ngày càng tăng nhờ sự ham thích của các tay sưu tầm đồng hồ đeo tay. Đến năm 1993, đã có vài lời phàn nàn ở Thụy Sỹ về sự gia tăng của đồng hồ phức tạp. ” chúng tôi cảm thấy bị quá tải”, ngài Philippe Stern, người đứng đầu hãng Patek nói với tôi, ” tất cả các Complication từ Patek đã giảm trong năm qua, chúng tôi quan tâm đến chất lượng chứ không phải số lượng”. Stern cảm thấy khi số lượng tăng lên thì chất lượng đang bị giảm xuống. Với các nhà sưu tập, ông nói rằng không biết phải nghĩ ra sao khi họ phải thấy những chiếc đồng hồ điểm chuông tới phút được bán với giá từ 50.000 đến 500.000 france Thụy Sỹ.

Patek cắt giảm các Complication phức tạp, nhưng ngành công nghiệp thì không. Ngay trong năm sau đó, có tới nửa tá hãng đồng hồ giới thiệu các mẫu Tourbillon, mà sau đó nó nổi lên như một loại tính năng cực hot. Những công ty nào không có lịch sử chế tạo Complication từ trước vẫn có thể có được các cỗ máy Tuorbillon từ các chuyên gia như Christophe Claret ( chuyên gia chế tạo máy đồng hồ). Ví dụ vào năm 1996, Philippe Charriol đã giới thiệu một chiếc đồng hồ Tourbillon có giá 110.000 đô la, cơn sốt Tourbillon đã đến, nó sẽ bùng nổ trong thời gian tới, trong khoảng thời gian từ 2004-2005, đã có tới 117 đồng hồ tourbillon mới được giới thiệu.

Đối với hầu hết người tiêu dùng, công nghệ cơ khí cũ này lại rất mới mẻ. Tại triển lãm SIHH năm 1993 diễn ra tại Geneva, CEO của Cartier, ngài Alain Dominique Perrin đã đưa ra một lời kêu gọi bất thường với các nhà báo, ông yêu cầu họ giúp thông báo cho công chúng, và thậm chí là một số thành viên thương mại, rằng đồng hồ cơ khí khác với đồng hồ thạch anh. “Chúng tôi đã nhận được cuộc gọi phàn nàn của vài người nói rằng, chiếc đồng hồ cơ khí mà họ đả trả tới hàng ngàn đô la này, không hoạt động tốt như những chiếc đồng hồ rẻ tiền của họ”.

GALSHUTTE

Trong khi các diễn biến đang diễn ra ở Thụy Sỹ, ngay bên kia biên giới nước Đức, vượt ra khỏi ánh đèn sân khấu, một sự hồi sinh cơ khí khác đã bắt đầu. Vào ngày 15 tháng 9 năm 1991, 15 nhân viên đầu tiên bắt đầu làm việc tại một công ty đồng hồ mới, Lange Uhren GmbH, tại thị trấn Glashutte ở Sachsen. Một trung tâm đồng hồ cơ khí mới ra đời, hay nói chính xác hơn là tái sinh.

Một năm trước, Đông và Tây Đức hợp nhất, điều đó đã đưa chủ nghĩa tư bản trở lại Đông Đức Cộng sản, và nghề chế tạo đồng hồ quay trở lại Glashutte. Thị trấn này có một lịch sử được coi là trung tâm các ngành chế tạo đồng hồ cơ khí rất tốt của Đức khởi đầu từ 1845. Tuy nhiên dưới thời chính quyền cộng sản, những gì còn sót lại của ngành công nghiệp sau thế chiến 2 đã biến thành một khu tập thể khổng lồ sản xuất đồng hồ rẻ tiền, đầu tiên là cơ khí sau đó là thạch anh. Nước Đức hợp nhất dẫn đến khai tử tập thể này, thay vào đó. 5 thương hiệu đã mọc lên ở Glashutte và chỉ sản xuất đồng hồ cơ khí : A.lange & Sohne, Glashutte Original, cùng các thương hiệu chị em là Union, Muhle Glashutte và Nomos.

Kẻ nổi tiếng nhất trong số này là Lange, công ty VDO của Đức đã nhanh chóng hồi sinh nó. VDO có chuyên môn trong ngành đồng hồ, họ sở hữu các thương hiệu Jaeger-Lecoltre và IWC của Thụy Sỹ. Họ đã đưa giám đốc điều hành của IWC, Gunter Blumlein, một người Đức sang phụ trách Lange Uhren Gmbh với tư cách CEO. Blumlein và VDO đã thuyết phục Walter Lange, hậu duệ của người sáng lập Ferdinad Adolph Lange, trở về quê hương của mình với tư cách là chủ tịch công ty Lange mới. Mục tiêu của họ là tạo ra những chiếc đồng hồ đeo tay cơ học cấp cao trong cái mà Lange gọi là truyền thống vĩ đại, hồi sinh những lý tưởng thẩm mĩ và kĩ thuật của thương hiệu. Trong 4 năm tiếp theo, VDO đã đầu tư 10 triệu đô la vào công ty, những chiếc đồng hồ đầu tiên ra mắt vào năm 1994 : với 4 mẫu được mở đầu bởi mẫu Lange 1, mặt số phút đặt ngoài trung tâm, ô lịch ngoại cỡ kèm theo thang báo trữ cót. Những mẫu khác bao gồm Saxonia, ArkadePour Le Mérite Tourbillon.

Cho tới cuối thập kỉ, các công ty ở Glashutte, với phong cách và kĩ thuật sản xuất riêng biệt của họ, đã sản xuất 40.000 đồng hồ cơ khí mỗi năm. Cơ khí tốt không còn là di sản bảo tồn độc quyền của Thụy Sỹ. Sự trỗi dậy của họ từ đống tro tàn của chủ nghĩa cộng sản là một cột mốc khác trong phép lạ cơ học đang diễn ra .

MASTER OF COMPLICATIONS – CÁC BẬC THẦY ĐỒNG HỒ CẤP CAO

Năm 1989, nhà chế tác đồng hồ huyền thoại người Thụy Sỹ Philippe Dufour đã quyết định làm chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên cho riêng mình. Cho tới lúc đó, ông chỉ làm việc trên đồng hồ bỏ túi, chủ yếu là phục chế. Sự xuất hiện của những chiếc đồng hồ đeo tay phức tạp khiến dòng nước sáng tạo trong ông tuôn trào : ông muốn tạo ra một chiếc đồng hồ đeo tay điển chuông tới phút. Ông đã mua phần mềm CAD và tự học cách sử dụng nó. Trong 2 năm rưỡi sau đó, ông làm việc trên chiếc đồng hồ, và giới thiệu nó tại hội chợ Basel 1992. Sau đó, ông trả lời với tạp chí Europa Star ” tôi đã đóng gói túi của mình và mang đồng hồ đến Singapore, mười ngày sau, tôi bán được 2 chiếc và nhận thêm 5 đơn đặt hàng, chính điều đó đã cho tôi một khởi đầu thực sự. Tôi từ bỏ công việc phục chế và cống hiến hết mình cho những nỗ lực chế tạo đồng hồ cá nhân của riêng tôi”.

Dufour không phải là người duy nhất. Thợ sửa đồng hồ Daniel Roth đã rời Breguet để ra mắt thương hiệu của riêng mình vào năm 1989. Năm 1992, tại Lancaster, PA, thợ sửa đồng hồ Roland Murphy, đã phát ốm và mệt mỏi khi làm việc với đồng hồ thạch anh tại Hamilton Watch Co, đã rời đi và ra mắt thương hiệu RGM cơ khí của riêng mình. Cũng trong năm 1992, tại Geneva, Frank Muller, 33 tuổi lần đầu tiên xuất hiện tại triển lãm SIHH, với 8 chiếc đồng hồ đầu tiên của công ty mới.

Sự bùng nổ của các kết cấu cơ học phức tạp đến từ các nhà sản xuất đồng hồ độc lập, thường không có tên tuổi và ít có được sự hỗ trợ tài chính, họ đã cho ra mắt các thương hiệu riêng của mình, một trào lưu độc lập đang diễn ra.

Ngôi sao lớn đầu tiên đó là Frank Muller, Muller tốt nghiệp đứng đầu lớp tại trường đồng hồ Geneva, sau khi chế tạo những chiếc đồng phức tạp một cách riêng tư, ông đã thành lập công ty riêng của mình với sự hỗ trợ tài chính từ người đồng sáng lập Vartan Sirmakes, một nhà sản xuất vỏ đồng hồ Geneva. Muller đã tạo ra sự khuấy động với phong cách Retro đặc biệt, gợi nhớ tới những năm 1920. Sử dụng bộ vỏ Tonneau lớn đi kèm chữ số Art Deco ngoại cỡ. Dấu ấn đặc trưng nằm ở bộ vỏ Cintrée Curvex khác thường, được uốn cong trên 3 trục.

Muller cũng là một nhà tiếp thị tài năng, không giống như hầu hết các nhà sản xuất đồng hồ tại thời điểm đó, ông đã quảng bá thương hiệu cá nhân của mình. Chấp nhận biệt danh Master Of Complications, ông gặp gỡ khách hàng và được những người nổi tiếng như Elton John đón nhận. Các sự kiện tiếp thị mà ông và Sirmarkes phát triển đã tạo ra một hiện tượng mới : nhà chế tạo đồng hồ nổi tiếng.

Tôi đã tham dự một sự kiện của Frank Muller vào một buổi tối tại phòng Grand Havana ở thành phố New York vào những năm 1990. Muller đã bay từ Thụy Sỹ sang nhân dịp này. Trong một căn phòng tối, rực rỡ với hương thơm của Macanudos, những người hâm mộ cuồng nhiệt thưởng thức Cocktail và chiên ngưỡng những chiếc đồng hồ Frank Muller được chiếu sáng rực rỡ trong các hộp trưng bày. Bản thân Frank Muller vẫn chưa xuất hiện, anh ấy chắc chắn sẽ sớm xuất hiện. Một lúc sau, không khí trở nên xáo động, Frank đã ở trong căn phòng, phong cách tài tử Hollywood bảnh trai, khoác trên mình chiếc áo cao cổ màu đen và áo khoác màu vàng neon, anh cười rạng rỡ, đón nhận lời khen tặng và tạo dáng chụp ảnh với khách hàng. Muller đã phá vỡ định kiến lỗi thời của các thợ chế tạo đồng hồ, những kẻ thích mày mò và sống hướng nội với tầm nhìn chỉ lớn như cỗ máy Valjoux. Ông là hiện thân của chủ nghĩa tư bản mới : đồng hồ cơ khí, và thợ chế tạo phù thủy của chúng.

Muller khai thác lực lượng tại nơi làm việc những năm 1990 ( các nền kinh tế bùng nổ, tiêu thụ dễ thấy, văn hóa người nổi tiếng, xây dựng thương hiệu) đã thúc đẩy sự thành công nhanh chóng của ông. Trở ngại đã tới ngay sau đó, kết quả là mối bất hòa công khai cay đắng với đồng sáng lập Sirmakes về chiến lược của công ty, kết hợp với các vấn đề các nhân mà Muller đã thừa nhận làm ông phân tâm khỏi công việc của mình. ( hai người đã hòa giải công khai vào năm 2004). Nhưng Muller vẫn là người có tầm ảnh hưởng, thành công thương mại của ông ( doanh số ước tính 400 CHF năm 2003) đã thúc đẩy các nhà sản xuất đồng hồ mới tài năng, những người đã cho ra mắt thương hiệu riêng của họ ngay sau đó : Michael Parmigiani ( Parmigiani Fleurier) vào năm 1996, Felix Baumgartner ( Urwerk) năm 1997. Vianney Halter năm 1998, FB journe và Richard Mille năm 1999, và nhiều hơn nữa khi bước sang thế kỉ mới.

HAUTE HORLOGÈRIE – KĨ NGHỆ CHẾ TÁC ĐỒNG HỒ CẤP CAO.

Năm 1991, tập đoàn Richemont bắt đầu một chương trình tại Geneva để cạnh tranh với hội chợ Basel, nó có tên là SIHH ( Salon International De La Haute Horlogèrie ), nó là kết quả của mối bất hòa kéo dài giữa Ceo Cartier, ông Perrin và hội chợ Basel. Perrin cảm thấy rằng thành phố và bầu không khí buồn tẻ của hội chợ là không phù hợp để các thương hiệu xa xỉ trình diễn đúng cách các sản phẩm mới và tiếp đãi các khách hàng bán lẻ. Sau nhiều năm chỉ trích Basel vì mùi thơm của xúc xích trong hội trường, và những thứ khác, anh ta đã ra mắt một chương trình của riêng mình. Ông nhận được một ít sự hỗ trợ từ các thương hiệu đồng hồ Thụy Sỹ. Chương trình đầu tiên có 5 hãng đem tới triển lãm : gồm 3 nhãn đến từ Richemont là Cartier, Piaget, Baume & Mercier – tất cả những gì họ sở hữu ở thời điểm đó, và Gerald Genta, Daniel Roth.

Chẳng vấn đề gì hết, Perrin muốn dạy cho người Thụy Sỹ một bài học rằng, dù muốn hay không, họ đã ở trong ngành công nghiệp xa xỉ. Trước khi công nghệ thạch anh xuất hiện, đồng hồ cơ khí sẵn có ở mọi mức giá. Nhưng trong một thế giới tràn ngập thạch anh, do sự cần thiết, chúng đã trở thành những món đồ xa xỉ.

” chúng tôi nói chuyện về Haute Couture và Haute Joiallerie”. Perrin nói với tôi vào năm 1994 ” tôi nghĩ đó là tự nhiên cho các thương hiệu xa xỉ cấp cao đi theo một ” chiếc mũ” mà chúng tôi gọi nó là Haute Horlogerie”. Đây là những chiếc đồng hồ mơ ước thuộc về một thế giới không phải là Basel, mà là Paris hoặc Geneva. Bất cứ nơi nào bạn đặt chân trên thế giới, nếu bạn hỏi ” đồng hồ tốt nhất trên thế giới là gì?”, người ta sẽ nói với bạn rằng ” Thụy Sỹ”. Và khi bạn hỏi ” chúng được làm ở đâu?”. Họ sẽ trả lời ” Geneva”. Patek Philippe, Vacheron Constantin, Cartier, Rolex, họ cho bạn nhiều hơn cả chất lượng. Đó là địa vị, sự quyến rũ và ma thuật !

Những thứ đó đòi hỏi một cách tiếp cận mới cho kinh doanh đồng hồ cơ khí, Perrin lập luận. Các nhà sản xuất Thụy Sỹ cần cập nhật về tâm lý công nghiệp đã lỗi thời của họ về các sản phẩm. Haute Horlogerie có nghĩa là một cách tiếp cận sang trọng hơn cho tất cả mọi thứ : khách hàng bán buôn và bán lẻ, tiếp thị, bán hàng thúc đẩy doanh số, việc làm. Họ sẽ phải là tất cả những thứ đó. “Một ngày nào đó họ sẽ phải thể hiện ra sự khác biệt giữa đôi giày nike và một đôi giày Hermes. Chúng tôi là những người đầu tiên chỉ ra rằng có một ngành kinh doanh xa xỉ trong nền công nghiệp đồng hồ. Và tôi biết rằng tương lai sẽ cho thấy chúng tôi đã đúng”.

Cách tiếp cận mới, trên thực tế, đã dẫn đến sự tăng trưởng to lớn trong doanh số bán đồng hồ xa xỉ, và dẫn tới một hiện tượng khác : các tập đoàn đồng hồ xa xỉ khổng lồ.

Sự phát triển bùng nổ của đồng hồ cơ học diễn ra tăng tốc tròn nửa sau của thập kỷ, ví dụ nhanh như sau :

Năm 1995, Sylvester Stallone, ngôi sao đóng phim Rocky, đã ghé vào một cửa hàng đồng hồ ở Florence và thấy một chiếc đồng hồ lặn to bản màu đen ( size 44mm rất to), nó được sản xuất bởi một công ty địa phương có tên là Officine Panerai. Trong các phân cảnh quay dưới nước trong bộ phim ” daylight”, một bộ phim mà anh ấy đang làm. Cũng như Stallone, hãng Audemars Piguet bắt cặp với Arnold Schwarzenegger và Elton John, đã tạo ra sự chú ý của truyền thông cho đồng hồ và dẫn tới sự thúc đẩy cực lớn cho sự bùng nổ.

Năm 1996, hãng Chopard, nổi tiếng với dòng sản phẩm trang sức và đồng hồ Happy Diamonds, tuyên bố rằng họ đã chế tạo thành công cỗ máy đồng hồ đầu tiên của riêng họ. Máy đồng hồ siêu mỏng LUC 1.96( hiện được gọi là LUC 96.01) được lắp trong chiếc đồng hồ LUC 1860 trong năm sau đó. Do đó, Chopard tự hào gia nhập hàng ngũ các nhà sản xuất Thụy Sỹ –  Swiss Manfactures, tức là các công ty đã thiết kế và sản xuất ít nhất một cỗ máy In-house toàn phần. Sự lựa chọn đã tách ” đàn ông” ra khỏi ” chàng trai” trong ngành chế tạo đồng hồ Thụy Sỹ. Vào giữa những năm 1990, hầu hết sản lượng của các công ty đồng hồ Thụy Sỹ vẫn nặng về thạch anh. Khi các công ty bắt đầu bổ sung cơ khí, hầu hết các cỗ máy đều mua từ ETA, nhưng khi có sự bùng nổ phát triển các mẫu cơ học, một số công ty bắt đầu tự sản xuất một hoặc nhiều cỗ máy để tìm kiếm danh hiệu ” nhà sản xuất” vốn được đánh giá cao.

Cũng trong năm 1996, Richard Paige, một nhà bán lẻ đồng hồ có trụ sở tại San Francisco, đã mua lại một trang Web có tên là Timezone.com từ các nhà thiết kế trang Web ở Singapore. Nó nhanh chóng trở thành trang Web về thông tin đồng hồ phổ biến nhất trên thế giới, thu hút một cộng đồng người sưu tập đồng hồ đến từ các diễn đàn tự do hoặc diễn đàn riêng về nhãn hiệu. Nó đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc cách mạng truyền thông mới sẽ biến đổi việc phổ biến thông tin và biến đồng hồ cơ khí thành con cưng của thời đại internet.

Cũng trong năm 1996, Vendôme, tập đoàn xa xỉ được thành lập gần đây của Richemont đã mua lại nhãn hiệu Vacheron Constantin từ Sheik Ahmed Zalo Yamani, cựu bộ trưởng dầu mỏ của Ả Rập Xê Út, đó là tia lửa châm ngòi cho một sự hợp nhất trong 4 năm tới. Năm 1997, Vendôme mua lại Panerai, tháng 5 năm 1999, Vendôme cũng đã chiếm phần lớn cổ phần của nhà chế tạo kim hoàn Paris Van Cleef & Arpels ( mà sau này là nhãn đồng hồ cùng tên).

Riêng tập đoàn Swatch, đó là một tập đoàn đồng hồ lớn nhất thế giới. Nhưng nó không phải là một thế lực trong giới đồng hồ xa xỉ. Họ chỉ sở hữu một nhãn hiệu đồng hồ xa xỉ : Blancpain. Hayek đã mua lại nó và công ty chị em của hãng này, Frédéric Piguet, vào năm 1992 với giá 44 triệu đô la. Kể từ đó, Hayek đã tập trung vào phần còn lại của danh mục đầu tư của mình. Đặc biệt là Swatch ở thị trường cấp thấp và Omega ở phân khúc tầm trung. Động thái của Richemont buộc Hayek phải chú ý đến phân khúc hạng sang. tương tự với LVMH, tập đoàn hàng xa xỉ lớn nhất thế giới, họ đã bỏ qua thời kì phục hưng đồng hồ cơ khí và không sở hữu nhãn hiệu đồng hồ nào cả, và cả Swatch và LVMH bắt đầu quá trình mua vào các thương hiệu đồng hồ xa xỉ.

Vào ngày 13-9-1999, LVMH tuyên bố sẽ mua lại Tag Heuer với giá 814 triệu đô la, ngay ngày hôm sau, tập đoàn Swatch tuyên bố sẽ mua BreguetNouvelle Lemania với giá khoảng 110 triệu đô la. Vào tháng 10, LVMH tấn công, họ mua lại Ebel với giá ước tính 460 triệu đô ( thỏa thuận bao gồm cả nhãn hàng Chaumet). Cuộc mua sắm của LVMH tiếp tục vào tháng 11 : họ đã mua Zenith với một số tiền không được tiết lộ, chỉ trong 3 tháng, LVMH đã mua lại 3 công ty đồng hồ.

Sự điên cuồng tiếp nối vào năm 2000. Tập đoàn Swatch đã mua thêm Jaques Droz vào tháng 4, Bvlgari mua lại thương hiệu Gerald Genta và Daniel Roth vào tháng 6. Và vào tháng 7, Richemont gây sốc cho ngành công nghiệp đồng hồ khi chi trả tới 1.68 tỉ đô la cho Jaeger Lecoultre, IWC Schaffausen và A.Lange & Sohne. Cuộc đua tranh mua lại thương hiệu tạm chấm dứt khi vào tháng 10, tập đoàn Swatch mua lại Glashutte Original và Union với số tiền không được tiết lộ.

Khi thế kỉ mới bắt đầu, đồng hồ cơ khí rõ ràng đã quay trở lại. Nhu cầu về đồng hồ cơ và các công ty đồng hồ cơ đang bùng nổ. Xuất khẩu đồng hồ cơ đã tăng từ mức thấp trong thời đại thạch anh với 1.7 triệu chiếc vào năm 1987 lên 2.5 triệu chiếc vào năm 2000, tăng 47%. Tới năm 2000, hàng cơ khí chiếm 9% tổng sản lượng đồng hồ của Thụy Sỹ và 48% tổng doanh số của nó, gần bằng với thạch anh.

Kể từ đó, sự phục hồi cơ học đã trở nên kì diệu hơn. Xu hướng sát nhập trong những năm 1990 đã phát triển hơn nữa, với sự hợp nhất nhiều hơn, nhiều hồ sơ đấu giá hơn, nghiên cứu kĩ thuật cao hơn( ví dụ như silicon). Nhiều thương hiệu độc lập hơn, nhiều nhãn hiệu gắn mác ” nhà sản xuất”, tiếp thị xa xỉ hơn và quan tâm nhiều hơn đến các tác phẩm cổ điển. Tất cả đã mở rộng đáng kể thị trường đồng hồ cơ. Năm 2016, cơ khí chiếm 27% xuất khẩu đồng hồ Thụy Sỹ tính theo đơn vị ( 6.96 triệu) và 80% tổng doanh thu ( 14.7 tỉ CHF/ 15 tỉ đô la).

Một chi tiết cuối cùng tổng kết cho bài viết này thêm đầy đủ, năm 1999, hãng Omega giới thiệu một Series bản hạn chế 99 chiếc đồng hồ DeVille đi kèm cỗ máy mới : Co-axial Calibre 2500, nó có chứa bộ thoát đồng trục của George Daniels. Omega tự hào nói rằng ” bộ thoát đồng hồ cơ khí áp dụng thực tế sau  lịch sử 250 “.

4.9/5 - (8 bình chọn)