” bài viết được biên dịch có chỉnh sửa từ Perezcope bởi Lê Hoàng Thạch” 

LỜI ĐẦU : thưa các bạn đọc thân mến, Panerai là một hãng đồng hồ có lẽ vẫn còn xa lạ với người Việt Nam- nói đúng hơn là nó to quá nên kén khách, tuy nhiên với dân chơi đồng hồ lâu năm thì họ rất nổi tiếng với thiết kế không thể lẫn lộn vào đâu được. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua, sự kiện Panerai ra mắt đồng hồ mới, với cỗ máy P.9200 mới đã vấp phải phản ứng rất quyết liệt từ giới hâm mộ , vì họ cho rằng Panerai đã gian dối khi nói rằng đây là cỗ máy in-House ( một thuật ngữ ám chỉ máy tự sản xuất). họ thậm chí còn ví von cỗ máy như những con giun lúc nhúc bên trong bộ thân vỏ nổi tiếng nhằm lừa dối người tiêu dùng! Trong ngày hôm nay, tôi xin phép lược dịch bài phân tích ” khét tiếng” nhất trên mạng để các bạn hiểu rõ hơn về sự kiện này, kèm theo những cảm nhận cá nhân! Xin mời các bạn đọc cùng thưởng lãm. 

BÍ MẬT ĐƯỢC BẬT MÍ

Trong bài đăng Instagram mới nhất của mình, tôi đã khám phá ra được một bí mật được bảo vệ rất cẩn thận: cỗ máy P.9200 mới được sử dụng trong dòng đồng hồ bấm giờ, vừa được giới thiệu gần đây của Panerai là loại ETA 2892-A2 cơ bản, với mô đun bấm giờ Dubois Dépraz, nó thật sự đáng lo ngại và mở ra một viễn cảnh ” thùng giun” thật sự ( ám chỉ thứ bên trong lúc nhúc bẩn thỉu đáng khinh).

Chiếc đồng hồ Chronograph mới của Panerai được giới thiệu tại triển lãm ” Đồng hồ và kỳ quan” tháng 4 năm 2021. Nó bao gồm tổng cộng 5 mẫu, 4 bằng thép và 1 bằng vàng 18k. Trên các mẫu thép ( PAM01109, PAM01110, PAM01218 và PAM01303 Luna Rossa) thì cỗ máy được giấu kín đằng sau nắp đáy thép. Riêng mẫu vàng khối PAM01111 có nắp đáy có vẻ như trong suốt thông qua lớp kính saphire màu, được trang trí bởi những hoạ tiết sóng lượn khó hiểu. Theo tôi đoán không nhầm thì lý do duy nhất khiến Panerai làm vậy là để tiết kiệm bớt vật liệu vàng quý giá. ( cà khịa thế nhờ)

Với cái tên P.9200, các trang tin đồng hồ chính thống đều cho rằng, đây chính là một cỗ máy in-House bởi Panerai đã không sử dụng tiền tố OP – thường dùng để ám chỉ những cỗ máy có nguồn gốc từ bên thứ 3. Một ví dụ gần đây là OP XXXIV dùng cho Luminor Due và Submersible. Cỗ máy OP XXXIV được sản xuất bởi Horlogere Valfleurier, một cơ sở sản xuất máy riêng của Richemont – tập đoàn xa xỉ phẩm sở hữu Panerai và một số thương hiệu khác như Cartier, Jaeger LeCoultre, ….người ta cũng nói rằng nhà máy này cùng với một loạt chuyên gia từ Richemont đã phát triển kiểu máy đó cho cả nhãn hiệu cấp thấp hơn là Baume & Mercier ( cũng thuộc Richemont), bán ra thị trường với cái tên Baumatic BM12-1975A. Điều thú vị là Panerai đã bỏ cái tên OP XXXIV, và xuất hiện cỗ máy tương tự thế chân có tên là P.900, với phần giới thiệu là cỗ máy In-House.

Trở lại triển lãm ” đồng hồ và kì quan”, hãng Panerai chưa bao giờ tiết lộ nguồn gốc ETA của P.9200, do đó hầu hết các trang tin đồng hồ lớn đếu xướng tên ” nhầm”  nó như một cỗ máy In-House đời mới. Tại thời điểm đó, bất kì một công ty đồng hồ nghiêm túc nào cũng có thể liên hệ với các trang tin để đính chính, nhưng vì nhiều lý do mà Panerai đã không làm thế!

Quay lại một vài ngày trước, tôi tình cờ nhìn thấy một bình luận thú vị trên Instagram chính thức của hãng Panerai , lúc ấy có người hỏi liệu P.9200 có phải là một cỗ máy in-House hay không, và Panerai đã xác nhận điều đó. Tôi đã nghe một vài vấn đề liên quan đến phiên bản mới nhất của P.9010 không còn sở hữu tính năng dừng kim giây ( khi rút núm chỉnh)… và bây giờ, sẽ thật thú vị nếu chúng ta xem xét kĩ hơn về P.9200.

“Cập Nhật tới ngày 23/8/2021 của tác giả: theo nguồn tin nội bộ đáng tin cậy, các cửa hàng Panerai ngay từ đầu đã được hướng dẫn gọi P.9200 là một cỗ máy in-house, đây là chỉ thị từ cấp cao nhất. Có một số trường hợp đã xác nhận rằng : các cửa hàng đã nói với người mua về chiếc đồng hồ Chronograph mới, cỗ máy P.9200 là ” Manufacture” hoặc ” In-house” movement ( ám chỉ cỗ máy tự sản xuất hay độc quyền) “

Thông qua tìm kiếm google, tôi đã xem một bức ảnh mặt sau của PAM01111 vỏ vàng 18k công bố trên Hodinkee ( một trang tin đồng hồ uy tín), cỗ máy trong ảnh được nhìn thấy rất rõ ràng ở mặt sau, thông qua lớp kính được trang trí kì công. Nhưng tôi đã vô cùng ngạc nhiên bởi đây rõ ràng là một cỗ máy ETA hoặc Sellita được hoàn thiện khá tầm thường. Làm thế nào mà chi tiết này lại lọt ra khỏi tầm mắt của Hodinkee? Sau đó, tôi tiếp tục mở trang chủ của Panerai và tìm thấy ảnh mặt sau của đồng hồ, nhưng nó rất tối ( ảnh trái), không giống như bức ảnh của Hodinkee.

Vỏ sau của PAM01111 (Ảnh: Hodinkee)

Vỏ sau của PAM01111 (Ảnh: Panerai)

Sau khi điều chỉnh lại độ sáng bằng Photoshop, tôi có thể thấy rõ tem mác ETA 2892-A2, và đây là một cỗ máy In-House ư???

Bản thân ETA 2892-A2 không phải là Chronograph, để biến nó thành đồng hồ bấm giờ, nó cần một mô đun gắn phía trên của Dubois Dépraz, ghép thành một cỗ máy duy nhất. Bộ chuyển động cao cấp nhất của ETA 2892-A2 ( Élaboré) kèm Mô đun Dubois Dépraz có thể mua trên Ebay với giá 585 đô la. Trong khi đó, máy P.9200 không hề có được những phần trang trí theo tiêu chuẩn Élaboré như côtes de genève hoặc Perlage, bề mặt của nó chỉ đơn thuần được phun cát. Tôi cho rằng nếu bạn đặt hàng trực tiếp từ nhà sản xuất với số lượng lớn, giá sẽ rẻ hơn nhiều so với 585 đô, có thể rơi vào khoảng 300 đô la ( cho 1 máy đã có mô đun). Việc xuất hiện một cỗ máy như vậy bên trong một chiếc đồng hồ 10k hoặc 27k đô la Mỹ chẳng khác nào việc bật nắp chiếc Porsche 911 để ” chiêm ngưỡng” động cơ Peugeot 3 xy lanh))

Hình ảnh tiếp theo chúng ta sẽ so sánh Tudor Henritage Chronograph 70330, có giá khoảng 3 ngàn đô la Mỹ với PAM01111 có giá bán ( giá tag) 27 ngàn đô la. Cả hai đều sở hữu máy ETA 2892 A2 kèm mô đun Dubois Dépraz giống hệt nhau. Nhưng trong khi chiếc Tudor có phần hoàn thiện Élaboré Thì chiếc PAM01111 nhìn rất cơ bản, nó gợi nhớ đến vụ bê bối PAM318.

So sánh giữa Tudor Heritage Chronograph và PAM01111

Tudor về cơ bản là Rolex phiên bản giá rẻ, mặt khác Panerai là một thương hiệu đồng hồ mới chỉ tồn tại từ 1957. Những chiếc đồng hồ cổ điển nổi tiếng được hải quân quân Ý sử dụng từ 1935 đến 1968 thực chất là Rolex Oyster. Đúng vậy, Rolex không chỉ cung cấp máy mà họ còn làm nguyên cả con đồng hồ cho hải quân Ý. Lịch sử của Panerai đưa ra là hoàn toàn hư cấu…

 Rolex “Panerai” Ref. 6154 từ năm 1954

Trước khi chúng ta tiếp tục, tôi muốn các bạn quay trở lại với nắp đít ” đen sì” trên trang chủ của Panerai, bạn sẽ thấy hình ảnh dưới đây là của trang Ablogwatch, mặc dù tấm kính Saphire hơi có ngả màu nhưng nó cũng không đến mức tối như ảnh do Panerai cung cấp.

  Panerai PAM01111 (Ảnh: aBlogtoWatch)

Sau bài viết của tôi trên Instagram về bản chất thực sự của P.9200. Ablogwatch đã ngay lập tức cập nhật các bài viết của họ. Các phương tiện truyền thông đồng hồ lớn khác không hề cập nhật bài viết của họ. Người ta có thể dễ dàng ấn tượng rằng họ chỉ chăm chăm bảo vệ lợi ích ngành công nghiệp hơn là chú trọng thông tin cho người dùng. Nếu là bình thường thì có lẽ đã ” bung bét”, nhưng trong thời đại mà cánh truyền thông bị kiểm soát bởi các tập đoàn xa xỉ, sự phẫn nộ là tương đối nhỏ.

Sau khi liên lạc với Hodinkee – không phải một lần mà là hai lần trong 72 giờ kể từ khi thông tin được tiết lộ, cuối cùng thì họ cũng đã bổ sung các chi tiết quan trọng cấu thành cỗ máy đến từ ETA. Chuyên trang Evolution đã loại bỏ từ “inhouse”  khỏi bài viết của Wui Koh nhưng vẫn viết một cách lấp lửng không đề cập thẳng vào tên cỗ máy một cách chính xác. Horobox, một Bolg về đồng hồ đến từ Thổ Nhĩ Kì – họ tự hào là ” cơ quan quản lý đồng hồ của nước Thổ” đã mô tả P.9200 là ” được thiết kế và sản xuất in-house”. Horobox và Panerai là những người bạn rất thân từ năm 2015. Sau khi liên lạc với Serdar Oal – người sáng lập ra Horobox, anh ta đã nhanh chóng gỡ bỏ tuyên bố sai lầm đó, nhưng từ chối đề cập đến nguồn gốc ETA, anh nói ” Panerai gọi nó là P.9200, tôi tin rằng nó vẫn tốt”. Không, theo tôi thì nó không ổn tí nào, mọi người có quyền được biết những gì mà họ phải bỏ số tiền khó khăn lắm mới kiếm được để mua. Nhưng sự thật đáng buồn là các trang báo ở trên không có tinh thần trách nhiệm với độc giả, cái duy nhất họ muốn là làm hài lòng ngành công nghiệp đồng hồ.

NHỮNG CỖ MÁY IN-HOUSE CỦA PANERAI

Trong khi các cỗ máy in-house chính tông được mô tả là “được thực hiện hoàn toàn bởi Panerai”, thì phần mô tả P.9200 không hề có dòng chữ đó, tuy nhiên họ cũng không hề có chút để cập nào đến việc nó có gốc từ ETA. Sự thật quan trọng này đã bị bỏ qua ngay từ đầu và không hề có một nỗ lực nào nhằm sửa chữa những hiểu lầm. Đó là một thủ pháp ” nói dối bằng cách bỏ sót thông tin” để nuôi dưỡng một quan điểm sai lầm.

Như đã đề cập trước đó, các cỗ máy có nguồn gốc từ bên thứ 3 sẽ mang tiền tố OP đi trước, phía sau là số la mã ( ví dụ : OP XI = ETA 6497-2). Mặt khác, cỗ máy In-House thường bắt đầu bằng tiền tố P, phía sau là mã máy ( ví dụ : P2002). Cỗ máy OP XXXIV được chế tạo bởi ValFleurier là cỗ máy bên thứ 3 cuối cùng mà Panerai sử dụng, nó cũng có tiền tố OP. Điều ” thú vị” là gần đây Panerai đã đổi tên nó thành P.900 và liệt vào dạng máy in-House. Mặc dù máy móc y chang như cũ, nên người ta tự hỏi vì lý do gì mà nó lại đột nhiên ” đáp ứng” các tiêu chí để được coi là “in-house”.

 So sánh Panerai OPXXXIV (trái) với P.900

Đi sâu vào cỗ máy ValFleurier đặc biệt này đã mang vài điều thú vị ra ánh sáng. Khởi nguyên, nó được phát triển với tên gọi Baumatic BM12-1975A cho Baume&Mercier cũng thuộc Richemont. Cỗ máy công nghệ cao này có dây tóc Silicon, trữ cót đáng kinh ngạc tới 5 ngày, nó cũng sở hữu cả lò xo cân bằng Silicon. Loại công nghệ này sau đó sớm được các anh lớn như Rolex, Omega, Patek Philippe và viên nghiên cứu Thuỵ Sỹ CSEM phát triển. Những cỗ máy Baumatic không chỉ ” chung nhịp đập” với Panerai, mà còn xuất hiện trên cả IWC Pilot – một anh em trong nhà của Richemont với Panerai. Điều thú vị ở hai phiên bản của Panerai và IWC là chúng chỉ có khả năng tích cót 3 ngày. Cả hai hãng đều khẳng định cỗ máy này là “in-house”. IWC tuyên bố trên trang cá nhân của họ rẳng ” với dòng máy 32000 Calibre, IWC đã mở rộng phạm vi máy tự động lên cót In-house”. 

So sánh Baumatic BM13-1975A với IWC Cal. 32110 so với OPXXXIV (bây giờ là P.900)

Những cỗ máy Baumatic BM12-1975A lại cũng…. không được phát triển từ đầu! Nó dựa trên máy 1847 MC của Cartier – cũng thuộc tập đoàn Richemont giới thiệu năm 2004. 1847 MC có tấm đĩa nhỏ hơn ( 25.6mm so với 28.2mm). Cỗ máy này của Cartier cũng được phát triển bởi Valfleurier, trên trang chủ của mình, Cartier tuyên bố : “ cỗ máy tự động cơ học này hoàn toàn được tạo ra và phát triển bởi các kĩ sư và thợ đồng hồ của Cartier”. 

Cartier 1847 MC 

So sánh mặt số giữa 1847 MC và BM12-1975A cho thấy về cơ bản chúng là cùng loại máy

Như bạn có thể thấy, thuật ngữ “ in-house” đang được sử dụng rất lỏng lẻo, gần như “lạm phát” ngay bên trong tập đoàn Richemont. Bản thân “in-house” là ám chỉ một cỗ máy được thương hiệu đồng hồ thiết kế, sản xuất và lắp ráp gần như 100% tại công xưởng của chính họ, nhưng như trong trường hợp này, “in-house” đã bị lạm dụng. Những gì chúng tôi đang đề cập ở đây là vấn đề của các nhãn hiệu trong cùng một tập đoàn mẹ( Group), nó cũng tương tự như ETA. Bản thân ETA là một nhãn hiệu quan trọng có lịch sử từ 1856, nhờ vào các cỗ máy có giá thành rẻ mà họ đã duy trì sự sống cho nền công nghiệp đồng hồ Thuỵ Sỹ, vài thập kỉ sau thời kì khủng hoảng thạch anh tàn khốc thập niên 70. Còn ValFleurier và Panerai chỉ là những công trình nhân tạo ( ám chỉ lịch sử giả tạo) được biến ra với mục đích duy nhất : tạo ra những cỗ máy có khả năng tối ưu hoá lợi nhuận cho tập đoàn xa xỉ phẩm.

Một số dạng máy Valfleurier khác cũng được san sẻ cho các nhãn hiệu, ví dụ MC 1904-SP của Cartier là MB 29,22 trong Montblanc, là 1100P của Piaget, và cũng là 1326 của Vacheron Constantin. Sử dụng thuật ngữ “in-house” cho tất cả những cỗ máy này thật là sai lầm. Nếu chúng ta tiếp tục đào sâu, thì có thể biết rằng Panerai đã không tự tạo ra một cỗ máy in-house nào cả. Cái gọi là cỗ máy đầu tiên dành riêng cho Panerai – P.2002 có từ năm 2005, nó được sản xuất và thiết kế bởi một đơn vị mà sau này có tên là xưởng sản xuất Valfleurier. Đúng vậy, một cỗ máy chỉ dành riêng cho Panerai nhưng không do họ tự sản xuất vì Panerai không có chuyên môn trong lĩnh vực này. Tất cả các cỗ máy ra đời sau P.2002 đều đến từ Valfleurier, việc phô trương “ in-house” ngay từ đầu đã là không đúng. Angelo Bonati, cựu giám đốc điều hành Panerai, rất thường hay tự hào về cái cách mà Panerai trở thành nhãn hiệu duy nhất, chỉ trong một thời gian ngắn đã tạo ra nhiều cỗ máy in-house : “ rất ít nhà sản xuất nào khác có thể thành công trong việc phát triển, tạo nên 8 cỗ máy của riêng mình và sẵn có chỉ trong vòng 7 năm”. 

Angelo Bonati

Việc phát triển cái gọi là năng lực “ của riêng bạn” thật dễ dàng, khi được hậu thuẫn tài chính bởi một tập đoàn hàng đầu, và giao phó cho một công ty thuê ngoài có chuyên môn cao! Theo như lời của một Paneristi từng nói “ tất cả những thứ này là một sự dối trá công nghiệp!”. Theo thông tin tôi được biết, các tài liệu nội bộ của Panerai đã hướng dẫn các nhân viên không bao giờ được trả lời cánh nhà báo một cách chi tiết về các cỗ máy “in-house”, có lẽ làm gì tồn tại cái đó đâu mà trả lời!

Hầu hết các cỗ máy in-house Panerai đều sở hữu các mã thú vị như VML, VNK, VOL hoặc VXJ trên tấm chính, những chữ này cũng có thể được tìm thấy trên các cỗ máy từ các nhãn hiệu Richemont khác như Baume & Mercier, Vacheron Constantin, IWC, Piaget và Cartier. Những mã này chính là kí hiệu ngày sản xuất của Valfleurier.

Các kí hiệu có thể nhìn thấy trong ảnh của Panerai công bố. Như trong hình dưới đây, kí hiệu VML là : V  đại diện cho Valfleurier; M đại diện cho năm 2007, L đại diện cho tháng 12.

 Panerai P.9000 với kí hiệu ngày VML ValFleurier (Ảnh: Panerai)

Tất cả những cỗ máy này đều được tạo ra bởi Valfleurier. Hình ảnh dưới đây cho thấy một mẫu Panerai gần đây có từ năm 2019 với kí hiệu Valfleurier VXJ ( 10/2019). Vậy chúng phải chăng là được làm toàn bộ bởi Panerai?

Panerai PAM00968 “Bronzo” V series từ năm 2019 với Cal. 9010 có tem ngày ValFleurier VXJ (tháng 10 năm 2019)

Khi Valfleurier ngày càng mở rộng sản xuất sang các nhãn hiệu Khác thuộc Richemont, Panerai cũng có dây chuyền riêng của họ ở đây. 7 trong số 25 phân khu hoạt động suốt ngày đêm, phần còn lại chia làm 2 ca. Kể từ thời điểm đó, các cỗ máy được sản xuất trên dây chuyền này được đánh mã bắt đầu bằng P, ví dụ POL ( tháng 12 năm 2009). Các bộ phận như tấm chính, cầu được sản xuất tại nhà máy Neuchatel ( nhà máy được cho là của Panerai), nhưng họ lại gọi các cỗ máy ” được thực hiện hoàn toàn bởi Panerai” là một sự lừa dối kéo dài. Một cỗ máy đồng hồ bao gồm hàng trăm bộ phận như dây tóc, lò xo, bánh răng, đòn bẩy… tấm là một bộ phận rất dễ gia công, đặc biệt khi nó được lập trình bằng máy cắt CNC với các chuyên gia Valfleurier.

Một số khách đến tham quan xưởng sản xuất của Panerai tại Neuchatel, đã phản ánh lại rằng : toà nhà này quá bé, số nhân công cũng quá ít để có thể sản xuất được 70.000 đồng hồ mỗi năm như Panerai tuyên bố. Có một số ít máy móc nhưng dường như dùng để trưng bày. Không một ai nhìn thấy bất kì bộ thân vỏ nào được sản xuất tại đó. Dĩ nhiên là không! Vì các bộ vỏ được sản xuất bởi một nhà máy khác trực thuộc Richemont, có tên là Donzé-Baume. Tuy nhiên, trong một video trên Toutube được xuất bản bởi Watchvisor, nó đem đến cho người xem một ” ảo tưởng” rằng Panerai có thể sản xuất bộ thân vỏ ” In-house”.

Phần đầu tiên của Video, chúng ta thấy được quy trình bộ vỏ được tạo ra. Nhưng nó không được quay tại xưởng sản xuất của Panerai ở Neuchatel, mà là ở Donzé-Baume ở Les Breleux.

Hãy lưu ý phần trần nhà thấp hơn, cửa sổ nhỏ hơn ( hai ảnh trái), nhà máy của Panerai ở Neuchatel cửa sổ lẫn trần nhà đều rất cao to, không có ngoại lệ (ảnh phải) . Nếu bạn thấy chưa thuyết phục lắm, hãy để ý đến máy thử nghiệm áp suất trong ảnh dưới đây, phần được đóng khung chính là lô gô của nhà máy Donzé-Baume.

Hình ảnh bên dưới đây là máy kiểm tra khả năng kháng nước tại nhà máy Panerai ( ảnh cắt từ Video), thực tế là Panerai “có” một phiên bản khác của Roxer Aquapress được sử dụng tại Donzé Baume ( tên máy kiểm tra độ kháng nước)

Ảnh chụp màn hình từ video “Panerai: Making Of A Design Icon, Part 3” của Hodinkee (tháng 3 năm 2019)

Donzé-Baume có lịch sử lâu đời với tư cách là một nhà sản xuất vỏ và dây đeo tử 1868. Trong nhiều năm, họ đã sản xuất thân vỏ cho hãng Omega. Năm 2007, công ty này được mua lại bởi Richemont, cho đến nay thì họ đã sản xuất thân vỏ cho tất cả các nhãn hiệu đồng hồ thuộc Richemont. Và nhân tiện tôi có một món quà lớn cho các bạn : không có chàng trai nào mặc chiếc áo khoác Panerai có cổ màu xanh đậm! ( ám chỉ thằng cha trong ảnh phía trên, nhà máy vẫn như thế nhưng không hề có người nào mặc cái áo Panerai – chứng tỏ anh ta đã được đưa vào, mặc cái áo đồng phục Panerai để dàn dựng video như thật!)

Còn mặt số, núm, Kính thì sao? Mỗi chi tiết này đều được thực hiện bởi các công ty chuyên biệt thuộc tập đoàn Richemont. Tất cả các nhà máy này đều thuộc một phần của ” Giải Pháp Quản Lý công nghiệp Richemont” – Richemont Industrial Management Solutions ( viết tắt là RIMS). Ảnh dưới đây sẽ cho bạn thấy lô gô của các công ty này. Khi nhắc đến Panerai, có lẽ có nhiều cái ” ngoài nhà” chứ rất ít cái gọi là ” trong nhà”.

SUY NGẪM

Hãng Panerai thường thích tự miêu tả mình như một ” Manifattura Di Atla Orlogeria” ( tiếng ý) ám chỉ Haute Horlogerie – kĩ nghệ chế tác đồng hồ cấp cao. Những dòng chữ tuyệt vời này được gắn trên hành lang, nhưng liệu chúng đã phản ánh đúng thực tế hay chưa?

Theo như những gì ta đã đọc thì có lẽ không hẳn là vậy! Nhà máy Neuchatel chỉ đơn thuần là một dây chuyền lắp ráp có tính chất làm màu, với các mảnh ghép quan trọng đến từ các công ty có chuyên môn cao thuộc tập đoàn Richemont. ” in-House” hay ” được thực hiện hoàn toàn bởi Panerai” chỉ là những lời dối lừa sáo rỗng. Khả năng chống nước kém, thiếu hacking, Máy ETA không được công bố. haute Horlogerie chẳng phải là cụm từ ám chỉ sự xa xỉ hay sao? Hay nó chỉ là câu văn dư thừa? Hay là một cỗ máy mô đun với các thành phần y hệt nhau cho tất cả nhãn hiệu? Đó thật là một điều đáng buồn!

Để lại ý kiến của bạn cho người sau nhé!