Trang chủ Kiến Thức RENÉ BANNWART : NGƯỜI SÁNG LẬP CORUM VÀ THIẾT KẾ NÊN OMEGA...

RENÉ BANNWART : NGƯỜI SÁNG LẬP CORUM VÀ THIẾT KẾ NÊN OMEGA SEAMASTER / OMEGA CONSTELLATION

0
216

* biên dịch và biên soạn bởi Lê Hoàng Thạch*

Réne Bannwart là một nhân vật đặc biệt trong lịch sử đồng hồ, người ta thường biết đến ông như nhà đồng sáng lập nên hãng Corum nổi tiếng, có thiết kế cây cầu vàng trứ danh độc nhất trên thị trường. Tuy nhiên, thông qua những cuộc trò chuyện với con trai ông là Jean René Bannwart, cũng như nghiên cứu kho dữ liệu lưu trữ tại Corum, nhiều điều thú vị về sự nghiệp của ông đã được hé mở, mà có lẽ đặc biệt nhất chính là việc tạo lập nên 2 dòng sản phẩm đình đám của Omega : Seamaster và Constellation.

VỀ VỚI OMEGA

Năm 1940, khi chiến tranh thế giới đang diễn ra khốc liệt, Bannwart và vợ chuyển đến thành phố Biel, Thụy Sỹ. Thành phố này chủ yếu hội tụ những người nói tiếng Pháp. Ông vốn sinh ra tại Basel và đang làm việc tại Geneva. Ông chuyển đến Biel do công việc mới : làm cho hãng Omega – một công ty đang có hoạt động kinh doanh rất tốt, đặc biệt là khi so sánh với những công ty đồng hồ truyền thống ở Geneva nhờ những chiếc đồng hồ mạnh mẽ được sản xuất trong thời chiến tranh. Mặc dù Biel lúc đó chưa phải là những thành phố sản xuất hàng đầu, nhưng bạn có thể hiểu rằng nó có tầm quan trọng rất lớn trong văn hóa sản xuất đồng hồ Thụy Sỹ, do nó có sự hiện diện của Omega ( công ty đồng hồ lớn nhất Thụy Sỹ thời đó, ngày nay là số 2) và cả tập đoàn Swatch – đơn vị sở hữu Omega thời hiện tại, bên cạnh đó còn có một trong những nhà máy lớn nhất của hãng đồng hồ số 1 là Rolex.

BỘ PHẬN SÁNG TẠO ĐẦU TIÊN TRONG LĨNH VỰC SẢN XUẤT ĐỒNG HỒ

Theo lời của con trai, kèm theo căn cứ từ bản tóm tắt lịch sử trong cuốn sách ” Omega Saga” và ” Omega Voyage À Travers Le Temps” – đều được viết bởi giám đốc bảo tàng Omega thời trước là Marco Richon, thì Réne Bannwart đã đem tới cho Omega một ” món quà” mà trước đây chưa từng xuất hiện ở bất kì đơn vị sản xuất nào tại Thụy Sỹ : Bộ phận sáng tạo.

Điều kì diệu này có được là nhờ sự chỉ đạo sáng suốt của Adolphe Vallat, giám đốc bán hàng của Omega thời điểm đó. Trước khi tiếp tục câu chuyện, chúng ta cần lưu ý là vào thời điểm những năm 40-50 của thế kỉ trước, các công ty đồng hồ được tổ chức rất khác so với hiện nay. Các công ty đồng hồ không thiết kế sản phẩm của họ theo cách mà chúng ta thường thấy ở thời hiện đại, những chiếc đồng hồ thập niên 40 gần như không có thiết kế, thân vỏ và mặt số na ná nhau được cung cấp bởi các đơn vị chuyên sản xuất, chỉ khác duy nhất tên nhãn hiệu khắc trên đó.

Một ví dụ đơn giản, bạn chỉ cần thả mình du ngoạn tại các viện bảo tàng đồng hồ, như Patek chẳng hạn, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra nhiều chiếc đồng hồ của các hãng khác nhau cùng niên đại thường có thiết kế tương tự, thậm chí giống hệt nhau, đây là kết quả được tạo ra từ các đơn vị chuyên sản xuất và bán vỏ/ mặt số đồng hồ.

Các nhà sản xuất vỏ và mặt số luôn là những đơn vị độc lập bên ngoài, chỉ trừ một số hãng lớn là ngoại lệ. Tuy nhiên điểm khác biệt ở ngày nay chính là việc thương hiệu sẽ đưa ra thiết kế vỏ và mặt số để các đơn vị sản xuất làm theo. Tại thời điểm hiện tại, các thương hiệu tỏ ra khá thận trọng với việc sáng tạo một ngoại hình thật độc đáo để tạo nên sự khác biệt.

Nhà thiết kế là một ngôn ngữ hiện đại nhưng không hề tồn tại trong ngành công nghiệp đồng hồ thập kỉ 1940. Cách suy nghĩ khác biệt của Vallat và Bannwart đã giúp họ tạo dựng nên thứ đó. Ý tưởng của Vallat không chỉ đơn thuần là thiết kế thực tế của đồng hồ đeo tay, nó còn bao gồm việc duy trì liên hệ với khách hàng trên toàn thế giới, một điều không hề dễ dàng ở thời điểm 1940. Nó có nghĩa là Bannwart sẽ phải liên tục trao đổi với khách hàng ngoại quốc để tạo ra những ” khái niệm” cho từng thị trường khác nhau. Jean rené Bannwart nhớ lại : ” cha tôi luôn phải thảo luận với khách hàng từ khắp nơi trên thế giới, họ đến và hỏi : đối với đất nước chúng tôi, chúng tôi cần những thứ như thế này, hoặc như thế kia. Và cuối cùng ông ấy đã tạo ra một bộ sưu tập với tất cả những ý tưởng đó, và mang một số mẫu trưng ra cho người ta thấy ở chuyến thăm tiếp theo hoặc tại hội chợ Basel”.

Trong cuốn Omega Saga, Richon thậm chí còn ca ngợi thành quả này nhiều hơn khi viết rằng : thành công từ việc thực hiện những ý tưởng của Vallat chính là nguyên nhân đưa Omega tới con đường thương mại đầy thịnh vượng của mình. Và lịch sử đã chứng minh Vallat và Bannwart đã đúng : hãng Omega đã biến thành một trong những thương hiệu đồng hồ thành công nhất hành tinh.

CHA ĐẺ CỦA BOM TẤN SEAMASTER

Năm 1948, Bannwart được giao phó phụ trách bộ phận ” sáng tạo” mới tại hãng Omega. Phần linh hồn của thiết kế và sáng tạo của Omega lúc này đến từ nội lực bên trong, do chính họ tạo ra, nó khác với các đối thủ cạnh tranh khi những nhãn hàng này chủ yếu dựa vào các công ty bên ngoài.

Richon đã ghi lại trong cuốn sách của mình rằng :  Bannwart là người đầu tiên áp dụng ý tưởng về chất phát quang gắn vào mặt số đồng hồ đeo tay. Đặc biệc ông đã thêm một chấm Radium vào phần lõm để tạo nên một điểm mốc dạ quang. Mặc dù kĩ thuật này tới này có vẻ khá tầm thường và phổ biến. Nhưng vào những năm 1940, dạ quang là thứ chưa phổ biến. Kĩ thuật này nhanh chóng được mọi hãng áp dụng và nó trở thành một tiêu chuẩn cho đồng hồ đắt tiền.

Nhu cầu về đồng hồ sau chiến tranh là rất lớn, Con trai ông nhớ lại : ” Omega đã cung cấp đồng hồ cho các lực lượng vũ trang Anh Quốc, họ đã có kinh nghiệm trong việc chế tạo những chiếc đồng hồ có khả năng chống nước, đáng tin cậy và mạnh mẽ. Các thuộc tính này đã gieo mầm cho nguồn gốc của Seamaster Tự động”. Bannwart được cho là cha đẻ của dòng Seamaster huyền thoại được giới thiệu vào năm 1948.

Theo những cuốn sách của Richon, Vallat đã rất vội vàng tung Seamaster ra thị trường. Tuy nhiên Bannwart lại là một người theo chủ nghĩa hoàn hảo – ông hầu như không hài lòng với những thiết kế của chính mình, thứ mà ông cho rằng còn ” nặng nề”. Sau nhiều lần ý kiến, cuối cùng Bannwart đã cho thấy những gì mà anh ta làm được, Richon đã viết rằng Vallat đã phải thốt lên ” đó chính xác là những gì tôi cần!”

KIẾN TẠO CONSTELLATION

Châu Âu cuối cùng đã bước sang thời kì phục hồi sau chiến tranh, châu lục này đã bớt ” khắc khổ” hơn và bắt đầu mua sắm những đồ xa xỉ ” nho nhỏ”. Ở thời điểm đó, Bannwart đã có sự thăng hoa trong phong cách đồng hồ thanh lịch, và cuối cùng tạo ra mẫu đồng hồ tinh tế bậc nhất trong lịch sử hãng Omega.

Khởi đầu chính là mẫu Centenary 1948, một chiếc đồng hồ độ chính xác cao Chronometer đeo tay tự động, kỉ niệm 100 năm ngày thành lập hãng Omega. Nó được giới thiệu với 02 kích thước với số lượng giới hạn 2000 và 4000 chiếc – nó đại diện cho ý tưởng 100 năm sáng tạo và phát triển của hãng Omega. Mặc dù mặt số có chút khác lạ về thiết kế, nhưng chiếc vỏ vàng duyên dáng với bộ tai càng tinh nghịch đã trở thành chiếc đồng hồ mỏng nhất trong thời đại của nó. Và chính doanh số bán rất chạy của mẫu đồng hồ này đã tạo ra cái gọi là nhu cầu, Omega đã nắm lấy cơ hội và tạo ra một mẫu đồng hồ mới có cái tên huyền thoại vào năm 1952 : Constellation.

Giống như Seamaster, đây có thể nói là mẫu đồng hồ bán chạy nhất của Omega. Constellation đánh dấu mốc là chiếc đồng hồ Chronometer đeo tay sản xuất hàng loạt đầu tiên của nhãn hiệu. Robert Jan Broer, một tay chơi nổi tiếng về Omega Vintage đã chia sẻ với tôi rằng : Constellation là chiếc đồng hồ khơi mào nên niềm đam mê của anh ấy đối với Omega. Tôi hoàn toàn có thể hiểu được điều này, bởi không giống như hầu hết các dòng phổ biến khác của Omega, ngoại hình của Constellation ít tính năng hơn nhưng lại rất thanh lịch. Những mẫu vintage xưa thực sự có một ngoại hình rất ấn tượng và phong phú.

Richon đã viết như sau : ” nó được tạo ra bởi réne Bannwart và sản xuất bởi Merusa ở Biel, nó đã trở thành tâm điểm chú ý khi đã cố tình phá vỡ sự giống nhau đến đơn điệu của mặt số đồng hồ tại thời điểm đó”. Chỉ hai năm sau, Bannwart được chỉ định làm trưởng bộ phận sản xuất, chịu trách nhiệm cho tất cả các bộ sưu tập của Omega. Trong cuốn sách của mình, Richon đã xác lập năm 1953 là năm Omega cho ra đời những sáng tạo thanh lịch nhất của mình, với phương thức trình bày và hoàn thiện vô cùng sang trọng.

Năm 1955, Bannwart đã 40 tuổi. Nhà thiết kế kiêm sáng tạo với nhiều thành tựu này đánh giá rất cao khoảng thời gian tuyệt vời khi làm việc cho Omega, nhưng ông cảm thấy đã đến lúc phải tự tạo ra cho mình một dấu ấn riêng trong ngành chế tác đồng hồ Thụy Sỹ, đó chính là là lý do ra đời của nhãn hiệu Corum.

Để lại ý kiến của bạn cho người sau nhé!

0 BÌNH LUẬN