* biên dịch có chỉnh sửa từ Kaz Mirza*
Có thể nói, việc thành lập nhà máy đồng hồ Moscow đầu tiên, là một sự kiện quan trọng bậc nhất trong lịch sử đồng hồ Nga. Thuở ban đầu, có rất nhiều việc phải làm. Người Nga không có đủ trang thiết bị phù hợp, không đủ kĩ thuật viên được đào tạo, và không có bất kì đồng minh tin cậy ở quốc gia lân cận để có thể giao dịch. Vì lẽ đó, chính phủ Nga đã tìm kiếm một nơi nào đó có thể biến giấc mơ của họ thành hiện thực, và nơi đó chính là Canton, Ohio, nước Mĩ.
nhà máy đồng hồ Dueber Hampden
Vào năm 1930, nhà máy đồng hồ Dueber Hampden tại Ohio đã bị phá sản, và phải tiến hành bán công ty, họ là một công ty chuyên sản xuất đồng hồ bỏ túi. Các quan chức chính phủ Nga đã đến đây, đề nghị mua lại bằng sáng chế, thiết bị và toàn bộ số nguyên vật liệu còn lại. Và hơn thế nữa, người Nga cũng yêu cầu 21 nhân viên của công ty tới nước Nga để giám sát việc lắp đặt thiết bị, và hướng dẫn cho các kĩ thuật viên người Nga. Người Mĩ đã dành ra tới 1 năm ở Moscow để giúp thành lập nhà máy đồng hồ số 1. Điều thú vị là khu vực Canton chủ yếu là dân nhập cư Đức, nó giúp cho họ có thể giao tiếp với người Nga. Bởi vì người Mĩ thì không nói được tiếng Nga, và người Nga cũng không biết tiếng Anh, nhưng cả hai bên đều có thể nói thạo tiếng Đức, ngôn ngữ này đã giúp hai bên truyền đạt lại ý kiến cho nhau.
Sau khi thành lập, nhà máy đồng hồ Moscow đã sản xuất đồng hồ cho cả quân đội lẫn nhu cầu dân sự. Những chiếc đồng hồ đầu tiên ra lò đều là đồng hồ bỏ túi, và rất được người Nga tôn sùng. Nó đại diện cho toàn bộ những gì mà chính quyền Nga khi đó muốn thể hiện : khả năng tự lực tự cường. Chúng đều được làm bởi người Nga và ngay trên đất Nga, những chiếc đồng hồ bỏ túi đầu tiên có tên là Type-1 ( hay còn gọi là K43). Cỗ máy sử dụng bên trong được áp dụng cho tới thập niên 80, nó lấy cảm hứng từ nguyên mẫu máy của Hampden.
mẫu k43 type 1
Trong khoảng 30 năm, nhà máy Moscow đã sản xuất đồng hồ cho mọi tầng lớp người dân Nga. Cũng thời gian đó, người Nga đã nhận ra họ đang thiếu một loại thiết bị, để giúp họ trở thành đại cường công nghiệp hàng đầu thế giới. Các đối thủ kinh tế của họ đã có nhiều năm phát triển một loại thiết bị rất đặc biệt, hoạt động như một thiết bị kĩ thuật vô giá : ĐỒNG HỒ BẤM GIỜ CHRONOGRAPH. Điều này dẫn chúng ta tới sự đóng góp lớn nhất của nhà máy đồng hồ Moscow dành cho nước Nga : Chronograph Liên Xô.
CHRONOGRAPH FLYIMA FLYBACK
Hầu hết mọi người sẽ nói rằng Chronograph Nga đầu tiên được sản xuất là Strela 3017, đó cũng là 1 ý kiến đúng theo cách hiểu ” thuần Nga”. Tuy nhiên, thực tế thì vẫn có một dòng sản phẩm ra đời trước nếu chỉ tính theo mốc thời gian, tên của nó là Tutima 59. Nhắc đến Tutima, người ta sẽ biết đây là nhãn hiệu đồng hồ Đức, trong thời thế chiến 2, sản phẩm Chronima Chronograph của Đức là một sản phẩm rất được lính Nga khao khát – họ chỉ có thể lấy được từ tay các phi công bị bắn rơi. Nhà máy của Tutima đặt ở Đông Đức, một vùng lãnh thổ bị Liên Xô chiếm đóng thời cuối thế chiến, và ngay lập tức máy móc của Tutima bị trưng thu kèm tất cả tài liệu, chúng được chuyển tới nhà máy Moscow với tư cách là chiến lợi phẩm đền bù cho chiến tranh. Tại đây, người Nga đã sản xuất Tutima Flyback Chronograph cho họ với triện nhà máy Moscow đóng bên trong.
STRELA 3017
Năm 1951, việc sản xuất Tutima đã bị đình chỉ và thay thế bởi Strela 3017. Đây là dòng đồng hồ bấm giờ sản xuất từ những năm 1950. Giống như việc sản xuất đồng hồ thời kì đầu, người Nga đã mua bằng sáng chế và thiết bị cho máy Venus 150 từ Thụy Sỹ. Ngay sau đó, Strela 3017 đã ra đời và đi vào sản xuất. Tên gọi và kết cấu của nó đã thay đổi qua thời gian, chúng được gọi với tên Poljot và Sekonda ngoài Strela. Trong một dấu mốc đáng chú ý, phi hành gia Cosmonaut Alexei Leonov đã đeo một chiếc 3017 trong chuyến bay không gian đầu tiên. Sau đó, dòng máy này sẽ được thay thế bởi Poljot 3313.
POLJOT 3313
Dòng 3313 được sản xuất dựa trên Valjoux 7734 của Thụy Sỹ, người Nga đã mua bản quyền để sản xuất cỗ máy này vào cuối thập niên 1970. 3133 xuất hiện lần đầu tiên với cái tên Okean, dùng cho trạm vũ trụ Sojuz-23. Đây là một cỗ máy đồng hồ sử dụng 2 ô phụ, cơ chế CAM. Hình dáng rất dễ phân biệt bởi bộ vỏ độc đáo và khung xoay bên trong.
NHÀ MÁY ĐỒNG HỒ MOSCOW HIỆN NAY
Số phận của nhà máy này đến nay có chút mơ hồ, sau khi liên xô sụp đổ, sự suy tàn của Poljot cũng bắt đầu bất chấp những nỗ lực mạnh mẽ. Đến cuối năm 2000, một phần của poljot đã được mua lại bởi một tập đoàn xa xỉ, phần còn lại của nhà máy được mua lại bởi nhóm cựu nhân viên Poljot. Những nhân viên này đã thành lập ra công ty Volmax, công ty này tiếp tục sản xuất đồng hồ dưới cái tên Sturmanskie, Buran và Aviator.
Những gì xảy ra sau đó còn lằng nhằng hơn, đơn vị mua lại một phần Poljot bị phá sản, còn nhóm Volmax chuyển đến Thụy sỹ. Các tác phẩm mới được sản xuất ở Thụy Sỹ, và phụ thuộc rất nhiều vào máy 3133 và các biến thể. Có vẻ như máy móc tạo ra 3133 ban đầu được chuyển tới Thụy Sỹ. Đây thực sự là cái kết buồn cho một thương hiệu lớn của Nga.