Trang chủ Kiến Thức GRAND SEIKO SLGH002 : SỰ KIỆN LỚN TRONG NĂM 2020!

GRAND SEIKO SLGH002 : SỰ KIỆN LỚN TRONG NĂM 2020!

0
653

* biên dịch có chỉnh sửa, cắt cúp chán chê từ hodinkee*

Một cỗ máy tần số cao, sở hữu bộ thoát sản xuất hàng loạt sau hơn 2 thập kỉ!

Tháng 3 năm nay, Seiko đã giới thiệu ra công chúng một chiếc đồng hồ mới, đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển kĩ nghệ đồng hồ của công ty. Đây là một phần trong lễ kỉ niệm 60 năm thành lập Grand Seiko, với chiếc đồng hồ GS đầu tiên phát hành năm 1960.

Tất cả mọi thứ mà bạn có thể mong đợi từ Grand Seiko đều hiện hữu ở đây : mặt số hoàn thiện tuyệt hảo, thiết kế vỏ cứng cáp nhưng vẫn thanh lịch, mọi chi tiết đều được chăm chút. Trong một thế giới mà những tiêu chuẩn thường bị hạ xuống mức tối thiểu, để doanh số không bị ảnh hưởng thì đây có thể nói là một điều rất tuyệt vời đến từ cái tên Grand Seiko – họ luôn làm cho mọi thứ thật sự xuất sắc. Tuy nhiên điểm đáng chú ý nhất ở đây đến từ cỗ máy bên trong, một thứ mà nếu gọi là xuất sắc thì vẫn chưa đủ, mà phải gọi là phi thường.

Calibre 9SA5 là một cỗ máy in-house của Seiko sở hữu tần số dao động cao, ở mức 36.000 vph. Nó vượt qua tần số thường thấy ở đồng hồ hiện đại với chỉ 28.800 vph. Lý do lựa chọn cho tần số cao bởi nó sẽ có tốc độ ổn định hơn cho đồng hồ. Một cỗ máy tần số cao được sản xuất hàng loạt là rất hiếm thấy trong giới đồng hồ hiện nay, và Grand Seiko là cái tên đã tạo ra và sử dụng nó một cách rộng rãi. Điều này đã giúp Seiko đưa đồng hồ tần số cao Hi-Beat của họ vào danh mục có thể nói là ” hàng độc”! Điểm hay còn nằm ở chỗ, cỗ máy mới 9SA5 sở hữu một thứ cực kì hiếm thấy trong kĩ nghệ đồng hồ : một bộ thoát mới!

TÓM TẮT LỊCH SỬ BỘ THOÁT ĐỒNG HỒ

Bộ thoát đầu tiên sử dụng trên đồng hồ có tên là Verge, sử dụng trong các loại đồng hồ cổ xưa. Nó có nhiều nhược điểm, điển hình là sự ma sát khi liên tục phải tiếp xúc với bộ truyền động, và nó cũng rất nhạy cảm về sự hiến đổi áp suất. Chính vì lý do này mà cho tới thế kỉ 18, cả bộ thoát Verge lẫn thế hệ sau của nó là bộ thoát xy lanh đã được thay thế bởi bộ thoát đòn bẩy. Theo các tài liệu thì bộ thoát này được tạo ra vào năm 1755 bởi Thomas Mudge, một nghệ nhân Anh Quốc. Kể từ đây, bộ thoát đòn bẩy liên tục được cải tiến, nó đã được áp dụng trong phần lớn sản phẩm đồng hồ từng được sản xuất.

Bộ thoát đòn bẩy đã tồn tại rất lâu nhờ tính tương thích và ổn định. Tuy nhiên, nhược điểm của nó là tạo ra các ma sát trượt ở mặt bên của Pallet chân kính với bề mặt bánh xe thoát, dẫn đến sự hao mòn và cần phải thêm chất bôi trơn. Tuy nhiên do tính thực dụng, ổn định mà nó đã được sử dụng trong ngành công nghiệp đồng hồ tới gần 3 thế kỉ.

                                                          bộ thoát đòn bẩy 

Do bộ thoát đòn bẩy quá tốt, nên cũng khiến cho các nhà chế tạo không có thêm các cải tiến, mặc dù trong thời gian này đã có hàng trăm bộ thoát khác nhau được thiết kế ra, nhưng đa số chúng đã được cho vào dĩ vãng! Bộ thoát mới nhất được công nghiệp hóa thành công sau 265 năm thống trị của bộ thoát đòn bẩy, chính là bộ thoát đồng trục Co-Axial của George Daniels. Đó là một câu chuyện dài, đầy thăng trầm trước khi được Omega công nghiệp hóa thành công, bộ thoát đồng trục đã được cấp bằng sáng chế vào năm 1980.

                                                      bộ thoát đồng trục

Kể từ đó, một số thử nghiệm thú vị đã được làm ra, nhưng đa số chúng vẫn chỉ dừng lại ở đó. Audemars Piguet đã tiến tới rất gần bằng bộ thoát Audemars Piguet 43.000 vph, nhưng bộ thoát này cho đến nay không còn được AP sử dụng nữa. Đối với Seiko, cỗ máy 9SA5 đi kèm bộ thoát Dual Impulse Escapement mới tung ra đã được sản xuất hàng loạt ngay lập tức. Đây là lần thứ 3 trong 265 năm, một bộ thoát mới trên đồng hồ đeo tay được giới thiệu với khả năng sản xuất có quy mô lớn ( bản giới hạn này sản xuất 100 chiếc).

                                                           bộ thoát của AP

SEIKO SLGH002 – BẢN GIỚI HẠN KỈ NIỆM 60 RA ĐỜI GRAND SEIKO

Đây là một chiếc đồng hồ rất tuyệt vời, bộ vỏ được làm từ vật liệu vàng hồng 18k, kích thước 40×11,7 mm. Phần hoàn thiện thân vỏ tuyệt vời như mong đợi, sở hữu đầy đủ những nét làm nên chất Grand Seiko. Các bề mặt chuyển tiếp cực kì sắc nét đến mức tự nhiên, bề mặt trên được đánh phay xước theo chiều dọc, cạnh sườn được đánh bóng sáng như gương.

Thiết kế của chiếc đồng hồ là rất đồng nhất, các bề mặt sáng bóng có sự tương tác rất hài hòa với nhau, bao gồm cả mặt số và bộ kim. Chiếc đồng hồ cực kì dễ xem giờ, mọi tinh hoa về hiệu ứng đều được tìm thấy ở mặt số, vừa đảm bảo tính thẩm mĩ, nhưng vẫn phải trực quan, dưới điều kiện ánh sáng mạnh, các chi tiết lại càng làm nổi bật hơn vẻ đẹp và tính dễ đọc của mặt số.

Việc áp dụng cỗ máy mới lên đồng hồ đã ngay lập tức tạo ra ảnh hưởng về kích thước thân vỏ : máy 9S85 cũ là 28,4 x 5,99mm so với 31mm x 5,18 mm cho 9SA5. Kết quả là chiếc đồng hồ mới có trọng tâm khá thấp và thoải mái hơn khi đeo lên tay. Một chi tiết nhỏ nhưng rất thú vị, đó là Seiko vẫn giữ nguyên phần lỗ gắn dây được khoan thủng trên tai càng. Nó giúp cho chủ sở hữu có thể thay dây mà ít gặp sự cố hơn, ngay ở cả phần ít được nhìn thấy nhất. ( có cái lỗ này chỉ cần chọc nhẹ từ bên ngoài bằng dụng cụ là được, hạn chế tối đa xước và sứt vàng nếu thay bằng tools). Có thể nói đây giống như một ” phép lịch sự” nho nhỏ mà Seiko dành tặng cho khách hàng.

Một chi tiết đáng nói là kim và cọc số, có thể nói, đây là chi tiết được đánh bóng công phu nhất mà tôi từng thấy trên bất cứ chiếc Grand Seiko nào. Phần kim giờ có một rãnh sâu chạy dọc thân, chi tiết này y hệt như cọc số tạo nên sự liên kết về mặt thị giác giữa chúng. Đây là một sự trợ giúp đáng kể làm tăng tính dễ đọc cho mặt số. Kim phút được làm kéo dài vượt qua cọc số, chạm tới vạch rìa. Cả kim giờ và phút đều được cắt cụt ở phần đầu.

MÁY 9SA5

có một số ý kiến cho rằng, cỗ máy ít có phần quan trọng hơn nếu so với thiết kế, cũng như phần hoàn thiện thân vỏ lẫn mặt số. Thực tế là chúng ta không dành quá nhiều thời gian để nhìn vào phần phía sau đồng hồ, trải nghiệm về đồng hồ chủ yếu nằm ở cảm giác đêo lên cổ tay, hình ảnh thị giác mang lại thông qua thiết kế và chất lượng hoàn thiện.

Mặc dù người ta không nhìn vào máy đồng hồ khi sử dụng, nhưng dù sao thì kiến thức và chất lượng, kèm theo các thuộc tính đặc biệt mà nó đang sở hữu, cũng đem lại những ” trải nghiệm” ngay cả khi không nhìn vào, và còn thỏa mãn hơn nữa nếu cỗ máy cơ học bên trong toát lên được vẻ đẹp thẩm mĩ. Điều này rất giống với SLGH002 và cỗ máy 9SA5.

Bộ phận cân bằng sử dụng dây tóc Overcoil và không có bộ điều chỉnh thông thường. Việc tinh chỉnh sẽ thông qua độ nặng quán tính. Sử dụng hai ổ cót, đem lại khả năng trữ cót tới 80 giờ, mức trữ cót lần đầu tiên . Bộ cân bằng được neo giữ bởi một cầu cân bằng, đem lại độ chắc chắn và chống sốc tốt hơn. Chi tiết cầu cân bằng này có phần điều chỉnh siêu nhỏ, cho phép tinh chỉnh độ cao so với bảng mạch chính, nó cho phép thợ sửa đồng hồ điều chỉnh cân bằng rung động mà không cần tháo rời cỗ máy.

Hệ thống lên dây cót được thiết kế sao cho cảm giác lên cót mượt mà nhất, đem lại sự hài lòng về mặt xúc giác. Máy 9SA5 cũng có cơ chế nhảy lịch nhanh, tốc độ nhảy lịch là 0.02 giây.

Và bây giờ, chúng ta sẽ đến với chi tiết quan trọng nhất, đó chính là bộ thoát mới. Để xem xét kĩ hơn ta sẽ so sánh với bộ thoát đòn bẩy. Sự khác biệt đáng chú ý dễ nhận biết nhất là bánh xe thoát. Bộ thoát mới của Seiko có bánh xe thoát hình ngôi sao tám cạnh đầu dẹt, thiết kế theo dạng skeleton giống như Pallet. Cơ chế thoát đi theo cả hai hướng bởi dao động cân bằng. Khi cân bằng dao động đi ngược chiều kim, nó sẽ nhận được xung động gián tiếp thông qua cần gạt, khi một đầu của bánh xe thoát trượt qua bề mặt chân kính gắn ở Pallet. Khi xoay theo chiều kim, con lắc di chuyển nhờ vào ma sát trượt giữa chân kính gắn trên nó với một chân bánh xe thoát. Do ma sát trượt chỉ đi theo một hướng, nên cơ chế thoát hoạt động hiệu quả hơn nhiều so với đòn bẩy, độ ổn định về mặt tốc độ dài hơn.

Ngoài sự khác biệt về mặt kĩ thuật, cỗ máy cũng đẹp về mặt mặt thẩm mĩ. Các cỗ máy cũ của Grand Seiko thường tạo ra cảm giác hơi cứng nhắc quá mức, nhưng đối với 9SA5 ta lại thấy được một hình ảnh mềm mại hơn, với các đường cong ” duyên dáng” khác kiểu so với máy GS đời cũ. Bánh lắc lên cót được làm dạng hổng, cho phép người đam mê có cái nhìn cận cảnh về các tấm chính và cầu.

KẾT LUẬN

Chiếc Grand Seiko, bản kỉ niệm 60 năm SLGH002 chắc chắn là một sản phẩm ấn tượng nhất thời gian qua, nó thực sự khác biệt và đương nhiên cũng rất đắt tiền. Nó đại diện cho một khoảnh khắc rất hiếm thấy về kĩ nghệ chế tạo đồng hồ, mà cả đời có khi chỉ được thấy một lần. Bộ thoát là một chi tiết đã được thử nghiệm hàng ngàn lần trong lịch sử, nhưng chỉ số ít trong số đó được sử dụng rộng rãi : bộ thoát Verge, bộ thoát xy lanh, bộ thoát đòn bẩy và bộ thoát đồng trục, và đó cũng là khoảng thời gian kéo dài tới 500 năm cho việc chế tạo đồng hồ.

Sở hữu được chiếc đồng hồ này, cũng đồng nghĩa với việc bạn đang nắm trong tay thành phẩm của một sự kiện, mà chỉ xảy ra một lần mỗi 100 năm! Thật là một dấu mốc đáng nhớ!

THÔNG SỐ KĨ THUẬT :

  • Tên mã : The Grand Seiko Anniversary Limited Edition SLGH002
  • Vỏ : vàng hồng 18k, 40mm x 11.7mm, kháng nước 100m
  • Mặt kính : saphire nguyên khối có tráng phủ lớp chống phản xạ ánh sáng
  • Kháng từ : 4,800 A/m
  • Máy : 9SA5 Hi-Beat, dao động 36000 vph, trữ cót 80 giờ, kích thước 31mm x 3.18mm, sai số +5/-3 giây mỗi ngày.
  • Giá bán : 43.000 USD
  • Số lượng : 100 chiếc. 
4/5 - (1 bình chọn)

0 BÌNH LUẬN