* biên dịch bởi Lê Hoàng Thạch*
Kính chào các bạn! Những ai từng chơi đồng hồ, thì mọi người đều biết rằng, đồng hồ đeo tay báo thức là những dòng sản phẩm vô cùng thú vị! Những tiếng rung kêu như tiếng dế luôn làm ngất ngây những tay chơi đồ cũ, đồ cổ! Nhưng gần như người ta chỉ biết chơi, chứ để thực sự hiểu được và nắm được ngọn nguồn lịch sử của phát triển của đồng hồ báo chuông đeo tay thì lại rất ít! Các bài khảo cứu lịch sử của nó không có nhiều do đây là một tính năng gần như đã đi vào quên lãng, hiện nay còn rất ít nhà sản xuất chuyên tâm làm về nó – và so với chronograph hay moonphase thì thua thiệt hoàn toàn! Vậy nội trong bài viết này, Thạch xin mời anh em cùng điểm qua một chút lịch sử phát triển của dòng đồng hồ báo thức đeo tay, để có cái nhìn sâu hơn một chút! Kính mời anh em thưởng lãm !
Ngày nay người ta luôn tranh cãi về tính thực tế của một cỗ tourbillon, ngoài việc nó là một niềm đam mê cho những chuyển động cơ học. Chronograph cũng là một tính năng hiếm khi được sử dụng, nhưng báo thức – tính năng này gần như không còn tồn tại. Những thứ có liên quan đến búa, lò xo, và màng ngày nay đã được thay thế bằng những tiếng bíp điện tử vô hồn điều khiển thông qua màn hình.
Đồng hồ bỏ túi báo thức cá nhân đã xuất hiện từ thế kỉ 17, và đồng hồ nước đánh chuông với thời gian còn xa xưa hơn nữa, nhưng mãi tới năm 1899, khi anh em nhà Durrestein ( công ty đồng hồ Durrestein & Co ) đã được cấp bằng sáng chế cho việc sản xuất hàng loạt đồng hồ có tính năng báo thức – đây là loại báo thức sản xuất thương mại hàng loạt đầu tiên trên thế giới. Kích thước lớn của một chiếc đồng hồ bỏ túi cho phép họ áp dụng một loại lò xo cực lớn có thể cấp nguồn cho cả phần xem giờ lẫn tính năng báo chuông bổ sung. Tính năng đánh chuông có thể được lên đủ cót chỉ sau 30 giây.
Cấu trúc cơ bản của tính năng báo thức sẽ tiếp tục được kiến tạo trong 100 năm sau đó, một chiếc kim báo chuông độc lập có thể đặt giờ bất cứ lúc nào trong khoảng 12 giờ và được kết nối với 1 bộ phận nhớ giờ “notched cam” ngay bên dưới mặt số. Khi đã tới giờ được đặt, bộ phận Cam sẽ kích hoạt một đòn bẩy, giải phóng năng lượng từ dây cót chính để cung cấp sức mạnh cho 1 cái búa đập vào màng và phát ra âm thanh, chuông sẽ đổ, mọi thứ sẽ trở lại vị trí ban đầu và quá trình sẽ lặp lại như vậy khi đặt giờ.
Các tính năng báo chuông Alarm khác với các loại đánh chuông khác như Sonnerie hay điểm chuông tới phút – repeater minutes – mặc dù đều là những dòng sản phẩm sử dụng âm thanh để thông báo thời gian. Sonnerie là một dạng báo chuông tự động mỗi giờ hoặc mỗi 15 phút một, còn điểm chuông tới phút bắt buộc phải có kích hoạt từ người đeo ( gạt cần báo giờ) và nó báo chính xác đến cả giờ và phút. Trong khi đó, đồng hồ hẹn giờ báo chuông được người dùng thiết lập ngay từ đầu, và sau đó thì phụ thuộc hoàn toàn vào đồng hồ. Tóm lại, chúng ta phân biệt ra một loại dùng để xác định giờ và phút hiện tại. Còn một loại dùng để báo động ở một mốc thời gian duy nhất đã đặt trước.
Năm 1904, hãng Eterna đã được cấp bằng sáng chế cho một chiếc đồng hồ báo thức bỏ túi sử dụng niềng xoay một chiều, chiếc đồng hồ này được làm dựa trên cỗ máy của Durrstein. Nó đã cải thiện được phương pháp đặt giờ, điều chỉnh bằng niềng xoay bezel cho tới khi kim báo thức được căn đúng thời gian cần hẹn. 4 năm sau, Eterna tiếp tục được cấp bằng sáng chế niềng xoay 2 chiều và cho tới năm 1914 họ bắt đầu sản xuất đồng hồ báo thức đeo tay dựa trên cỗ máy của Durrstein, tuy nhiên kích thước nhỏ hơn nhiều, và nó phát sinh vấn đề : dây cót bị thu ngắn lại khiến cho thời gian rung chuông chỉ được khoảng 7 giây, không đảm bảo khả năng đánh thức khiến cho giờ giấc không chuẩn và những rung động sẽ tạo ra những vấn đề cho tính chính xác của cỗ máy. Đã có nhiều nỗ lực khác nhau để áp dụng cho đồng hồ báo thức đeo tay, ví dụ như làm ra loại dây đeo thắt chặt vào cổ tay để đánh thức người dùng ( do rung ngắn qua nên phải làm vậy). Khỏi cần nói thì phương pháp này đã thất bại, và bị loại bỏ cho tới năm 1940 – khi những bước tiến thực sự được ra đời.
Hãng Vulcain đã bắt đầu làm việc trên dòng đồng hồ báo thức đeo tay từ năm 1942, với mục đích cải thiện giải quyết các vấn đề tồn tại từ trước đó. Thay vì sử dụng ổ cót chính để tạo ra độ dài tiếng chuông, hãng Vulcain đã áp dụng một ổ cót riêng biệt khác trong cỗ máy, và chỉ dùng nó cho việc bác thức, khi bạn xoay núm theo 2 hướng khác nhau, thì bộ phận lên cót sẽ tự chuyển đổi giữa các ổ cót ngay tức khắc.
Để tăng âm lượng cho chuông báo thức, búa sẽ đập vào một cái chốt nối với một màng kim loại và hoạt động theo phương thức cộng hưởng âm thanh. Màng này được bao phủ bởi một vỏ ngoài với các lỗ âm thanh, tương tự như trên trên những cây đàn vĩ cầm, nó cho phép âm thanh phát ra. Một núm đẩy ở góc 2 giờ sẽ cho phép người dùng tắt chuông khi họ đã thức, thay vì để chuông kêu đến hết. Chiếc đồng hồ này có tên là Vulcain Cricket ( con dế ), vì chiếc búa sẽ đập tới 1300 lần chỉ trong vòng 25 giây, nó tạo ra những âm thanh cộng hưởng cơ khí vô cùng đặc biệt.
Được bán ra vào năm 1947, Cricket đã tạo ra một thành công lớn cho hãng Vulcain, khiến họ bổ sung thêm một số biến thể trong năm như Golden Voice, một chiếc đồng hồ nhỏ hơn dành cho nữ giới có phần màng làm từ vàng, duy trì một âm sắc tuyệt vời mặc dù kích thước lại bé hơn. Cỗ máy Calibre 401 phát hành năm 1958 bổ sung thêm lịch ngày và kim giây, nhưng nó không được phổ biến, bởi bổ sung thêm ô lịch ngày khiến cho thời gian báo chuông bị giảm xuống và chi phí sản xuất tăng cao. Vào năm 1961, chiếc đồng hồ báo thức dành cho thợ lặn, có tên là : Vulcain Cricket Nautical được bán ra kèm theo một bảng giảm áp – Decompression table có thể điều chỉnh trên mặt đồng hồ, đi kèm 16 lỗ thoát âm ở mặt lưng, nên thâm chí ngay cả khi ở dưới nước ta vẫn có thể nghe thấy tiếng chuông reo.
Mặc dù mới hơn và có kĩ thuật vượt trội, hệ thống báo thức Cricket đã có thể bị lãng quên nếu như không phải vì hiệp hội nhiếp ảnh gia tin tức nhà trắng đã trao tặng cho ngài tổng thống Truman một chiếc Vulcain Cricket, như một món quà chia tay khi ông rời khỏi nhà trắng năm 1952. Người kế nhiệm ông, Dwight Eisenhower cũng từng được nhìn thấy đeo trên tay một chiếc Cricket. Tuy nhiên người thực sự gắn kết mình với thương hiệu Cricket lại là tổng thống Lyndon Baines Johnson, ông ấy là người đã tự mua đồng hồ cho chính mình, và thậm chí mua tới 200 chiếc ở Geneva để làm quà tặng cho nhân viên và khách mời.
Johnson vô tình trở thành người quảng cáo cho nhãn Cricket, và do đó, nhiều thương hiệu khác cũng muốn đeo chiếc đồng hồ của mình lên cổ tay của ông ấy, và hãng Jaeger Lecoultre đã chộp được thời khắc tốt nhất này. Chiếc đồng hồ báo thức của họ có tên là Memovox, bán ra vào năm 1951 với cỗ máy lên cót tay Calibre 489 và có một cái nhìn rất riêng với 2 núm điều chỉnh thay vì một núm điều chỉnh và 1 nút cắt chuông. Một núm sẽ kiểm soát thời gian và núm kia điều chỉnh phần báo thức. Thay vì sử dụng một kim báo thức, thì hãng đã áp dụng một đĩa xoay ở trung tâm mặt số. Đến năm 1956, Jaeger Lecoultre tung ra cỗ máy Calibre 815, đây là chiếc đồng hồ chuông báo tự động đầu tiên, sở hữu một bánh đà lên cót Bumper ( lọc cọc) , còn phần cót chuông báo vẫn được điều chỉnh bởi một núm riêng biệt như cũ.
Sau đó, Jaeger Lecoultre bổ sung một mô đun lịch ngày vào máy 815, biến thành một cỗ máy mới có tên là Calibre 825 khá phổ biến. Sử dụng trong chiếc Memovox Worldtime đời mới được sản xuất kỉ niệm 125 năm thành lập công ty. Hai chiếc Worldtime đã được gửi tặng cho tổng thống Johnson, chúng được mạ vàng 14k với con dấu của tổng thống ở nắp đáy, với hi vọng tước bỏ sự hiện diện của dòng Cricket. Johnson chấp nhận món quà, nhưng dù vậy nó vẫn không làm suy suyển tình yêu của ông dành cho dòng Cricket, ông đã tặng 1 chiếc và chiếc kia được đưa vào kho thư viện tổng thống khi mãn nhiệm kì.
Dù không thành công trong việc chiếm trọn cổ tay tổng thống, thiết kế bộ vỏ của Memovox vẫn tiếp tục được phát triển trong những năm tới. Họ đã bán ra hai dòng đồng hồ báo thức dành cho thợ lặn : DEEP SEA ALARM và POLARIS. Hai dòng sản phẩm này sử dụng chung một kiểu vỏ với Vulcain Cricket do Ervin Piquerez phát triển vào năm 1956. Mặc dù bạn có thể dễ dàng mua được một chiếc Memovox, thì việc tìm mua những chiếc đồng hồ lặn vừ kể trên với tình trạng tốt thật sự là một thử thách, bởi chỉ có chưa tới 1000 chiếc Deep Sea Alarm được sản xuất, không chỉ có vậy, bản thân chúng là những chiếc đồng hồ chuyên dụng được sử dụng nhiều năm nên đã có rất nhiều mẫu không còn khả năng hoạt động.
Hãng đồng hồ Rolex, thương hiệu dễ nhận diện bậc nhất trên toàn thế giới chưa bao giờ thật sự tạo ra một chiếc đồng hồ báo thức! Họ thường xuyên sản xuất đồng hồ lặn và bấm giờ Chronograph, và có lẽ công cụ cuối cùng mà họ từng làm là đồng hồ báo thức, nhưng nó chưa bao giờ được in hình vương miện trên mặt số, mà thay vào đó là một lô gô bông hoa hồng ! Được bán ra vào năm 1957, Tudor Advisor đã sử dụng cỗ máy dạng Ebauche ( máy bán thành phẩm), mua của Adolph Schild SA ( anh em nhà Eterna – ngày nay đã sát nhập thành ETA) chứ không phải là máy in house như Vulcain hay Jaeger Lecoultre.
Cỗ máy này cũng đã được sử dụng ở hơn 450 nhãn hiệu đồng hồ báo thức khác nhau từ 1950-1960, ví dụ đơn cử như Bulova, Gruen, Omega, và nhiều hãng khác. Mãi tới năm 1968 Tudor mới ngừng sử dụng vỏ ” con hàu”, bản thân bộ vỏ kinh điển này vốn không được thiết kế cho hiệu suất âm thanh báo chuông. Họ bắt đầu sử dụng loại vỏ mới với khả năng tăng cường âm lượng – điều mà Cricket đã làm từ năm 1947. Những chiếc Advisor chưa bao giờ đạt được sự nổi tiếng như Cricket hay Memovox bởi trong suốt thế kỉ 20 ( và tới nay) Tudor chỉ đơn giản là một thương hiệu hạng 2 đến từ Rolex.
Có một điều rất mỉa mai là, dòng Advisor lại là một trong số ít những dòng sản phẩm báo thức có thể được mua mới ở thời điểm hiện tại với cái giá khá tốt. Vào năm 2012, Tudor đã phát hành mẫu Henritage Advisor, tên vẫn giữ nguyên nhưng thiết kế đã được thay đổi, nó bổ sung thêm nút bật/tắt ở ngay trên bộ vỏ, bổ sung thêm thang báo trữ cót và chỉ báo bật/tắt ngay trên mặt số. Kích thước tăng từ 34mm lên tới 43mm và bộ vỏ chuyển từ thép sang titan.
Hiện nay, vẫn còn vài nhãn hiệu khác đang làm đồng hồ báo chuông, nhưng ngoài 3 nhãn hiệu sử dụng chuông báo như một tính năng bổ sung chủ đạo ( Tudor – Vulcain- Jaeger Lecoultre) thì hầu hết các nhãn hiệu kia đều sản xuất nó như một phần của các dòng đồng hồ phức tạp rất cao cấp đa tính năng bổ sung, hoặc ở dạng tái sản xuất.
Tại sao một tính năng hữu ích bậc nhất trong giới đồng hồ lại lại bị xuống hạng như vậy? Các thương hiệu đồng hồ đã thành công trong việc xoay vần từ những sản phẩm cơ khí thiết yếu cho tới các sản phẩm xa hoa, nhưng tính năng chuông báo – một thứ phức tạp với nhiều nét duyên dáng cũng như thực dụng hơn bất kì cỗ máy cbronograph nào, lại hiếm khi được nhìn thấy. Thật không may rằng nó lại nằm ở nhu cầu của thị trường và khó khăn trong việc sản xuất ( nhu cầu ít). Năm 2013, giám đốc điều hành hãng Jaeger Lecoultre cho biết, các máy báo thức cơ khí có thị phần chỉ bằng 5-10% so với bấm giờ Chronograph cơ khí.
Những năm tháng của đồng hồ cơ khí báo chuông không còn nhiều, hồi chuông báo tử của nó bắt đầu vang lên khi seiko phát minh ra đồng hồ đeo tay thạch anh đầu tiên, nhưng phải mất tới 30 năm sau sự hiện diện của âm báo chuông mới thật sự mờ nhạt. Đây là một điều bất công khi mà chronograph cơ khí, một tính năng đã lỗi thời và phức tạp, lại được phổ biến. Trong khi đó chức năng báo chuông đầy quyến rũ dần bị đưa vào giấc ngủ quên lãng. Tính năng báo chuông chắc chắn không thể tiện dụng bằng điện thoại của bạn, nhưng điều ấy đâu có phải là thứ cản trở bạn dành tình yêu cho việc mua bán những thứ đã trở nên lỗi thời?