Ngày 21 tháng 9 năm 2018, một thông báo bất ngờ được tập đoàn LVMH đưa tới các phương tiện truyền thông rằng ngài Jean-Claude Biver sẽ tạm dừng vai trò CEO của TAG Heuer cũng như việc coi sóc mảng đồng hồ của LVMH, bắt đầu từ ngày 1 tháng 11 vì lí do sức khoẻ.

“Bạn thấy đấy, tôi giống như một chú mèo. Bạn ném mèo qua cửa sổ, nó luôn đáp xuống đất bằng đôi chân của nó. Nếu tôi thất bại ở một điểm nào đó, tôi luôn cố gắng vực dậy nhanh chóng. Tôi thực sự là một người may mắn”. Jean-Claude Biver đã từng nói như vậy trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2005, 5 tháng sau khi ông cho ra mắt chiếc Hublot Big Bang đầu tiên thắp sáng tương lai cho Hublot.

Nhìn suốt sự nghiệp của Biver dường như ông có đến 9 mạng sống như của loài mèo với nhiều cú lội ngược dòng ngoạn mục, nhưng với thông báo mới nhất này, có thể thấy sự nghiệp của một trong những huyền thoại của ngành đồng hồ Thuỵ Sĩ có thể phải dừng ở tuổi 70. Biver và gia đình di cư từ Luxembourg tới Thuỵ Sĩ từ năm lên 10 và bén duyên với ngành đồng hồ. Qua một người bạn, Biver được giới thiệu tới Georges Golay, chủ tịch của Audemars Piguet, một trong những thương hiệu lịch sử của ngôi làng Le Brassus. Golay đã vô cùng ấn tượng với tính cách sôi nổi và tràn đầy năng lượng của Biver nên đã mời ông làm việc cho công ty.  Sau 4 năm làm việc tại Audemars Piguet, Biver trở lại Vallée de Joux, nơi ông cùng người bạn Jacques Piguet ấp ủ một kế hoạch lớn mà Biver là người đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi ngành công nghiệp đồng hồ cơ khí Thụy Sĩ, khởi đầu với Blancpain trong những năm 1980 từ đống đổ nát của cuộc khủng hoảng đồng hồ Quartz.

Khởi đầu lịch sử cùng Blancpain

Jacques Piguet sở hữu Frédéric Piguet, một nhà máy đồng hồ thành lập từ năm 1858 tại Le Brassus, truyền lại từ đời ông cố của gia đình. Piguet tiếp quản công ty vào năm 1977. Ông thấy rằng nên sở hữu một thương hiệu đồng hồ hơn là chỉ sản xuất cỗ máy cho thương hiệu khác, điều này sẽ giúp ông đối phó với cuộc khủng hoảng Quartz tốt hơn. Lựa chọn tốt nhất lúc bấy giờ được đưa ra chính là Blancpain – thương hiệu đã từng rất nổi tiếng vào những năm 1950 với những chiếc đồng hồ lặn, điển hình là mẫu Fifty Fathoms nhưng đã mất đi thế thượng phong vào những năm 1960.

Piguet và Biver nhận ra rằng họ có thể đưa Blancpain trở lại mạnh mẽ và quyết định mua lại thương hiệu này với giá CHF 22,000. Họ xây dựng một boutique ở Le Brassus và bắt đầu chế tạo những chiếc đồng hồ cơ khí xa xỉ. Piguet tập trung vào mảng sản xuất còn Biver tập trung vào marketing và sales. “Mọi người luôn tin rằng tương lai của ngành đồng hồ sẽ là Quartz, họ cũng tin rằng nếu như giảm giá, chúng tôi sẽ bán được nhiều đồng hồ hơn. Tôi hoàn toàn phản đối, chính chiến lược đó đã giết chết Omega” – Biver khi đó phát biểu.

CEO Hublot

Chiến dịch phản đối đồng hồ Quartz

Biver đã phát động cuộc chiến chống lại đồng hồ Quartz bắt đầu với Blancpain. Ông yêu thích sự truyền thống, các kĩ nghệ chế tác thủ công và nhấn mạnh rằng Blancpain là nhà sản xuất đồng hồ lâu đời của Thuỵ Sĩ. Biver tuyên bố: “Từ năm 1735, Blancpain chưa bao giờ làm một chiếc đồng hồ Quartz và cũng sẽ không bao giờ làm”.

Việc liều mình đánh cược của Biver và Piguet với Blancpain đã trở thành một câu chuyện huyền thoại. Những chiếc đồng hồ cơ Blancpain thời đại Biver ra đời lần đầu năm 1983 và chỉ tới năm 1985 thương hiệu đã đạt doanh thu 8.9 triệu CHF và tăng lên 56 triệu CHF vào năm 1991. Trong vòng chưa tới 10 năm, Biver và Piguet đã đưa Blancpain từ một thương hiệu bị quên lãng trở lại và được yêu thích mạnh mẽ, họ cũng đã chứng minh được rằng đồng hồ cơ sẽ không bị tiêu diệt.

Năm sau đó, Swatch Group mua lại Blancpain và Frédéric Piguet với giá 60 triệu CHF. Đầu thập niên 1990, chủ tịch Nicolas G.Hayek của Swatch Group cùng ban lãnh đạo đã quyết định rằng Omega sẽ trở thành thương hiệu chủ đạo của tập đoàn. Biver được chỉ định làm giám đốc marketing toàn cầu cho Omega, đồng thời vẫn giữ chức vụ CEO của Blanpain, báo cáo trực tiếp với chủ tịch Hayek cùng sứ mệnh: đưa Omega trở lại thời hoàng kim. Biver đã đưa khái niệm sử dụng hình ảnh của đại sứ thương hiệu để quảng bá sản phẩm, mở rộng tầm ảnh hưởng của Omega đến với Holywood.

Chiến lược marketing của Biver dành cho Omega là việc đưa hình ảnh của các ngôi sao nổi tiếng, trong đó có siêu mẫu Cindy Crawford.

Bộ sưu tập Omega Constellation luôn xuất hiện cùng siêu mẫu Cindy Crawford, không chỉ tham gia các hoạt động đại chúng, cô còn tham quan nhà máy và hỗ trợ trong việc thiết kế nhiều sản phẩm đồng hồ. Cô bắt đầu làm đại sứ cho Omega vào năm 1995 và vẫn tiếp tục cho đến nay. Giờ đây con gái cô, Kaia Jordan Gerber, cũng là một đại sứ của Omega.

Cũng chính Biver đã đưa James Bond trở thành một đại sứ của Omega khi mẫu Seamaster Professional Divers xuất hiện trên tay của nam diễn viên Pierce Brosnan trong “Golden Eye” năm 1995.  “Chiến dịch này đã góp phần làm thay đổi hình ảnh của thương hiệu, đặc biệt là trong giới trẻ. Gần một phần tư thế kỷ đã trôi qua, Omega vẫn là chiếc đồng hồ chính thức của Bond trên màn ảnh lớn” – Biver nói.

Và đưa Omega thành thương hiệu gắn liền với serie phim James Bond đình đám.

Vào giữa thập niên 90, ông Biver đã chạm đến đỉnh cao quyền lực ở tập đoàn Swatch. Cùng lúc là giám đốc của Blancpain và người nắm quyền thực sự của Omega, ông Biver lúc bấy giờ chính là Lancelot – hiệp sĩ tài ba và thân tín nhất trong hội bàn tròn của Vua Nicolas. Là thân cận và cánh tay phải của ông Hayek, ông Biver lúc ấy là một trong những người quyền lực nhất trong giới đồng hồ Thuỵ Sĩ. Mọi người đồn đại rằng một ngày nào đó chính ông sẽ là người kế nhiệm ông Hayek với vai trò chủ tịch của tập đoàn Swatch.

Nhưng rồi định mệnh đã phụ lòng ông. Những đợt tái nhập viện vì căn bệnh Legionnaire (một căn bệnh nhiễm khuẩn) trong hơn 4 năm đã làm giảm sút đáng kể thời gian và năng lượng làm việc, kéo theo là cả quyền lực và mức độ ảnh hưởng. Đó là quãng thời gian vô cùng khó khăn với Biver. Sau khoảng thời gian nghỉ và chính thức rời khỏi tập đoàn, Biver quyết định bước tiếp, bắt đầu với việc phát triển một thứ gì đấy nhỏ và trở lại với niềm đam mê của ông: đồng hồ.

Sự trở lại cùng cú nổ Big Bang

TẠI SAO LẠI LÀ HUBLOT?

Sự trở lại với ngành công nghiệp đồng hồ của Biver ở độ tuổi đó không phải là bấy ngờ lớn lao nhất, điều khiến mọi người băn khoăn chính là nó thuộc một thương hiệu rất nhỏ khi đó: Hublot. Khi đó ấn tượng nói chung của làng đồng hồ về Hublot là một thương hiệu khởi nghiệp với những chiếc đồng hồ vỏ vàng, máy quartz và dây đeo cao su quá mới mẻ. “Tại sao lại là HUBLOT?” – Tin tức trên gây ra hai luồng phản ứng trái chiều. Về phía các đối thủ của Biver, họ đều rất vui mừng kháo nhau “Sự nghiệp của Biver đã chấm dứt!”. Bên cạnh đó, những người hâm mộ và đồng minh của Biver cũng đều bị xuống tinh thần. Họ chất vấn ông “Tại sao ông lại từ bỏ trường đua lớn để về với những chặng đua nhỏ lẻ hơn?”.

“Đó là một thương hiệu hoàn hảo với một sản phẩm trọn vẹn, mang cái tôi riêng biệt. Và ý tưởng dũng cảm của Hublot về dây cao su sẽ không bao giờ khiến người đeo thất vọng” – JEAN – CLAUDE BIVER.

Jean-Claude Biver, of Hublot Watches and LVMH, photographed by Daniel Lopez-Paullada in Geneva, Switzerland

Thực tế là trong những khoảng nghỉ ngơi, Biver liên tục tiến hành phân tích các mục tiêu của ngành đồng hồ Thuỵ Sỹ. Ông nói “Tầm nhìn của tôi cho thấy HUBLOT vẫn là một thương hiệu hay đang ngủ quên. Và điều đó cũng có nghĩa rằng, tôi sẽ có thể đánh thức nó dậy”.

Ngay từ khi ra đời vào năm 1980, nhà sáng lập Carlo Crocco đã tạo cho HUBLOT đã gây ra nhiều xúc cảm mạnh mẽ. Ông là người đầu tiên trên thế giới kết hợp một chiếc đồng hồ bằng vàng với dây đeo bằng cao su. Điều này đồng nghĩa với việc bạn diện một bộ tux sang trọng nhưng lại đi kèm với một đôi giày thể thao. Vậy mà thật không ngờ, điều này lại trở thành xu hướng đi đầu trong giới nghệ sĩ châu Âu, biểu tượng cho phong cách thời trang mới sang trọng nhưng hiện đại, được nhiều vị vua (vua Constantine của Hy Lạp, vua Juan Carlos của Tây Ban Nha, và vua Gustav của Thụy Điển) và hoàng tử (hoàng tử Rainier của Monaco) lựa chọn.

Chỉ sau ba tháng làm việc tại Hublot, Biver thấu hiểu được tầm quan trọng sự đóng góp của Crocco cũng đối với tương lai của Hublot. Biver đã gặp gỡ Crocco và thành viên hội đồng quản trị Marcello Binda để thảo luận về “linh hồn” của Hublot. Crocco thì cho rằng thông điệp này là Cao su còn Biver thì không đồng tình, “Linh hồn của Hublot ở đây chính là: Sự hợp nhất!” Hai người còn lại đồng loạt quay sang Biver và hỏi: “Sự hợp nhất là gì?”

Biver – Con người của ý tưởng

Tại Nhật, Biver được gọi là: con người của ý tưởng. Để giải thích về sự hợp nhất cho Crocco và Binda, ngài Biver lấy 1 mảnh giấy và bắt đầu vẽ: một đường thẳng tượng trưng cho mặt đất, những cái cây ở phía trên, một mỏ vàng dưới lòng đất và giải thích rằng :”Một vật liệu sinh ra từ những cây cao su tự nhiên. Vật liệu còn lại là vàng lấy từ lòng đất ở Châu Phi. Hai vật liệu này hợp nhất lại nhờ vào cú nổ Big Bang . Đó chính là “Sự Hợp Nhất.”

Jean-Claude Biver chính là người đưa khái niệm “Art of Fusion” đến với Hublot, và cũng chính là triết lí mà thương hiệu vẫn luôn theo đuổi đến ngày nay.

Ngay khi Biver nhắc đến từ Big Bang trong buổi họp, đó cũng là lúc ông tìm được tên cho chiếc đồng hồ của mình.

Chiếc Hublot Big Bang xuất hiện lần đầu tại Baselworld vào năm 2005, là biểu tượng cho ý tưởng hợp nhất mà ngài Biver đã đề ra: một cỗ máy chronograph tự động với đường kính 44.5 mm, từ chất liệu vàng hoặc thép, mặt đồng hồ carbon, vòng bezel từ ceramic với 6 con ốc hình chữ H đặc trưng từ titanium, khối quay rotor bằng hợp kim Tungsten mạ đen, nút Crown và hai nút bấm với các chi tiết từ cao su, và dĩ nhiên, dây đồng hồ cũng từ chất liệu cao su. Biver khi đó đã vực dậy thành công hai hãng đồng hồ. Hầu hết các CEO chỉ gặp may 1 lần trong đời. Gặp may 2 lần dường như là một việc bất khả thi. Gặp may lần 3 thì có lẽ là một sự thách thức số phận.

Hublot Big Bang ngay khi vừa được ra mắt đã giành giải thưởng Best Design của GPHG vào năm 2005 và đến nay vẫn là Best Seller của thương hiệu.

Big Bang đúng là một cú nổ thực sự. Sở hữu một chiếc Hublot với kích thước lớn và đầy màu sắc, đi ngược lại tiêu chuẩn thanh lịch của ngành đồng hồ Thụy Sĩ, cũng chính hình ảnh của sức mạnh, sự tự tin và một chút ngông cuồng. Ngay trong năm đó, Hublot Big Bang giành giải Best Design của giải thưởng danh giá Grand Prix d’Horlogerie de Genève.

Phục vụ những khách hàng mới

Đối với Biver, mục tiêu của Hublot là chăm sóc những khách hàng từ lâu bị ngành đồng hồ xa xỉ ở Thụy Sỹ thờ ơ. Để tiếp cận phân khúc thị trường mới này, Biver đã trực tiếp đàm phán hợp tác với những đội bóng rổ chuyên nghiệp ở Mỹ, các câu lạc bộ bóng đá ở Châu Âu, FIFA World Cup, các nghệ sỹ nổi tiếng, vận động viên Olympic, và các tay đua xe F1, điều mà trước giờ chưa từng có tiền lệ. Mỗi sự hợp tác sẽ gắn liền với một dòng đồng hồ phiên bản giới hạn được phát triển dành riêng cho các đối tác và người hâm mộ.

JC Biver đã đưa cái tên Hublot đến với mọi ngóc ngách của thế giới khi trở thành thương hiệu đồng hồ đầu tiên đồng hành của “Ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh” World Cup.

Với sức khỏe đã tiến triển tốt, Biver miệt mài làm việc để thúc đẩy thương hiệu phát triển. Ngài trò chuyện trực tiếp với khách hàng, thông qua mạng xã hội, những buổi họp trực tuyến , những buổi diễn thuyết với các nhà sưu tầm đồng hồ hoặc bất cứ ai muốn được nghe ngài nói. Trong khi dùng bữa tại nhà hàng, nếu ngài nhìn thấy ai đó mang chiếc đồng hồ của Hubot, ngài sẽ gọi người phục vụ đến, trả hóa đơn cho vị khách đó, và lặng lẽ đưa danh thiếp của mình cho họ với lời nhắn nhủ thể hiện sự biết ơn vì sự ủng hộ mà họ dành cho Hublot.

Với những đóng góp to lớn của Jean-Claude Biver, lịch sử của Hublot đã sang trang. Giữa những năm 2004 và 2008, doanh thu của hãng tăng vọt từ 20 triệu lên 195 triệu đô, theo một nghiên cứu của Havard Business School.

“Cú bắt tay” giữa JC Biver và chủ tịch tập đoàn xa xỉ LVMH Bernard Arnault mở ra một tương lai rộng mở cho sự phát triển của Hublot.

Tháng 4 năm 2008, Hublot dưới sự dẫn dắt của Biver trở thành thương hiệu đồng hồ phát triển nhanh nhất thế giới, được tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới LVMH mua lại với mức giá lên đến 490 triệu CHF cùng với việc ông tiếp tục ở lại trong vai trò CEO của thương hiệu.

Đỉnh cao cùng Hublot chưa làm cho Biver dừng thôi thúc làm việc. Sự phát triển của LVMH cho mảng đồng hồ được đẩy mạnh với ba thương hiệu lớn: TAG Heuer, Hublot và Zenith dưới sự dẫn dắt của Jean-Claude Biver trong vai trò chủ tịch.

Và rồi thông báo chính thức của tập đoàn đến vào ngày 21 tháng 9. Trong vai trò của một chủ tịch không thường trực, Biver để lại lời nhắn: “Đây là thời điểm để cho sự nghiệp của tôi một sự thúc đẩy mới, cống hiên hết mình cho viêc truyền tại và chia sẻ những kinh nghiệm rộng lớn của tôi”. Có người cho rằng sự nghiệp của ông đã chấm hết, tuy nhiên Biver vẫn đang hi vọng về sự trở lại của mình sau vài tháng nghỉ ngơi, “Tôi vẫn muốn cháy hết mình và tận hưởng ngành đồng hồ”.

*Dịch từ hodinkee bởi knightsbridge.com.vn*

5/5 - (2 bình chọn)