* biên dịch bởi Lê Hoàng Thạch*

CALIBRE 5719 : CHRONOGRAPH ĐEO TAY ĐẦU TIÊN CỦA NHẬT BẢN

Khi hãng Seiko bắt đầu thiết kế ra chiếc đồng hồ đeo tay bấm giờ đầu tiên của nước Nhật, họ đã đặt ra mục tiêu tạo ra một chiếc đồng hồ mang tính biểu tượng như một thiết bị bấm giờ. Suwa seikosha, tức nhà máy sản xuất đồng hồ của Seiko đặt tại thành phố suwa, đã bắt đầu phát triển đồng hồ để kịp ra mắt vào thế vận hội mùa hè 1964. Cỗ máy bên trong là Calibre 5719 lên dây cót bằng tay, dày 6.1 mm. Tính năng nổi bật của nó bao gồm một nút nhấn duy nhất để kích hoạt chức năng Chronograph, khớp nối ngang kết hợp với bánh xe dạng cột Column Wheel để kiểm soát chức năng bắt đầu/dừng lại và reset. Bộ phận cân bằng vận hành ở tần số 5.5 Hz hay 39.600 vph. Khi khởi động cơ chế bấm giờ, chiếc đồng hồ sẽ chạy được 38 giờ, bộ vỏ được làm bằng thép và có kích thước 38.2 mm đường kính, dày 11.2 mm.

Vì chiếc đồng hồ này không được trang bị các ô phụ để đo khoảng thời gian trôi qua, hãng Seiko đã trang bị cho nó một bộ niềng xoay 1 phút. Để đo khoảng thời gian lớn hơn 1 phút, ta kích hoạt Chronograph, sau đó xoay đỉnh tam giác của niềng đến đầu kim phút, sau đó, khi nhấn nút dừng, ta sẽ sử dụng kết hợp cả vạch dấu trên niềng xoay ( tính phút) kết hợp với vạch chia trên mặt số ( tính giây). Vấn đề nảy sinh ra với lô đồng hồ đầu tiên là bộ niềng xoay dễ bị vỡ, và Seiko đã khắc phục điều này bằng cách thay thế bộ niềng mới bằng thép chắc chắn hơn!

Seiko đã tung ra một phiên bản khác với cỗ máy khác biệt : Calibre 5718, độ dày 6.4mm, nằm bên trong một chiếc đồng hồ vỏ thép phiên bản giới hạn, và ngày nay nó rất hiếm và được các nhà sưu tập vô cùng thèm khát. Nó có một ô lịch ngày ở góc 12 giờ – vận hành ở hai nút nhấn phía bên trái thân vỏ. Một điểm khác biệt nằm ở tính năng, chính là sự bổ sung của một ô phụ tại góc 6 giờ, bổ sung thêm một ô đếm phút và tính năng kim giây, bên cạnh đó, chiếc đồng hồ còn sở hữu thang đo Tachymeter ở ngay vành ngoài mặt số.

CALIBRE 6139 : CHRONOGRAPH TỰ ĐỘNG ĐẦU TIÊN TRÊN THỊ TRƯỜNG

Hầu hết mọi người đều biết rằng, các hãng đồng hồ Thụy Sỹ đã làm việc rất sốt sắng trong những năm 1960 để phát triển đồng hồ bấm giờ tự động lên dây. Nhưng ít ai biết rằng ở Nhật Bản cũng đang có sự phát triển tương tự. Seiko bắt đầu làm việc với Calibre 6139 và 6138 tự động vào năm 1967 – mặc dù thời gian sau đó, cả nền công nghiệp đồng hồ tập trung vào công nghệ thạch anh. Seiko chỉ mất hai năm để phát triển Cal.6139, cỗ máy có đường kính 27.4 mm và dày 6.5mm, dây cót chính là một dạng ball-borne, kết nối với trung tâm con lắc, kết hợp với đòn bẩy ma thuật : magic-lever ( cơ chế cuộn dây tự động độc quyền của Seiko ). Sau khi đầy cót, chiếc đồng hồ sẽ chạy được 36 giờ khi đang kích hoạt tính năng Chronograph.

Để nâng cao hiệu suất hoạt động, Seiko đã nâng mức tần số dao động từ mức tiêu chuẩn là 2.5 hz ( 18.000 vph) lên 3hz ( 21.600 vph). Thông số kĩ thuật bao gồm bánh xe dạng cột điều khiển tính năng bấm giờ, tính năng bấm giờ 30 phút đặt tại góc 6 giờ, đi kèm bộ ly hợp dọc. Đây là một chiếc đồng hồ rất sáng tạo vào thời điểm đó : nó ra đời trước ( đúng hơn là bán trước) cả đồng hồ Thụy Sỹ ( Chronograph tự động), bên cạnh phần hiển thị ngày, Seiko cũng trang bị cho nó tính năng lịch thứ song ngữ Anh/nhật.

Cỗ máy mới được đặt bên trong chiếc đồng hồ có tên là Seiko 5 Speed-timer. Nó xuất hiện trong các kệ hàng vào giữa tháng 5 năm 1969. Do đó Seiko đã chiến thắng trong cuộc đua đưa chiếc đồng hồ bấm giờ tự động đầu tiên ra thị trường. Thời điểm đó có hai đối thủ cạnh tranh khác, là Zenith và một liên minh các công ty ( gọi là nhóm Chronomatic) gồm Breitling-heuer Leonidas – Hamilton- Buren và Dubois Depraz tại thành cuộc đua tranh để mang cỗ máy tự động bấm giờ đầu tiên ra thị trường vài cuối năm 1969 ( công bằng mà nói máy của Thụy Sỹ phức tạp hơn nên thời gian chế tạo lâu hơn). Calibre 6138 có độ dày 7.9 mm, ra mắt vào năm 1970, nó khác với Calibre 6139 vì sở hữu kim giây và bộ đếm 12 giờ. Calibre 6138 được đưa vào mẫu đồng hồ bấm giờ thiết kế dạng đầu bò ( bull-head watches), tương tự như một vài mẫu của Omega, với các núm đẩy được đưa lên đỉnh đầu.

Và ngẫu nhiên, Seiko cũng có thể tuyên bố vinh dự về chiếc đồng hồ Chronograph Automatic sử dụng ngoài vũ trụ. Nó được sử dụng bởi phi hành gia người Mĩ William Reid Pogue trên tàu Skylab-4 vào năm 1973 đến ,1974 anh ta đeo một chiếc Seiko sử dụng máy Cal.6139 – ngày nay chiếc đồng hồ đó có biệt danh là “Pogue Seiko”.

CALIBRE 7017 : CHRONOGRAPH TỰ ĐỘNG DÁNG MỎNG

Vào năm 1970, Daini Seikosha, năm đó đã trở thành Seiko Instruments Inc ( SII), đã giới thiệu bộ máy cơ khí bấm giờ có tên gọi là ” 70s Series”. Với độ dày chỉ 5.9mm, Calibre 7017 có đường kính 27.4 mm đã lập kỉ lục thế giới. Hệ thống lên dây tự động Magic-lever, bánh xe dạng cột đi kèm ly hợp dọc, tất cả chi tiết này gợi nhớ tới Calibre 6139, nhưng Cal.7017 là một cỗ máy mới, đã được tiết giảm bớt số lượng thành phần khiến cỗ máy nhỏ hơn. Để đạt được độ mỏng lý tưởng, các nhà thiết kế đã phải loại bỏ đi ô phụ báo phút trôi qua, giữ lại phần hiển thị lịch thứ và ngày.

Máy Cal.7018 cũng mỏng không kém được ra mắt vào năm 1971 : có đã bổ sung thêm bộ đếm 30 phút. Năm 1972, Seiko ra mắt máy Cal.7015 và Cal.7016, nó sở hữu một bộ kim đôi ở ngay góc 6 giờ : một kim giây và một kim đếm 30 phút dành cho Chronograph.

Seiko đã ngừng sản xuất đồng hồ bấm giờ cơ khí vào năm 1977, và tới đầu những năm 80, họ đã cho dừng hoàn toàn việc sản xuất đồng hồ cơ khí. Các máy móc được đưavào tiêu hủy như phế liệu, nhưng các nhân viên kì cựu đã từ chối làm theo các yêu cầu này và không phá hủy chúng. Nhờ vào những nhân viên này,  ngay khi ở Châu Âu đã bắt đầu sự phục hưng của đồng hồ cơ khí, thì tại Nhật Bản Seiko đã có thể đi theo trào lưu sản xuất trở lại vào ngay những năm 1990.

CALIBRE 6S : CHRONOGRAPH QUAY TRỞ LẠI

Năm 1998, Seiko khởi động lại chương trình chế tạo đồng hồ bấm giờ cơ khí, họ dựa vào các kĩ sư và thợ sửa chữa đồng hồ kì cựu của mình. Một số người đã nghỉ hưu nhưng đồng ý quay lại làm việc trong dự án. Những cỗ máy có đường kính 28.4 mm trong Series 6S ban đầu chỉ dành cho thị trường nội địa, đặt bên trong những chiếc Seiko Credor đầy uy tín. Cal.6S74 dày 5.8 mm, ra mắt từ 1998, vận hành ở tần số 4Hz ( 28.800 vph) và trữ cót trong 60 giờ. Đồng hồ không có lịch ngày, nhưng nó sở hữu bộ đếm 30 phút, bộ đếm 12 giờ và thang báo trữ cót. Giống như những ” bậc tiền nhân”, cỗ máy này sở hữu bánh xe dạng cột Column Wheel. Không giống những máy cũ, cỗ máy mới kết nối bánh xe Gear train với cơ chế bấm giờ bằng một pinion ngang, thay vì sử dụng một ly hợp dọc.

Trong những năm sau đó, Seiko đã có được một loạt cỗ máy bấm giờ khác nhau dự trên cỗ máy cơ sở này. Chúng bao gồm 6S77 dày 7.2 mm, ra mắt năm 1999, đây là dạng máy tự động lên cót trang bị hệ thống lên dây Magic-lever, có một ô lịch ngày, trữ cót tới 50 giờ. Một cỗ máy tự động khác, Calibre 6S87, đã ra mắt vào năm 1999, cỗ máy Cal.6S99 phiên bản khung xương ( Skeleton) của Cal.6S74, được tung ra thị trường vào năm 2000. Năm 2001, tiếp tục cỗ máy tự động lên cót Cal.6S37 hỗ trợ cả lịch ngày và thang báo cót. Calibre 6S96, dựa trên nền tảng Cal.6S77, có khả năng trữ cót tới 60 giờ những lại không có ô lịch ngày.

Cuối cùng, vào năm 2005, Seiko đã ra mắt Calibre 6S28, dựa trên nền tảng 6S78. Với cỗ máy này, Seiko đã tạo ra sự thay đổi tương tự như ETA đã làm với Calibre 7750, biến đổi thành 7753 bằng cách di chuyển các ô tính năng bấm giờ. Cỗ máy này có sở hữu ô lịch ngày nằm giữa 4 và 5 giờ.

Seiko đã bán máy 6S78 ra bên ngoài, với tên gọi là ” TC 78″, các đối tác thứ 3 đã mua nó. Khách hàng bao gồm Junghans ( hãng của Đức) với tên được đổi thành J890. Hãng Tag Heuer cũng đã mua TC 78, sau đó đem về chuyển đổi nó với nhiều thành phần được cho là In-house, và sau đó biến đổi thành Calibre 1887 ( vụ việc này sau đó đã làm dấy lên những tai tiếng, khiến Tag phải chính thức lên tiếng trả lời fan).

CALIBRE SERIES 8R : CHRONOGRAPH CỦA SEIKO HIỆN ĐẠI

Vào năm 2009, tròn 40 năm sau khi ra mắt Calibre 6139, những người đến thăm gian hàng của Seiko tại Baselworld đã nhìn thất một chiếc đồng hồ bấm giờ tự động hoàn toàn mới có tên là Ananta. Nó chứa bên trong cỗ máy 8R28 được sản xuất từ năm 2008. Cỗ máy này là sự kết hợp giữa truyền thống của Seiko như bánh xe dạng cột, ly hợp dọc và hệ thống lên dây Magic Lever với những cải tiến gần đây: bao gồm bộ búa 3 chạc ( three pointed hammer) để đảm bảo tất cả ô tính năng bấm giờ về không cùng lúc ( áp dụng cho tính năng reset). 8R28 có khả năng trữ cót tới 45 giờ, đường kính 28mm và dày 7.2mm. Có tần số dao động ở 4 hz ( 28.800 vph) và bao gồm 292 thành phần.

Calibre 8R39, được ra mắt vào năm 2011, nó dày 7.6 mm và dành cho đồng hồ lặn. Calibre 8R48, dày 7.5 mm ra mắt vào năm 2014 và được sử dụng trong Seiko Brightz, chỉ bán tại thị trường nội địa Nhật. Vào tháng 8 cùng năm 2014, cỗ máy NE88A ra mắt, nó được cho là sự thay thế rẻ hơn cho Cal.7750 của ETA dành cho đối tác thứ 3, đây là cỗ máy thương mại được làm dựa trên nền tảng của Cal.8R39.

5/5 - (1 bình chọn)