Trang chủ Kiến Thức PROJECT 99 – CUỘC ĐUA PHÁT TRIỂN CỖ MÁY CHRONOGRAPH TỰ ĐỘNG...

PROJECT 99 – CUỘC ĐUA PHÁT TRIỂN CỖ MÁY CHRONOGRAPH TỰ ĐỘNG ĐẦU TIÊN TRÊN THẾ GIỚI ( PHẦN 1 )

0
431

* biên dịch bởi Lê Hoàng Thạch*

CHRONOGRAPH TỰ ĐỘNG – cuộc đua tranh chế tạo máy đồng hồ khốc liệt bậc nhất trong giới chế tạo đồng hồ, diễn ra vào năm 1969 bởi hàng loạt các liên minh và công ty đồng hồ trên thế giới. Nó để lại cho chúng ta vô vàn những cảm xúc và di sản tồn tại cho tới tận ngày nay. những câu chuyện ly kì, những con người dũng cảm và một lý tưởng cho những giá trị tân thời trong cỗ máy cơ khí nhỏ bé! xin kính mời các bạn cùng với Watchvietnam du hành ngược thời gian trở về quá khứ để tìm hiểu những nét tiêu biểu của dự án PROJECT 99 – dự án tuyệt mật chế tạo nên cỗ máy đồng hồ bấm giờ tự động !!!

BỐI CẢNH

Năm 1969 là một năm đáng chú ý bởi ” những cái đầu tiên” : con người lần đầu tiên đặt chân kên mặt trăng, Concorde và Boeing 747 đã thực hiện thành công chuyến bay đầy tiên, một người đàn ông lần đầu tiên sống được 3 ngày với trái tim nhân tạo. Do đó, khi nhắc đến năm 1969 ta sẽ có những sự kiện xác nhận về ” uy quyền tối cao của quốc gia” hoặc ” thành tựu của một giấc mơ không tưởng “, hoặc kỉ niệm một ” cuộc cách mạng”.

Và ở đây, chúng ta lại có một điều gì đó thật khác khi nhắc đến đồng hồ, và chúng ta sẽ khám phá nó ngay trong loạt bài này, thứ mà chúng tôi đang đề cập đến chính là : cỗ máy Chronograph tự động đầu tiên trên thế giới.

Nhiều người nghĩ tới năm 1969 là thời hoàng kim của các cuộc đua xe, những chiếc xe thật nhanh, các tài xế anh hùng thử thách với cái chết khi họ thách thức lẫn nhau. Như bất cứ điều gì, đua xe trong những năm 1960 là đặc trưng của những sự cạnh tranh : giữa các đội và các tay đua. Porsche, Ferrari và Ford tại Le Mans, Porsche với McLaren ở CanAm, Camaros và Mustang tại TransAm, Lotus và Ferrari trong Formula One. Các tay lái anh hùng gồm những Andretti, Brabham, Clark, Donahue, Foyt…. Cùng nhiều người khác nữa.

Trong khi các tổ đội và xe hơi chiến đấu với nhau trong suốt một thập kỉ, thì những năm 1960 cũng có thể coi là một thời kì vàng son, đáng nhớ cho đồng hồ bấm giờ Chronograph cũng như các dòng đồng hồ công cụ chuyên dụng khác. Đồng hồ chuyên dụng đã được đeo bởi những người lái và phi hành đoàn của họ trên đường đi, bởi phi công và hành khách quốc tế khi vượt qua các múi giờ, bởi thợ lặn trong cuộc phiêu lưu dưới nước, bởi những nhà thám hiểm khi họ leo lên đỉnh cao nhất và đến các vùng cực.

Những ông lớn ” Big Three” ( tam đại) trong giới Chronograph là OmegaBreitling Heuer – đã cạnh tranh mạnh mẽ với nhau, tự mình thiết lập một vị trí đặc biệt trên thị trường. Omega giới thiệu Speed Master vào năm 1957, 5 năm sau, phi hành gia Wally Schirra đã đeo một chiếc tiến vào không gian, tới cuối thập niên thì nó đã đặt chân lên mặt trăng. Breitling tuyên bố họ là nhà sản xuất hàng đầu thế giới về các công cụ chính xác dành cho ngành hàng không, với biểu tượng có tên là Navitimer đã trở thành một phần của các phi công. Còn Heuer là thương hiệu thống trị trong giới đua xe, họ cung cấp Chronograph cho các tay đua, công cụ bảng điều khiển cho người điều hướng, đồng hồ bấm giờ cho các đội đua, thiết bị cầm tay bấm giờ chia kim Split-second cho các quan chức trong cuộc đua.

Thật vậy, dòng đồng hồ công cụ ( tools watches) dường như đang tiến những bước đi riêng của mình trong những năm 1960, với các thương hiệu hàng đầu, nhằm phát triển Chronograph cho sự đòi hỏi càng cao của các ứng dụng.

CÁC THÁCH THỨC

Trong khi các công ty đồng hồ Thụy Sĩ tiếp tục phát triển chức năng Chronograph và các đồng hồ chuyên dụng khác. Thì vào đầu những năm 1960, họ đã phải đối đầu với những thách thức đáng kể. Doanh số bán hàng của đồng hồ Chronograph Thụy Sĩ sụt giảm hết năm này qua năm khác; máy Valjoux Venus huyền thoại – nguồn cung cấp Chronograph hàng đầu của Thụy Sĩ đã trở nên cũ kĩ, đáng lưu ý nhất là khi đó, dòng sản phẩm đồng hồ tự động lên dây đang rất nổi tiếng và có doanh số bán càng ngày càng tăng.

Đồng hồ tự động phát triển mạnh vào những năm 1960, khi các nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ giới thiệu hàng chục cỗ máy đời mới ra thị trường. Hệ thống lên dây bao gồm một bánh lắc lên cót được gắn vào mặt sau cỗ máy, đầu tiên là máy Bumper ( lọc cọc) và sau đó là Micro-rotor giúp giảm độ dày của máy ( tự động cúc áo). Ngay chính cách đặt tên cho đồng hồ đã nói lên sự phấn khích của ngành công nghiệp với các cỗ máy tự động – Datomatic, Depthomatic, Geomatic, Gyromatic, Kingmatic, Powermatic, và Tempomatic… Thậm chí có cả Futurematic của hãng Jaeger lecoultre. Một bước đi táo bạo nhằm xóa bỏ núm lên dây/thiết lập giờ, như thể muốn thông báo rằng núm điều chỉnh đã là dĩ vãng. Với sự phổ biến ngày càng tăng của đồng hồ tự động, các nhà sản xuất Chronograph phải đối mặt với một ” mệnh lệnh ” : phát triển Chronograph tự động hoặc tiếp tục mất doanh thu hàng năm.

 

 

Bắt đầu vào giữa những năm 1960, 4 nhà sản xuất đồng hồ hàng đầu đã tham gia vào cuộc đua tranh để phát triển đồng hồ Chronograph tự động đầu tiên. Giống như cuộc cạnh tranh giữa Liên Xô và Hoa Kì để cắm lá cờ đầu tiên lên mặt trăng, hoặc giống như Ford đặt mục tiêu đánh bại Ferrari tại Le Mans. Các hãng Heuer , Breitling, Zenith và Seiko đã đặt ra mục tiêu là Chronograph tự động đầu tiên trên thế giới. Heuer và Breitling hợp tác với nhau, còn Seiko và Zenith từng hoạt động độc lập ( đúng ra thì độc lập chỉ có Seiko).

CÁC HÃNG VÀ ĐỐI THỦ THAM GIA

1.ZENITH :

Zenith đã tham gia cuộc chiến phát triển Chronograph tự động. Được thành lập vào năm 1865, hãng đã thiết lập được danh tiếng của mình vào những năm 1940 và 1950 với tư cách là nhà sản xuất đồng hồ bấm giờ và đồng hồ cho quân đội. Là một nhà sản xuất chân chính, Zenith đã tự tạo được cỗ máy của riêng mình cho các đồng hồ Chronometer ( độ chính xác cao). Tuy nhiên Zenith lại chỉ cung cấp các dòng bấm giờ một cách rất hạn chế và máy móc có nguồn gốc đến từ các công ty khác, chủ yếu là Excelsior Park.

Năm 1960, Zenith mua lại Martel Watch Company, một nhà chế tạo các cỗ máy bấm giờ và các loại đồng hồ phức tạp khác như lịch và moonphase. Martel nổi tiếng là nhà cung cấp máy bấm giờ cho hãng Universal Geneva và các thương hiệu lớn khác. Bằng cách mua lại Martel, Zenith đã mở rộng việc cung ứng Chronograph và tăng cường khả năng của mình trong thiết kế và sản xuất các cỗ máy bấm giờ. Ngay sau khi mua lại Martel, Zenith đã bắt tay vài việc thiết kế cỗ máy bấm giờ tự động vào năm 1962, họ hy vọng sẽ sản xuất được nó vào năm 1965 – năm kỉ niệm của họ.

2. SEIKO

Được thành lập vào năm 1881, với tư cách là một nhà sản xuất đồng hồ, Seiko đã sản xuất đồng hồ đeo tay vào năm 1913, tên ” seiko” xuất hiện lần đầu trên mặt số là vào năm 1924. Năm 1955, Seiko đã thành công trong việc tạo ra chiếc đồng hồ đeo tay tự động đầu tiên của nước Nhật. Dòng sản phẩm Grand Seiko, được thiết kế để thể hiện trình độ phát triển bậc cao nhất của kĩ nghệ đồng hồ Nhật Bản.

Để củng cố danh tiếng quốc tế về mặt chất lượng, vào giữa những năm 1960, Seiko đã bắt đầu tham gia cạnh tranh tại các cuộc thi tại đài quan sát thiên văn Châu Âu có tên là Swiss Observatory Chronometer. Và đã đạt được thành công đáng kể và mang lại sự công nhận trên toàn thế giới cho công ty. Năm 1958 đánh dấu mốc quan trọng khi Seiko trở thành nhà cung cấp đồng hồ bấm giờ chính thức cho thế vận hội Tokyo, và họ cũng giới thiệu mẫu Chronograph đầu tiên với bộ đếm thời gian 60 giây. Đi kèm một niềng xoay. ( mẫu 5717)

3.HEUER

Được thành lập vào năm 1860, Heuer đã giới thiệu Chronograph đeo tay đầu tiên vào năm 1914, và họ cũng có danh tiếng lâu đời trong việc sản xuất thiết bị bấm giờ thể thao lẫn chronograph – đặc biệt là đồng hồ bấm giờ, bộ đếm thời gian bấm giờ chia kim và hệ thống thời gian.

Từ các Chronograph dành cho phi công vào những năm 1930, Triple Calendar Chronograph vào những năm 1940, cho tới những chiếc Chronograph góc cạnh ở thập niên 1950. Heuer đã cung cấp một loạt các đồng hồ Chronograph. Năm 1958, Heuer giới thiệu chiếc Master Time và bảng điều khiển  Monte Carlo. Và ngay sau đó thì đồng hồ cặp đôi bấm giờ Rally Master đã được phổ cập bởi hơn một nửa các đội đua hàng đầu. Vào những năm 1960, Heuer đã giới thiệu hai chiếc Chronograph phổ biến cho các tay đua : Autavia và Carrera – tất cả đều sử dụng máy Valjoux. Trớ trêu thay, Heuer cũng sản xuất đồng hồ tự động, nhưng công ty đã loại bỏ chúng vào cuối thập niên 1950 để tập trung vào việc sản xuất đồng hồ Chronograph.

4.BUREN

 

được thành lập vào năm 1873, công ty đồng hồ Buren đã phát triển nhiều kiểu máy trong nhiều năm, họ luôn tự phát triển các thành phần cho riêng mình. Buren giới thiệu chiếc đồng hồ tự động đầu tiên vào năm 1945, và ngay từ đầu đã tìm cách phát triển các cỗ máy tự động mỏng hơn. Calibre 525 của họ sử dụng cơ chế cuộn dây con lắc đặt lõm trong cỗ máy, chứ không phải là một bánh lắc lắp phía sau. Cuối cùng thì cách tiếp cận này đã không thành công, vì vậy, tới năm 1952 đã sử dụng đồng hồ tự động có lắp Rotor như bình thường vào năm 1953.

                                              Calibre 525 của BUREN

Năm 1954, hãng Buren đã được cấp bằng sáng chế cho cơ cấu ” Micro-rotor”, cho phép họ tạo ra những chiếc đồng hồ tốt nhất có thể, bằng cách thu hẹp đường kính của Rotor ( để vừa với bán kính của một cỗ máy tương đương), và định vị bánh lắc trong cùng một mặt phẳng với các thành phần khác của Cỗ máy, Buren tránh việc đặt bánh đà lên cót Rotor ở phía sau máy. Chiếc đồng hồ đầu tiên của Buren áp dụng micro- rotor là ” Super Slenders” ( Calibre 1000 và 1001), được giới thiệu vào năm 1957. Buren cũng cấp phép công nghệ cho các công ty khác, bao gồm IWC, Baume&mercier, Bulova và Halmilton. Sau một vụ tranh chấp bằng sáng chế, Buren cũng bắt đầu cấp phép cho công nghệ Micro-rotor của họ cho hãng Universal Geneva.

BẮT ĐẦU LIÊN MINH

2 bố con Charles-Edouard Heuer và Jack Heuer 

Cỗ máy Calibre 12 Chronomatic có nguồn gốc từ những năm cuối 1950, khi Charles Edouard Heuer, sau này là chủ tịch Ed.Heuer & Co bắt đầu xem xét việc công ty làm sao để có thể sản xuất được một cỗ máy bấm giờ tự động. Heuer đã nghiên cứu các cỗ máy Micror-rotor của Buren và bắt đầu nảy sinh ý tưởng gắn một cơ chế Chronograph lên mặt trước của cỗ máy này.

Ý tưởng này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ngủi, vì ngay cả khi kết hợp với cỗ máy Buren mỏng nhất với một cơ chế Chronograph cũng mỏng nhất, thì cỗ máy khi hoàn thành vẫn quá dày để cạnh tranh có hiệu quả với những chiếc đồng hồ có kiểu dáng đẹp hơn vào thời đó. ( đây cũng đang là thời của những chiếc đồng hồ Thin-O-Matic của Hamilton).

Tuy nhiên, tất cả điều này đã thay đổi vào năm 1962, khi Buren giới thiệu một cỗ máy Micro-rotor mỏng hơn, Calibre 1280 ” intra matic”, với độ dày cỗ máy giảm từ 4.3mm xuống còn 3.2mm. Và ngay lúc này dường như có thể xây dựng một cỗ máy Chronograph tự động có độ mỏng phù hợp. Một câu hỏi đặt ra cho Heuer là ai có thể xây dựng nên Mô đun Chronograph mỏng nhất có thể, bằng cách phối hợp với cỗ máy cơ sở của Buren?

DUBOIS DEPRAZ – ÔNG TRÙM THIẾT KẾ MÔ ĐUN

Trong số 4 công ty tham gia vào sự phát triển của cỗ máy Chronomatic, Dubois Depraz chắc chắn là công ty ít được biết đến bởi công chúng nhất. Được thành lập vào năm 1901, hãng này vốn không phải là nhà sản xuất máy đồng hồ hay đồng hồ, họ cũng không sản xuất Chronograph, nhưng họ là công ty đầu tàu trong công việc thiết kế các tính năng bổ sung : Complications. Dubois Depraz làm việc với các công ty đồng hồ khác để tạo ra các cỗ máy đồng hồ từ đơn giản, đến các cỗ máy cơ sở hay phức tạp hơn hoặc Chronograph.

Bắt đầu với một cỗ máy đơn giản, hãng này có khả năng bổ sung vào đó nhiều tính năng bổ sung, bao gồm cả bấm giờ, thang báo trữ cót hoặc lịch. Heuer đã nhờ tới Dubois Depraz tham gia phát triển các cỗ máy cho loạt đồng hồ bấm giờ 7700 của Heuer. Dự án này đạt kết quả cuối cùng vào năm 1967, khi Dubois Depraz đã phát triển một mô đun đặc biệt dành cho đồng hồ bấm giờ Monte Carlo của Heuer ( Calibre 7714), nó có một núm nhấn duy nhất để thiết lập kim phút và kim giây.

Dựa trên những kinh nghiệm đã đạt được, Heuer đã giữ Dubois Depraz lại để nghiên cứu tính khả thi của việc phát triển Mô đun Chronograph có khả năng kết hợp vơi cỗ máy của Buren. Điều trùng hợp là chủ tịch khi đó của hãng Dubois lại cũng đang tiến hành một nghiên cứu toàn diện về thiết kế Mô đun Chronograph để sử dụng với các cỗ máy Micro rotor Buren, và họ đã thảo luận ý tưởng này với Buren.

Khi Dubois Depraz xác nhận tính khả thi của dự án này, liên doanh Chronomatic gần như đã sẵn sàng để hành động. Chronomatic sẽ là cỗ máy đòn bẩy với 17 chân kính, bao gồm 2 yếu tố tối quan trọng được mô tả là ” hoàn toàn độc lập” : cỗ máy cơ sở từ hãng Buren ( bao gồm cơ chế tự lên dây và lịch) và mô đun Chronograph thiết kế bởi Dubois Depraz, một tấm giữ được thiết kế mới dành cho cơ chế bấm giờ. Trong ngắn hạn, thì đó là nột cỗ máy bấm giờ tự động ở dạng mô đun.

BREITLING – NHÂN TỐ CẦN THIẾT

Kể từ khi thành lập vào năm 1884, Breitling đã được biết tới là một hãng chuyên sản xuất các máy đo thời gian và máy đếm chính xác cho mục đích khoa học và công nghiệp. Nếu  Heuer là thương hiệu gắn liền với tay đua ô tô và đua xe, thì Breitling lại được công nhận là thương hiệu gắn liền với phi công và máy bay. Vào những năm 1930, Breitling bắt đầu sản xuất Chronograph on-board cho máy bay ( đồng hồ bấm giờ bảng điều khiển máy bay). Và họ cũng giới thiệu Chronograph hai núm điều chỉnh đầu tiên trên thế giới.

Năm 1942, Breitling tung ra chiếc Chronomat, chiếc đồng hồ bấm giờ đầu tiên được trang bị một thước trượt xoay tròn trên mặt đồng hồ và niềng. 10 năm sau, Breitling giới thiệu mẫu Navitimer huyền thoại, một mẫu bấm giờ 3 ô phụ đi kèm thước trượt xoay tròn, kèm với một hệ thống điều hướng có khả năng xử lý tất cả các tính toán gọi là kế hoạch bay.

Theo yêu cầu của phi hành gia Scott Carpenter, Breitling đã sản xuất chiếc Cosmonaute vào năm 1963, phiên bản Navitimer 24 giờ, các mẫu bấm giờ của Breitling trong thời đại này bao gồm Top Time, Cadette, Unitime và Co-Pilot, tất cả chúng đều được thiết kế cho các nhà thám hiểm.

HOÀN THÀNH QUAN HỆ ĐỐI TÁC

Khi Heuer, Buren, và Dubois Depraz sẵn sàng bắt tay vào việc phát triển mẫu Chronograph bấm giờ của họ, thì đã gặp phải một cản trở cuối cùng để liên doanh có thể đi vào hoạt động, đó là kinh phí. Do việc phát triển một cỗ máy bấm giờ tự động sẽ rất tốn kém, vượt quá khả năng của những công ty nhỏ độc lập như Heuer và Buren.

Để giải quyết việc này, Jack Heuer đã tiến hành làm một việc bất ngờ trong những năm đó. Anh ta đã tiếp cận người bạn của mình là Billy Breitling, lúc đó là ông chủ của Breitling để thảo luận về ý tưởng về mối quan hệ hợp tác, mặc dù họ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong dòng Chronograph và đồng hồ bấm giờ, Jack Heuer đã giải thích về sự hợp tác của họ trong dự án Chronomatic theo những thuật ngữ đơn giản nhất.

“Heuer là một thương hiệu mạnh ở thị trường Mỹ và Anh, nhưng yếu hơn ở Châu Âu. Breitling thì mạnh ở Ý và Pháp, nhưng lại ít có sự hiện diện ở Mỹ và Anh. Cả hai chúng tôi đều cần một Chronograph tự động, nó sẽ là một cơ hội hoàn hảo để tạo ra một quan hệ đối tác, trong đó cả hai đối tác mặc dù tham gia với tư cách là đối thủ của nhau, vẫn có thể củng cố vị trí của họ”

Với việc Dubois Depraz xác nhận về tính khả thi của việc xây dựng một mẫu máy Chronograph dạng mô đun, và Breitling lẫn Heuer cam kết tài trợ cho quan hệ đối tác độc đáo cũng như chia sẻ đầu ra, sau đó thì Heuer và Breitling bắt đầu tiếp cận Buren và đề xuất hợp tác với họ. Việc tham gia nhóm Chronomatic là một đề xuất hấp dẫn đối với một công ty nhỏ như Buren, so với những khách hàng nhỏ đã mua máy của Buren, thì Heuer và Breitling sẽ tạo ra một có hội đáng kể cho họ.

Cuối cùng, nhóm Chronomatic đã được hình thành đầy đủ : hai nhãn hiệu Chronograph đầu bảng, nhà sản xuất hàng đầu với các cỗ máy tự động mỏng, và một chuyên gia hàng đầu trong việc phát triển Chronograph đi kèm các tính năng bổ sung khác.

HAMILTON THAM GIA

Năm 1966, trong khi việc phát triển cỗ máy Chronomatic đang được tiến hành, Buren đã được Hamilton Watch Company mua lại, Hamilton đã chuyển phần lớn cơ sở sản xuất của mình cho nhà máy Buren ở Thụy Sĩ. Và thông qua việc mua lại Buren, họ đã trở thành đối tác trong việc phát triển máy Chronomatic. Trong khi Heuer và Breitling ngạc nhiên vì có thêm Hamilton trở thành đồng minh.

4.5/5 - (2 bình chọn)

0 BÌNH LUẬN