*bài viết được thực hiện bởi LÊ HOÀNG THẠCH – đây là bài khảo cứu đầy đủ nhất về BREITLING tại Việt Nam*

Breitling – một hãng đồng hồ lừng danh mà có rất nhiều người yêu thích – trong đó có cả ad group. Một hãng đồng hồ đắt tiền đến từ thuỵ sĩ có đóng góp rất lớn trong tiến trình phát triển đồng hồ thế giới, đặc biệt là đồng hồ bấm giờ chronograph cũng như đồng hồ dành cho phi công. Ngày hôm nay, thạch xin đưa tới anh em bài viết vừa tổng hợp , vừa dùng chính giọng văn của mình để kể lại một câu chuyện có thể nói là bi hùng nhất của một thương hiệu đáng nhớ nhất của đất nước thuỵ sĩ. Vinh quang có mà thất bại cay đắng cũng có, và cuối cùng là hồi sinh mạnh mẽ như một điều trùng hợp kì diệu, một mối liên kết đặc biệt giữa người phi công lái máy bay và hãng đồng hồ dành riêng cho phi công. Bài viết này có lẽ là bài viết tổng hợp về breitling đầy đủ nhất tại việt nam tính tới thời điểm hiện tại, sẽ được chia là 2 phần, phần đầu nói về sơ lược lịch sử, phần 2 chủ yếu nói về các dòng sản phẩm, cảm nhận và máy móc cùng môt số thứ khác như giải thích kĩ về ý nghĩa lô gô chữ B và đôi cánh , mời anh em thưởng lãm.

LỊCH SỬ BAN ĐẦU

Hãng đồng hồ breitling, được cho là sáng lập vào 1884 bởi một thợ đồng hồ gốc Đức có tên là Léon Breitling. Từ Breitling trong tiếng đức phát âm giống như bờ – rai – ling chứ ko phải như bờ – rê- tờ – ling theo kiểu thuỵ sĩ ( đọc nhanh tí nghe như bờ -rết – ling), đây là lí do mà các thím có thể nghe thấy đâu đó trên mạng một vài cách phát âm khác nhau về thương hiệu này. Ông Léon Breitling sinh năm 1860, trong một gia đình có bố lẫn mẹ đều là người Đức. Sau khi kết thúc việc học nghề , ông di cư sang vùng đất Thuỵ Sĩ để làm đồng hồ, tại đây ông bị thu hút bởi ý tưởng chế tạo đồng hồ bấm giờ cao cấp, và ông đã quyết định thành lập một xưởng chế tạo đồng hồ tư nhân lấy tên là G.léon breitling tại thị trấn saint imier, và sản xuất thành công công cụ bấm giờ ( ko phải đồng hồ) chronograph đầu tiên, cùng với những công cụ khác vào cái tuổi rất trẻ là 24 , và đó cũng là năm mà hãng breitling được sáng lập nên – 1884.
Năm 1892, ông chuyển các thợ đồng hồ và nhà xưởng qua thị trấn La Chaux De Fonds, tại đây một cơ sở sản xuất mới đã được xây dựng với quy mô lớn hơn hơn nữa với cái tên ” léon G. Breitling montbrillant SA watch factory”, số nhân viên lúc này là 60, đây cũng là một trong những công ty đầu tiên trên thế giới chuyên sản xuất đồng hồ chronograph bỏ túi.
Khi Léon Breitling mất vào năm 1914 ở tuổi 54, việc sản xuất được giao lại cho con trai ông là Gaston Breitling. Vào thời điểm này đang bắt đầu của thế chiến thứ nhất, sự phát triển mạnh mẽ nổi lên trong lãnh vực hàng không. Ông chủ của Breitling bắt đầu có sự quan tâm đặc biệt và ông suy nghĩ về cách làm sao để chế tạo ra những chiếc đồng hồ phù hợp cho nó. Bắt đầu từ 1914 những chiếc đồng hồ Chronograph được sản xuất dành cho mục đích thể thao và quân sự, vào năm sau, 1915 thì Gaston Breitling đã chế tạo thành công chiếc chronograph đầu tiên có kim giây trung với ô chức năng bấm giờ 30 phút. ( 30 minutes counter) . Cùng với các dụng cụ bổ trợ đeo tay kèm theo, nó cho phép các phi công có thể thực hiện các phép đo thời gian và các tính toán khác trong chuyến bay.
Lịch sử của chronograph – công cụ bấm giờ có từ khá lâu trước đó, thuật ngữ này ra đời lần đầu tiên bởi một nhà chế tạo người pháp tên là Nicolas Rieussec Mathieu phát minh dùng để bấm giờ trong các cuộc đua ngựa vào năm 1821 và ông cũng tự mình đặt tên cho nó là chronograph, có một thời gian thì giới sử gia vẫn cho rằng ông này chính là người đặt tên và phát minh ra cơ chế này, tuy nhiên, đến năm 2013, một nghiên cứu đã làm thay đổi lịch sử, người ta đã phát hiện ra thiết bị bấm giờ đầu tiên được chế tạo là do louis monet – vào năm 1815 dành cho các nhà quan sát thiên văn với sự chính xác đáng kinh ngạc vào thời điểm đó. Như vậy là lịch sử được chia ra làm 2 khi người tạo ra chiếc chronograph đầu tiên là một người và người đặt tên cho nó là một người khác. Hầu hết những thiết bị bấm giờ ở thời điểm này đến trước 1913 đều chỉ có một nút bấm ở vị trí 11 giờ.

THỜI KHẮC ĐỈNH CAO CỦA ĐỒNG HỒ ĐEO TAY

Và tại thời đại đồng hồ đeo tay, hãng longiness cho ra đời chiếc đồng hồ đeo tay chronograph đầu tiên vào năm 1913, gọi là chronograph monopusher – gắn trên núm chỉnh giờ luôn. Và lịch sử đã ghi công lớn dành cho breitling, khi vào năm 1923 hãng đã tạo ra chiếc đồng hồ chronograph đeo tay đầu tiên dành cho phi công có một nút bấm riêng biệt tách hẳn với núm chỉnh giờ nằm tại vị trí 2 giờ , tới năm 1934, Willy Breitling con trai của Gaston Breitling đã chế tạo thành công một nút bấm thứ 2 tại góc 4 giờ – và kể từ đó, mẫu đồng hồ chronograph có thiết kế 3 núm đã được chấp nhận, và nó đã thống lĩnh toàn bộ ngành công nghiệp này cho đến mãi ngày nay.
Tiếp tục đi theo tiến trình lịch sử, Gaston Breitling mất vào năm 1927 , mãi tới năm 1932, con trai duy nhất của ông là Willy Breitling mới tiếp quản công ti và tiếp tục sự đổi mới theo chân những người tiền nhiệm. Vào những năm 1930, công ti đã bán ra thị trường tới 40 loại mẫu chronograph khác nhau. Khi hoàn tất việc phát minh ra hệ thống chronograph hoàn chỉnh 2 nút bấm giờ tách biệt( pusher) như đã nói ở trên vào năm 1934, công ti đã đạt tới sự thống trị đỉnh cao trong ngành chế tạo thiết bị bấm giờ. Trong năm 1936, Willy Breitling đã chính thức công bố loại bảng mạch chronograph gắn cho các loại máy bay, thứ mà sau này sẽ được áp dụng phổ biến trên hơn 30 hãng hàng không trên thế giới, và cũng kể từ đó, breitling chính thức trở thành nhà cũng cấp đồng hồ gắn trên buồng lái cho không quân hoàng gia anh quốc cũng như các lực lượng không quân hoa kì. Breitling cũng là nhà cung cấp chính thức cho lực lượng không quân hoàng gia anh quốc thời thế chiến 2- royal air force viết tắt là RAF.
Năm 1942, Breitling lần đầu tiên trưng bày các mẫu đồng hồ chronomat, một chronograph với các thông số gắn trên niềng xoay được, nó là một chiếc đồng hồ cót tay. Chiếc đồng hồ này được giới thiệu trực tiếp cho không lực nước mĩ. Cái tên chronomat là sự kết hợp giữa hai cụm từ ” Chronograph “ “Mathematics” – nghĩa là toán học. Ám chỉ các loại đồng hồ có chức năng tính toán phức tạp. Trong thời này, Breitling đã phát triển một loại đồng hồ được cho là mẫu tốt nhất của công ty dành cho phi công, đó chính là mẫu navitimer lừng danh với hệ thống các thông số, hệ đo in tràn ngập mặt số, được phát triển trong năm 1952 . Thiết kế tinh vi của mẫu này đã giúp breitling thiết lập một chỗ đứng vững chắc trên cổ tay phi công. Thước đo xoay tròn là một tính năng chính giúp thực hiện các phép tính một cách đơn giản từ vành bezel, thời gian, tốc độ, khoảng cách và tiêu hao nhiên liệu – một công cụ không thể thiếu đối với một thế hệ sau buồng lái máy bay. Những chiếc đồng hồ của Breitling navitimer cũng được hiệp hội của phi công và những người sở hữu máy bay ( AOPA) chọn làm đồng hồ chính thức – lô gô đôi cánh đầu tiên của breitling xuất hiện ở những chiếc vintage cũng là lấy từ lô gô đôi cánh của hội này đấy các anh em – khác với đôi cánh hiện nay nhé cả về ý nghĩa lẫn hình ảnh.
Những sản phẩm Navitimer không chỉ thu hút bởi những tay lái ở ngành hàng không, mà ngay cả ngành phi hành gia cũng rất quan tâm đến. Tới năm 1962, một chiếc đồng hồ đặc biệt có tên là Cosmonaut được làm dựa trên nguyên mẫu của navitimer, đã được đeo trên cổ tay của phi hành gia scott carpenter trong một nhiệm vụ ngoài không gian, đi trên chiếc tàu không gian có tên là mercury – atlas 7 ( MA-7) phóng từ cape canaveral, florida. Phi hành gia đã yêu cầu breitling làm cho ông một chiếc navitimer có chức năng 24 giờ, để ông có thể đọc chính xác thời gian và phân biệt được giữa đêm và ngày trong khi đang làm việc ngoài không gian vũ trụ.Ông là người mĩ thứ tư hoạt động ngoài không gian và là người mĩ thứ hai hoạt động trực tiếp vào quỹ đạo trái đất.

CUỘC ĐUA KHỐC LIỆT ĐƯA CỖ MÁY CHRONOGRPAH TỰ ĐỘNG LÊN ĐỒNG HỒ ĐEO TAY – DỰ ÁN TUYỆT MẬT “PROJECT 99”

Trong những năm 60, nhu cầu của những chiếc đồng hồ bấm giờ chronograph đeo tay với cơ chế lên dây tự động đã được dự báo trước, đòi hỏi sự nhanh chân của các nhà chế tác chronograph hàng đầu. Dẫn tới một cuộc đua khốc liệt mà trong lịch sử đã ghi nhận giữa hàng loạt các liên mình và tập đoàn đồng hồ mạnh nhất thời điểm đó, kể đến nhiều nhất là cuộc cạnh tranh giữa 3 bên, một là công ty đồng hồ mới nổi đến từ nhật bản seiko có dự án Seiko chronograph, bên thứ 2 đó là liên minh giữa ZenithMovado, Mondia với dự án “el primero” mà sau này chính là cỗ máy el primero lừng danh, và bên thứ 3 chính là liên minh giữa Breitling – Hamilton Buren ( hãng hamilton ngày nay) – Heuer Leonidas ( Tag Heuer ngày nay) – Dubois Dépraz ( hãng này hiện vẫn tồn tại và hoạt động bằng việc thiết kế và tạo ra các movement hoặc module chất lượng cực cao gắn trên các movement cơ sở như eta hay sellita).
Với mục tiêu đăng kí sáng chế đầu tiên, mang vinh quang về tay mình và đẩy đối thủ vào chỗ bất lợi, các liên minh đã cạnh tranh làm việc rất tích cực. Và tiếp tục với lịch sử của breitling, liên minh chế tạo kể trên chính thức thành lập vào năm 1965 ( ban đầu breitling là đối thủ của nhóm này, sau thì nhóm phát triển không đủ lực phải mời breitling vào, hamilton sau khi mua lại buren thì là kẻ tham gia cuối cùng) , hợp tác với nhau trong một dự án tuyệt mật mang tên ” project 99″ để có thể nhanh chóng đưa ra cỗ máy chronograph tự động đeo tay đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiên, họ đã thất bại trong mục tiêu trở thành kẻ đầu tiên, danh hiệu này đã thuộc về liên minh Zenith và Movado khi vào 10-1-1969, Zenith đã đem tới dấu mốc lịch sử là cỗ máy chrongraph tự động đeo tay đầu tiên có tên El primero, không những đầu tiên mà nó hoạt động ở tần số rất lớn là 36.000 dao động và đây là cỗ máy chronograph ổn định, bền bỉ và tương đối phức tạp nhất trong thời kì này cũng như mãi về sau này.
Tất nhiên công việc với breitling và liên minh vẫn tiếp tục, và mãi tới tháng 3-1969 thì họ mới ra mắt đồng hồ của mình tại New York, Geneva, Hongkong và Beirut dưới cái tên Chronomatic( hoạt động ở tần số thấp hơn nhiều so với El primero – chỉ 19.800) , tại Nhật Bản cũng thời điểm này thì Seiko cũng đã lặng lẽ ra mắt đồng hồ cho riêng mình. Trong năm 1969 thì cả 3 phe này đã thành công và cùng đồng loạt ra mắt hệ thống chronograph tự động cho đồng hồ đeo tay, tuy nhiên cho đến nay họ vẫn đang còn tranh cãi khốc liệt để phân định đâu mới là chiếc đồng hồ được bán ra đầu tiên và hãng nào là đầu tiên, bởi vì El Primero ra mắt trước nhưng mới chỉ là máy, và tới cuối năm 1969 họ mới đem bán chính thức đồng hồ ra thị trường . Nói công bằng thì trong cuộc thi thố này Zenith đã đánh bại cả 2 phe kia cả về thời gian cũng như kĩ thuật chế tác.
Và dù cho ai thắng thì, với riêng breitling cùng với đóng góp của họ cho hệ thống cơ khí chronomatic, mà sau này trở thành tiêu chuẩn để phát triển nên rất nhiều dòng máy khác trên thị trường là điều rất đáng ngưỡng mộ. Thể hiện một trình độ kĩ năng chế tác siêu đẳng cũng như tham vọng thống lĩnh thị trường.

KHỦNG HOẢNG THẠCH ANH VÀ SỰ SỤP ĐỔ CỦA BREITLING

Việc phát triển thành công cỗ máy chrongraph tự động đem lại hào quang cho Breitling, nhưng đó không phải là câu chuyện đáng để nói nhất vào thời điểm cuối thập niên 60 đầu thập niên 70 dù cho đó là một dấu mốc đáng nhớ trong lịch sử. Sự trỗi dậy của công nghệ đồng hồ thạch anh cùng với các công ti đến từ nhật bản đầy tham vọng điển hình như Seiko đã nhanh chóng tiễn đưa hệ thống đồng hồ cơ khí vào con đường diệt vong, kéo theo sự sụp đổ của hàng loạt thương hiệu đồng hồ lâu đời của thuỵ sĩ, và lịch sử đã nói tới nó bằng cái tên : khủng hoảng thạch anh.
Dù đã cố phản công trong tuyệt vọng, nhưng thất bại là điều không thể bàn cãi, cuối thập niên 1970 breitling đã cho ra mắt một vài mẫu đồng hồ thạch anh, nhưng lúc này đã quá muộn màng, cũng giống như hầu hết các ông lớn thuỵ sĩ thời điểm này, sự chậm trễ trong việc nắm bắt thị trường đã khiến Breitling trả giá đắt, họ rơi vào khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, nhà xưởng và thiết bị kèm theo những cỗ máy đã bị bán đi, việc sản xuất cuối cùng cũng đã bị dừng lại chính thức vào tháng 5-1979. vài tuần sau đó, giữa lúc bi đát nhất, con người lừng danh đã sáng chế và định hình ra hình mẫu cuối cùng cho mọi chiếc chronograph đeo tay ở thời điểm hiện tại, từng đưa breitling lên đỉnh cao của danh vọng : Willy Breitling đã trút hơi thở cuối cùng, đặt dấu chấm hết cho một cuộc đời, 3 thế hệ nhà breitling, ông chết và đem theo đó là sự tuyệt vọng của cả nền công nghiệp đồng hồ cơ khí của thuỵ sĩ.

HỒI SINH TỪ ĐỐNG TRO TÀN – ĐỒNG HỒ DÀNH CHO PHI CÔNG ĐƯỢC CỨU BỞI PHI CÔNG

ernest frederic schneideir
Breitling là một hãng đồng hồ đã sống và chết với những con người sau buồng lái lượn trên bầu trời – phi công, và sau cùng thương hiệu này đã lại được hồi sinh bởi một phi công! Quả thật là một điều trùng hợp kì diệu. Con người đó có tên là ernest frederic schneideir. Quay trở lại một chút vào thời điểm cuối năm 1979, khi mọi nỗ lực trở nên tuyệt vọng, trước khi chết, Willy Breitling đã quyết định xẻ nhỏ và bán công ti cho các nhà thầu trả giá cao nhất. Bí quyết hoàn thiện và chế tác đồng hồ được bán lại cho Sinn – một hãng đồng hồ lừng danh của Đức ngày nay, thiết kế và kĩ thuật hoàn thiện rất nhiều lấy từ Breitling, tiếp theo về máy móc cùng các bộ phận tháo rời đã được bán cho hãng đồng hồ Ollech & Wajs, và cuối cùng vào tháng 4-1979, bản quyền thương hiệu Breitling cùng với tên thương hiệu Navitimer đã được kí thoả thuận bán lại cho ông chủ của hãng đồng hồ Sicura – chính là ernest schneider, và lịch sử đã chứng minh đây là quyết định đúng đắn cuối cùng của người kế thừa dòng họ Breitling.
Nói qua chút về ông chủ mới Breitling, ông ernest Scheineider sinh năm 1921, ông gia nhập quân đội Thuỵ Sĩ năm 20 tuổi, và khi rời quân đội ông là một sĩ quan của lữ đoàn 10 quân đội thuỵ sĩ, ông cũng đồng thời là một phi công kì cựu và yêu thích bay lượn. Năm 40 tuổi, ông trở thành người thừa kế công ti đồng hồ Sicura thuỵ sĩ từ tay bố vợ mình vào đầu những năm 1960.

 

Với khả năng thích ứng tuyệt vời và kỉ luật từ một sĩ quan nhà binh, ông đã nhanh chóng điều hành và hồi sinh lại thương hiệu Breitling, ban đầu khi được mua về Breitling lúc đó hoạt động dựa trên việc sửa chữa các đồng hồ breitling đã từng được bán ra trước đó. Sau đó ông tiến hành di dời Breitling sang Grenchen, thuỵ sĩ và chính thức đổi tên thành. Breitling Montres SA, đó là ngày 30-11-1982- chỉ 3 năm sau khi breitling bị sụp đổ.
Cơn ác mộng đã qua đi với nền công nghiệp đồng hồ thuỵ sĩ, sự thành công của liên minh đồng hồ SWATCH, dưới sự dẫn dắt của nicolas hayek đã thổi một làn gió phục sinh mạnh mẽ cho ngành công nghiệp đồng hồ cơ khí thuỵ sĩ. Ở bên này, hoà theo không khí tái thiết và hợp nhất, breitling cũng bắt đầu lại chủ yếu với các sản phẩm chronomat vào năm 1984. Với thiết kế hấp dẫn cùng tính năng vượt trội , nó đã nhận được sự chấp nhận từ phía người tiêu dùng. Đây là một chiếc chronograph tự động được phát triển riêng cho phi đội bay frecce tricolori -nước ý. Nó có thể chịu gia tốc lên đến 20 G.đây là một chiếc đồng hồ phi công thật sự nổi bật trong mắt công chúng thời điểm đó, là sự kế thừa của lịch sử chronomat bản 1942 chứ không đơn giản chỉ là cái tên.
Ngày 29-11-1993, công ti cũ của Ernst schneideir là montres sicura AG đã chính thức sáp nhập vào breitling và đổi tên thành breitling AG, như vậy là cuối cùng breitling trở thành cái tên duy nhất được điều hành chính thức.
Năm 1995, công ti giới thiệu dòng sản phẩm breitling dành cho trường hợp khẩn cấp là Breitling Emergency, nó là một chiếc đồng hồ thám hiểm mới lạ và duy nhất trên thế giới có thể cứu sống con người trong tình trạng khẩn cấp. Nó được chạy bằng thạch anh, phát ra tín hiệu cấp cứu ở tần số 121.5 mhz. Đối với quân sự, nó được trang bị một máy phát tín hiệu thu nhỏ hoạt động ở tần số 243 mhz, breitling tuyên bố rằng các tần số được giám sát bởi ngành hàng không. Thực tế cho thấy nó đã phát huy hiệu quả, vào 1-2003, hai phi công người anh là Squadron Leader steve Brooks và trung uý Hugh Quentin Smith đã bị rơi trực thăng ở nam cực, và đã được cứu sau khi kích hoạt chiếc đồng hồ này.
Vào năm 1999, Breitling trở thành nhà tài trợ cho khinh khí cầu orbiter 3, điều khiển bởi bertrand piccard brian jones bay vòng quanh thế giới, trong 3 tuần công chiếu trên truyền hình, chữ breitling khổng lồ in trên khinh khí cầu ” breitling orbiter 3″ liên tục đập vào mắt người xem để lại một ấn tượng rất tốt, đây cũng chính là chiếc khinh khí cầu đầu tiên bay vòng quanh trái đất không nghỉ với tổng độ dài 19 ngày 21 giờ 47 phút, kết thúc thành công rực rỡ vào 21-3-1999. Và một điều lưu ý là các thành viên trên khinh khí cầu đều được trang bị đồng hồ breitling khẩn cấp.
Năm 2000, Breitling cho xây dựng lại trụ sở ở Grechen sau khi mua lại công ti đồng hồ Kelek, một chuyên gia nổi tiếng trong việc chế tạo đồng hồ bấm giờ phức tạp, các kết quả của họ được đưa ngay vào Breitling Chronometrie – bảo tàng kiêm trụ sở nghiên cứu đặt đại la chaux de fonds, mở cửa chính thức vào năm 2002. Cũng trong năm 2000, Breitling quyết định tất cả các đồng hồ của hãng này sẽ được chứng nhận Chronometer COSC và cũng là hãng duy nhất trên thế giới làm được điều này cho đến ngày nay. , kể cả đồng hồ thạch anh, và hãng cũng là một trong 3 ông lớn được chứng nhận này nhất, bên cạnh Rolex và Omega.
Năm 2002, breitling chính thức kỉ niệm 50 năm ngày ra mắt Navitimer với một phiên bản có chứng nhận COSC, đến 2004 Breitling hợp tác với hãng xe hơi Bentley cho ra mắt bộ sưu tập Breitling For Bentley. Năm 2009, tại lễ kỉ niệm 125 năm ngày ra đời của hãng, breitling đã gây ngạc nhiên lớn vì lần đầu tiên sau nhiều năm, cỗ máy in house đã trở lại với hãng bằng cái tên calibre B01, là một cỗ máy chuẩn Chronometer với lượng trữ cót tới 70 giờ, kèm theo, một loạt công nghệ mới, và dòng Chronomat được vinh hạnh lớn khi được lắp cỗ máy này đầu tiên và bán ra thị trường .
Và kể cho đến đây thì Breitling đã chính thức trở lại thành công, trở thành một thương hiệu hùng mạnh, giàu có, hợp tác sâu rộng với lực lượng hải quân, không quân cũng như hàng không dân sự, tài trợ cho các cuộc thi bay trên thế giới và được mọi người yêu mến, đứng ở vị trí xứng đáng với thành quả nỗ lực của chính họ. Năm 2015, sau bao năm điều hành, cuối cùng thì anh chàng phi công huyền thoại năm nào, người đã cứu vớt breitling từ đống tro tàn, Ernest Schneider trút hơi thở cuối cùng của mình ở tuổi 94, ông gia đi trong thanh thản và sung túc. Ernest theodore schneider con trai ông, chính thức tiếp quản công ti.
Cho tới hiện nay, vào 2017. Sau một thời gian dài được coi là một trong những trụ cột cuối cùng còn sót lại tại thuỵ sĩ dưới danh nghĩa một gia đình độc lập, không cần sự bảo trợ tài chính của bên thứ 3, thì Breitling đã được bán lại cho CVC capital partners, một công ti tài chính tư nhân, thành lập 1981 có trụ sở tại luxembourg với giá 800 triệu euro, thương vụ được hoàn tất vào tháng 6 năm 2017, và với sức mạnh tiền tệ được đổ vào, Breitling hi vọng sẽ tiếp tục toả sáng và vươn mình lên trong tương lai không xa, giống như cái cách mà họ đã sống và chiến đấu từ khi thành lập cho đến nay. ( hết phần 1)

5/5 - (1 bình chọn)