* biên dịch bởi Lê Hoàng Thạch – bài viết gốc quá lan man lê thê nên mình bắt gọn các ý chính*
Khi nói đến đồng hồ Nhật Bản, tôi cho rằng chúng ta đã đạt đến mức coi chúng là một sự thừa nhận, nó mang tính chất thế hệ và xã hội. Đối với một công ty có gần 20.000 nhân viên, họ đã im lặng một cách đáng kinh ngạc về những gì diễn ra tại trụ sở ở Nhật Bản.
Ngành công nghiệp đồng hồ của Nhật Bản được thiết lập để sản xuất và bán đồng hồ cho những người có nhu cầu xem giờ, và những người có đủ tiềm lực tài chính ở các cấp độ khác nhau về chất lượng. Cái quan trọng nhất và đầu tiên là tính năng và độ tin cậy, sau đó mới đến mặt số hấp dẫn, dây đeo thoải mái, vỏ hoàn thiện tốt và các tính năng bổ sung tiện lợi.
Tâm lý của ngành đồng hồ Nhật Bản, điển hình là nó phải là thứ tồn tại lâu dài, và bạn không phải lo lắng về nó. Bạn đổi đồng hồ khi nó bị hỏng hoặc nâng cấp khi bước sang nấc thang mới của cuộc đời. Đây là một phần tự nhiên của văn hóa nghề nghiệp tại nước Nhật, nơi mà thân niên công tác được coi trọng, và theo thời gian. Mọi người đều bước sang nấc thang mới. Do đó, mối quan hệ thú vị giữa văn hóa tiêu dùng và đồng hồ nội địa của họ đã phát triển vì chúng cần tới nhau. Nhật Bản đặc biệt cần tới đồng hồ vì xã hội rất phụ thuộc vào xe lửa và phương tiện công cộng để đi lại. Một chiếc đồng hồ chính xác, đáng tin cậy cho phép bạn đúng giờ thường xuyên hơn – xét trên khía cạnh lý tưởng.
Khi Nhật Bản bắt đầu cạnh tranh tại các thị trường toàn cầu, các sản phẩm của họ đã nhanh chóng thành công vì sự đề cao của văn hóa về tính hiệu quả năng suất. Văn hóa tiêu dùng cạnh tranh khốc liệt ở nước Nhật trở nên thú vị hơn, bởi thực tế người tiêu dùng ở Nhật Bản có trình độ hiểu biết rất cao về các sản phẩm họ mua. Tính sẵn có của hàng hóa Nhật Bản buộc người tiêu dùng phải nghiên cứu trước khi mua hàng, và điều này cũng đúng đối với đồng hồ. Môi trường như vậy sẽ tạo ra sự pha trộn hoàn hảo cho các giá trị về một công thức dành cho một chiếc đồng hồ chất lượng tốt.
Khi bắt đầu tấn công thị trường quốc tế từ nhiều thập kỉ trước, Đồng hồ Nhật Bản đã nhanh chóng làm lu mờ cả thị trường đồng hồ Mỹ và Châu Âu, bởi đơn giản họ sản xuất rất nhiều sản phẩm tập trung vào người tiêu dùng. Các giá trị từ sản phẩm tiêu dùng Nhật Bản đã đổ dồn vào các quốc gia cạnh tranh, những người đã đưa ra những thay đổi của riêng họ để đối chọi lại với công thức kinh doanh của Nhật Bản, nhưng người Nhật vẫn là người thực hiện tốt nhất.
Tôi hiểu được vì sao người ta lại coi đồng hồ Nhật Bản là một điều hiển nhiên, bởi vì đã có rất nhiều người trong số chúng ta lớn lên cùng với họ. Do dó, mãi đến khi chúng ta có tuổi, chúng ta mới tìm kiếm những trải nghiệm đồng hồ mới, và trở nên say mê với cách tiếp thị tinh vi hơn của các thương hiệu xa xỉ Châu Âu. Chiếc đồng hồ đầu tiên của tôi là đồng hồ Nhật. Khi tôi 18 tuổi, tôi đã mua chiếc đồng hồ Analog đầu tiên là Citizen Eco-Drive Promaster với mặt số màu đỏ ánh kim. Và kể từ đó, tôi đã mua tới cả tá đồng hồ Citizen.
Nhật Bản đã chiến thắng trong cuộc chiến sản xuất đồng hồ thân thiện với người tiêu dùng nhất thế giới từ nhiều năm trước. Họ đã chiến thắng triệt để đến nỗi hầu hết chúng ta thậm chí còn không nhớ rằng đã từng có một trận chiến ( ám chỉ khủng hoảng thạch anh). Ngày nay, Nhật Bản vẫn là nhà sản xuất đồng hồ tốt nhất trên thế giới. Họ tốt hơn hay kém hơn đồng hồ Thụy Sỹ? Đó không phải là một so sánh công bằng vì hai quốc gia có những ý tưởng rất khác nhau về những yếu tố tạo nên một chiếc đồng hồ tốt. Theo cách tôi nhìn thấy, khi bạn mua một chiếc đồng Thụy Sỹ, bạn đang mua một chiếc đồng hồ Đẹp, còn khi bạn mua đồng hồ Nhật Bản, thì bạn đang mua một tiện ích đẹp. Tôi sẽ chỉ cho bạn thấy về sự khác biệt, bởi đây là một điều tinh tế nhưng rất quan trọng.
Citizen, cũng giống như Seiko, họ có một bộ sưu tập đồng hồ lớn chỉ bán ở Nhật Bản hoặc một số khu vực ở Châu Á. Cách đây vài năm, Seiko đã đưa ra quyết định bán nhiều mẫu cao cấp của họ như Grand Seiko ra bên ngoài thị trường Nhật. Tuy nhiên, Citizen thì họ ít khi làm như vậy – họ hiếm khi muốn chia sẻ những sản phẩm độc quyền tại Nhật ra phần còn lại của thế giới – và thật sự rất thú vị khi tôi bước vào thế giới của Citizen và tìm hiểu một loạt mẫu đồng hồ và bộ sưu tập mà tôi chưa từng thấy trước đây.
Nơi làm việc của công nhân Citizen có cơ sở vật chất tuyệt vời, yên tĩnh và thoáng mát nằm tách khỏi con đường chính, bên hông quận Shibuya của Tokyo. Nơi này thậm chí còn không có lô gô của Citizen chính thức ở bên ngoài, họ chỉ đơn giản gọi nó là ” Citizen Design Studio”. Ở đây, các nhân viên trong tập đoàn và các nhà thiết kế được lựa chọn, sẽ có trách nhiệm sử dụng ảnh hưởng của nền văn hóa bản địa để thiết kế ra sản phẩm mới. Rất nhiều trong số này xuất hiện dưới dạng các mẫu sản xuất giới hạn, với các mức giá khác nhau, thường lên tới 2000 usd. Một số thứ xuất phát từ Citizen Design Studio đã được thương mại hóa, và một số thứ khác vẫn là những dự án gọn gàng cho thấy thương hiệu không ngại thử những điều mới mẻ hoặc hoàn toàn rời xa với ngôn ngữ thiết kế nguyên bản.
Thực ra, tôi thấy rằng một trong những lý do tôi yêu thích các nhãn hiệu Nhật Bản, bởi vì họ không thực sự tuân thủ các ngôn ngữ thiết kế thẩm mĩ nghiêm ngặt, mà họ đi theo ngôn ngữ của tính năng. Hãng Citizen có một quy tắc bất thành văn rằng : đồng hồ nên là thứ hữu ích và thuận tiện. Nghe có vẻ rất đơn giản phải không? Nhưng hầu hết các thương hiệu khác lại không nghĩ như vậy – đặc biệt là ở người Châu Âu, rất dễ rơi vài cái bẫy của việc chuộng hình thức hơn tính năng. Trên thực tế. Những điều mà Citizen và các nhà sản xuất đồng hồ Nhật Bản khác đã làm rất tốt, đôi khi lại mang tới bất lợi cho họ. Với Eco-Drive và các công nghệ khác như điều khiển vô tuyến, hoặc đồng bộ hóa thời gian thông qua hệ thống định vị GPS, họ gần như đã hoàn thiện nghệ thuật đồng hồ tới mức mà bạn không bao giờ cần phải điều chỉnh! Hầu hết những chiếc đồng hồ Citizen đều rất tốt, và đó chính là toàn bộ mục tiêu của họ – một chiếc đồng hồ gắn pin nhưng không cần thay pin, và có thời gian và ngày luôn luôn đúng – một điều ít khiến bạn phải lo lắng hơn, và một điều nữa để bạn có thể dựa vào!
Ngày nay, đồng hồ phục vụ song song hai mục đích : cả về tính chất công cụ cũng như các tiêu chí về lối sống. Người Nhật luôn cố tìm cách tốt nhất để vừa đảm bảo về phong cách nhưng vẫn thân thiện với người tiêu dùng.
Nhìn bề ngoài, các nhà sản xuất đồng hồ Nhật Bản như Citizen có tất cả những thứ tương tự như các thương hiệu của Thụy Sỹ, thậm chí còn tốt hơn. Citizen sở hữu một dây chuyền sản xuất tuyệt vời, pha trộn giữa con người và tự động để tạo ra một sản lượng lớn những chiếc đồng hồ chất lượng cao. Tùy thuộc vào số tiền bỏ ra, bạn có thể nhận được một chiếc đồng hồ citizen được sản xuất theo phương thức tự động hoàn toàn, hoàn sản xuất thủ công toàn bộ bằng tay. Giống như nhiều công ty Nhật Bản khác, Citizen không gặp vấn đề gì khi cũng cấp một phổ rộng các sản phẩm với nhiều mức giá khác nhau – điều mà người tiêu dùng Tây phương vẫn chưa áp dụng. Đó là lý do khiến Toyota và Honda, khi muốn bán những chiếc xe cao cấp ở Mĩ, họ đã phải dán cho chúng cái tên khác, với danh nghĩa một thương hiệu mới là Lexus và Acura.
Tuy nhiên, chỉ với một chút hiểu biết nhất định, bất kì người đam mê nào cũng có thể nhanh chóng hiểu rằng, có những chiếc Citizen giá rẻ và cũng có những chiếc Citizen rất đắt. Cả Seiko và Citizen đều sử dụng thuật ngữ ” Meister” ( bậc thầy) để mô tả các thợ làm đồng hồ giỏi nhất của họ. Citizen có 3 cấp độ ” meister” là B MEISTERS, A MEISTERS và SUPER MEISTERS. Super Meisters là danh hiệu nổi tiếng nhất mà bạn có thể có tại Citizen – hiện tại chỉ có 1 và là phụ nữ. Bạn cần phải có ít nhất 30 năm kinh nghiệm để đạt danh hiệu này. Super Meisters duy nhất của Citizen là người đứng đầu bộ phận chế tạo đồng hồ cao cấp, cô ấy vừa lắp ráp vừa sửa chữa đồng hồ, thời gian làm việc của cô tại Citizen là 49 năm kể từ thời điểm viết bài ( năm 2016 – đến nay là 52 năm).
Có một câu chuyện huyền thoại, rằng đồng hồ Nhật Bản được chế tạo bằng rô bốt, còn đồng hồ Thụy Sỹ thì được làm bằng tay! Thực tế là cả hai quốc gia này đều có sự phối hợp giữa con người và máy móc, đặc biệt là khi nói đến các thương hiệu sản xuất ra tới hơn 50.000 đồng hồ mỗi năm – và Citizen thì có sản lượng vượt quá cả con số đó một cách dễ dàng.
Có nhiều thứ mà tôi không được phép chụp ảnh ở đây. Ví dụ như nơi bọc thép và titan để chế tạo ra những thứ như Duratect ( công nghệ mạ tăng độ cứng ) và Super titanium ( titan siêu cứng), tôi cũng không được phép chụp ảnh dây chuyền lắp ráp tuyệt vời, nơi họ đang sản xuất cỗ máy cơ học 9015, cỗ máy được xem là sự thay thế tốt nhất đến từ Nhật Bản cho các cỗ máy Thụy Sỹ như ETA 2824. Cỗ máy 9015 được sản xuất rất nhanh, mặc dù có đi kèm với các tiêu chuẩn cao bắt buộc, nhưng hãng vẫn có thể tạo ra 20.000 đến 30.000 cỗ máy này mỗi tháng! ( đẻ hơn gà)
Có rất ít các công ty Thụy Sỹ có thể tự tạo ra cỗ máy, cũng như thân vỏ và tất cả các bộ phận khác của đồng hồ. Ngay cả Rolex hùng mạnh – kẻ có lẽ là vua của những chiếc đồng hồ in-house xa xỉ cũng không tự làm mọi thứ. Nhưng ở Nhật Bản, hầu như không tồn tại thứ văn hóa ” nhà cung cấp”, các công ty – dù là làm đồng hồ hay nhà vệ sinh – hầu như luôn luôn tự sản xuất mọi thứ. Vì vậy, với các công ty đồng hồ có khả năng chế tạo In-house, ví dụ như Citizen thì họ nên nhận được số điểm gấp đôi! Bởi vì họ không chỉ tự tạo ra các cỗ máy đồng hồ, mà họ còn tạo ra khá nhiều thứ khác : từ bộ kim cho tới dây đeo. Trên hết, Citizen cũng chế tạo ra những cỗ máy để tạo ra các bộ phận cho một chiếc đồng hồ của họ. “In-house” là một nếp văn hóa ở Nhật Bản, chứ không phải là một thông điệp từ công nghệ tiếp thị!
Vì lúc này là thời điểm kỉ niệm 40 năm ra đời công nghệ Eco-Drive – và các cỗ máy thạch anh sử dụng năng lượng ánh sáng là hình ảnh của Citizen, tôi đã được chiêm ngưỡng về cách họ tạo ra các bộ phận quan trọng nhất cho đồng hồ Eco-Drive. Yếu tố độc đáo của dòng sản phẩm này, bên cạnh cỗ máy chính là mặt số của nó. ( mặt số hấp thu ánh sáng chuyển hóa thành năng lượng )
Bí quyết của Eco-Drive, chính là những mặt số nhựa đặc biệt. Nó dựa trên các hiệu ứng khác nhau của lăng kính thông minh, để bẻ cong ánh sáng và đẩy nó xuyên qua các bộ phận của mặt số mà mắt thường không thể quan sát, theo Citizen, có khoảng 60% ánh sáng đi xuyên qua mặt số và sau đó sẽ truyền qua các tế bào quang điện bên dưới. Hãng Citizen có thể làm ra mặt số với nhiều màu sắc đa dạng, thậm chí có thể làm cho nó trông giống như kim loại bằng vài thủ thuật quang học đặc biệt.
Điều thú vị hơn nữa đối với những người thích chế tác thủ công, là màu sắc của mặt số sử dụng công thức pha trộn bằng tay của các viên màu. Giống như một chuyên gia pha trộn sơn, bộ phận sản xuất viên nén của Citizen cần phải lưu ý tới hỗn hợp màu sắc sao cho phù hợp, sau đó chúng được nấu chảy và hòa trộn với các viên khác tạo nên màu mặt số sau cùng. Quá trình này khá phức tạp, và đối với một số màu, màu sắc thực tế của mặt số có thể bị thay đổi đôi chút giữa các mẻ sản xuất khác nhau.
Sự quyến rũ của đồng hồ thạch anh thường bị bỏ qua, bởi vì chúng ta thường chỉ suy nghĩ về các nhà sản xuất lắp ráp đồng hồ cơ học, trong khi các cỗ máy thạch anh không phải là cơ khí và dễ sản xuất hơn. Điều đó là không đúng và bản thân tôi đã được quan sát qua 3 nơi sản xuất đồng hồ thạch anh – thường sử dụng nhiều công sức và kĩ năng hơn các cơ sở chế tạo đồng hồ cơ khí ( ám chỉ loại cơ khí đại trà nhé). Trên thực tế, tại Citizen, có một điểm vô cùng thú vị : các cỗ máy cơ học được tạo ra ngay bên cạnh các cỗ máy thạch anh, ở ngay cùng một căn phòng. Nó đưa tới cho tôi một trải nghiệm về hình ảnh vô cùng thú vị.
Ps : do bài viết lảm nhảm quá nhiều không có trọng tâm, nên mình xin phép cắt hết và chủ yếu up ảnh thay lời! Mời anh em xem ảnh cho đã mắt!