Chứng nhận Chronometer và COSC – Những điều cần biết và cần hiểu?

Kính thưa quý vị và các bạn, ngày nay , bất cứ ai chơi đồng hồ đều ao ước sắm cho mình một chiếc đồng hồ với chuẩn chứng nhận chronometer – cosc, với niềm tin về một chiếc đồng hồ có độ chính xác cao. Với nhu cầu ngày càng lớn, những chiếc đồng hồ có chuẩn như thế nhập về ngày càng nhiều, nhưng thật sự mà nói, để hiểu đựơc và biết được ngọn ngành thì chắc chắn tôi tin rằng có nhiều người vẫn chưa nắm được chuẩn này một cách cơ bản, và có rất nhiều sự nhầm lẫn tai hại đến từ việc dịch thuật ẩu tả thiếu trách nhiệm, thiếu sự nghiên cứu về các loại quy chuẩn chronometer từ xưa đến nay, sự sai sót đến từ khâu bán hàng, cho đến cả những clip thậm chí cả loại hình truyền thông cũng dắt tay nhau mà tuyên truyền về cái sai không đáng có. Chronometer và cosc, tuy hai mà một và có lúc nó là NHỮNG thực thể kiến trúc pháp lý khác nhau ở các thời điểm lịch sử khác nhau. Vậy hôm nay , thạch xin đem đến cho anh một vài thông tin giản lược nhất trong hành trình lịch sử đồ sộ của tiêu chuẩn chronometer áp dụng trên đồng hồ đeo tay, với nội dung cụ thể dưới đây, kính mời anh em thưởng lãm .
1.SƠ LƯỢC VỀ LỊCH SỬ
CHRONOMETER CERTIFICATION – CHỨNG NHẬN CHRONOMETER LÀ GÌ?
Đầu tiên cứ phải nói cho rõ xem nó là cái gì, chứng nhận chronometer là một chứng chỉ dành cho bộ máy đồng hồ – movement sau khi được kiểm nghiệm, chứng thực là có độ chính xác cao bởi các cơ quan có thẩm quyền. Tức có nghĩa nó phải căn cứ theo các quy định cụ thể của pháp luật. Nó được thử nghiệm dựa trên các tiêu chí về vị trí, nhiệt độ mà từ đó cơ quan có thẩm quyền lấy được một sai số rất bé, theo quy định thì nó chính là một chiếc đồng hồ chronometer. Các cơ quan có thẩm quyền hiện nay được phép xác nhận dòng chữ chronometer đóng trên mặt số cho thuỵ sĩ là COSC – viết tắt của controle officiel suisse des chronometres – được thành lập vào năm 1973 rất lâu sau khi khái niệm chronometer ra đời . Ở nước ngoài, còn có một vài cơ quan nữa đặt tại nước nhật, đơn cử như viện thẩm tra chronometer nhật bản – thành lập vào năm 1968 với các tiêu chuẩn tương tự thuỵ sĩ – chủ yếu cấp cho các nhãn hiệu nội địa như citizen hay seiko. Hoặc ở đức với đài thiên văn của riêng họ và theo chuẩn cũng của riêng nốt.
Chúng sẽ đi sâu xa một chút về mặt lịch sử, thuật ngữ chronometer ban đầu được đưa ra bởi jeremy thacker dành cho một phát minh cho đồng hồ của ông vào năm 1714. Nó cũng được dùng chủ yếu để mô tả về những loại đồng hồ dùng để đi biển, trong những hải trình dài, với sự rung lắc dữ dội của tàu thuyền , cùng với việc cần thiết để xác định kinh độ, toạ độ vv..vv thì một chiếc đồng hồ với thiết kế đặc biệt, có độ chính xác cao ở mọi vị trí và có đủ chức năng là rất cần thiết. Những chiếc đồng hồ đi biển – marine chronometer đã được john harrison- một nhà chế tạo đồng hồ thiên tài người anh phát minh ra vào năm 1730. Kể từ đó trở đi, những chiếc đồng hồ có độ chính xác cao này đã theo chân các nhà phiêu lưu đi khắp thế giới trong thời đại khám phá, cho tới thế chiến 2, sự ra đời của hệ thống đường dẫn vô tuyến và sau này cho đến bây giờ là hệ thống định vị toàn cầu đã đẩy những chiếc marine chronometer vào dĩ vãng.
Bỏ qua thất bại của nó, ta tiếp tục với dòng lịch sử, ban đầu những chiếc đồng hồ sản xuất để sử dụng cho các chuyến hải hành, muốn được chính thức công nhận đạt tiêu chuẩn là một chiếc marine chronometer, người ta phải đem nó đến những nơi có đủ trình độ, đủ thẩm quyền để kiểm tra, và đó chính là các đài quan trắc thiên văn đặt tại tây âu, mở ra một thời đại đầu tiên của các cuộc kiểm nghiệm chronometer trên toàn thế giới, chúng được gọi là chronometer observatory. Những cái tên quen thuộc gồm có đài quan sát thiên văn neuchatel, geneva, besancon và kew. Việc kiểm nghiệm đồng hồ bùng nổ vào những năm 1850, những cuộc kiểm nghiệm và chứng nhận tại các đài quan sát này vô cùng khắt khe, và nó có tiêu chuẩn cao hơn hẳn so với chuẩn chronometer phổ biến nhất hiện nay là Cosc. Việc kiểm tra kéo dài từ 30- 50 ngày,tại 5 vị trí và các thử thách khác nhau về nhiệt độ. vào thời đó, có rất ít hãng đồng hồ có đủ trình độ kĩ thuật để nhận được loại chứng nhận này, và sau khi đã hoàn thành xong bài kiểm tra, đồng hồ hoặc máy đồng hồ sẽ được cấp giấy chứng nhận có tên là ” bulletin de marche “, đây chính là tờ giấy chứng nhận đạt chuẩn chronometer đầu tiên trong giới đồng hồ.
Phải trải qua một lượng lớn đồng hồ được cấp chứng nhận chronometer, thì mãi tới 1877 tại biel, la chaux de fonds và 1888 tại saint-imier, các văn phòng chính thức về việc kiểm soát máy đồng hồ mới được thành lập tại các nơi đây với cái tên là : office de controle de la marche des mastres- tức là một dạng cơ quan chuyên trách về việc cấp chứng nhận, không nhất thiết cứ phải đến đài thiên văn nữa. Năm 1893, thời gian thử nghiệm ở các phòng này rút xuống còn 15 ngày , kiểm nghiệm tại 2 vị trí và 3 mức nhiệt độ, từ năm 1904 kiểm tra theo quy trình 2 lần. Lần 1 mất 15 ngày và lần 2 mất thêm 10 ngày nữa. Tới năm 1915, hiệp hội các nhà sản xuất đồng hồ thụy sĩ chính thức xác định chronometer là một chiếc đồng hồ chính xác, kiểm nghiệm tại các vị trí và mức nhiệt độ khác nhau, và được cấp phép chứng nhận – đây chính là tuyên bố chính thức đầu tiên và nó gần như ảnh hưởng cho tới khái niệm chronometer cho tới ngày nay, tức là, nó đã chính thức loại bỏ khái niệm chronometer cũ là chỉ dành cho các loại đồng hồ sản xuất cho việc đi biển. Về tuyên bố này, nó tiếp tục được thay đổi vào 1951 khi ban hành đạo luật chỉ cho phép các văn phòng độc lập được ra chứng chỉ – tức là loại bỏ sự hiện diện của các đài quan sát thiên văn và ngay năm sau, 1952 nó phải sửa đổi lại để đưa vào đó văn bản quy định về sự phối hợp giữa các văn phòng độc lập với đài quan sát thiên văn.
THỜI ĐẠI CỦA ĐỒNG HỒ ĐEO TAY VÀ CÁC CUỘC THI CHRONOMETER

 

Tại các đài quan sát thiên văn, một sự kiện thường niên diễn ra không thể không nhắc tới đó là các cuôc đọ sức giữa các hãng đồng hồ, đây là một loại hình rất có giá trị để nâng tầm ảnh hưởng của một hãng, nó diễn ra từ 1860 đến những năm 1970. Ban đầu nó dành cho những chiếc đồng hồ đã được cấp giấy chứng nhận đồng hồ hàng hải, sau này thì nó dành cho nhiều loại khác nhau, mà chủ yếu là đồng hồ đeo tay .
Thời điểm những năm 1960 tại thuỵ sĩ , mỗi năm có hàng triệu chiếc đồng hồ ra đời, trong số hàng triệu người ta chỉ lấy được 25 vạn chiếc để cộp mác chronometer, và chỉ vài trăm chiếc tốt nhất trong số đó mới được đem đi thi thố tại các đài thiên văn. Những hãng như omega, longiness, gp là những ông lớn hay ẵm giải nhất. Ban đầu, các cuộc thi này người ta chỉ lấy những cỗ máy được dùng trong các phòng thí nghiệm đi thi, do hạn chế về kĩ thuật nên hầu hết chúng chỉ được đem đi thi lấy số rồi bỏ đó chứ không được sản xuất vì ko thể làm được. Tuy nhiên, tới năm 1966-1967, hãng girard perregaux – viết tắt là GP đã trở thành kẻ đầu tiên đem những cỗ máy có thể sản xuất đại trà để đem đi thi và nhân được chứng nhận ( nhiều ông nói là hãng seiko chưa đúng đâu nhé) . Tiếp bước GP, thì hãng seiko vào các năm 1968, 1969 và 1970 đã đem tới 226 chiếc đồng hồ đeo tay, mà trong số đó những chiếc có bộ máy calibre 4520 và 4580 được cấp chứng nhận, và nó đều được đem ra sản xuất đại trà, cùng với đó là sự ra đời và trỗi dậy của đồng hồ thạch anh đến từ hãng seiko, đã giúp seiko đánh bại hầu như tất các các đối thủ thuỵ sĩ tại các đài quan sát mà seiko tham gia và phá vỡ mọi quy tắc một cách dễ dàng chỉ trong thời gian ngắn lịch sử , khởi đầu cho một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử đồng hồ thuỵ sĩ cũng như thế giới- khủng hoảng thạch anh. Và, bắt đầu từ những năm đầu thập niên 1970, những cuộc thi này bị chấm dứt tại các đài thiên văn mà không có lí do rõ ràng, . Kéo theo sự lụi tàn của hệ thống chuẩn chronometer cũ. Người ta đã đồn đoán rất nhiều về lí do, nhưng hầu hết các nhà nghiên cứu đều thống nhất và quy lỗi trách nhiệm cho seiko cùng với sự trỗi dậy của đồng hồ thạch anh.
SỰ RA ĐỜI CỦA COSC
 

 

Vâng, qua một giai đoạn dài, rất dài thì bây giờ, chúng ta mới được phép nhắc đến cái thằng rất nổi tiếng ở thời hiện đại, và thường bị nhầm lẫn là chuẩn của mọi loại chronometer,( cái này tôi sẽ đề cập sau) vâng, đó chính là chuẩn chronometer COSC thần thánh!
Ok, vậy loại chuẩn này nó được hình thành như thế nào? Ngay sau khi các cuộc thi tại đài thiên văn bị chấm dứt năm 1973 với nhiều uẩn khúc, thì ngay sau đó tại thuỵ sĩ, một tổ chức phi lợi nhuận, được thành lập bởi liên hiệp 5 bang chuyên chế tác đồng hồ của thuỵ sĩ là : bern, geneva, neuchatel, solothum và vaud, đứng đằng sau hậu thuẫn là liên đoàn các hiệp hội giám sát công nghiệp thuỵ sĩ, viết tắt là VSATTP , nó có các cơ sở gồm các phòng thí nghiệm, đài quan sát độc lập từ cuối thế kỉ 19 và giờ đây tất cả liên minh lại với nhau với cái tên mà sau này ai cũng biết, đó chính là : CONTROLE OFFICIEL SUISSE DES CHRONOMÈTRES – hay viết tắt là COSC.
Tại tổ chức này, tiếp tục công việc chính là cấp chứng nhận cho các đồng hồ đạt chuẩn chronometer. Nhưng có một điều là, chuẩn này chủ yếu chỉ dành cho các sản phẩm của riêng thuỵ sĩ. Về bản chất, nó có vẻ là tuân theo các quy chuẩn của ISO của thế giới quy định về các cơ sở chứng nhận độc lập dành cho đồng hồ ( cụ thể là iso 3159 ) nhưng thực tế, họ đã chối bỏ sự có mặt của các hãng đồng hồ đến từ nước thứ 3 để tránh bị mất mặt như cuộc thi tại các các đài thiên văn kể trên. Đấy cũng chính là lí do mà sau đó, seiko đã tự trở về nhật và lập ra một chuẩn mới dành cho grand seiko, còn đức cũng bỏ về và tự lập ra chuẩn chronometer riêng tại đài quan sát thiên văn glashutte tại saxony, theo quy chuẩn quốc tế iso 3159.
Theo một số tài liệu, chứng nhận chronometer được tổ chức COSC cung cấp cho đồng hồ chính thức bắt đầu từ năm 1979 – tức là 5 năm sau khi thành lập. Tại các phòng thí nghiệm tại geneva, le locle và biel. Cũng nên biết rằng tổ chức này là một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận và không bị kiểm soát bởi chính phủ thuỵ sĩ trên danh nghĩa – nói thì nói thế chứ vô chính phủ thì nó vả chết ngay. Sản lượng chính thức cho chứng nhận chronometer là khoảng 1 triệu, chiếm khoảng 3% tổng sản lượng sản phẩm đồng hồ thuỵ sĩ. Các nhà sản xuất thường xuyên được cấp giấy chứng nhận cosc là breitling, omega, rolex và tag heuer. Riêng 3 hãng rolex, omega và breitling thống trị tuyệt đối đối với loại chứng chỉ này. Các phòng thí nghiệm tại saint imier và biel gần như bị rolex thống trị, còn breitling, họ đã tuyên bố từ năm 2000, mọi movement của hãng này đều có chứng nhận COSC.
Tất nhiên, sau ánh hào quang thì cũng có thị phi, giới chơi đồng hồ, những người thạo tin đã từ lâu xì xào đồn đoán về những uẩn khúc xung quanh loại chứng nhận này. Họ nói rằng chứng nhận COSC ngày nay thưc chất giống như một loại hình makerting của các hãng, khi đưa đồng hồ đến kiểm định, hãng thường bổ sung thêm chân kính, bánh xe cân bằng, dây tóc có chất lượng cao hơn, sau khi được cấp chứng chỉ xong thì họ cắt giảm những thứ đó khi đưa vào đồng hồ nhưng vẫn cộp mác chronometer.
NHỮNG NƠI CẤP CHỨNG NHẬN CHRONOMETER KHÁC TRÊN THẾ GIỚI HIỆN NAY
A. Quy chuẩn quốc tế

 

Vâng sau khi đọc hết đoạn dài ở phần trên thì các thím cũng mường tượng được, bản thân cái gọi là chronometer này không phải là do người thuỵ sĩ sáng tạo ra, mà do người anh quốc, và việc kiểm nghiệm chuẩn này cũng là do liên minh các nước ở vùng tây âu hợp lại chứ cũng ko phải riêng ông thuỵ sĩ. Nên dĩ nhiên, chuẩn này có thể được cung cấp tại một số nước khác – những cường quốc đồng hồ còn lâu đời hơn cả thuỵ sĩ.
Đầu tiên, cần phải nói thêm là, các tiêu chuẩn về việc cấp giấy chứng nhận Chronometer phải tuân thủ theo tiêu chuẩn chung của hiệp ước quốc tế. Với cái tên mà ai cũng biết : ISO. Các tiêu chuẩn iso được công nhận và áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới tại hơn 150 quốc gia, và cụ thể ở đây ta đang nói đến là : ISO 3159. Tất cả những nơi nào, cá nhân nào muốn cấp giấy chứng nhận chronometer đều phải tuân theo cái này, và trên giấy chứng nhận đều phải ghi rõ, và tiêu chí của nó là : chứng nhận chronometer phải được cung cấp bởi một cơ quan CHÍNH THỨC và TRUNG LẬP, thực hiện việc kiểm soát đồng hồ / máy đồng hồ và chịu trách nhiệm cấp chứng chỉ chính thức. Nếu không tuân theo tiêu chuẩn này thì bắt buộc phải gọi dưới cái tên khác.
CHRONOMETER ĐÀI THIÊN VĂN GLASHUTTE – NƯỚC ĐỨC
Như tớ đã nói, ngoài thuỵ sĩ, thì đức là một cường quốc đồng hồ trước đây. Và họ có chuẩn chronometer riêng cung cấp bởi các nhà chế tác đồng hồ vùng glashutte. Đài thiên văn này tiếng nước ngoài là : glashutte observatory hoặc sternwarte glashutte. Nằm tại vùng glashutte, saxony, nước đức. Nó được xây dựng vào 26-6-1910. Liên quan rất nhiều đến hãng đồng hồ a.lange & sohne lừng danh.
Lịch sử dài quá ko đề cập tới, ta nói về việc cấp chuẩn chronometer. Năm 2001 thì người ta đã nhen nhóm việc muốn tạo lập một chuẩn riêng cho đồng hồ đức, và tới 24-2-2005, gia đình hamburg cải tạo lại, biến nơi đây thành một cơ quan thường trú độc lập, liên kết với văn phòng đo lường ở thuringia ( LMET) văn phòng đo lường và xác minh kĩ thuật vùng saxon ( SLME) để bắt đầu tạo nên chuẩn chronometer cho riêng mình. Và việc cấp chứng chỉ chính thức bắt đầu vào 4-7 năm 2006.
Như đã nói ở phần trên, đầu tiên là việc cấp chứng chỉ phải tuân theo quy định quốc tế là :ISO 3159 , bên cạnh đó, nó còn phải tuân thủ theo một tiêu chuẩn nội địa của nước đức, dành riêng cho đồng hồ có tên là DIN 8319. Về cơ bản thì tiêu chuẩn này giống hệt với COSC và ISO 3159, tuy nhiên, nó khắt khe hơn ở 2 điểm : đồng hồ phải có chức năng dừng kim giây và chỉ kiểm tra khi máy đã được lắp hoàn chỉnh vào vỏ.
Loại giấy chứng chỉ chrometer đài thiên văn glashutte này chỉ dùng để cấp cho những chiếc đồng hồ lắp ráp tại vùng glashutte, và có movement bao gồm ít nhất 55% LINH KIỆN được sản xuất tại vùng này – tức là nó tập trung vào khâu chuẩn về chất lượng linh kiện chứ không tập trung quá vào khâu doanh thu như thuỵ sĩ. Và nói đến đây thì chắc các thím đã dần mường tượng ra những nhà sản xuất nào ở vùng này rồi đúng không, đó là a.lange & sohne, là nomos, là glashutte original với chuẩn made in germany với cái dấu cũng là chronometer cốp vào mặt nhưng lại…không phải là COSC!
C. CHRONOMETER CẤP BỞI ” MASTER WATCHMAKER”
 
Đây là thông tin bên lề và rất hiếm, những ông thợ đỉnh cao nhất trong giới đồng hồ, thường được gọi là nghệ nhân, thạc sĩ, tiến sĩ đồng hồ đơn cử như georger daniels. Họ có quyền cấp một chứng chỉ chronometer cho một chiếc đồng hồ với quy định tuân thủ đúng những nội quy theo quy chuẩn ISO 3159. Loại này hiếm vì hầu như những nghệ nhân đồng hồ họ vốn chẳng màng lắm đến việc này, bản thân họ đã có thể chế tạo ra những sản phẩm còn khủng khiếp hơn chuẩn này nhiều, đơn cử như ông vua đồng hồ george daniel, những chiếc đồng hồ cơ khí do ông chế tạo đã cho kết quả không thể tin nổi là còn chính xác hơn cả đồng hồ thạch anh.
NHỮNG HIỂU LẦM TẠI VIỆT NAM CÙNG TỔNG KẾT PHẦN 1
OK, nói đến đây là khá dài rồi, và ai đọc hết thì chắc chắn não đã thông được vài phần! Ở việt nam, có rất nhiều người nhầm lẫn, đánh đồng cứ chronometer thì nó theo chuẩn cosc. Tất nhiên, nếu đã cộp mác cosc thì nó chắc chắn là một chronometer, nhưng một chronometer thì chưa chắc nó đã được cấp bởi cosc. Đơn cử như những chiếc đồng hồ đức đến từ vùng glashutte thì nó vốn chả coi cosc là cái đinh gì, đối với họ chỉ có đài thiên văn vùng glashutte mà thôi. Điều sai thứ 2, đó là nhiều khi do không nắm rõ lịch sử nên, nhiều bạn nói về những chiếc đồng hồ sâu đời, cổ một chút thì nói rằng nó là một chronometer cosc! Điều này sai, bởi vì chuẩn cosc mãi tới năm 1973 mới ra đời, đến 1979 mới cộp dấu thì những năm 1950,1960 hay lâu hơn thế nữa ai sẽ cộp mác cho chiếc đồng hồ của bạn đây ? Lúc đó phải lục lại hồ sơ về các văn phòng độc lập, về các đài thiên văn, hay thậm chí là với các cơ quan chronometer nhật bản đối với một chiếc đồng hồ citizen nhật nào đó! Điều sai thứ 3, nhiều người lầm tưởng chronometer là sản phẩm của thuỵ sĩ phát minh ra! Tất nhiên là chúng ta không thể phủ nhận những đóng góp của nước này trong việc chuẩn hoá và phổ câp nó, nhưng cái gì nó ra cái đó. Sự ra đời tên của Chuẩn này chính xác ghi công lớn của nước anh quốc – cũng là một trong 2 cường quốc hàng đầu thế giới về đồng hồ thời trước cả thuỵ sĩ, thằng kia là đức. Và tiêu chuẩn chronometer phải ghi công lớn nhất thuộc về các đài thiên văn vùng tây âu nói chung – có bao gồm cả thuỵ sĩ.
Kết lại, bài quá dài rồi, còn quá nhiều thông tin mình muốn chia sẻ nhưng có lẽ để qua dịp khác. Qua bài thứ 2, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá các tiêu chí chuẩn xác để đo lường một chiếc đồng hồ đạt chuẩn chronometer. Thân chào các anh em.

 

5/5 - (2 bình chọn)