* biên dịch bởi LÊ HOÀNG THẠCH*

Khi nghĩ tới chronograph, bạn sẽ không thấy được nhiều sự khác biệt giữa một cỗ máy bấm giờ đua xe với những thứ tương tự nó. Về thiết kế chắc chắn là khác nhau, nhưng cơ bản chúng đều sở hữu : 2 nút bấm, 3 ô phụ, một vành bezel cố định kèm chỉ số tachmeter, mặt đồng hồ màu đen hoặc bạc với các cọc giờ đầy màu sắc. Tất cả những tính năng này rất quen thuộc và nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn….nhưng nó không phải áp dụng cho tất cả! Một số người đã nghĩ rằng cỗ máy bấm giờ đua xe có thể sẽ được tái phát minh, tái định nghĩa và làm mới để đem lại một cái gì đó mới mẻ, khác biệt và cuối cùng, phải thật sự khêu gợi! Ngay bây giờ, chúng ta đã có một cái tên ở đây, đó là chiếc : singer remagined track 1. Và ngày hôm nay, chúng ta sẽ soi xét kĩ hơn bản geneva edition với bộ vỏ vàng tuyệt vời của nó.

TÁI ĐỊNH NGHĨA LẠI CHRONOGRAPH ĐUA XE – MỘT PHÁT MINH KHÔNG ĐƯỢC “TIẾN HÓA” TRONG 60 NĂM!

Để thay đổi hay loại bỏ những học thuyết cơ bản của một khái niệm mang tính chất biểu tượng cao như chronograph đua xe không phải là một điều dễ dàng. Loại đồng hồ cụ thể này hàm chứa bên trong những loại quy tắc rất rõ ràng và được xác định bởi 2 trong số những chiếc đồng hồ mang tính biểu tượng nhất từng được tạo ra : rolex daytona và omega speedmaster ( và cả chiếc heuer carrera ngay phía sau). Điều đáng ngạc nhiên là cả 2 mẫu này đều rất dễ nhận dạng và đồng thời cực kì giống nhau khi nói đến thông số kĩ thuật và khái niệm : niềng bên ngoài đi kèm vạch tachymeter, mặt số đen hoặc trắng ở nhiều phiên bản, sạch sẽ và dễ đọc, 3 ô phụ, bộ vỏ thép thể thao mạnh mẽ, hai nút bấm… Tất cả những tiêu chuẩn này được thành lập vào những năm 1950-1960, công bằng mà nói thì chúng không có sự thay đổi quá nhiều qua năm tháng.

Các khái niệm về bấm giờ đua xe như chúng ta đã biết ngày nay đã được xác định bởi 2 chiếc đồng hồ kể ở trên, mọi sự thay đổi bổ sung từ cỗ máy tự động, vật liệu mới, màu sắc… Thì chung quy lại các quy tắc khái niệm cơ bản vẫn giống nhau ( tình huống này được áp dụng tương tự trên dòng đồng hồ lặn). Quy chuẩn này đem lại một cảm giác an tâm. Khi nhắc đến việc tái tạo lại một khái niệm cổ hủ và mang tính biểu tượng cao như thế này, có một số ít người đã cố gắng làm việc đó và rất ít khi thành công. Đây là nơi mà nhãn hiệu Singer – những kẻ chân ướt chân ráo bước vào ngành công nghiệp đồng hồ ( chí ít là về mặt thương hiệu) để tiến hành phá bỏ những quy tắc xưa cũ.

Singer Remaigined là sản phẩm trí tuệ của ba người đàn ông, với 3 nền tảng khác nhau. Một nhà thiết kế xe hơi với một niềm đam mê dành cho những chiếc đồng hồ đua xe những năm thập niên 1970, một nhà thiết kế đồng hồ đến từ Ý và cuối cùng là một nhà thiết kế máy đồng hồ kiêm nhà sáng tạo nổi tiếng. Ý tưởng chính của bộ ba quý ông này là đem tới một sự thay đổi cho chronograph đua xe, mang chức năng thiết yếu này trở lại sân khấu trung tâm, trở thành ngôi sao của chương trình. Đây chính là cách thức mà chiếc Singer Remaigined Track 1 được định hình.

TỪ SINGER ĐẾN SINGER REMAGINED

như đã giải thích ở lần đầu tiên khi chúng tôi đề cập đến cho bạn về thương hiệu này, có một mối liên hệ rất chặt chẽ giữa nền công nghiệp đồng hồ và nền công nghiệp ô tô. Đàn ông thích ô tô thì cũng sẽ thích đồng hồ và ngược lại. Thương hiệu Singer Remaigined có mối liên hệ chặt chẽ với nhà thiết kế xe hơi Singer, và cả hai phía đã thống nhất với nhau để tạo ra một khái niệm đồng hồ hoàn toàn mới.

Singer Vehicle Design được Rob Dickinson thành lập vào năm 2009 với mục đích khôi phục, tái tạo và tái sinh chiếc Porsche 911, được làm mát bằng không khí rất tuyệt vời – đó là một sự pha trộn giữa sự hoài niệm với những đường nét hoài cổ và táo bạo. Ý tưởng của Rob với Singer là đem lại thứ tốt nhất từ sự kết hợp giữa thiết kế cổ điển đi kèm bộ máy cơ học hiện đại. Tóm lại, những gì bạn được thấy sẽ giống như khi bạn lái một chiếc xe 911 với hệ thống làm mát không khí của những năm 1970, nhưng hệ thống lái lại được điều chỉnh như một chiếc dòng Carrera hiện đại.

Với ý tưởng tạo ra một chiếc đồng hồ, Rob hợp tác với hai người đàn ông để cùng tạo ra sản phẩm : Marco Borraccino – một nhà thiết kế đồng hồ, từng tham gia dẫn dắt đội thiết kế tại hãng panerai trong nhiều năm, và Jean Marc Wiederrecht ( cấp master), thợ đồng hồ và là người sáng lập ra Agenhor – chuyên thiết kế cỗ máy cơ học phức tạp). Ý tưởng đằng sau chiếc đồng hồ cũng giống như những chiếc xe hơi : một thiết kế hoài cổ lấy cảm hứng phong cách cổ điển, ẩn giấu bên trong một cơ chế tinh vi hiện đại. Phần cuối của câu chuyện bắt đầu với Widerrecht, một người đã có nhiều năm phát triển dòng chronograph mang tính cách mạng với biểu đồ hiển thị đặt tại trung tâm mặt số – đã ghi lại những điều đó khi phác thảo ra chiếc Singer…. Và Track 1 đã được ra đời như thế, với một niềm tin về sự thay đổi nhận thức cho dòng bấm giờ đua xe là có thể trở thành điều khả thi.

SINGER REMAIGINED – DẤU HỎI CHO PHẦN HIỂN THỊ

Trong khi hầu hết các đồng hồ chronograph sẽ bắt đầu với việc bổ sung vào mặt số các ô tính năng phụ, thì chiếc đồng hồ này lại bắt đầu bằng sự bổ sung các hiển thị về thời gian. Phần trung tâm là nơi cư ngụ của toàn bộ tính năng bấm giờ, còn phần hiển thị thời gian ( giờ) bị đẩy ra phần ngoại biên ( mép đồng hồ ) – kiểu như nó bị đẩy xuống thành một tính năng bổ sung! Mặc dù trong một chiếc đồng hồ, tính năng bổ sung – complication là các loại tính năng khác ngoài giờ, phút và giây. Đối với chiếc đồng hồ Singer, trọng tâm của nó chính là chronograph – nó chính là nền tảng và không thể đảo ngược ( lại mấy bố cuồng chronograph thì đúng hơn! )

Bên cạnh ý tưởng ” tưởng tượng lại” phục vụ như một kim chỉ nam cho thương hiệu, khái niệm ở đây chính là sự thay đổi về cách chronograph được đọc trên một chiếc đồng hồ. Lần này sẽ không phải là 1 hoặc 2 ô phụ đi kèm một kim giây trung tâm, tất cả sẽ được gộp lại ngay giữa trung tâm đồng hồ với mặt quay 360 độ cổ điển với cơ chế kim đồng trục. Như bạn có thể thấy, phần trung tâm của đồng hồ được giới hạn bởi một vòng tachymeter vàng, bao gồm 3 kim trung tâm- một kim giây, một kim báo từng phút và một kim báo cho giờ. Tất cả chúng đều được sắp xếp để ghi lại các quãng thời gian. Khi không dùng đến chức năng bấm giờ, cả ba chiếc kim sẽ trở lại vị trí 12 giờ.

Phần còn lại của đồng hồ – phần ngoại vi – được dành cho các tính năng thời gian thông thường. Ta sẽ có hai vành tròn ( tách rời), chúng xoay theo chiều kim đồng hồ và cho ta biết giờ và phút thông qua một điểm mốc tại vị trí 6 giờ. Như thường lệ, ở giai đoạn đầu, bộ não của chúng ta cần phải có thời gian để thích nghi và hiểu cách xem giờ và phút – hãy tin tôi đi, giai đoạn để bạn làm quen là rất ngắn, và khi đã hiểu bạn sẽ thấy nó trực quan và nhanh chóng. Mặt khác, phần hiển thị chronograph tự nhiên hơn hầu hết những chiếc đồng hồ mà chúng tôi từng trải nghiệm, vì các thông số không bị chia ra thành 2 hoặc 3 ô phụ khác nhau mà được gộp lại trên cùng 1 trục một cách vô cùng tự nhiên – chúng xoay đủ 1 vòng quanh mặt đồng hồ trong 60 giây, 60 phút và 12 giờ. Một lần nữa, đấy là minh chứng rõ ràng cho biết trọng tâm của Singer Reimagined Track 1 là tính năng chronograph.

Chức năng chronograph thậm chí còn trực quan hơn hầu hết những chiếc chronograph khác. Có hai biểu đồ phút và giờ, mỗi chiếc kim chỉ di chuyển một lần trong một khoảng thời gian ( mỗi phút hoặc mỗi giờ) đã trôi qua hoàn toàn, do đó bộ kim luôn được trỏ tới các vạch rất chính xác.

CÂU HỎI VỀ SỰ ĐỔI MỚI CƠ KHÍ

Ý tưởng định vị lại chronograph ở phần trung tâm là khái niệm cơ bản đằng sau chiếc Singer Remagined Track 1. Điều này là hoàn toàn khả thi bởi mỗi bên tham gia đều đã tìm thấy câu trả lời trong tác phẩm của người kia. Nếu như Jean Marc Wiederrecht đến từ Agenhor không làm việc trên một cỗ máy mới tại bên này, và nếu anh ta không gặp gỡ với Rob và Marco, thì có lẽ nó sẽ chỉ dừng lại ở khái niệm. Thật may mắn là lần này, những bộ óc lớn đã có cùng suy nghĩ với nhau…

Để có được bộ bấm giờ hiển thị ở trung tâm cỗ máy, Wiederrecht đã phải áp dụng một số sáng tạo đột phá và nhiều giải pháp kĩ thuật chưa bao giờ được sử dụng trước đó trên một cỗ máy. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi thứ đều hoàn toàn mới. Ví dụ như cỗ máy calibre 6361 ( còn gọi với cái tên khác là AgenGraphe) vẫn là một cỗ máy tự động có chứa bánh xe dạng cột column wheel. Tất cả các phần còn lại là rất khác biệt và mới mẻ.

Cỗ máy mang tính cách mạng này được dựa trên một tổ hợp các ốc cam – snail cam lưu trữ năng lượng cho toàn bộ một phút hoặc một giờ, trước khi thả nó ra một cách chính xác khi đầu dò của trụ đỡ hạ xuống tạo ra một bước nhảy ngay lập tức ( giúp tăng cường tính dễ đọc). Hệ thống sẽ ngăn ngừa các lực tác động khác nhau ảnh hưởng tới cường độ của cỗ máy, dẫn tới độ chính xác cao hơn, kim sẽ luôn chỉ tới dấu hiệu mong muốn. Trái tim chronograph cũng cho phép thiết lập lại một cách trơn tru ( tránh những cú  sốc như các cỗ máy chronograph truyền thống). Khi Nhấn nút reset thì sẽ dẫn tới nhả phanh ở các bánh xe kim giây, cũng như tất cả các bộ phận khiến các Cam trượt về vị trí nghỉ bằng không ( tất cả các kim về 12 giờ).

Sự đổi mới thứ hai trong cỗ máy liên quan đến ly hợp. Có hai lựa chọn tồn tại trong việc sản xuất đồng hồ : ly hợp ngang cũ hơn, tiết kiệm không gian, nhạy cảm hơn ( dễ bị chấn động) nhưng lại đẹp, còn ly hợp dọc tốn không gian hơn, ít lộ hơn nhưng lại có độ chính xác hơn. Agenclutch mới được phát triển dựa trên sự kết hợp hoàn hảo nhất giữa 2 loại ly hợp. Các khớp nối được thực hiện theo chiều ngang, đòi hỏi ít không gian hơn, tuy nhiên kết nối được tạo ra bằng ma sát giữa các bánh xe teethless, giống với loại ly hợp dọc, do đó sẽ tránh được hiện tượng ” nói lắp” ở chronograph thông thường. Hai bánh xe được phủ bằng Dianip để tối ưu hóa hệ số ma sát và hệ thống bánh xe an toàn ngăn cho chúng không bị bẻ cong. Cuối cùng, một bộ cót hình tulip đem lại tính linh hoạt trong vận hành, nó duy trì sự tiếp xúc giữa hai bánh xe trong khi vẫn đảm bảo rằng, trong trường hợp gặp chấn động thì các bánh xe ” an ninh” vẫn có hiệu quả.

Cuối cùng, đây là một cỗ máy tự động. Ban đầu bạn sẽ không thể hình dung nổi bởi sự vắng mặt của một bánh đà lên cót hoặc loại bánh đà cỡ nhỏ micro rotor nằm ở phần máy. Trên thực tế, cỗ máy này được vận hành bởi một bánh đà lên cót trung tâm – central rotor, nó được đặt ở ngay vị trí mặt số ( nằm ở phía trước ngay sau mặt hiển thị). Lí do nó đặt ở đó là do các bộ kim chronograph trung tâm – có nghĩa là nó sẽ xoay quanh trục trung tâm ( trên các cỗ máy chronograph tiêu chuẩn, ngoài trục trung tâm chúng ta còn có các trục kim ở các ô phụ xung quanh, nên không thể tích hợp loại bánh đà này được). Phần còn lại của thông số kĩ thuật là tương đối cổ điển : tần số dao động 3hz và trữ cót 60 giờ.

Xét trên khía cạnh thị giác, cỗ máy của chiếc đồng hồ là một bữa tiệc thật sự. Nó rất phức tạp – bao gồm tới 477 thành phần, to lớn, là một tổ hợp với bánh xe, lò xo, cam và các đòn bẩy. Hầu như chẳng có cây cầu nối nào để che bớt đi màn ” khiêu vũ” này. Về tính chất phức tạp của hình ảnh, calibre 6361 chắc chắn là một trong những ví dụ tốt nhất về phương thức tạo ra những cỗ máy kiểu ” thành phố vi mô”. Cách thức trang trí cũng rất dễ chịu với kiểu đánh sọc geneva mỏng, các góc xiên vát sáng bóng trên cầu và đòn bẩy, đánh vân thẳng và vân tròn…..nó có tất cả mọi thứ mà bạn mong đợi từ một chiếc đồng hồ cao cấp.

THIẾT LẾ LẠNH LÙNG ĐẬM CHẤT HOÀI CỔ

Cũng giống như việc thiết kế chiếc xe Singer là sự tương tác giữa hình ảnh cổ điển đi kèm với máy móc hiện đại, thì việc khoác lên bộ áo cho chiếc Singer Remagined Track 1 cũng là đi theo định hướng cổ điển một cách có chủ ý. Cả Rob và Marco đều có chung niềm đam mê với những chiếc đồng hồ thập niên 60-70, như Heuer Autavia hay Omega Speedmaster kèm theo các vỏ bọc phi công, và đó chính là nguồn cảm hứng để tạo ra Track 1. Cũng giống như chiếc ô tô Singer 911, chúng ta đang đề cập tới cảm hứng chứ không chỉ đơn thuần là một bản sao từ quá khứ. Bộ vỏ được làm từ vàng, kí hiệu cụ thể là N1. Các thương hiệu khác thường sử dụng loại vàng 3N, một loại hợp kim vàng có màu sáng. Loại mã N1 thường được dùng trong quá khứ và thường là 14k. Chiếc đồng hồ này kết hợp màu sắc cổ điển của N1 với hợp kim 18k vàng. Màu sắc đặc biệt này kết hộ với lớp phủ hoàn thiện bôi bên ngoài tạo ra một thứ màu độc đáo và lạnh lùng nhưng không hề phô trương .

Mặt đồng hồ đã có sự khác biệt, ngay tại đây chúng ta có một màu đen đầy đủ với phần trung tâm đã được thiết kế lại, nó dễ đọc hơn và sạch hơn so với bản cũ. Sự kết hợp màu đen pha vàng chắc chắn dễ nhìn hơn so với titan pha bạc, nhưng nó vẫn duy trì được nét thể thao cổ điển. Chiếc đồng hồ khá nặng khi đeo lên tay và có kích thước khá lớn ( 43×15 mm), tuy nhiên do vỏ máy có hình dạng cong nên rất thoải mái khi đeo lên tay. Phần liên kết cuối cùng chính là các núm chronograph thiết kế theo kiểu đầu bò ( sừng bò có lẽ đúng hơn), nó không chỉ là sự liên lạc với quá khứ, nó có tính sử dụng rất thực tế ( dùng ngón trỏ để bắt đầu và ngón cái thiết lập lại).

KẾT LUẬN:

Thật sự mà nói không phải là dễ dàng để có thể tạo ra một cái gì đó mới mẻ và khác biệt, đặc biệt là khi bạn tuyên bố rằng bạn đang trên con đường thiết kế lại cỗ máy bấm giờ chronograph. Tuy nhiên, chiếc Singer đã làm điều đó, với một chiếc đồng hồ diễn tả niềm đam mê : đam mê cơ khí – đam mê thiết kế và đam mê cho nét đẹp. Đây là một trong những dịp hiếm hoi mà bạn có thể cảm thấy rằng những người đứng sau triết lí này thực sự đam mê những ” đứa con” của họ.

Singer Remagined Track 1 không phải là một món hời, nó có giá lên tới 72.000 CHF ( trước thuế), mức giá đó đã chứng thực điều kể trên – nhưng nó chứa đựng trong đó linh hồn và sự khéo léo thực sự. Cỗ máy của nó vô cùng hiện đại và ấn tượng trong quan điểm của nó, và đồng thời, thiết kế mang đầy đủ hơi thở của những phiên bản đồng hồ vintage. Nhìn chung, nó giống như một loại cốc-tai lạ, nhưng thuộc vào loại thực sự hấp dẫn.

Để lại ý kiến của bạn cho người sau nhé!