* biên dịch bởi lê hoàng thạch*

Thợ làm đồng hồ có bản tính như những người đàn ông. Khi nói đến những con số, họ luôn muốn trở thành người đầu tiên hoặc có thành tích tốt nhất – ngay cả khi nó đắt nhất ( đối với đồng hồ) cũng chưa chắc là điều mà họ mong muốn. Các nhà sản xuất luôn kiếm tìm những chiếc đồng hồ phức tạp nhất, cỗ máy chính xác nhất hay bộ vỏ nhẹ nhất. Và ngay cả khi nhắc đến sự phức tạp cụ thể nào đó – thì việc lập luận rằng nó ” chính xác nhất” cũng là một phương thức tiếp thị rất tốt – dĩ nhiên trong đó cũng phải bao hàm sự phát triển tuyệt vời của kĩ thuật và kĩ nghệ chế tác đỉnh cao. Xét riêng về lịch tuần trăng, danh hiệu ” chính xác nhất” đã thuộc về tay Andres Strehler, và ngay bây giờ sản phẩm của anh ấy sẽ còn tốt hơn với mẫu mới ra mắt này!

ĐỘ CHÍNH XÁC CỦA MOONPHASE

Một bộ lịch tuần tuần trăng là gì? Đó chính xác là chức năng tái tạo lại tuổi của mặt trăng, thông qua bộ bánh xe với 59 răng ( 2×29.5 ngày), mỗi ngày nhích lên một răng. Có hai hình mặt trăng truyền thống xuất hiện thay phiên nhau trong một đĩa quay dạng tròn. Tuy nhiên, ” tháng đồng bộ” – hay chính xác là chu kì mặt trăng có thể quan sát được, có độ dài trung bình là 29,530587981 ngày ( 29 ngày 12 giờ 44 phút 2.80 giây). Do đó trong hầu hết những đồng hồ có chứa moonphase – chưa chính xác lắm và cần phải điều chỉnh lại sau 2.5 năm vận hành. Đó là phiên bản trăng sao loại thường, thực tế đã có nhiều nhà sản xuất cố gắng cải thiện độ chính xác của cơ chế này, ví dụ đơn cử dưới đây :

1. Arnold & son HM perpetual Moon : chính xác tới 122 năm ( kèm tính năng rất thực tế ở mặt sau)
2. Moser Endeavor Moon : lệch một ngày sau 1.027 năm
3. A.lange & Sohne Richard Terraluna : lệch một ngày sau mỗi 1058 năm. 
4. Ouchs Und Junior moonphase : lệch một ngày sau 3478,27 năm. 
5. Christiaan Van Der Klaauw Real Moon Joure : lệch một ngày sau 11.000 năm

Tất cả đều vô cùng ấn tượng, trên thực tế chúng chính xác tới nỗi nó sẽ…. Bị hỏng, bị mất, bị hủy …. Trước khi cần điều chỉnh lịch moonphase – trong điều kiện nó chạy liên tục và bạn còn sống ! Dù thế nào đi nữa, đây vẫn là một cuộc đua về những con số cho chiếc đồng hồ Moonphase chính xác nhất. Và trong cuộc đua này, kẻ đang nắm giữ danh hiệu thực sự – thậm chí có tên trong sách kỉ lục Guiness thế giới : là Andres Strelher, với chiếc Sauterelle à Lune Perpetuelle 2M. Hãy nghe kĩ : chiếc đồng hồ Moonphase này có độ chính xác trong 2,060 triệu năm tới! Và có lẽ khái niệm về ” đồng hồ ” như kiểu ngày nay đã biến mất vào thời điểm bạn thực hiện lần điều chỉnh đầu tiên!

                                        đây là bản 2 triệu năm đầu tiên 

Không hài lòng với độ chính xác này, Andreas Strehler đã mang tới một phiên bản mới của Papillon Sauterelle À Lune – thực tế là vẫn giữ nguyên độ chính xác, nhưng đã có sự thay đổi về phương thức điều chỉnh tuổi mặt trăng cho dễ dàng chuẩn mực hơn.

ANDREAS STRELHER PAPILLON SAUTERELLE À LUNE EXACTE

Chiếc đồng hồ mới vẫn giữ nguyên độ chính xác như cũ : sai lệch một ngày sau 2.060 triệu năm. Điểm cải tiến ở bản mới, chính là tăng khả năng điều chỉnh cho dễ dàng hơn về hiển thị mặt trang và độ chính xác các thông số trên mặt số.

Thực tế là các chỉ số moonphase thường không thể đọc hay thiết lập một cách chính xác, do không có thang đo bên cạnh moonphase trong hầu hết đồng hồ loại này, người đeo phải tự mình phán đoán chính xác các pha mặt trăng hoặc tuổi mặt trăng ( một số thương hiệu đã tìm ra giải pháp là Arnold & Son). Do đó. Việc cài đặt chính xác chỉ báo pha mặt trăng chỉ có thể dựa vào trăng mới hoặc trăng tròn. Một vấn đề khác nữa đó là tính dễ đọc của moonphase, sự vắng mặt của các thang đo khiến bạn chỉ có thể tự đoán về tuổi mặt trăng mà không thể biết chính xác. Và đây chính là thế mạnh của chiếc đồng hồ Andreas Strehler, với một chi tiết rõ ràng và đơn giản cho mọi nhu cầu : sử dụng thang đo Vernier ( đã được cấp bằng sáng chế).

GIẢI PHÁP HỮU HIỆU CHO ” ĐỘ CHÍNH XÁC” VÀ ” DỄ ĐỌC” : THANG ĐO VERNIER

Tại vị trí 6 giờ, Chiếc Andreas Strehler được trang bị một cơ chế mới, cùng với thiết kế lẫn độ hoàn thiện mới, khiến nó trở nên khác biệt hẳn so với bản cũ. Bộ thang đo dạng kép này có tên là Vernier, nó cho thấy tuổi của mặt trăng tính theo Ngày và Giờ. Do đó, nó sẽ rất hữu ích vì 2 lý do : trước hết, chiếc đồng hồ sẽ trở nên chính xác hơn về mặt hiển thị. Tất nhiên độ chính xác về tổng thể vẫn giữ nguyên, nhưng về bản chất, đồng hồ sẽ cung cấp một chỉ dấu chính xác hơn nữa về tuổi của mặt trăng, không phải đến ngày gần nhất. Mà là 3 GIỜ GẦN NHẤT. ( ghê gớm).

Thứ 2, thang đo Vernier này sẽ làm cho việc điều chỉnh pha mặt trăng trở nên cực kì đơn giản và chính xác. Khi bạn biết chính xác tuổi của mặt trăng ( có thể tìm thấy trên internet), bạn chỉ cần điều chỉnh, thông qua núm vặn. Phần hiển thị của Moonphase dưới sự trợ giúp của thang đo Vernier được đặt ở phía bên trái mặt số, trong một cửa sổ hình bán nguyệt.

Trên thang đo tuổi mặt trăng độ chính xác cao này, sẽ có một mũi tên màu đỏ biểu thị tuổi của mặt trăng tính theo ngày. Hai dấu đỏ trên thang đo hiển thị ” trăng mới” và ” trăng tròn”. Bên trong cùng, ta có một thang đo làm tăng độ chính xác lên tới 3 giờ ( mỗi mức cách nhau 3 giờ), công dụng của nó có thể tóm tắt như sau :

1. Mũi tên màu đỏ chỉ tuổi mặt trăng tính bằng ngày

2. Nếu mũi tên chỉ vào một con số nằm trong phần màu vàng của vòng bên ngoài, thì giá trị giờ ở vòng bên trong cũng phải lấy ở con số nằm ở phần màu vàng – con số đó sẽ được lấy khi vạch trong và vạch ngoài thẳng hàng : ví dụ như trên ảnh thứ 2 hiển thị 5 ngày 18giờ : ta thấy mũi tên đỏ chỉ ở phần màu vàng ở mức 5 giờ hơn, sau đó quan sát bên vòng thứ 2, ta thấy ở phần màu vàng, số 18 có vạch thẳng hàng với một số ở vành ngoài thì ta lấy số đó là tuổi mặt trăng theo giờ – tức là 5 ngày 18 giờ.

3. Cách tính tương tự cũng được áp dụng nếu mũi tên chỉ mức ngày ở phần màu xanh.

Điều khiến chiếc đồng hồ này trở thành chiếc Moonphase chính xác nhất từng được tạo ra bởi lý do : nó là sự kết hợp giữa sai số cực thấp với tính dễ đọc cực kì chính xác đến tận mốc giờ, là sự kết hợp giữa tính chính xác tuyệt vời của cơ chế cài đặt.  Đôi khi độ chính xác cực cao trong chế tạo đồng hồ lại tới từ những phương pháp rất đơn giản, và cần một chút thông minh để động não – thật sự chúng ta cần dành tặng cho chiếc đồng hồ này một tràng pháo tay thật lớn.

KĨ NĂNG HOÀN THIỆN VÀ CÔNG NGHỆ

Đây là một chiếc đồng hồ rất phức tạp xét về mặt kĩ thuật, ngay cả khi nó chỉ hiển thị giờ, phút và giai đoạn mặt trăng.các cơ chế đằng sau nó rất ấn tượng , trước hết, chiếc đồng hồ này có một thứ rất hiếm thấy, một chi tiết rất phức tạp : REMONTOIR D’ÉGALITÉ

Cơ chế này – có vẻ rất quen thuộc với người hâm mộ của hãng FP Journe – nó cung cấp một lực liên tục cho bộ thoát, giải quyết một vấn đề lớn cho đồng hồ có nguồn dự trữ năng lượng cao. Đúng như vậy, lò xo càng mạnh , dự trữ năng lượng sẽ càng dài, nhưng điều này sẽ nảy sinh một vấn đề khác : lò xo càng mạnh thì mô men xoắn càng không ổn định, khi đầy cót, mô men xoắn ở mức cao, khi gần hết cót thì mô men xoắn lại thấp. Một cơ chế Remontoir ( gọi là rờ – mông – toa) sẽ có nhiệm vụ làm trơn tru việc cung cấp mô men xoắn, bằng cách lưu trữ và cung cấp nó cho bộ thoát đều đặn mỗi giây với lực chia đều. Do đó, trên lý thuyết thì đồng hồ sẽ có cùng biên độ trong toàn bộ phạm vi dự trữ năng lượng. ( tức là vận hành đều đặn chính xác cả khi đầy cót lẫn khi gần hết cót – xin nhắc lại đấy là lý thuyết).

Tuy nhiên, hệ thống của Andreas Strehler có một chút khác biệt. Thông thường, Remontoir sẽ tác động lên bánh xe thoát. Tuy nhiên đây lại là vị trí có ít mô men xoắn nhất trong toàn bộ cỗ máy, vì lý do này, Remontoir D’égalité của Andreas Strehler sẽ được gắn vào bánh xe thứ 2 hoặc thứ 4. Do đó toàn bộ bộ thoát, bao gồm cả bánh xe thoát, bộ dao động sẽ không có bất kì ảnh hưởng nào.

Bên cạnh những thành tựu kĩ thuật, còn có vẻ đẹp tuyệt vời đến từ kĩ thuật hoàn thiện máy. Chiếc đồng hồ đã mô tả lại hoàn hảo những gì được gọi là kĩ nghệ chế tác đồng hồ cấp cao – haute horlogerie. Mỗi một bộ phận đều được sản xuất và hoàn thiện một cách cẩn thận, và dĩ nhiên đều làm thủ công bằng tay. Phần mặt số, trong bức cận cảnh bên dưới, bạn có thể thấy rằng tất cả các cạnh của các bộ phận đều được vát và đánh bóng – ví dụ như cánh tay của bánh xe tam giác trên đỉnh Remontoir, được làm bóng mờ. Cây cầu giữ các thùng có các góc lõm và rất sắc nét – một thứ kĩ nghệ mà không loại máy móc nào có thể làm được. Tất cả các bánh răng tới ốc vít nhỏ nhất đều làm rất trau chuốt.

mặt sau của cỗ máy còn thể hiện ra nhiều hơn. Cả công đoạn hoàn thiện lẫn thiết kế đều rất ấn tượng. Bộ chuyển động dựa trên một cây cầu chính, có hình dạng con bướm đặc trưng có thể tìm thấy trong hầu hết đồng hồ của Strehler. Nó được đánh vân tròn, vân sọc thủ công, có nhiều góc lõm. Đỉnh cao hiện ra là những bánh xe màu vàng, với những nan hoa được uốn cong và vát cạnh tinh tế được thực hiện bằng tay. Đây là những chi tiết tuyệt vời mà bạn sẽ hiếm khi được bắt gặp, kể cả trên những mẫu cao cấp khác. Tóm lại, đây thực sự là một ” bữa tiệc ” cho các tín đồ đam mê cơ khí.

TỔNG KẾT

Chiếc đồng hồ này hội tụ những thứ hoàn hảo  từ các nghệ nhân chế tạo độc lập : có sự đổi mới ( thang đo Vernier), có giải pháp cơ học tuyệt vời ( Remontoir D’ égalité ) và một thiết kế độc đáo, đi kèm với kĩ thuật hoàn thiện bậc cao – cũng như tính độc quyền. Chiếc đồng hồ này không quá lớn, không quá cực đoan, cũng không quá phức tạp trong việc sử dụng hoặc để hiểu được nó. Vẻ đẹp này đi kèm với một mức giá cao nhưng rất xứng đáng : 112.000 Franc Thụy Sỹ cho bản vàng đỏ. Và 125.000 Franc Thụy Sỹ cho bản bạch kim.

Chiếc đồng hồ này đã được lựa chọn cho giải GPHG ( Osca trong ngành đồng hồ) trong hạng mục ” Calendar” cùng với 13 chiếc đồng hồ khác, và nó thật sự xứng đáng để dành được một giải thưởng nào danh giá nào đó.

THÔNG SỐ KĨ THUẬT

VỎ : 41×37 mm, dày 10mm – bằng vật liệu vàng đỏ hoặc bạch kim 950 – kính saphire hai mặt – chống nước 30m.

MÁY : Calibre Sauterelle Lune Exacte, in-house, lên dây tay, 78 giờ trữ cót, tần số 21.600 VPH, tính năng giờ, phút, Remontoir D’égalité kèm thang đo Vernier.

DÂY ĐEO : cá sấu khâu tay kèm khóa bằng vàng hoặc bạch kim tùy phiên bản.

BỔ SUNG CỦA NGƯỜI BIÊN DỊCH 

bài viết này đã vô tình bỏ một người rất quan trọng là giáo sư toán học, kiêm nhà thiên văn học Kantile Robert Baggenstos. ông chính là người đã tính toán ra các thuật số để nhà chế tác dựa trên đó tạo ra hệ bánh răng truyền động.

Để lại ý kiến của bạn cho người sau nhé!