* BIÊN DỊCH TỪ MONOCHROME*

ngày hôm nay, hãng Omega đã công bố một chiếc đồng hồ sẽ làm nên lịch sử cho dòng đồng hồ lặn, một sức mạnh ấn tượng sẽ được phô diễn! Đây chính là kết quả từ nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đồng hồ lặn chuyên nghiệp. Hãng Omega đã chính thức xác nhận sự tồn tại của một chiếc đồng hồ có thể lặn xuống tận đáy của rãnh Mariana – và ngay bây giờ, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về chiếc Omega Seamaster Planet Ocean Ultra Deep Professional, đã được thử nghiệm với mức áp lực nước 15.000 mét, và nó đã sống sót sau khi lặn sâu tới mức kỉ lục thế giới : 10.928 mét.

ĐỒNG HỒ VÀ ĐỘ SÂU TRONG LĨNH VỰC LẶN BIỂN

Nếu như điểm cao nhất trên trái đất là đỉnh Everest, với độ cao 8.848m, thì điểm sâu nhất thế giới nằm trong các đại dương, thậm chí còn ấn tượng hơn! Nằm tại vùng biển Thái Bình Dương, tại cuối phía nam của Rãnh sâu Mariana, gần nhóm quần đảo Mariana chính là điểm sâu có tên là Challenger Deep, độ sâu của nó kà từ 10.898 đến 10.928 m, và hiện đang là điểm sâu nhất từng được biết đến ở đáy biển. Và trong khi con đường dẫn tới điểm cao nhất trên trái đất đến nay đã rất thu hút khách du lịch, thì Challenger Deep cho tới nay mới chỉ được viếng thăm tổng cộng 6 lần : 3 lần sử dụng robot có người lái và 3 lần sử dụng robot không người lái. Người ta biết rất ít về nó!

Ngày 23 tháng 1 năm 1960, Jacques Piccard và Don Walsh , là những người đàn ông đầu tiên đến được The Challenger Deep – độ sâu đo được: 10.911 mét

Vào ngày 23 tháng 1 năm 1960, Jacques Piccard và trung úy hải quân Hoa Kì Don Walsh, sử dụng con tàu Trieste đã trở thành những người đầu tiên chạm được tới đáy Challenger Deep, ở độ sâu 10.911m – một kỉ lục được giữ cho tới mãi năm 2019. Gắn bên ngoài lớp vỏ của tàu Trieste là một chiếc đồng hồ nguyên mẫu được làm bởi hãng Rolex, tên của nó là Deep Sea Special  No.3 – hiện nay đang nằm trong bộ sưu tập của bảo tàng Smithsonian đặt tại Washington DC. Chiếc đồng hồ này được thiết kế để chịu được mức áp suất 1100 Bars, và nó đã nổi lên  trong tình trạng còn nguyên vẹn.

Ngày 26 tháng 3 năm 2012 – Đạo diễn phim người Canada James Cameron tiếp cận Challenger Deep, trên tàu Deepsea Challenger – đo độ sâu: 10.898 mét

Nỗ lực chinh phục độ sâu có sử dụng người lái lần thứ 2 diễn ra vào thời điểm 40 năm sau lần thứ nhất. Vào ngày 26 tháng 3 năm 2012, đạo diễn phim lừng danh James Cameron đã lái chiếc Deepsea Challenger, và lặn tới độ sâu 10.898 Mét. Cameron đã không thể phá vỡ được kỉ lục về chiều sâu của chiếc Trieste trước đó. Một lần nữa, người ta lại gắn một chiếc đồng hồ Rolex vào cánh tay Robot của Deepsea Challenger, và trong lần này nó vẫn nổi lên và còn nguyên vẹn.

CUỘC THÁM HIỂM NĂM VỰC SÂU

trong năm 2019, hãng Omega đã tham gia dự án Five Deeps, một trong những chuyến thám hiểm hấp dẫn nhất trong nhiều năm qua. Five Deeps là đoàn thám hiểm có người lái đầu tiên trên thế giới đi đến cùng lúc 5 vị trí sâu nhất từ 5 đại dương : rãnh Puerto Rico ở Đại Tây Dương ( 8376 mét), rãnh South Sandwich ở Nam Đại Dương (7.434 mét), rãnh Java ở Ấn Độ Dương (7.290 mét), điểm sâu Challenger Deep ở Thái Bình Dương ( 10.928 mét), và cuối cùng là Molloy Deep ở Bắc Băng Dương ( 5.573 mét).

Dự án này là sản phẩm trí tuệ đến từ nhà thám hiểm kiêm thợ lái tàu lặn Victor Vescovo. Phía trên mặt nước sẽ là  con tàu nghiên cứu DSSV Pressure Drop được trang bị sonar độ sâu đại dương, có độ trung thực cao nhất. Để thực hiện các hoạt động bên dưới đáy biển, họ sử dụng một chiếc tàu có tên là DSV Limiting Factor, đây là một tàu lặn xây dựng dựa trên kết cấu triton ( cung cấp ô xi dưới nước mà không cần bình dưỡng khí), nó được chứng nhận thương mại bởi cơ quan hàng hải quốc tế DNV-GL để lặn sâu tới những độ sâu đặc biệt. Dưới đáy đại dương, có ba tàu đổ bộ được sử dụng để thu thập dữ liệu khoa học quan trọng.

4 trong số 5 điểm cực sâu đại dương đã được chinh phục, bao gồm cả điểm sâu nhất là Challenger Deep tại Thái Bình Dương. Vào tháng 5 năm 2019, chiếc tàu lặn DSV đã đạt tới độ sâu 10.928 mét, điểm sâu nhất mà con người có thể đạt được – nó đã phá vỡ kỉ lục kéo dài 59 năm của Jacques Piccard và Don Walsh.

Hãng đồng hồ Omega đang trực tiếp tham gia vào cuộc phiêu lưu phi thường này, và họ đã cung cấp không chỉ một, mà là ba mẫu Seamaster Planet Ocean Ultra Deep Professional. Trong số đó, có một chiếc đã được thiết kế đặc biệt và bí mật bởi Omega, dành riêng cho việc tiếp cận điểm sâu Challenger Deep.

CON ĐƯỜNG CỦA OMEGA CHINH PHỤC ĐỈNH CAO NHẤT TRONG GIỚI ĐỒNG HỒ LẶN

Nền tảng của hãng Omega trong lãnh vực đồng hồ lặn là rất nhiều, tới nỗi khó mà đếm hết được. Trên thực tế, nhãn hiệu này đang nắm giữ một trong những kỷ lục tuyệt vời nhất trong lĩnh vực này, và họ đã từng cho ra đời một trong những chiếc đồng hồ thử nghiệm trên biển đầu tiên : Omega Marine vào năm 1932. Chiếc đồng hồ này được sử dụng bởi Charles William Beebe, nhà thám hiểm người Mĩ đã sử dụng nó trong chuyến lặn 14 mét lịch sử của ông những năm thập niên 1930. Ông nói ” tôi đeo chiếc Omega Marine của tôi ở độ sâu 14 mét dưới Thái Bình Dương, nơi mà áp lực nước lớn gấp đôi so với bình thường. Sự chắc chắn của nó đối với nước và bụi, và sự mạnh mẽ đối với tính ăn mòn là đại diện cho một bước tiến thực sự trong ngành khoa học chế tạo đồng hồ”.

Chiếc Omega Marine năm 1932, một trong những chiếc đồng hồ lặn đầu tiên, được Charles William Beebe đeo 

Năm 1948, chiếc Seamster đầu tiên ra đời. Sinh ra trong thời bình, Seamaster là phiên bản dân sự của những chiếc đồng hồ chống nước được sản xuất cho các phi công lẫn thủy thủ người Anh. Chiếc đồng hồ lặn chuyên nghiệp của Omega Xuất hiện vào năm 1957 với việc tạo ra chiếc Seamster 300 CK2913. Tiếp đó, từ chương trình nghiên cứu Polprof, hãng đã khai sinh ra những chiếc đồng hồ huyền thoại, ví dụ như chiếc Polprof 600M hay còn được gọi là chiếc đồng hồ đầu tiên sử dụng thép 904L, và chiếc Seamaster 1000 – được thực hiện với sự giúp đỡ của Jacques Yves Cousteau.

Seamaster 600 Ploprof và COMEX tháng 9 năm 1970 đã thử nghiệm ở độ sâu 253m ngoài khơi Ajaccio, Corsica.

Có nhiều câu chuyện khác giữa Omega và những người thợ lặn, chẳng hạn như thợ lặn tự do Jacques Mayol đã đeo chiếc Seamaster 120 và lặn xuống mức kỉ lục 101m vào năm 1981. Nhưng ngày hôm nay rõ ràng là một cột mốc rất quan trọng cho dòng đồng hồ lặn biển sâu, Omega đã trở thành một phần trong việc phá vỡ kỉ lục thành công với độ sâu 10.928 mét. 3 chiếc đồng hồ Omega là một phần của cuộc phiêu lưu này : hai chiếc được gắn trên cánh tay Robot của tàu lặn, và một chiếc khác gắn trên tàu đổ bộ thu thập dữ liệu. Tên của chiếc đồng hồ là : Seamaster Planet Ocean Ultra Deep Professional, một sản phẩm thử nghiệm và nó đã hoàn thành chuyến lặn sâu nhất thế giới từ trước tới nay!

OMEGA SEAMASTER PLANET OCEAN ULTRA DEEP PROFESIONAL

Sản xuất đồng hồ lặn là một phần công việc hàng ngày tại hãng Omega, nhưng để tạo ra một chiếc đồng hồ phù hợp với thử thách ” Five Deeps Expedition”, có khả năng chịu đựng độ sâu lên tới 11.000 mét, hoặc thậm chí hơn thế nữa lại là một chuyện hoàn toàn khác, nó sẽ phải cần tới một đội ngũ chuyên gia với nhiều loại kĩ thuật khác nhau. Được thiết kế để có thể chịu được áp suất cực lớn, Ultra Deep đã được tích hợp những công nghệ chuyên sâu dành riêng cho công việc thám hiểm đại dương, giải pháp sử dụng được lấy ý tưởng từ thiết bị lặn DSV Limiting Factor.

Như những gì mà bạn mong đợi, chiếc Seamaster mới là một công cụ lặn chuyên nghiệp, mặc dù to lớn, nhưng Omega vẫn cố gắng giữ nó có được độ ” mỏng” một cách đáng ngạc nhiên : chỉ ở mức dưới 28mm. Ý tưởng đằng sau thiết kế là : một chiếc đồng hồ không quá to lớn nhưng có thể chịu đựng được một áp lực cực lớn”. Chiếc đồng hồ trông vẫn rất quen thuộc, bởi nó sở hữu hầu hết các đặc điểm chung với chiếc Seamaster Planet Ocean 600 : với cùng kiểu mặt số cùng kiểu kim, cùng dạng cọc số. Rõ ràng đây là một chiếc Seamaster thuần chủng!

Bộ thân vỏ bao gồm : niềng, nắp đáy và khung thân chính được gia công từ Titan cấp 5 tương tự như chiếc tàu lặn, đạt chứng nhận DNV-GL về nguồn gốc, đặc tính và chất lượng của vật liệu.

Lớp kính của đồng hồ lặn luôn luôn là một vấn đề nhức nhối : độ dày, cách lắp ráp vào thân vỏ làm sao vẫn giữ được khả năng kháng nước. Trong trường hợp này, một lần nữa nó lại được mấy cảm hứng từ các ô cửa kính của chiếc tàu lặn! Thiết kế ô kính là một bước đi rất quan trọng trong việc phát triển tàu lặn. Bề mặt chịu tải của tàu được thiết kế để giảm thiểu áp lực lên các cạnh bên của hình nón – nơi mà áp lực là lớn nhất. Tương tự như việc lắp ráp các khung kính trên tàu lặn, việc lắp ráp mặt kính saphire trên đồng hồ thám hiểm đại dương là một lĩnh vực rất đáng quan tâm.  Omega đã sử dụng Liquidmetal, kết hợp ý tưởng lấy từ con tàu để lắp ráp lớp kính saphire vào thân vỏ, đảm bảo được sự chắc chắn vững chãi. Liên kết dạng nóng đang chờ cấp bằng sáng chế này giúp loại bỏ việc sử dụng vòng bảo vệ Polymer, và làm giảm độ dày cho lớp kính saphire.

Phần còn lại của đồng hồ cũng rất độc đáo. Các tai càng được tích hợp hoàn toàn vào thân vỏ, nó được thiết kế theo dạng mở để làm giảm nguy cơ vượt quá giới hạn vật liệu khi ở sâu dưới đại dương – nơi mà cả dây đeo lẫn đồng hồ đều phải chịu sức ép cực lớn. Bộ tai càng này có tên là ” Manta” ( cá đuối ) do hình dáng đặc biệt của chúng.

Tất cả những công nghệ kể trên cho phép Omega Seamaster Planet Ocean Ultra Deep Professional chống lại áp lực nước lên tới 10.928 mét hay 1.100 Bar – một kỉ lục dành cho đồng hồ cơ khí. Những chiếc đồng hồ này đều được thử nghiệm áp lực tại cơ sở Triton Sub, đặt ở Barcelona với sự góp mặt của một quan sát viên DNV-GL. Áp suất tối đa được chọn có liên quan tới rãnh Mariana, nhưng để chắc chắn hơn và tuân thủ các tiêu chuẩn ISO 6425 dành cho đồng hồ lặn, Omega áp dụng thêm 25% độ an toàn, đồng nghĩa với việc đồng hồ sẽ phải hoạt động hoàn hảo ở mức 1500 Bar hay 15.000 Mét.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Seamaster Planet Ocean Ultra Deep Professional, trên hết là một chiếc đồng hồ cơ khí sử dụng một cỗ máy tự động bên trong, nó đã phải trải qua những thử nghiệm ở cấp độ cao nhất trong ngành đồng hồ, và kèm theo đó là 8 bài kiểm tra nghiêm ngặt trong hơn 10 ngày do METAS đặt ra ( khả năng kháng từ cao cấp) – tức là mỗi chiếc đồng hồ đều sẽ đạt được chứng nhận Master Chronometer.

KẾT LUẬN

Điểm ấn tượng nhất từ chiếc đồng hồ, đó là việc nó đã phá vỡ kỉ lục về khả năng chịu áp lực nước, cũng như kỉ lục về lặn sâu, và được chế tạo với mọi công nghệ tuyệt vời nhất có thể. Mặc dù mục tiêu ban đầu là tạo ra một chiếc đồng hồ cho những nhiệm vụ cực kì khắc nghiệt, nhưng hãng Omega vẫn sử dụng các vật liệu và công nghệ có thể thương mại hóa. Trong một tuyên bố sau cùng, Omega nói rằng các nhà thám hiểm có thể tin tưởng rằng, công nghệ Ultra Deep đã phá vỡ các kỉ lục này sẽ lại tiếp tục xuất hiện trong một tương lai rất gần, và chúng ta sẽ cùng chờ đón xem điều gì sẽ xảy ra!

5/5 - (2 bình chọn)