* biên dịch bởi Lê Hoàng Thạch*
Trong những năm sau thế chiến 2, thị trường đồng hồ đeo tay do Mĩ sản xuất có tính cạnh tranh rất cao, các hãng như Elgin, Bulova và Hamilton đều tham gia vào cuộc đua, nhằm phát triển những chiếc đồng hồ tinh xảo hơn về mặt kĩ thuật để thu hút khách hàng. Một trong những cuộc đua khốc liệt nhất chính là phát triển đồng hồ chạy bằng pin thay vì dây cót chính thường thấy. Trong bài viết này, bạn sẽ biết được chân dung kẻ thắng cuộc : Hamilton Electric 500. Mặc dù Hamilton là hãng đầu tiên cung cấp đồng hồ chạy pin cho khách hàng, nhưng đó là một chiến thắng với cái giá rất đắt!
Quay lại về lịch sử phát triển đồng hồ điện, vào năm 1814 ngài Francis Ronalds đã phát minh ra sản phẩm đầu tiên. Đối với đồng hồ đeo tay, có hai vấn đề cần phải khắc phục là : thứ nhất là hệ thống dao động sử dụng dòng điện, và thứ hai là kích thước viên pin phải đủ nhỏ để lắp vào đồng hồ. Đây là hai vấn đề có liên quan mật thiết với nhau, hệ thống dòng điện phải hiệu quả để không làm cạn nguồn pin. Các kĩ sư tại hãng Hamilton đã bắt đầu nghiên cứu vấn đề này vào năm 1947, khi Arthur Fillinger tạo ra cỗ máy đồng hồ điện đầu tiên cho Hamilton. Tuy nhiên mãi tới năm 1951 thì bản mẫu hoàn chỉnh đầu tiên mới được làm ra bởi Fred Koehler, đặt nền móng cho sự phát triển cuối cùng cho máy Model 500. Công lao thường được biết đến bởi kĩ sư trưởng của Hamilton lúc đó, John Van Horn và các đồng sự của ông, Phillip Biemiller và kĩ thuật thuật viên bậc thầy James H.Reese.Cỗ máy Model 500 sử dụng pin đến từ National Carbon Company ( sau này là Union Carbide), đây là đơn vị cuối cùng chịu hợp tác sau khi hơn 40 nhà sản xuất pin khác từ chối. Pin được thiết kế chống rò rỉ cà cung cấp điện áp rất ổn định. Hamilton đã từng nảy sinh ý tưởng tự sản xuất pin để giảm chi phí, cũng như giải phóng họ khỏi sự phụ thuộc với một nhà cung cấp duy nhất. Tuy nhiên họ đã từ bỏ ý tưởng đó do không khả thi.
Máy Model 500 không có ổ cót chính – thứ tạo ra sức mạnh để di chuyển các bánh răng và kim. Model 500 là chiếc đồng hồ điện, có biệt danh là ” cuộn dây di chuyển”. Nếu bạn để ý sẽ thấy , một bên của cân bằng có vẻ giống bình thường với các ốc vít, phía mặt bên kia có một cuộn dây lớn gắn phía trên nó, cuộn dây này là một nam châm điện. Bên dưới bộ cân bằng, đặt trên tấm nền là hai nam châm vĩnh cửu hình đĩa, khi bộ cân bằng bắt đầu dao động, cuộn dây sẽ đi vào kẽ hở giữa hai nam châm, một trong hai dây dẫn mỏng bên dưới bộ cân bằng sẽ truyền dòng điện ngắn tới cuộn dây, thông qua tiếp điểm trên trung tâm bộ cân bằng.
Từ trường cảm ứng trong cuộn dây sẽ tương tác với các trường lực từ của nam châm vĩnh cửu, giữ cho nó hoạt động liên tục. Lò xo cân bằng được làm từ hợp kim kháng từ, nhưng các kĩ sư của Hamilton vẫn chưa hạn chế hết được việc rò rỉ từ trường, buộc họ phải phát triển công thức độc quyền cho pin bạch kim và Coban.
Thật không may, Hamilton đã vội vã đưa chiếc đồng hồ vào sản xuất. Họ chọn phát hành nó vào ngày 3-1-1957, tại một bữa tiệc báo chí ở khách sạn Savoy Plaza, với sự tham gia của hơn 120 nhà báo. Chiếc đồng hồ ban đầu được tung ra với chất liệu vàng nguyên khối, có giá 175 Đô La. Trong phần quảng cáo, hãng tự hào mô tả chiếc đồng hồ là ” sự cải tiến cơ bản đầu tiên trong 477 năm lịch sử chế tạo đồng hồ” ( lấy dấu mốc từ Peter Henlein phát minh ra đồng hồ đầu tiên năm 1480). Cỗ máy điện của Hamilton đã xuất hiện trong một số dòng đồng hồ, bao gồm cả Ventura và Pacer do Richard Arbib thiết kế.
Các mẫu đầu tiên hoạt động rất thất thường, thợ đồng hồ và giới kim hoàn không muốn bán chúng, bởi họ chưa quen với việc sửa loại đồng hồ này. Hamilton đã giải quyết vấn đề này bằng cách khuyến khích gửi về nhà máy bảo dưỡng. Trong số các vấn đề nghiêm trọng và gây khó chịu nhất, là điểm tiếp xúc trên trung tâm cân bằng dễ bị ăn mòn, thậm chí còn làm đồng hồ dừng hoạt động.
Sự xuất hiện của Bulova Accutron vào năm 1960, đã góp phần tiễn đưa đồng hồ điện của Hamilton xuống mồ! Không giống như Hamilton, Bulova đã hỗ trợ sản phẩm và đào tạo nhân viên ngay từ thời điểm đầu. Tất nhiên, cả Accutron lẫn đồng hồ điện Hamilton đều sẽ thành dĩ vãng, khi Seiko tung ra chiếc Astron chạy máy thạch anh vào năm 1969, đánh dấu sự khởi đầu của một kỉ nguyên mới trong lịch sử đồng hồ.
Dù thất bại và cuối cùng phải dừng sản xuất vào năm 1969, đồng hồ điện của Hamilton vẫn thể hiện một sự khéo léo trong kĩ nghệ chế tạo đồng hồ, và vẫn là sản phẩm đáng để cho vào bộ sưu tập!