” biên dịch bởi Lê Hoàng Thạch”
NÀNG MONA LISA, CHÉN THÁNH CỦA GIỚI CHẾ TẠO ĐỒNG HỒ!
tiêu đề ở trên chính là những mĩ từ tuyệt đẹp mà người ta thường gán cho chiếc đồng hồ Breguet No.160, nó còn có cái tên khác là ” Marie Antoinette” – lấy theo tên của vị nữ hoàng Pháp trong thời kì cách mạng Pháp. Có nhiều chuyên gia nghiên cứu thường nhắc tới nó như một chiếc đồng hồ quan trọng nhất từng được sản xuất, vì lí do về công nghệ, thẩm mĩ, lịch sử và những cung bậc cảm xúc mà nó mang lại. Lịch sử của chiếc đồng hồ này kéo dài tới hơn hai thế kỉ và nó hoàn toàn đủ để người ta dựa vào đó để viết nên một cuốn tiểu thuyết hay thậm chí là dựng thành phim! Và ngay sau đây. Chúng ta sẽ cùng ngược dòng lịch sử để cùng tìm hiểu về một câu chuyện tuyệt vời, về những con người đã tạo nên cỗ máy huyền thoại này!
CUỐI THẾ KỈ 18 – THỜI ĐẠI CỦA BREGUET
Abraham Louis Breguet, một nghệ nhân đồng hồ lừng danh đã thành lập một công ty đồng hồ của riêng ông, khi mới 28 tuổi tại Ile De La Cité, Thủ đô Paris của Pháp. Mặc dù sinh ra ở Neuchatel Thụy Sỹ, nhưng ông đã chuyển tới Paris khi mới 15 tuổi để học nghề đồng hồ với một người thợ vô danh tại Versailles. Ông đã làm người thầy của mình phải kinh ngạc về trí thông minh và kĩ năng của mình.
Breguet đã nhanh chóng xác lập mình thành một trong những thợ chế tạo đồng hồ giỏi nhất mọi thời đại, trong mười năm, ông đã nhận được sự tín nhiệm và tiền từ những gia đình quý tộc quan trọng nhất nước Pháp, và thậm chí cả vị nữ hoàng khi ấy, Marie Antoinette (1755-1793) cũng trở thành một người hâm mộ nhiệt thành với những tác phẩm cơ khí của ông. Bản thân cô đã sở hữu một số sản phẩm của Breguet, và sau đó giới thiệu ông với những quý tộc khác.
MARIE ANTOINETTE
Năm 1783, Breguet nhận được một yêu cầu – thực chất là một sự ủy nhiệm từ người khác từ một thành viên trong đội bảo vệ Marie Antoine, với nhiệm vụ tạo ra một chiếc đồng hồ thật đặc biệt để làm quà tặng cho vị nữ hoàng này. Chiếc đồng hồ phải kết hợp được mọi tính năng phức tạp được biết tới vào thời điểm đó, thời gian hoàn thành và giá cả là không giới hạn. Tên của người đặt hàng không được ghi rõ trên đơn hàng, và cho tới nay vẫn chưa có điều gì chắc chắn về danh tính người này.
Tương truyền rằng, chính nữ hoàng đã ra lệnh đặt hàng. Nhưng nhiều nguồn tin khác lại cho rằng chiếc đồng hồ đã được đặt theo lệnh của bá tước Thụy Điển Hans Axel Von Fersen ( 1755-1810), một người bạn thân của nữ hoàng, và cũng là người tình của bà. Người ta biết được bí mật này dựa trên bằng chứng là những đoạn mật mã trong các bức thư mã hóa mà họ gửi cho nhau, vào những năm cuối đời nữ hoàng.
Bản thân nữ hoàng chưa bao giờ nhận được chiếc đồng hồ ấy. Sau cuộc cách mạng Pháp, bà đã bị xử tử ở Place De La Révolution, vào ngày 16-10-1793. 17 năm sau, Von Fersen bị một đám đông hỗn loạn giết chết ở Stockholm, vì bị nghi ngờ đã ám sát thái tử Charles August.
HOÀN THÀNH BỞI HAI THẾ HỆ
Trong suốt những năm lịch sử biến động, chiếc đồng hồ vẫn liên tục được phát triển dưới cái tên no.160, ngoại trừ 7 năm 1789 đến 1795 – khi Breguet rời nước Pháp lưu vong sang Thụy Sỹ và Anh, chờ tới khi chính trị tại Pháp ổn định trở lại ( Breguet là người ủng hộ hoàng tộc Pháp nên buộc phải chạy trốn). Vào năm 1827, 44 năm kể từ khi đơn hàng được đặt và 34 năm sau cái chết của nữ hoàng, chiếc đồng hồ đã hoàn thành. Thật không may là Breguet đã qua đời vào năm 1832, do đó kiệt tác đồng hồ đã được hoàn thành bởi con trai ông là Louis Antoine.
Chiếc đồng hồ bỏ túi no.160 có đường kính 63mm, bao gồm lịch vạn niên, ngày/tháng/thứ, phương trình thời gian, điểm chuông tới phút, điểm chuông báo giờ, kim giây độc lập, nhảy giờ ( jumping hour), nhiệt kế. Chiếc đồng hồ này là một sản phẩm tự động lên dây cót, với bánh lắc bằng bạch kim ( cơ chế này Breguet học tập từ Perrelet).
Tổng chi phí sản xuất theo các tài liệu lưu trữ là 17.070 Franc ( thời điểm đó), đắt hơn bất kì chiếc Breguet nào cùng thời điểm, để tiện so sánh, ta lấy ví dụ chiếc đồng hồ bỏ túi trang bị lịch vạn niên no.92 nổi tiếng, được bán với số tiền nhỏ hơn nhiều là 4.800 Franc. Khi chiếc đồng hồ hoàn thành, cả người yêu cầu lẫn hoàng hậu, và ngay cả Breguet đều đã mất nhiều năm, có lẽ nó đã được bán cho hầu tước Vùng De La Groye của Provins – thực tế đây chỉ là giả thuyết vì không có bất cứ hồ sơ căn cứ nào, chỉ biết được là vào năm 1838, chiếc đồng hồ đã được mang tới xưởng sản xuất của Breguet để được bảo dưỡng bởi Marquis De La Groye Of Provins như đề cập ở trên. Danh tính của người này không thể tìm thấy vì không có hồ sơ lưu trữ tương ứng nào trong gia phả hầu tước De La Groye. Điều này dẫn tới giả thuyết thứ 3 về người đã thực sự sở hữu chiếc Breguet no.160
tài liệu về chi phí sản xuất
Về cơ bản, tài liệu lưu trữ của Breguet có thể đã sai chính tả, khi viết nhầm tên của người đã mang chiếc đồng hồ tới nhà máy bảo dưỡng vào năm 1838. Dựa trên giả định này, người sở hữu chiếc đồng hồ vào năm 1838 có thể là bộ trưởng hải quân, nguyên soái Pháp Charles Eugène Gabriel De La Croix De Castries ( 1727-1801), và người đem chiếc đồng hồ đi bảo dưỡng chính là cháu trai của ông, ngài Edmond Eugène Philippe Hercule De La Croix ( 1787-1866) khi đó đang chỉ huy quân đoàn ” Chausers” quân đội hoàng gia Pháp, đóng tại Provins : Marquis de la groye de Provins.
Năm 1855, chiếc đồng hồ được trưng bày tại triển lãm toàn cầu, định giá cao tới 30.000 Franc. Tới năm 1887, nó được bán ở Paris cho một nhà sự tập có tên London Spencer Brunton ( 1846-1901) với số tiền 600 Bảng Anh – tương ứng khoảng 15.000 Franc, chỉ bằng một nửa định giá ban đầu nhưng vẫn là một khoản tiền rất lớn. Giấy tờ mua bán được kí bởi Edward Brown, mô tả chiếc đồng hồ là ” N.160 Montre dite montre Perpetuelle”, không có từ ngữ nào gán với tên nữ hoàng do người ta chưa tìm ra sự liên kết lịch sử này.
Sau cái chết của Soencer Brunton vào năm 1901, chiếc đồng hồ được mua bởi Murray Marks ( 1840-1918), một nhà buôn và sưu tầm nghệ thuật người Hà Lan, ông này sau đó đã bán chiếc đồng hồ cho Louis Albert Desouter (1858-1930) vào năm 1904 – một thợ sửa đồng hồ người Pháp tới sống ở Luân Đôn vào năm 1881.
VỀ TAY NGƯỜI DO THÁI
Nhiều năm sau, chiếc đồng hồ được mua lại bởi ngài David Lionel Goldsmid Stern Salomons ( 1851-1823), một tác giả khoa luật đa tài, luật sư, nam tước của vương quốc Anh, thị trưởng Luân Đôn người Do Thái đầu tiên, một trong những nhà sưu tầm đồng hồ chuyên nghiệp nhất về Breguet. Ngay bên dưới đây là hồi kí của ông về cái ngày đầu tiên ông chạm mặt chiếc đồng hồ huyền thoại, được ghi lại trong cuốn ” Breguet (1747-1823)” :
” bây giờ là năm 1917, ngày 3 tháng 5, một ngày ẩm ướt. Khi tôi đi ngang qua một cửa hàng nằm trên vỉa hè gần Regent Street, liếc vào ô cửa sổ mà tôi chẳng bao giờ nhìn tới bởi ở đó chỉ toàn là đồ trang sức tân thời. Tôi bị thu hút ánh nhìn bởi một chiếc đồng hồ có bề ngoài gây tò mò, khác với những chiếc thông thường, và bên cạnh nó, tôi thấy đề dòng chữ ” Marie Antoinette”. Sau đó, tôi đã đi tới ô cửa để có thể nhìn rõ hơn về chiếc đồng hồ, và tôi thấy rằng nó được tạo ra cho vị nữ hoàng xấu số bởi bản tay của Breguet, một kiệt tác của ông. Nó có giá bán rất đắt, tôi đã trở về nhà của mình tại phố Grosvenor, tính toán mọi cách : ” tôi có đủ khả năng ( mua nó) không?”.
Tôi đặt bút viết , nhưng tâm trí mách bảo tôi rằng chiếc đồng hồ sẽ không thể giữ lại được lâu bên ô cửa cho tới khi hết mưa. Sau khi chốt lại rằng mình có thể đưa ra một mức giá nào đó, tôi khoác áo mưa và quay trở lại cửa hàng. Chủ sở hữu chiếc đồng hồ, theo quan sát của tôi là một người đã nghiên cứu sâu về Breguet trong suốt cuộc đời anh ta. Việc đưa ra ” lời đề nghị” vốn trái với qua tắc thường thấy của tôi, nhưng khi anh ta nói với tôi rằng, chiếc đồng hồ đang được bán theo hoa hồng, tôi đã tự đưa ra một mức giá đề xuất. Tôi đã kiểm tra chiếc đồng hồ, nó rất hoàn hảo, và tôi nói mong muốn có được câu trả lời hồi âm về đề nghị của tôi vào trước 10 giờ sáng mai. Vào 9h30 sáng hôm sau, người bán đã đến cùng với chiếc đồng hồ và nói rằng giá tiền tôi đề nghị sẽ được chấp nhận nếu nó tăng thêm 50 bảng anh! Tôi không phản đối với mức tăng giá 50 bảng, vì vậy tôi đã kiểm tra và giữ lại chiếc đồng hồ. Đây hóa ra lại là một giao dịch mua bán quá tốt, xét trên những lời đề nghị quyến rũ dành cho tôi sau này để chia tay nó ( giao dịch bán lại đã sinh lời!)”
Khi ông qua đời vào năm 1925, Salomons đã để lại 57 chiếc đồng hồ Breguet, bao gồm cả chiếc no.160 Marie antoinette cho con gái của ông là Vera Bryce ( 1888-1969), những chiếc khác để lại cho vợ của ông. Sau thế chiến 1, Vera đã chuyển tới Jerusalem và trở thành một nhà từ thiện tích cực. Sau cái chết của vị giáo sư đáng kính Leo Aryeh Mayer, hiệu trưởng đại học Do Thái Jerusalem, cô đã thành lập viện nghệ thuật hồi giáo LA Mayer và quyên tặng những chiếc đồng hồ quý giá của mình cho bảo tàng, và chúng được đặt trong một căn phòng trưng bày chuyên dụng.
bảo tàng nghệ thuật hồi giáo
Viện nghệ thuật hồi giáo LA Mayer mở cửa cho công chúng vào năm 1974 khi Vera đã qua đời. Rõ ràng là chiếc No.160 đã tìm được ngôi nhà cho chính mình! Nghệ nhân đồng hồ bậc thầy Anh Quốc George Daniels, một trong những chuyên gia hàng đầu về Breguet đã tới đây nghiên cứu, lập danh sách đồng hồ và công bố một nghiên cứu chi tiết về chúng. Nhưng điều đáng tiếc là chiếc No.160 sẽ sớm rời khỏi “ngôi nhà” của mình và dấn thân vào quãng thời gian không mấy sáng sủa!
BỊ ĐÁNH CẮP, LƯU LẠC HƠN 20 NĂM!
Mùa xuân năm 1983, một tên trộm người Israel Na’aman Diller, biết được rằng hệ thống báo động của viện nghệ thuật hồi giáo đã tạm ngừng hoạt động, hắn đã lên kế hoạch cho một trong những vụ trộm nổi tiếng nhất từng xảy ra trong lịch sử Israel. Bộ sưu tập đồng hồ Breguet đặc biệt do Vera Bryce Salomons tặng bảo tàng, bao gồm cả chiếc Marie Antoinette lúc ấy đang được cất giữ trong một hộp kính phía sau tòa nhà. Nhờ vóc dáng mảnh khảnh, Diller có thể chui vào bảo tàng, có thể hắn đã sử dụng xà beng để uốn các thanh chắn cửa sổ. Hắn đã đánh cắp 106 chiếc đồng hồ cùng một số bức tranh. Do biết được những chiếc đồng hồ này đều quá nổi tiếng nên hắn không dám bán ra thị trường, và tiến hành cất giữ các mặt hàng này trong các hộp kí gửi an toàn đặt tại Pháp , Israel và Hoa Kì, rồi đến định cư ở Los Angeles.
tên trộm!
Cảnh sát đã nghi ngờ tên trộm có thể là nghi phạm trong một vụ án có từ năm 1983 nhưng không đủ bằng chứng. Họ đã rà soát tất cả các nhà sưu tập và nhà đấu giá danh tiếng trên toàn thế giới nhưng không thu được kết quả. Chiếc Marie Antoinette cùng với những chiếc đồng hồ quá giá khác đã bốc hơi không một tăm tích!
Tới năm 2004, sau hơn 20 năm vụ việc vẫn chưa được giải quyết, và không một ai biết được chuyện gì đã thực sự xảy ra đối với chiếc Marie Antoinette. Nicolas Hayek, người sáng lập ra tập đoàn Swatch Group, cũng là chủ sở hữu mới của Breguet đã thách thức các thợ đồng hồ của mình tạo ra một bản sao của kiệt tác này. Để tái tạo lại chiếc đồng hồ vô cùng phức tạp như vậy chỉ với sự trợ giúp của các tài liệu cổ, là một thách thức ghê gớm đối với các kĩ thuật viên và thợ sửa đồng hồ trực thuộc Breguet. Các bản vẽ kĩ thuật ban đầu trong kho lưu trữ thuộc bảo tàng Breguet, cùng với một số hình ảnh khác chỉ cung cấp thông tin và hướng dẫn các chức năng cũng như kiểu dáng bên ngoài!
bản vẽ CAD phục dựng lại
Trong khi việc tái tạo bản sao hiện đại của Marie Antoinette đang tiến triển thì bí ẩn về những chiếc đồng hồ bị đánh cắp năm nào cũng dần dần hé lộ!
Vào năm 2006, viện nghệ thuật hồi giáo LA Mayer đã bắt liên lạc được với một luật sư ở thủ đô Tel Aviv, có tên là Hila Efron Gabai. Họ được thông báo rằng một trong những khách hàng của vị luật sư này, một góa phụ tiết lộ thông tin : người chồng của cô này, khi đang hấp hối trên giường bệnh vì ung thư, đã tiết lộ về sự tồn tại của những chiếc đồng hồ quý giá, mà anh ta đã đánh cắp từ bảo tàng hai thập kỉ trước. Người phụ nữ hiện đang sống ở Mĩ, và cô ta mong muốn trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp, tuy nhiên người này yêu cầu giấu tên và đòi thêm tiền chuộc, kèm theo đó là xóa bỏ phần thưởng 2 triệu đô la dành cho người nào phá được vụ án năm nào.
Thông qua các cuộc đàm phán giá tiền chuộc đã giảm xuống còn 35.000 USD, 53 trong tổng số 106 chiếc đồng hồ bị đánh cắp đã trở về tay bảo tàng vào tháng 8 năm 2007. Rachel Hasson giám đốc nghệ thuật của bảo tàng, đã mô tả cảm xúc của mình khi chạm vào những hộp cũ chứa những chiếc đồng hồ bị đánh cắp : ” tôi đã mở hộp và nhận ra chúng từ con số, hầu hết đều đang ở trong tình trạng tốt, một số đã bị hư hại. Khi tôi chạm vào Marie Antoinette, tôi đã không thể không bật khóc! Thật cảm động và thú vị khi được nhìn thấy nó sau nhiều năm”.
Vài tháng sau đó, bảo tàng đã không công bố phát hiện này, họ giấu đi những chiếc đồng hồ và tìm mọi cách thu xếp trả tiền trong sự bí mật. Nhưng sau đó, bí mật đã không giữ được và cảnh sát đã vào cuộc, qua các tài liệu từ cơ sở lưu trữ những chiếc đồng hồ bị đánh cắp, họ phát hiện ra tên của một người phụ nữ đang sinh sống ở Los Angeles : Nili Shamrat.
Cảnh sát Israel ngay lập tức xác nhận cô này chính là góa phụ của Na’aman Diller. Sau khi kết hôn vào năm 2003, hai kẻ này đã tới thủ đô Tel Aviv để cất giữ những chiếc đồng hồ bị đánh cắp trong một hộp kí gửi an toàn, một năm sau Diller đã chết vì ung thư. Nili Shamrat bị bắt vào tháng 5 năm 2008, trong những tháng sau đó cảnh sát đã phát hiện ra 43 chiếc đồng hồ bị đánh cắp khác trong hai két sắt ngân hàng ở Pháp. Sau 25 năm, tổng cộng 96 trong số 106 chiếc đồng hồ bị đánh cắp bởi Diller đã trở về với viện nghệ thuật hồi giáo LA Mayer, vụ việc cuối cùng đã được giải quyết! Cho tới ngày nay, chiếc Marie Antoinette nguyên bản, trị giá tới 30 triệu đô la là một trong những tác phẩm quý giá nhất được trưng bày ở vịên nghệ thuật hồi giáo, được bảo vệ cẩn mật bởi hệ thống báo động tinh vi kèm theo hộp chống đạn.
NO.160 VÀ NO.1160 : SỰ KẾT NỐI GIỮA QUÁ KHỨ VÀ HIỆN ĐẠI!
Chiếc đồng hồ nguyên bản đã trở về ” nhà”, và ở Thụy Sỹ trong cùng năm 2008, điều trùng hợp kì diệu đã xảy ra. Sau 4 năm dài nghiên cứu và chế tạo, chiếc đồng hồ Marie Antoinette bản sao mới, với mã số no.1160 cuối cùng đã hoàn thành, và được trưng bày trước công chúng tại sự kiện Basel World 2008, bởi Nicolas Hayek – người sáng lập tập đoàn Swatch. Nó được coi như một kho báu thực sự được đặt trong một hộp đựng rất quý chạm khắc từ cây sồi Versailes – từng rất được nữ hoàng Marie Antoinette yêu thích. Sau một cơn bão dữ dội, người ta định chặt bỏ nó đi và Hayek đã quyết định mua về!
Chiếc đồng hồ bản sao sở hữu những tính năng rất phức tạp tương tự như bản gốc, cỗ máy tự động lên dây bao gồm tới 823 bộ phận, từ thân vỏ và máy móc đều được trau chút kĩ lưỡng từng phân, và cho tới thời điểm đó nó được coi là chiếc đồng hồ phức tạp thứ 5 trên thế giới, chiếc Breguet no.1160 thường được lưu diễn trưng bày tại khắp các bảo tàng uy tín trên thế giới.
Và cuối cùng đến đây đã khép lại câu chuyện huyền thoại về chiếc đồng hồ lịch sử này! Một niềm đam mê mãnh liệt dành cho đồng hồ, cho những giá trị nhân văn đã được truyền qua hết thế hệ này tới thế hệ khác. Một kết thúc có hậu với những thăng trầm biến cố lịch sử hàng trăm năm. Cho tới ngày nay thế giới đang hiện hữu cùng lúc hai chiếc Antoinette : một sản phẩm của cha ông đi trước và một sản phẩm của hậu bối luôn nhớ về quá khứ! Một sự kết nối không thể tuyệt vời hơn!