Trang chủ Kiến Thức LƯỢC SỬ HÃNG PIAGET (PHẦN 1)- HÀNH TRÌNH VĨ ĐẠI CỦA NHỮNG...

LƯỢC SỬ HÃNG PIAGET (PHẦN 1)- HÀNH TRÌNH VĨ ĐẠI CỦA NHỮNG CHIẾC ĐỒNG HỒ SIÊU MỎNG

0
875

*viết và biên dịch bởi Lê Hoàng Thạch*

Piaget SA là một nhãn hiệu đồng hồ vô cùng nổi tiếng, đây là một cái tên mà bất kì tay chơi nào trong giới đồng hồ cũng phải biết đến tên. Mỗi khi nhắc đến những chiếc đồng hồ cơ khí siêu mỏng, mỏng đến điên rồ thì chắc chắn ta phải nhắc đến Piaget. Hành trình của công ty là một cuộc hành trình vĩ đại đầy những tham vọng và nỗ lực không ngừng nghỉ, để có thể tạo ra những bứt phá mang tầm đỉnh cao trong giới đồng hồ mà ai cũng phải ngước nhìn! Trong ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau nhìn lại về quá trình hình thành và phát triển của hãng đồng hồ lừng danh bậc nhất thế giới này, để hiểu rõ được những thành tựu, những cống hiến mà họ đã làm được cho thế giới đồng hồ!

” thu mỏng kích thước đồng hồ luôn là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, mỗi một phần mười milimet được giảm xuống là biết bao công sức mồ hôi phải bỏ ra – một quá trình khó khăn ngoài sức tưởng tượng, một thách thức ghê gớm đối với bất kể tay thợ lành nghề nào! Nhưng Piaget đã làm được nhiều điều vĩ đại còn hơn thế!”.

KHỞI NGUYÊN

Tiền thân của hãng đồng hồ Piaget được thành lập vào năm 1874, khi ngài  Georges Édouard Piaget (1855-1931) chính thức tạo dựng một xưởng chế tạo đồng hồ ngay tại trang trại gia đình khi mới 19 tuổi. Vị trí của nó nằm ở một ngôi làng nhỏ La Côte Aux Fées, thuộc vùng núi Jura, Neuchatel, Thụy Sỹ. Xưởng gia đình này ban đầu lấy tên là ” Atelier De La Côte Aux  Fées, họ chuyên sản xuất đồng hồ bỏ túi và các cỗ máy có độ chính xác cao. Các bạn đọc cũng lưu ý, việc sản xuất đồng hồ với gia đình Piaget lúc này vẫn chỉ được coi là một công việc phụ làm vào mùa đông. Kiểu thành lập nhà xưởng đồng hồ nhỏ, quy mô gia đình là một thực tế rất phổ biến với nông dân Thụy Sỹ thời đó, bởi khi mùa đông lạnh giá đến thì họ chỉ có thể ở trong nhà, chẳng thể kiếm được đồng nào từ việc trồng trọt vì đất đã bị phủ đầy tuyết, khi đó, việc chế tạo đồng hồ và linh kiện đem bán sẽ giúp họ kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống.

                                        Georges Édouard Piaget (1855-1931)

Nhờ chất lượng cũng như độ tin cậy cao, công ty nhỏ này đã dần dần phát triển, việc làm ăn khấm khá theo từng năm. Georges Piaget sinh được 7 người con trai và 7 người con gái. Cương lĩnh làm việc của ông là ” luôn làm tốt hơn mức cần thiết”, với đam mê của mình, ông đã có vài phát minh mới, cải thiện chất lượng đòn bẩy. Năm 1890, xưởng được chuyển từ trang trại xuống tầng trệt của nhà thờ Tin Lành Tự do La Côte aux Fées. Trong hai thế hệ đầu tiên, chế tác đồng hồ đã dần trở thành công việc toàn thời gian của gia đình, họ từ bỏ việc làm nông, nhiều thành viên khác cũng tiến hành tham gia làm kinh tế bên ngoài.

                                                đại gia đình nhà PIAGET

. Đến năm 1911, người con trai thứ ba là Timothée Piaget ( 1885-1975) chính thức tiếp quản lại công ty từ tay cha mình và bắt đầu nhận đơn hàng gia công cho nhiều công ty danh tiếng – các công ty này sẽ thường đặt hàng từ các xưởng nhỏ, sau đó gom lại và in tên họ lên mặt số, nên rất khó để tìm kiếm được máy đồng hồ hay đồng hồ của nhà Piaget thời điểm này. Công việc phát triển đồng hồ bỏ túi dần được chuyển sang đồng hồ đeo tay do biến chuyển lịch sử.

Những năm thập niên 40 sau đó đánh dấu những cột mốc vô cùng quan trọng của công ty. Mặc dù khá nổi tiếng trong giới chế tạo đồng hồ, do các đơn hàng cung cấp máy cho các nhãn hiệu nổi tiếng khác, nhưng Piaget lại chưa có được một cái tên nổi bật trên thị trường bán lẻ cũng như một thương hiệu được bảo hộ hợp pháp. Năm 1943, thế hệ thứ 3 của công ty, tức là hai cháu trai của người sáng lập có tên là : Gérald Piaget ( 1917-1997) và Valentin Piaget (1922 -) , đã quyết định đăng kí bảo hộ tên thương hiệu bằng họ của ông và bố nhưng cũng rất dài  : “SA Ancienne Farbique Georgers Piaget & Cie., La Côte Aux Fées” . Kể từ đây nó sẽ là cái tên gắn liền với họ mãi về sau, đến tận ngày hôm nay! Tên nhãn hiệu bắt đầu từ 1943 sẽ được đóng vào cả máy lẫn đồng hồ do công ty sản xuất.

                                                        Valentin Piaget

Năm 1945, hai anh em chính thức tiếp quản công ty thay bố. Do nhu cầu các đơn hàng ngày càng gia tăng, công ty bắt đầu mở rộng sản xuất bằng cách xây dựng một nhà máy mới hiện đại hơn tại La Cote Aux Fees – đây sẽ là con át chủ bài trong những năm sau đó để tạo ra những câu chuyện huyền thoại thật sự trong giới đồng hồ! Tòa nhà này đến nay vẫn còn tồn tại nhưng đã được mở rộng ra nhiều, người dân trong làng coi cơ sở này là một ngôi đền huyền thoại tạo ra những sản phẩm tốt. Ngoài những chiếc đồng hồ hoàn chỉnh, họ còn sản xuất những chiếc đồng hồ có chất lượng cực kì xuất sắc, bán lại cho các nhà sản xuất khác nhau ở Geneva và Paris, phần lớn máy đồng hồ vẫn đang dùng để bán cho các nhãn hiệu khác, có rất ít đồng hồ in dòng chữ Piaget.

SỰ RA ĐỜI CỦA 9P – MỘT TRONG NHỮNG CỖ MÁY CƠ KHÍ LÊN DÂY MỎNG NHẤT LỊCH SỬ

Khi bắt đầu tiếp quản công ty vào năm 1945, người anh trai Gerald Piaget đảm nhiệm cương vị giám đốc điều hành và tập trung vào mảng kinh doanh sản phẩm, còn người em Valentin thì tập trung vào khâu phát triển sản phẩm. Vào thời điểm năm 1945 hai anh em nhà Piaget đang phải đối mặt với một thách thức lớn : Làm cho cái tên Piaget trở nên thật nổi bật trong mắt công chúng. Thực tế là cho đến trước 1943, nhãn hiệu Piaget không hề được đăng kí, đồng hồ sản xuất ra cũng không hề mang tên Piaget trên mặt số. Việc sản xuất máy bàn giao theo đơn hàng của những công ty khác, đã góp phần khiến cho công ty trở nên vô hình trong mắt công chúng.

Nhưng hai anh em nhà Piaget đã có trong tay một con át chủ bài – một nhà máy sản xuất hiện đại mới được xây dựng ở quê hương. Ở đây họ có thể tự mình tạo ra những cỗ máy cực kì ấn tượng theo ý riêng của mình, và họ đã lựa chọn một con đường rất đặc biệt, khó khăn nhưng chắc chắn sẽ gây tiếng vang : ĐỒNG HỒ SIÊU MỎNG.

Vào thời điểm thập niên cuối 1940 đến thập niên 1950, đa số những chiếc đồng hồ đeo tay đều có độ dày khá lớn, những chiếc đồng hồ lên dây cót bằng tay với xấp xỉ 9 mm đã là rất mỏng – thực tế thì tới nay nó vẫn được coi là kích thước mỏng vừa phải. Một ví dụ như ảnh dưới đây là chiếc Rolex VeryFlat cùng thời kì 1950-1960, nó dày 9mm và được coi là rất mỏng ở thời đó.  Trước đây vào thời kì đồng hồ bỏ túi, các nhà sản xuất đã tạo ra những cỗ máy đồng hồ cực kì mỏng, ví dụ như máy Cal.145 chỉ dày đúng 1.38 mm : một kích thước cực kì đáng nể đến tận ngày nay, do hãng Jaeger LeCoultre sản xuất. Tuy nhiên, đồng hồ đeo tay vốn cấu tạo nhỏ hơn, dễ va đập hơn nên cấu trúc của nó không đơn giản như đồng hồ bỏ túi, vì vậy việc thu nhỏ bộ máy xuống dưới 3mm là một việc làm vô cùng khó khăn với rất nhiều  hạn chế kĩ thuật cần khắc phục.

                                                   một chiếc rolex veryflat

Công trình máy đồng hồ siêu mỏng 9P đã được thai nghén một thời gian dài, và nỗ lực của họ đã được đền đáp : tại hội chợ Basel năm đó , hãng Piaget đã chính thức tung ra cỗ máy siêu mỏng chỉ dày đúng 2mm – một con số không tưởng dành cho đồng hồ đeo tay. Rất nhiều thợ đồng hồ thời đó khi nghe đến tin tức này, họ đã cho rằng đấy chỉ là chiêu bài khoác lác câu khách rẻ tiền, nhưng thực tế là Piaget đã buộc cả giới đồng hồ phải nể phục với thành công của mình, bởi họ không chỉ thành công về mặt chế tạo, mà còn thành công trong việc đưa nó ra thị trường thương mại với độ ổn định cao! Với độ dày chỉ 2mm, có nghĩa là họ sẽ sản xuất ra những chiếc đồng hồ chỉ có độ dày khoảng 4-5 mm mà thôi, rất mỏng so với con số 9mm thời đó dành cho đồng hồ đeo tay ( và thậm chí là tới ngày nay) . Một lần nữa, Piaget đã định hình là khái niệm ” đồng hồ siêu mỏng ” – UltraThin Watches. Kỉ lục của họ được xác lập đến mãi năm 1976 mới bị đánh bại.

                                            độ mỏng khủng khiếp của máy 9P

Năm 1957 đã đánh dấu một cột mốc lớn khi dòng sản phẩm đồng hồ Emperador và đặc biệt là Altiplano siêu mỏng ra đời, biến nó thành cái tên lừng danh đến tận ngày nay. Piaget đã bước đầu thành công trong việc tạo dựng tiếng vang trong giới đồng hồ : cả chế tạo lẫn người tiêu dùng. Nhưng tham vọng của họ sẽ không chỉ dừng lại ở đó!

                                                  một chiếc altilano thời xưa

                                                        emperador vintage

CAL 12P : ÔNG VUA TRONG GIỚI ĐỒNG HỒ TỰ ĐỘNG SIÊU MỎNG!

Sau thành công vang dội của cỗ máy lên dây 9P, Valentin cùng đồng nghiệp của ông tiếp tục dấn thân vào ” cuộc chơi” khó nhằn hơn : một cỗ máy tự động siêu mỏng.

Lịch sử đồng hồ tự động đã có từ thế kỉ 18, phát minh ra bởi Abraham Louis Perrelet vào năm 1770. Nhưng cơ chế này khi đó chỉ dành cho đồng hồ bỏ túi, và nó không hoạt động hoàn hảo được bởi hạn chế về kĩ thuật. Mãi tới năm 1923, một nhà sáng chế người Anh, có tên là John Harwood đã đưa thành công cơ chế này lên đồng hồ đeo tay, với cỗ máy Bumper ( lọc cọc rất nổi tiếng). Từ đó đến thập niên 1950 đã dẫn tới sự bùng nổ và sùng bái cơ chế tự lên dây cót trong quần chúng lẫn cả trong giới chế tạo đồng hồ. Tuy nhiên, việc lắp đặt thêm con văng lên cót vào cỗ máy đã dẫn tới làm gia tăng độ dày của đồng hồ hơn nhiều, phần thân vỏ sẽ phải làm dầy lên để có đủ không gian cho con văng này. Để giải quyết vấn đề không gian cho con văng lên cót, mà vẫn giữ cho đồng hồ thật mỏng, các nhà sáng chế đã nghĩ ra một cơ chế tự động kiểu mới, nổi tiếng đến tận ngày nay : MICRO-ROTOR.

Đây là cơ chế tự động được làm ra bởi kĩ sư của hãng Buren vào năm 1955, cũng trong năm đó hãng Universal đã tung ra chiếc đồng hồ nổi tiếng bậc nhất thế giới chạy cỗ máy này, có tên là Polarouter ( sau đổi thành polerouter). Giữa hai hãng này đã diễn ra kiện tụng ( Buren thắng) và cạnh tranh khốc liệt về độ mỏng bằng cỗ máy Micro Rotor, tuy nhiên đến cuối thập niên 1950, độ dày cỗ máy thế hệ đầu của họ vẫn chỉ dừng ở mức 4.15mm.

                                                        máy của BUREN

Nhận thấy rằng cơ chế Micro-Rotor là một giải pháp hoàn hảo, các kĩ sư nhà Piaget đã bắt đầu nghiên cứu và tự tạo ra một cỗ máy dành riêng cho đồng hồ của họ. Giống như Buren và Universal, Piaget đã khoét một phần cỗ máy và đặt con văng lên cót ở bên hông. Để đảm bảo khả năng lên cót hiệu quả, Piaget đã thiết kế con văng lên cót nặng nhất có thể – vật liệu vàng nguyên khối 24k. Bánh lắc được đặt trên một bánh răng, có nhiệm vụ truyền năng lượng tạo ra tới ổ cót.

                                          cal.12P với bánh lắc bằng vàng 24K

Năm 1960 tại hội chợ Basel, hãng Piaget đã gây chấn động giới đồng hồ một lần nữa, với cỗ máy Cal.12P huyền thoại. Với độ dày chỉ 2.3mm, kích thước cực kì điên rồ này đã đánh bại tất cả các hãng đồng hồ tự động về đọ mỏng ở thời điểm đó, bao gồm cả 2 hãng tiên phong là Universal và Buren. Một kỷ lục mới đã được xác lập, vị thế ông vua đồng hồ siêu mỏng đã gọi tên Piaget với cả hai dòng máy tự động lẫn lên dây cót tay. Kỉ lục này sẽ được duy trì khá lâu, mãi hơn một thập kỉ sau mới bị phá vỡ bởi Jean Lassalle. Cỗ máy này được gắn trên những chiếc đồng hồ vô cùng đẹp và thanh lịch, độ mỏng tuyệt vời, và đến nay vẫn là những chiếc có giá thành khá đắt đỏ dù thời gian trải qua lâu.

                                 poster quảng cáo đồng hồ của piaget thời xưa

Toàn bộ nhóm nghiên cứu ở La Cote Aux Fee có thể tự hào vì họ đã viết nên một trong những chương lịch sử hay nhất trong giới chế tạo đồng hồ. Giờ đây, anh em nhà Piaget đã có thể vui mừng nâng cốc, với danh hiệu ” nhà chế tạo đồng hồ mỏng nhất thế giới”.

                                                độ mỏng điên rồ của cal.12p

Việc làm ăn của Piaget rất tốt, năm 1959 họ mở một cửa hàng trang sức ở Geneva – một ngành nghề kinh doanh rất tốt mà sau này được Piaget mở rộng, đến năm 1961 thì thành lập chi nhánh nước ngoài đầu tiên tại Offenbach, nước Đức.

NHỮNG CỖ MÁY ĐẾN TỪ JEAN LASSALE

độ mỏng cực khủng của jean lassale

Mặc dù là một tay chơi sừng sỏ trong giới đồng hồ siêu mỏng, nhưng không có nghĩa là Piaget không có đối thủ. Thời điểm thập niên 70, một cái tên khác là Jean Lassale bỗng chốc nổi tiếng trong giới đồng hồ với cỗ máy siêu mỏng : Caliber 1200 và caliber 2000.

Caliber 1200 ra đời từ năm 1970, và đưa tới Jean Lassale năm 1975,  ngày ra mắt nó đã trở thành cỗ máy lên dây cót tay mỏng nhất thế giới với độ dày chỉ 1.2mm, đánh bại hoàn toàn kỉ lục 2mm trước đó của máy 9P. Để đạt được độ mỏng như vậy, Lassale đã tháo bỏ phần cầu trên cùng, sử dụng ổ bi cho các trục với tổng cả 14 viên bi, kích thước 0.2mm. Piaget sau đó đã mua lại bản quyền cỗ máy này và sản xuất dưới cái tên Piaget Cal.20P.

                                         máy cal.1200-mỏng nhưng dễ hỏng

                                     piaget cal.20P- thực chất là máy đi mua

Bên cạnh đó, Lassale còn tạo ra một phiên bản tự động siêu mỏng, có tên là Caliber 2000 với độ dày 2.08mm, sử dụng 18 viên bi, điểm đặc biệt là nó áp dụng con văng lên cót trung tâm chứ không phải micro rotor. Cỗ máy này cũng sẽ được Piaget áp dụng cho đồng hồ của mình.

                           một phiên bản siêu mỏng tự động của jean lassale

Về cơ bản, đây là những cỗ máy cực kì mỏng, đột phá nhưng rất kém bền, dễ bị chấn động và hư hỏng. Thời gian sản xuất từ 1976 đến 1979 tại Geneva. Sau đó nhãn hiệu này đã phải bán mình cho Seiko, còn tài liệu kĩ thuật của 2 cỗ máy được giao lại cho Lemania, cung cấp độc quyền cho Piaget dưới tên Lemania 1210 và 2010, bên cạnh đó cũng được sử dụng cho Vacheron Constantin dưới tên Caliber 1160 và 1170. Dù không thành công, nhưng những cỗ máy của Lassale đã đặt ra nhiều nền tảng để các hãng sau này tiếp thu và cải tiến cho dòng đồng hồ siêu mỏng.

TIẾN BƯỚC PHÁT TRIỂN – KHỦNG HOẢNG THẠCH ANH

Năm 1963, Piaget tiến hành đàm phán mua lại nhãn hiệu Baume & Mercier, đến năm 1965 thì chính thức về một nhà. Piaget đưa nhãn hiệu này tấn công sang thị trường Mỹ, một phần cơ sở sản xuất của Baume & Mercier cũng đã được Piaget chuyển sang Mỹ để tăng sức mạnh cạnh tranh ở đây. Đây cũng là thời điểm chớm nở của công nghệ đồng hồ điện, Piaget đã bị mê hoặc bởi khái niệm ” Âm Thoa” mà sau này sẽ được dùng rộng rãi trong công nghệ thạch anh, nó đã được phát triển ở Mỹ, và người Thụy Sỹ đã tạo ra phiên bản riêng của mình với cái tên ” Mosaba” – do Ebauches SA tạo ra. Nhãn hiệu Baume & Mercier cũng đã được Piaget sử dụng để tung ra chiếc đồng hồ điện sử dụng Mosaba, có tên là ” Tronosonic”.

                                     poster quảng cáo và máy tronosonic

Năm 1965, Yves Piaget ( con trai của Gerald) nhận bằng tốt nghiệp kĩ sư đồng hồ tại đại học Neuchatel. Trong các kì nghỉ ở trường đại học, ông đã tới học hỏi kinh nghiệm ở các cửa hàng và văn phòng Piaget ở Geneva – chủ yếu là bán hàng và tiếp thị. Ông cũng sở hữu bằng tốt nghiệp về đá quý và khoáng vật học quý ở Los angeles – đây cũng chính là động lực khiến cho Piaget đầu tư nhiều hơn vào bộ phận trang sức/đồng hồ có gắn đá quý. Piaget sau đó đã tiến hành mua lại các công ty trước đây từng là nhà gia công dây/vỏ/mặt số đồng hồ để làm ” của riêng” tại trụ sở Geneva. Piaget quyết định sẽ chỉ sử dụng vàng hoặc bạch kim để làm vỏ đồng hồ, hai ngoại lệ duy nhất là Upstream năm 2001( vỏ thép) và Polo FortyFive năm 2009 ( titan).

                                                          Yves G Piaget

Việc phát triển máy đồng hồ siêu mỏng vẫn được tiếp tục phát triển, tuy nhiên vẫn đi theo những nền tảng cũ nên chưa có quá nhiều đột phá chấn động như 9P và 12P. Năm 1986, Piaget lần đầu tiên thành công chế tạo cỗ máy lịch vạn niên đầu tiên.

Trong những năm thập niên cuối 60 đầu 70, Thụy Sỹ và Nhật Bản bước vào cuộc đua sản xuất máy đồng hồ Thạch Anh. Năm 1969, Piaget tham gia liên minh sản xuất cỗ máy thạch anh Thụy Sỹ đầu tiên, có tên là Beta 21. Một công ty con của Piaget có tên là ” Complication SA” là một cổ đông của viện nghiên cứu CEH, đây là viện nghiên cứu chung về đồng hồ thạch anh của Thụy Sỹ được thành lập năm 1961. Dưới tư cách là cổ đông, Yves Piaget tham gia ban cố vấn khoa học vào năm 1966. Nhiều công ty trong liên minh coi việc đầu tư vào điện tử là kế hoạch đốt tiền, bởi không có ai tin vào tương lai phát triển của loại đồng hồ này.

                                          một chiếc piaget dùng máy beta 21

Sau khi máy beta 21 ra đời, Piaget đã lắp nó vào 2 chiếc đồng hồ vàng. Do kích thước cỗ máy khá lớn (29×24,3×5.3), nên họ buộc phải tìm kiếm thứ gì đó mỏng hơn cho hộ với ” phong cách” vốn có. Piaget đã tự thành lập ra một đơn vị nghiên cứu nội bộ về đồng hồ thạch anh với tham vọng tự chế tạo máy, bớt phụ thuộc vào Ebauches SA và sau này là ETA. Điều này đã được chứng minh là một bước đi khôn ngoan trong cuộc khủng hoảng thạch anh.

                                   đồng hồ dùng máy beta21 của piaget

Từ 1970-1980, thế giới đồng hồ diễn ra khủng hoảng thạch anh, dẫn đến việc hai công ty lớn của Nhật Bản là Seiko và Citizen đã chiếm lĩnh thị trường đồng hồ thạch anh, chúng được sản xuất hàng loạt, chất lượng tốt và đặc biệt là giá vô cùng rẻ. Các nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sỹ đã không bắt kịp nhịp độ của người Nhật, dẫn tới sụp đổ hàng loạt với hơn 60.000 nhân công mất việc làm. Nhưng một điều tuyệt vời là tại Piaget, mặc dù cũng gặp khó khăn nhưng không có ai bị sa thải. Những nhân công ở Piaget đều là những tay thợ cừ khôi, làm việc kiên định đến khi nghỉ hưu. Piaget không cầu cứu sự giúp đỡ của các ngân hàng khi cần tiền gia  đình cũng không bán cổ phiếu, tất cả lợi nhuận làm ra sẽ được tái đầu tư.

Năm 1974, Yves Piaget chính thức được bổ nhiệm làm tổng giám đốc công ty. Năm 1980, Gerald Piaget bị tai nạn ô tô, do sức khỏe suy giảm nên ông dần trao thêm quyền cho con trai, và đến năm 1982 chính thức nghỉ hưu ở tuổi 65, Yves trở thành chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành.

                                                        piaget cal.7P

                                                    Đồng hồ chạy máy 7P

Năm 1976, Piaget đã sản xuất cỗ máy Calibre 7P, cỗ máy thạch anh mỏng nhất ở thời điểm đó. Để làm được điều này, hãng đã làm việc kết hợp với CEH để phát triển cỗ máy thạch anh mỏng, có thể sản xuất hàng loạt. Với độ dày chỉ 3.1mm, nó được coi là cỗ máy lý tưởng cho đồng hồ trang sức cỡ bé.

PIAGET POLO RA ĐỜI (1979)

Piaget Polo là dòng sản phẩm đồng hồ thể thao sang trọng chủ lực của hãng. Cuối thập niên 1970, tại thị trường Mỹ bắt đầu nở rộ nhu cầu về dòng đồng hồ thể thao sang trọng, các nhà bán lẻ đã đưa ý kiến khách hàng về tai hãng Piaget, và chiếc đồng hồ mới được ra đời với cái tên lấy từ môn thể thao quý tộc : Polo.

                                mã cầu – nguồn cảm hứng cho PIAGET POLO

Hãng Piaget đã rất thận trọng khi chi ra đời sản phẩm này, việc đặt tên cho nó là vô cùng khó, Yves Piaget nói :” chúng tôi đã sớm để ý tới môn mã cầu ( Polo) nó được cả thế giới quan tâm, và chúng tôi đã nhắm đúng mục tiêu, trong một thế giới cần có sự kết hợp giữa thể thao với sự sang trọng. Hơn nữa, mã cầu là môn thể thao phù hợp với chúng tôi về mặt kĩ thuật, nó cần sự chính xác cao để dự đoán bước đi tiếp theo, làm chủ thời gian và thể hiện sự sang trọng”. Sau một cuộc tranh luận kéo dài, chiếc đồng hồ cuối cùng đã chính thức được đặt tên là Polo. Được làm từ vỏ vàng nguyên khối, với họa tiết vân sọc vàng bóng bẩy trên mặt số, không có núm chỉnh. Ban đầu được áp dụng cỗ máy cal.7P thạch anh siêu mỏng.

Chiếc đồng hồ ra mắt đã ngay lập tức bán rất chạy. Năm 1980 là thời kì đỉnh cao nhất của dòng Polo với 1/3 doanh số bán ra thuộc về dòng này. Tại World cup Polo 1980 ở Palm Beach, Ursula Andress – diễn viên nổi tiếng đóng phim James Bond đã đồng ý là người đại diện phát ngôn cho chiếc đồng hồ mới. Cũng trong năm này, một cỗ máy thạch anh mới có tên là Calibre 8P đã được cho ra đời, nó chỉ dày đúng 1.95mm và ngay lập tức được lắp cho dòng Polo.

SÁT NHẬP VÀ SÁT NHẬP!

Piaget là một công ty có độ phủ sản phẩm khá rộng, không những trong đồng hồ mà cả kim hoàn, trang sức xa xỉ. Như đã nói ở trên, năm 1965, Piaget đã mua lại Baume & Mercier để thâm nhập vào thị trường Mĩ. Đến năm 1988, Cartier Monde đã mua lại 60% cổ phần của Piaget và Baume. Cartier là một công ty lớn chuyên về đồng hồ và trang sức xa xỉ, có phần rất tương đồng với cách thức vận hành của Piaget. Năm 1993, tập đoàn sang trọng Vendôme được thành lập ( Vendôme Luxury Group), đây là một tổ hợp gồm 13 công ty con chuyên ngành về xa xỉ phẩm, trải dài trên nhiều lĩnh vực như đồ da, đồng hồ. Piaget chính thức gia nhập tập đoàn này, cho đến năm 1997 thì chính thức hợp nhất vào tập đoàn Richemont – một trong những tập đoàn khổng lồ chuyên về mặt hàng xa xỉ, và duy trì như vậy cho tới nay.

Vào cuối những năm 1970, đồng hồ thạch anh chiếm 65% tổng sản lượng, nhưng bản thân Piaget chưa bao giờ từ bỏ hoàn toàn việc chế tạo đồng hồ cơ khí. Sau khi đồng hồ cơ được phục hồi ở thập niên 90 và lên đỉnh ở những năm 2000, cho tới năm 2007, sản lượng đồng hồ cơ khí ở Piaget đã đạt mức 51% .

Để lại ý kiến của bạn cho người sau nhé!

0 BÌNH LUẬN