* biên dịch và tổng hợp bởi Lê Hoàng Thạch*
Không có gì lạ lùng khi các thương hiệu đồng hồ thuê gia công vỏ, mua máy, mặt kính, dây đeo… Rồi đem về lắp ráp tại công xưởng của họ, sau đó in tên của họ lên mặt số và gọi đó là ” đồng hồ của tôi đấy!”. Không phải tất cả các công ty đồng hồ đều được xây dựng hoàn chỉnh ngay từ đầu, và thậm chí cả các thương hiệu xa xỉ cỡ lớn cũng sử dụng máy của ETA cùng các thành phần bên ngoài khác nhau. Trở lại năm 1940, một thương hiệu có tên là ” Chronograph Suisse” ( hoặc Swiss Chronograph) đã cung cấp những chiếc đồng hồ bấm giờ rẻ tiền, bình dân cho các nhãn hiệu để nhận và bổ sung thêm cả tên của họ lên mặt số. Thậm chí một số thợ đồng hồ ở địa phương còn tự ý làm những chiếc đồng hồ dưới dạng ” Chronograph Suisse” và trộn lẫn vào để bán, gây ra một mớ hỗn độn.
Nó phổ biến ở thị trường Châu Âu, trên danh nghĩa đồng hồ Thụy Sỹ giá rẻ dành cho khách du lịch. Chronograph Suisse trở thành nguồn thu đáng kể cho các thương hiệu nhỏ, thường bị lãng quên và nhiều chiếc trong số đó thuộc về các bộ sưu tập của tay chơi. Vào thời kì đỉnh cao, hơn 500 xưởng sản xuất đồng hồ trở thành nguồn cung cấp cho dàng sản phẩm Chronograph Suisse. Mô hình kinh doanh thành công này phát triển mạnh từ những năm 1940 đến những năm 1970, trước khi cuộc cách mạng thạch anh tàn phá toàn bộ ngành công nghiệp. Chúng ta sẽ cùng nhau xem xét kĩ hơn về một chương bị lãng quên trong lịch sử phát triển đồng hồ thế kỉ 20.
NGUỒN GỐC CỦA THƯƠNG HIỆU
Thật khó để tìm ra nguồn gốc của Chronograph Suisse. Nó thường làm người ta nhớ đến các công ty như Seiko, nơi cung cấp các bộ phận cho các nhãn hiệu khác. Chẳng hạn như Seiko Calibre NH35A được sử dụng bởi nhiều thương hiệu nhỏ. Những nhãn hiệu này không in tên Seiko lên mặt số của họ, nhưng lại sử dụng cùng một cỗ máy với hãng này ! Tất nhiên so sánh này không hoàn toàn chính xác, vì Chronograph Suisse không tạo ra các cỗ máy In-house, hầu hết đồng hồ này đều sử dụng máy đến từ Swiss Venus, Landeron, hoặc Valjoux.
Đây là các công ty chuyên cung cấp các cỗ máy chất lượng cao, đáng tin cậy và có giá cả tương đối phải chăng – nó đi theo cùng hướng với Seiko hoặc ETA ngày nay. Những chiếc đồng hồ trong bài viết có kiểu dáng khá thời trang và cao cấp ( ý là bề ngoài thôi). Sử dụng vỏ thép hoặc bọc vàng mỏng, một số có sử dụng vỏ vàng nguyên khối 14k hoặc 18k đi kèm mặt số lạ mắt. Đây là một sự lôi cuốn hoàn hảo dành cho khách du lịch đang tìm kiếm những chiếc đồng hồ Thụy Sỹ giá rẻ. Bộ vỏ vàng nguyên khối được làm rất mỏng để giảm chi phí, các góc cạnh thường bị vạt bớt để tăng sản lượng, chúng là những vật lưu niệm rất phổ biến. Những mẫu vàng này vốn không hề rẻ mạt, một số mẫu cao cấp được bán với giá thành của một chiếc đồng hồ có thương hiệu.
Các cỗ máy thường được sử dụng cho Chronographe Suisse bao gồm Landeron Calibre 48 ( khoảng 3.5 triệu chiếc đã được sản xuất), sử dụng một bố cục 2 ô phụ trên mặt số. Nó hơi kì lạ một chút ở cơ chế vận hành : núm kích hoạt ở vị trí 2 giờ, còn núm góc 4 giờ có tác dụng dừng lại và Reset. Đó là một cỗ máy lên dây cót bằng tay, sở hữu 17 chân kính, dao động ở tần số 18.000 vph ( 2.5 hz). Và trữ cót được 42 giờ. Landeron có lịch sử từ năm 1873, nhưng mãi tới năm 1924 công ty này mới sản xuất các cỗ máy bấm giờ ( và năm 1925 chính thức đổi tên là Landeron).
Venus Calibre 170 là một cỗ máy khác được sử dụng trong Chronograph Suisse. Được thành lập từ 1923, Venus đã tạo ra cỗ máy bấm giờ đầu tiên vào năm 1933 – calibre 103. Cỗ máy Chronograph có chứa bánh xe dạng cột Column Wheel của họ, được ca ngợi là một trong những sản phẩm máy móc tốt nhất từng được sản xuất, bao gồm cả Cal.170, đây là cỗ máy lên dây bằng tay sở hữu 17 chân kính, dao động ở tần số 18.000 vph và trữ cót tới 40 giờ. Venus cũng tự sản xuất đồng hồ cho mình vào những năm 1970.
Những cỗ máy đến từ Valjoux cũng được nhìn thấy bên trong Chronographe Suisse, chẳng hạn như Valjoux 92. Tương tự như những cỗ máy khác, đây là một loại máy lên dây thủ công bằng tay, có 17 chân kính, 18.000 vph và khả năng trữ cót 39 giờ. Landeron, Venus và Valjoux đều là những nhà sản xuất cỗ máy phổ biến, được nhiều thương hiệu cao cấp sử dụng. Và họ đã góp phần quan trọng trong việc thiết lập nên danh tiếng của Chronograph Suisse, biến nó trở thành một sự thay thế chất lượng nhưng có giá thành vừa phải so với các nhãn hiệu đồng hồ Thụy Sỹ có tiếng.
CÁC THƯƠNG HIỆU BỔ SUNG TRÊN MẶT SỐ
Bạn có thể tìm thấy vô vàn những chiếc Chronograohe Suisse ngoài kia, với những cái tên tối nghĩa in trên mặt số từ các nhãn hiệu bị lãng quên từ rất lâu. Dreffa là một trong những công ty nổi tiếng ( không được công nhận rộng rãi) có tên gắn kèm với Chronographe Suisse trên mặt số. Được thành lập vào năm 1874 tại Geneva, Thụy Sỹ bởi Armand Dreyffus. Dreffa đã trở thành một thương hiệu đồng hồ xa xỉ và bắt đầu thâm nhập vào thị trường Mĩ vào những năm 1940, dưới cái tên Dreffa Geneve. Nhiều mẫu của họ thuộc về nhánh Chronograph Suisse, thường in cả tên công ty đính kèm trên mặt số – cùng với dòng chữ Chronograph Suisse. Jacques Maguin đã mua lại nhãn hiệu Dreffa vào năm ,1985 và sửa đổi lô gô, và sau đó nó được mua lại bởi TGX Holding năm 2014, việc sản xuất được tiếp tục ở cả Geneva và Glashutte.
Một số thương hiệu khác, như Ultimor và Olympic cũng xuất hiện trên dòng này. Và chỉ biến mất khi cuộc khủng hoảng thạch anh tàn phá các thương hiệu nhỏ hơn. Có một tỉ lệ rất lớn các công ty kiểu này tồn tại chỉ nhờ vào nguồn cung cấp Chronographe Suisse, nó cho phép lắp ráp và sửa đổi mặt số đơn giản, họ chỉ cần có vậy để tồn tại – thực sự mà nói thì đây là một khởi đầu không hề tồi cho các doanh nhân mới có hoài bão.
SƯU TẦM
Ở thời hiện tại, cho dù là Chronographe Suisse hay một cái tên khác bạn chưa từng nghe đến, thì dòng sản phẩm này cũng rất phổ biến với những tay mới bắt đầu sưu tầm Vintage, hay kể cả những nhà sưu tầm dày dạn kinh nghiệm. Các mẫu vỏ vàng 18k có thể bán được với cái giá hơn 3.000 EUR, và không khó để tìm ra các mẫu vàng có giá thấp hơn dưới 2000 USD ( việt nam tầm trên dưới 20 triệu thôi, mấy ông tây làm giá bỏ mẹ). Bản thân tôi cũng đang sở hữu một mẫu vỏ vàng, size 37mm từ những năm 1950 trong điều kiện rất tốt với cái giá dưới 1000 EUR. Nó sử dụng máy Landeron Calibre 48, hai ô phụ ở góc 3 giờ và 6 giờ, không hề tệ cho một chiếc đồng hồ Thụy Sỹ Vintage.
Bộ vỏ vàng rất mỏng, mỏng đến bất thường đi kèm bộ tai càng dạng rỗng, bạn sẽ cảm thấy nó cỏ vẻ ít chi tiết hơn. Kém bền hơn so với các nhãn hiệu có tiếng khác. Cỗ máy Landeron cũng sẽ khiến bạn tốn kha khá tiền bảo dưỡng. Có rất nhiều chiếc Chronographe Suisse bằng thép được bán với giá dưới 500 EUR, vì vậy bạn sẽ không cần phải bỏ ra một số tiền lớn nếu bạn bị thương hiệu này mê hoặc.
CHRONOGRAPH SUISSE TRONG THẾ KỈ 21
Sự hồi sinh nho nhỏ dành cho nhãn hiệu Chronograph Suisse đã diễn ra vào năm 2010, với chiếc CHRONOGRAPH SUISSE MANGUSTA SUPERMECCANICA STUPENDA ( vãi cả tên dài như con rắn), không giống với bản gốc vốn tập trung làm đồng hồ thời trang, đi kèm kính Acrylic và vỏ nhẹ tênh, chiếc đồng hồ mới sử dụng kính saphire nguyên khối, vỏ thép nặng với đường kính lên tới 45mm, khả năng chịu nước lên tới 200M. Cỗ máy bên trong có tên là Calibre 26, có nguồn gốc từ ETA 2894-2 với 37 chân kính, vận hành ở tần số 4Hz, trữ cót 42 giờ. Giá bán khởi điển từ 5000 USD và đắt nhất là 8000USD. Hiện nay giá bán rơi vào khoảng 3000 USD ( hàng cũ).
Giữa phiên bản mới và bản cũ là sự khác nhau của 2 trường phái, đó là những khái niệm khác nhau dành cho những đối tượng khác nhau. Cá nhân tôi sẽ lựa chọn một chiếc Chronographe Suisse vintage với cỗ máy landeron 48 vỏ thép. Tôi cho rằng đó là sự kết hợp tốt đẹp nhất và hợp túi tiền nhất.
Tên thương hiệu trên mặt số đối với tôi không quá quan trọng – thực tế thì tôi biết có khá nhiều nhà sưu tập rất ghét điều này. Vài thập kỉ tồn tại của dòng sản phẩm Chronographe Suisse không phải là một chương nổi tiếng trong lịch sử chế tạo đồng hồ, đặc biệt là ở Bắc Mĩ. Nhưng đã có hàng ngàn chiếc đồng hồ kiểu này đã được sản xuất, và nó không chỉ mang lại cho ta một cái nhìn thú vị về chế tạo đồng hồ thời kì tiền thạch anh ( trước 1969) mà còn cung cấp cho các nhà sưu tập đồng hồ Vintage một loại sản phẩm có giá thành rất phải chăng!
THÔNG TIN BỔ SUNG BÊN LỀ ( SƯU TẦM)
Những chiếc đồng hồ Chronographe Suisse mang tính chất làm thỏa mãn nhu cầu về đồng hồ bấm giờ giá rẻ trong thời đại của chúng : thời hoàng kim từ những năm sau thế chiến 2 tới những năm 60. Những chiếc đồng hồ này phải được sản xuất với tiêu chí CÀNG RẺ CÀNG TỐT, đa số chúng sử dụng máy Landeron ( 47/48/51/148/248 – có người cho rằng số lượng máy Cal.51 là nhiều nhất). Nếu bạn nhìn thấy mặt số có chứa hai ô phụ ở góc 3 giờ và 9 giờ thì rất có thể chiếc đồng hồ đó sử dụng máy Landeron. Hơn 3 triệu đồng hồ sử dụng máy Landeron đã được sản xuất, các bộ phận phần lớn có thể thay thế lẫn cho nhau, nguồn cung phụ tùng cũng rất dễ tìm.
Hầu hết đồng hồ dùng máy cũ hơn (47/48/51) không được trang bị hệ thống chống sốc kiểu như ” incabloc”. Nếu có thì chỉ áp dụng cho cal.148 và 248. Có một số lượng nhỏ đồng hồ sử dụng máy Venus 170 – áp dụng với mặt số hai ô phụ tại 6 và 12 giờ. Những chiếc này sẽ đắt hơn những chiếc dùng máy Landeron.
Việc sản xuất tối giản hết cỡ xét trên phương diện kinh tế đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng bộ vỏ, vỏ được mạ crom hoặc mạ vàng với chất liệu đồng thau, vỏ này được làm dựa trên nền thép – ” base metal”, một số loại cao cấp sử dụng vàng khối. Tuy nhiên, vì lí do tạo ra chiếc đồng hồ có giá cả phải chăng, bộ vỏ bằng vàng nguyên khối cũng khá là mỏng, sử dụng tai càng rỗng – nó làm bằng cách uốn cong các lá vàng cho ra một hình dạng chính xác – do đó các bộ vỏ vàng đều sử dụng một nắp bằng thép bên trong.