Trang chủ Tin Tức - Sự Kiện CÙNG BÀN LUẬN VỀ CURNON – TẢN MẠN ĐỒNG HỒ VIỆT NAM

CÙNG BÀN LUẬN VỀ CURNON – TẢN MẠN ĐỒNG HỒ VIỆT NAM

1
7944

*bài viết được thực hiện bởi Lê Hoàng Thạch – thể hiện quan điểm riêng của tác giả*

Xin kính chào mọi người, trong thời gian qua, giới chơi đồng hồ cũng như cộng đồng mạng rất xôn xao về một thương hiệu đồng hồ Việt Nam, với cái tên rất lạ lẫm đã kêu gọi được 5 tỉ tiền đầu tư cho sự án đồng hồ của mình trong chương trình Shark Tank : CURNON ( tiếng Anh nghĩa là why not )

Với những mĩ từ như ” đồng hồ đầu tiên của người Việt” , ” thiết kế do người Việt Nam”, dự án đồng hồ ( thực tế là đã bán được 1 thời gian ) này đang nhận được vô vàn các ý kiến trái chiều cũng như các tranh luận nảy lửa. Vậy, nội trong bài viết này tôi xin phép trình bày và phân tích một chút về nhãn hiệu Curnon, để các bạn tham khảo và có thể có các nhận định chính xác hơn về nó.

CÁCH LÀM : HOÀN TOÀN ĐÚNG !

Đầu tiên ta sẽ bắt đầu với phương thức phát triển dòng sản phẩm, bao gồm sản xuất, quảng bá và bán hàng. Về vấn đề mà người ta tranh cãi nhiều nhất, đó chính là sản phẩm này dù nói là đồng hồ Việt Nam, nhưng lại được sản xuất tại Trung Quốc, thiết kế theo các mẫu sẵn có ở Trung Quốc và sử dụng các cỗ máy đồng hồ ( movement ) đến từ Nhật Bản.

Do có nhiều người không am hiểu về phương thức vận hành và lịch sử phát triển kĩ nghệ đồng hồ của thế giới, cộng thêm cảm tính căm ghét anh hàng xóm nên thành ra mọi người ai ai cũng hùa vào để chửi. Thực tế là, không chỉ các nhãn khởi nghiệp tại Việt Nam, mà thậm chí có rất nhiều nhãn hiệu trên thế giới xuất xứ từ Nhật Bản, Thụy sĩ, đặc biệt là Mĩ và Đức sử dụng phương thức hợp tác sản xuất này. Bản thân họ chỉ nắm vốn và có thể là thiết kế, còn lại cỗ máy bên trong, thân vỏ đều nhờ vào các linh kiện bên ngoài, có thể là từ Nhật hoặc từ Trung Quốc hoặc Thụy Sĩ. Loại phương thức hợp tác này cũng có thể đảo ngược lại khi các nhãn hàng thuộc sở hữu của Trung Quốc lại nhờ Thụy sĩ gia công và lắp ráp để bán với giá cao hơn.

Phương thức làm đồng hồ của Curnon là : máy Nhật bản + thiết kế có sẵn + một chút ý tưởng trang trí bổ sung ( khắc hình – màu) + thân vỏ & lắp ráp Tại Trung Quốc ….. Cuối cùng là cộp mác nhãn hiệu, đóng gói và bán ở Việt Nam. Đây là cách làm rất phổ biến hiện nay và họ hoàn toàn đủ tư cách nói rằng họ là nhãn hiệu đồng hồ Việt Nam. Một vài ví dụ cho các bạn hiểu cách hợp tác này, điển hình như hãng Benrus, Waltham xưa của mĩ nhưng đồng hồ lại cộp mác swiss made vì họ nhờ thụy sĩ làm đồng hồ, đồng hồ Timex vẫn là đồng hồ Mĩ nhưng lại lấy máy của Nhật Bản hay Fossil lấy máy Trung Quốc ( đơn hàng với seagull lên đến 1 triệu movement cho các nhãn của Mĩ ), ở Việt Nam, nhãn hiệu OP bán khá chạy cũng là nhãn hiệu dùng máy Nhật Bản nhưng lắp ráp ở các công xưởng ở Hongkong hay Trung Quốc đại lục. Tóm lại là cách làm chuẩn mực không vấn đề gì cả.

Về cách quảng bá hình ảnh, xây dựng diễn đàn, lăng xê truyền thông thì quá chuẩn rồi, mọi thứ đều rất lung linh bắt mắt, tôi không có gì để chê hay phàn nàn, kể cả cách họ nói lảm nhảm về cái thiết kế của người Việt Nam – mà thực chất là làm theo các mẫu có sẵn thì tôi vẫn cho rằng họ làm vậy vẫn theo chuẩn mực của phương thức tạo dư luận truyền thông trước khi bán hàng, nhằm tối ưu hóa lợi nhuận sau đó. Sản phẩm bán ra với phương thức trình bày rất đẹp mắt, chu đáo và giá lại rất rẻ ( chưa đến 2 triệu)- rất đúng tâm lí thị trường Việt Nam.

THẤT VỌNG ĐẾN TỪ ĐÂU ?

Đã từ rất lâu rồi, giới chơi đồng hồ người Việt Nam đã luôn ao ước khát khao một nhãn hiệu đồng hồ thực sự được làm ra từ bàn tay của chính người Việt Nam. Đó là một thứ tình cảm hữu hình mang đậm chất lòng yêu nước và chủ nghĩa dân tộc. Sự thất bại và yếu kém của các đơn vị nhà nước ( xí nghiệp đồng hồ nghĩa đô) lẫn tư nhân ( như Gimiko) trong phân khúc đồng hồ đeo tay đã đẩy nền công nghiệp đồng hồ Việt Nam về con số gần bằng 0. So với các quốc gia khác được chính phủ đầu tư và lên kế hoạch bài bản về phát triển kĩ nghệ đồng hồ ( chả nói đâu xa – anh chàng béo cạnh chúng ta đó) thì chúng ta thua thiệt quá nhiều.

“Làm ơn có một ai đó…” có lẽ là câu ước vọng lớn lao nhưng đầy van xin cho nền công nghiệp đồng hồ đeo tay nước nhà, và khi xuất hiện ai đó – đơn cử như Curnon thì mọi con mắt đều đổ dồn vào họ xem họ làm sao thỏa mãn được cơn khát ấy. Tuy nhiên dù cách làm vẫn đúng nhưng họ vẫn gây thất vọng lớn cho giới chơi đồng hồ nước nhà, lí do chỉ có 1…đó chính là thiết kế.

Vấn đề thiết kế đồng hồ không phải là một chuyện đơn giản, tuy nhiên, để tạo ra một đặc điểm nhận dạng mang tính quốc gia lên trên đồng hồ thì lại rất dễ – công bằng mà nói nó sẽ khiến giá thành đội lên cao hơn – tôi hiểu điều đó nhưng vẫn thất vọng. Nhiều người mong muốn một thiết kế có thứ gì đó , kiểu như quốc huy, rồng thời lý , trống đồng ( nay đã có- khắc sau đít máy- cách làm rẻ tiền và chưa hay lắm ) hay chim hạc, hoa sen… Để có thể nhận dạng và khoe với mọi người đây là đồng hồ Việt Nam! Nhưng cái họ nhận lại là một thiết kế có sẵn, đi kèm với tên thương hiệu lẫn nhãn hiệu vô cùng lạ lẫm.

Thứ 2, nhiều người cho rằng Curnon đã gian dối người tiêu dùng khi họ đã kể lể một câu chuyện không hề có thật khi nói rằng , đây là thiết kế thuần Việt, nhưng thực tế đây là loại thiết kế sẵn có rẻ tiền của Trung Quốc, ăn theo phong cách thiết kế đồng hồ tinh giản Bauhaus đến từ nước Đức ( với nhãn rất kinh điển là Junghans Maxbill, Nomos, Stowa…) bản thân tôi, như đã từng chia sẻ trên diễn đàn đồng hồ mà tôi quản lí cũng vô cùng cảm thấy tự ái và chạm vào cảm xúc cá nhân. Tôi là một người biết vẽ, từng quản lí hội vẽ rất lớn trên facebook, xin khẳng định Việt Nam chúng ta nhân tài rất nhiều, chúng ta đâu có thiếu những người có thể thiết kế ra những chiếc đồng hồ giản đơn nhưng thấm đầy văn hóa Việt, mà đến nỗi phải nhờ đến một thiết kế ngoại lai rồi tự huyễn hoặc là do mình thiết kế? Xin cam đoan là không chỉ có tôi, mà nhiều anh em hội vẽ, hội thiết kế mà biết được thì họ cũng vô cùng buồn! Dân thiết kế Việt Nam không ngán bất cứ thứ gì, chỉ sợ không có đất trọng dụng và sợ bị tiếng oan mà thôi!

Còn các vấn đề chê trách về máy móc Nhật Bản gia công Trung quốc, như tôi đã nói ở trên, Trung quốc là một cường quốc hàng đầu thế giới về gia công đồng hồ, với giá rẻ và cực kì chuyên nghiệp , thì cách làm của Curnon không sai và tôi cho rằng, ai chê trách thì chỉ đơn giản là họ chưa hiểu lắm về cách thức vận hành nền công nghiệp đồng hồ thế giới mà thôi.

CURNON CẦN LÀM GÌ

 

Chúng ta hẳn vẫn không quên về thất bại để đời của B-phone, chiếc điện thoại được quảng bá rất nhiều nhưng vẫn thất bại. Bởi lí do không tạo được bản sắc và chết chìm trong hàng tá những điện thoại giá rẻ đến từ nước ngoài. Câu chuyện của Curnon rồi sẽ có thể tương tự như thế, nếu họ không tự xem lại cách làm của mình, không khiêm tốn và chân thành hơn thì chắc chắn sẽ họ không thể có được sự hậu thuẫn chắc chắn từ giới chơi đồng hồ Việt Nam – tuy ít nhưng thế lực và tầm ảnh hưởng rất mạnh.

Một vài vấn đề tôi xin nêu ngắn gọn góp ý cho  Curnon thế này :

1. Bổ sung thiết kế mặt trước :  Giữ nguyên thiết kế khung ( tạm thời ) nhưng bổ sung thêm các biểu tượng , lô gô nổi hoặc hình khắc vào mặt số – các biểu tượng hình khắc mang tính quốc gia. Ví dụ như bộ kim có hình chim hạc, lô gô nổi hình hoa sen, quốc huy nho nhỏ…. Bắt buộc phải để đàng trước, sản phẩm mới các bạn khắc trống đồng  laze sau đít là cách làm khá sai lầm vì đeo lên chả ma nào thấy và trông rất rẻ tiền – người mua luôn muốn ngắm nhìn vẻ đẹp từ đằng trước mọi lúc mọi nơi chứ mấy ai tháo ra xem đít ( trừ mấy thằng cuồng đồng hồ )

2. Bổ sung thêm tên bộ sưu tập thuần việt : Đồng thời với việc thay đổi về mặt trước, thì bắt buộc bạn sẽ phải thêm cho nó cái tên ví dụ như ” rồng thần” , ” cánh sen vàng”… Vừa dễ hiểu vừa sang chảnh !

3. Lựa chọn các mặt báo lẫn các trang viết bài uy tín ( như bọn tớ chẳng hạn… A hi hi ) viết những câu chuyện lâm li bi đát về dòng sản phẩm mới để người chơi lẫn người tiêu dùng biết rõ hơn về các bạn.

Mấy cách trên mà các bạn thực hiện được , thì ông nào phản đối chúng tôi sẵn sàng làm cả tràng chữ để ném vào mặt kẻ đó ! Và tôi tin các bạn sẽ ” không thành công thì thành nhân” ( mà kiểu gì chả thành công )

KẾT LUẬN

Tất cả những gì mà Curnon đang trải qua và sẽ trải qua là một con đường chông gai – nếu như các bạn quyết tâm đi tới. Điều rất tuyệt vời là Curnon đã thực sự có được sản phẩm và thương hiệu cho riêng mình! Cách làm của các bạn có cả đúng lẫn chưa đúng, tuy nhiên về cơ bản thì thành phẩm và vốn đã có, thì các bạn chỉ cần hiệu chỉnh lại một chút về kiểu dáng bên ngoài – cụ thể là mặt trước cho phù hợp với văn hóa Việt Nam là được.

Tôi biết các bạn đang rất áp lực vì mọi lời xỉa xói, chỉ trích. Bản thân tôi cũng đang làm việc đó với các bạn ( 1 nửa thôi) , nhưng hãy nhớ điều này : dư luận họ chỉ trích hay nói ra vào bởi họ đang rất quan tâm đến Curnon, họ đang mong muốn một cái gì đó thật sự của người Việt để họ có thể có cái để tự hào, có cái để ngắm nhìn hàng ngày và có cái để khoe. Khi chưa thỏa mãn được điều đó, thì các bạn vẫn còn sẽ bị chỉ trích nhiều, nhưng thực tâm họ vẫn muốn bạn phải thay đổi, muốn bạn phát triển. Tin tôi đi, khi bạn trở nên đúng đắn thì họ sẽ ngay lập tức thay đổi thái độ rất nhanh chóng !

Chúng ta không thể đòi hỏi thái độ người việt phải giống như kiểu Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc với sản phẩm quốc nội, ở đây là Việt Nam và nhân dân ở đây có cách nhìn nhận riêng. Đất nước đang trên đà phát triển, những dự án như Bphone, Vinfats hay Curnon luôn và sẽ luôn là tâm điểm của mọi sự chờ đợi. Hãy luôn nghĩ rằng các sản phẩm của bạn không chỉ làm vì lợi nhuận, mà làm vì sự mong chờ của cả đám đông quần chúng – họ đang chờ một cái gì đó để có thể thật sự tự hào – thì bạn mới làm việc đúng đắn được. Khi trái tim và khối óc đồng hành cùng nhau- thì tôi tin các bạn sẽ thành công, chiếc xe ô tô giờ đã lăn bánh, điều cần thiết bây giờ chính là vào đúng số và lái đúng hướng!

Chúc Curnon sẽ thành công . và chúng tôi vẫn đang chờ ở đây để viết bài lần thứ 2 ! Tôi tin rằng, trong tương lai, khi mà tiền bạc và tâm huyết được đặt đúng chỗ, thì chúng ta sẽ thay vì nói ” làm ơn có một ai đó..” mà sẽ nói ” chúng tôi có ..!”

PS : Trung Quốc hiện nay đã chính thức trở thành quốc gia sản xuất movement và có quy mô sản xuất đồng hồ lớn nhất thế giới, vượt qua cả thụy sĩ và Nhật bản. theo lộ trình hiện đại hóa quốc gia Trung Hoa lần tới, Trung Quốc sẽ tăng gấp 3 lần sản lượng đồng hồ cấp cao so với hiện nay, tóm lại là trong tương lai gần, nếu muốn làm đồng hồ thì chúng ta vẫn còn phải cần sự giúp đỡ của anh béo này! 

2/5 - (108 bình chọn)

1 BÌNH LUẬN

  1. Juan

    Concept chụp ảnh của Curnon khá bắt mắt đấy chứ. Thiết kế thuần Việt như anh Thạch nói cũng là chuẩn, như mấy con Candino phiên bản Hoàng Sa Trường Sa, Romanson và Orient phiên bản in bản đồ Việt Nam ở chỗ tôi đều bán rất chạy.