* biên dịch bởi Lê Hoàng Thạch*
Năm 1976, thế giới đồng hồ là sự kết hợp của các mẫu đèn Led, LCD và thạch anh. George Daniels, nhà chế tạo đồng hồ vĩ đại nhất còn sống trên thế giới ( hiện nay đã mất) đã chán ngấy những thứ đó. ” tôi đã rất tức giận với mấy tay ” điện tử” ( ám chỉ các loại đồng hồ ở trên)- ông ấy nói với Norma Buchanan, một đồng nghiệp của tôi trên tạp chí Time của Mĩ vào năm 1999, ” tôi đã nổi giận với cái cách mà họ bước qua thế giới đồng hồ và nói rằng – đây chính là tương lai!”
Daniels đã nổi giận và tuyên bố vẫn sẽ kiên định lập trường . Ông ấy đã làm việc ở Anh Quốc để phát minh ra một cơ chế bộ thoát cơ học mới. Sau đó. ” Daniels đã suy nghĩ về vấn đề bộ thoát đòn bẩy ( vấn đề ma sát và bôi trơn bảo dưỡng) trong hầu hết cuộc đời của mình” – Buchanan viết. Nhưng đó là do cuộc cách mạng thạch anh đã khiến ông ấy đi tới hành động, ông muốn chứng minh rằng đồng hồ cơ khí cũng tốt như đồng hồ thạch anh, và thậm chí còn tốt hơn, vì chúng không cần pin.
Daniesl đã có một ý tưởng mới cho một bộ thoát với 2 bánh xe thoát thay vì bánh xe truyền thống, được đặt trên cùng một trục, và ông tin rằng nó sẽ làm cho đồng hồ cơ chính xác hơn và ít cần bảo dưỡng hơn. Một bộ thoát đồng trục mới Co- Axial Escapement – câu trả lời dành cho lũ ” điện tử”!
Phản ứng của Daniels đối với cuộc khủng hoảng thạch anh còn hơn cả kì lạ, đó chắc chắn là một kẻ có suy nghĩ lập dị : thời điểm năm 1976, với một bộ thoát đời mới và cải tiến sẽ giúp ngăn ngừa đồng hồ cơ khí biến thành đống phế liệu của lịch sử là một điều nực cười. Đồng hồ cơ khí đã bị tiêu diệt, và tất cả mọi người – thực sự là tất cả những người ở trong ngành đồng hồ đều biết điều đó, ngoại trừ George Daniels, và ông ấy đã cười nhạo điều này.
Nhưng ông ấy sẽ là người cất tiếng cười sau cùng! Những chiếc đồng hồ cơ khí, như chúng ta đã biết, đã thách thức sự diệt vong của chính nó và dàn xếp một sự trở lại đáng kinh ngạc nhất lịch sử ngành công nghiệp. Đó là một câu chuyện dài và khó khăn ( Daniels đã mất tới 23 năm để bộ thoát đồng trục đi vào sản xuất thương mại) nhưng nó đã diễn ra!
Để tường thuật lại thì có lẽ ta cần một cuốn cuốn sách dày, tất cả những gì mà tôi có thể cung cấp ở đây, một người bắt đầu theo dõi ngành công nghiệp đồng hồ một năm sau khi quý ngài Daniels tiến hành công việc lập dị của mình trên bộ thoát đồng trục, là một bản tóm tắt từng chương hồi của một số nhân vật chính và những bước ngoặt lớn. Bài viết sẽ bao gồm 2 phần, 2 giai đoạn ( 1978-1989 và 1990-2000).
NHỮNG ĐỘNG THÁI ĐẦU TIÊN
Dấu hiệu đầu tiên của một sự sống mới đối với máy móc cơ khí trong kỉ nguyên thạch anh xuất hiện vào năm 1978. Osvaldo Patrizzi, nhà đồng sáng lập của Galerie d’Horlogerie Ancienne, một đại lý đồng hồ bỏ túi kiêm nhà đấu giá ở Geneva, nhận thấy rằng các nhà sưu tập đồng hồ bỏ túi đang bày tỏ sự quan tâm đến đồng hồ đeo tay cổ điển. Một phần là nỗi nhớ về những chiếc đồng hồ lên dây mà lúc đó chúng sắp trở nên lỗi thời, và một phần là sự nhận thức được sự hiếm có đang chờ qua bàn tay xử lý của họ có thể khiến cho chúng trở nên đắt giá hơn. Patrizzi quyết định đưa một phiên đấu giá đặc biệt dành cho đồng hồ đeo tay vào chương trình đấu giá đồng hồ bỏ túi sắp tới.
Đó là lần đầu tiên đồng hồ đeo tay được đánh giá cao trong giới sưu tập, mọi người đều nói với Patrizzi rằng anh ta thật điên rồ khi tự mình làm vấy bẩn cuộc đấu giá bằng những chiếc đồng hồ đeo tay ” Osvaldo, anh đang làm cái quái gì vậy? Sẽ chẳng ai mua những chiếc đồng hồ đó đâu”– đó là những lời mà ông nghe được từ họ.
Nhưng họ đã sai, trong lần mở bán đầu tiên. Một chiếc Patek Philippe lịch vạn niên đã bán được với cái giá 6500 CHF, một cái giá kỉ lục dành cho một chiếc đồng hồ. Được khuyến khích bởi thành công, Patrizzi đã tổ chức một cuộc mua bán đồng hồ đeo tay thứ 2, một chiếc đồng hồ Patek lịch vạn niên đi kèm tính năng bấm giờ đã được mua với giá 18.000 CHF, sự bùng nổ của đồng hồ đeo tay đã bắt đầu.
Patrizzi bắt đầu tổ chức cuộc đấu giá dành riêng cho đồng hồ đeo tay thông qua một công ty mới, có tên là Habsburg Feldman, mà sau này trở thành Antiquorum ( một công ty đấu giá đồng hồ rất nổi tiếng). Các nhà đấu giá khác cũng đã bắt đầu để ý tới, Sotheby’s tiến hành đấu giá đồng hồ đeo tay vào năm 1980, Christie’s đấu giá vào năm 1981. Sự suy thoái những năm đầu thập niên 1980 đã làm thị trường tiêu thụ đồng hồ vintage chững lại, nhưng sau đó nó đã được khởi động lại vào giữa những năm thập niên 1980.
Trong khi đó, tại những dãy phòng của ban điều hành đồng hồ Thụy Sỹ, người ta đã có phương án để chống lại làn sóng thạch anh. George Daniels không phải là người duy nhất chống lại cuộc cách mạng này, một số vị giám đốc điều hành đồng hồ ở Thụy Sỹ vẫn giữ một niềm tin mù quáng tương tự vào độ bền bỉ của máy móc cơ học, hai trong số các tín đồ lớn nhất là Jean Claude Biver và Rolf Schnyder.
Năm 1982, Biver, người hiện nay đang đứng đầu bộ phận đồng hồ của tập đoàn LVMH ( thông tin mới cập nhật là ông đã nghỉ hưu), đã ấp ủ những ý định mà lúc đó, dường như là một ý tưởng điên rồ. Biver vừa mới rời bỏ Omega cùng với một nhóm các giám đốc điều hành trẻ khác, người ta gọi họ bằng cái tên ” the young turks”, đó là những người đã thất vọng bởi phản ứng yếu ớt của Omega trong cuộc khủng hoảng thạch anh. Biver biết rằng Omega có một thương hiệu chị em vẫn đang nằm im hơi lặng tiếng là Blancpain, trong thời kì vàng son ở những năm thập niên 1950, hãng Blancpain được biết đến nhiều nhất với dòng sản phẩm đồng hồ lặn có tên là Fifty Fathoms. Trong cuộc khủng hoảng thạch anh, hãng này vẫn sản xuất những cỗ máy cơ khí, nhưng rồi nhãn hiệu dần dần biến mất. Suy tính của Biver là mua lại nó và hồi sinh nó dưới dạng đồng hồ cơ khí đắt tiền. Ông gia nhập vào Jacques Piguet. Chủ sở hữu của Frederic Piguet Sa, một nhà sản xuất máy đồng hồ cơ khí nổi tiếng của vùng Vallee de Joux Thụy Sỹ, họ sở hữu khá nhiều loại máy cơ khí.
Họ đã chi ra 9000 đô la để mua lại bản quyền tên thương hiệu Blancpain, vào tháng giêng năm 1983. Khi đó trên thế giới, đồng hồ điện tử đã vượt mặt đồng hồ cơ khí, và Biver đã mang đến thị trường một chiếc đồng hồ mới đến từ một nhãn hiệu đã bị lu mờ. Tất cả mọi thứ của đề án này trông có vẻ rất ngu ngốc – ngoại trừ công tác tiếp thị. Biver đã làm hai điều rất thông minh, một dấu hiệu của một thiên tài tiếp thị mà sau này làm nên sự nghiệp của ông. Ông đã ” đào mộ” được một người sáng lập cho thương hiệu : Jehan-Jacques Blancpain, một thợ sửa đồng hồ sống ở vùng núi Jura của Thụy Sỹ trong nửa đầu thế kỉ 18.
Quan trọng hơn, Biver đã đưa ra một khẩu hiệu quảng cáo mô tả về thương hiệu : ” kể từ năm 1735, Blancpain chưa bao giờ làm đồng hồ thạch anh, và sẽ không bao giờ có chuyện đó”. Đây vốn là sự thật, vì cho tới năm 1969 thì chẳng có ai làm đồng hồ thạch anh. Nhưng đó không phải là vấn đề, khẩu hiệu ngụ ý rằng Blancpain đã chế tạo đồng hồ cơ khí từ thời Jehan- Jacques, và nó truyền đi một thông điệp mạnh mẽ cho Blancpain : chúng tôi tin vào vẻ đẹp, tính truyền thống và giá trị của một chiếc đồng hồ cơ khí thủ công. Nếu bạn muốn mua một chiếc đồng hồ thạch anh làm bằng loại máy móc thông thường, thì xin mời đi ngay, còn nếu bạn coi trọng nghề thủ công truyền thống, hãy mua một chiếc Blancpain. Chiến dịch táo bạo chống lại đồng hồ thạch anh của Biver đã gây sửng sốt vào năm 1983, và nó đã có hiệu quả, doanh số của Blancpain tăng trưởng, tiếp thị mặt hàng cơ khí của Biver là một cơn sóng nhỏ từ sớm, giúp tạo ra một làn sóng lớn về đồng hồ cơ học ngay trong thập kỷ tới.
Cũng trong năm mà Biver và Piguet mua lại Blancpain, Rolf Schnyder, một người Thụy Sỹ đã từng tham gia làm các bộ phận đồng hồ ở Kuala Lampur, đã mua lại một nhãn hiệu đang bị suy sụp bởi khủng hoảng thạch anh : Ulysee Nardin.mặc dù những chiếc đồng hồ thạch anh đã gây ra thiệt hại cho công ty và toàn ngành công nghiệp đồng hồ nói chung, Schnyder vẫn muốn tiếp tục sản xuất đồng hồ cơ khí, và chỉ duy nhất đồng hồ cơ khí mà thôi. Ông đã đề ra một kế hoạch giải cứu : một chiếc đồng hồ cơ khí cung cấp những tính năng phức tạp, chẳng hạn như nhật thực và nguyệt thực, thời gian mặt trời, biểu tượng cung hoàng đạo, vị trí các bầu tinh tú trên bầu trời. Một kì công của ma thuật cơ khí, những chiếc đồng hồ có tên : Ulysee Nardin Astrolabium Galileo Galilei được làm ra bởi một thợ đồng hồ trẻ tuổi, được Schnyder thuê, anh ta tên là Ludwig Oechslin, nó thật tuyệt vời, và thậm chí còn tuyệt vời hơn nữa bởi chỉ trong năm đầu tiên, Schnyder đã bán được tới 80 chiếc với mức giá lên tới 37.500 CHF.
DOANH NGHIỆP CƠ KHÍ
các nhà kinh doanh đồng hồ cơ khí mới là nhân tố quan trọng đối với sự phục hồi cho dòng sản phẩm này, nhưng những kẻ mới đến chỉ là những người lùn nhỏ bé so với các doanh nghiệp đồng hồ cơ khí cũ, được dẫn đầu bởi Patek Philippe và Rolex tại vùng Geneva. Họ vẫn liên tục ủng hộ cho sản phẩm cơ khí, trong khi đó phần còn lại của ngành công nghiệp là sự đua tranh chuyển đổi sang công nghệ thạch anh – một điều tối cần thiết để duy trì sự tồn tại của chính họ.
Năm 1979, Philippe Stern, giám đốc điều hành của hãng Patek Philippe, đã gặp gỡ nhóm của ông trong một buổi họp lập kế hoạch cho lễ kỉ niệm 150 năm thành lập công ty, dự kiến diễn ra trong năm 1989. Stern đã ra một quyết định mang tính lịch sử. Trong năm đó, ETA đã giới thiệu chiếc đồng hồ thạch anh Delirium siêu mỏng, với độ dày chỉ 1.95 mm để chứng minh rằng Thụy Sỹ có thể cạnh tranh với người Nhật Bản trong công nghệ này, và Stern đã quyết định rằng, sản phẩm kỉ niệm 150 năm của hãng sẽ là một chiếc đồng hồ cơ khí, một phiên bản cơ khí cực kì đặc biệt : Stern muốn đội ngũ nhân viên của mình tạo ra một chiếc đồng hồ cơ khí phức tạp nhất trên thế giới, với số lượng tính năng bổ sung – Complication vượt qua con số 24 đã từng có trong chiếc Patek Philippe Graves đã có từ 1932, và tiếp tục giữ vững danh hiệu ” phức tạp nhất thế giới”. Đội ngũ kĩ thuật của hãng đã bắt đầu dự án sản xuất vào năm 1980.
Tại nơi đóng đô của hãng Rolex, Andre heiniger – chủ tịch điều hành hãng Rolex, cũng đang cân nhắc các sản phẩm cơ khí và chống lại thạch anh. Andre Heiniger là một người rất có tầm nhìn. Quan điểm của ông là những sản phẩm thạch anh ban đầu rất đắt tiền, nhưng chúng sẽ nhanh chóng trở nên tầm thường. Cây bút Lucien Trueb, đã viết trong cuốn sách ” điện khí hóa đồng hồ đeo tay” của anh ta như sau : ” điều này đã xảy ra với bóng bán dẫn radio, ti vi và máy tính bỏ túi” ( ám chỉ sự sụt giá nhanh chóng). Anh viết tiếp ” các cỗ máy cơ khí với chất lượng đầu bảng sẽ luôn luôn đắt tiền, và độc quyền do cần phải có số lượng lớn nhân công có trình độ cao dành cho việc sản xuất các bộ phận và lắp ráp chúng. Có một thực tế hiển nhiên, là một cỗ máy cơ khí chỉ có thể cho biết khả năng chính xác của mình, bằng cách viết dòng chữ ” chứng nhận Chronometer” lên mặt số… Nhưng người giàu có không cần một dụng cụ đo thời gian, họ muốn một cái gì đó đẹp và độc quyền nằm trên cổ tay họ”.
Vì lí do đó, đồng hồ cơ khí vẫn là ” ông vua” tại hãng Rolex. Mặc dù họ đã bỏ nhiều năm nghiên cứu công nghệ thạch anh dưới quyền của Heiniger những năm thập niên 1970, Rolex lại không có nhiều sản phẩm thạch anh. Patrick Heiniger, con trai của André và là người kế nhiệm chức chủ tịch, trong một cuộc phỏng vấn với tôi năm 1994, đã nói rằng những sản phẩm này có số lượng không đáng kể.
Tại một góc khác của giới chế tạo đồng hồ Thụy Sỹ, tại vùng Schaffhausen, gần biên giới với nước đức, Gunter Blumlein, CEO của hãng IWC, cũng đã gắn mình với máy móc cơ khí. Blumlein đến với IWC từ năm 1982 với tư cách người điều hành. Một trong những điều đầu tiên ông làm là đề nghị Kurt Klaus – người đứng đầu bộ phận chế tạo đồng hồ về một chút thay đổi nhỏ trong dự án mà ông ta đang làm việc, Klaus là một fan hâm mộ của lịch vạn niên.
Ông ấy nói với tôi vào năm 1996 : ” khi cuộc khủng hoảng thạch anh tới, công việc chỉ đủ để tôi làm 4 ngày mỗi tuần, tôi sẽ tìm hiểu ý tưởng và thiết kế, đặc biệt là trên lịch vạn niên”. Khi Blumlein gia nhập công ty, thì ông đang làm việc trên một chiếc đồng hồ đeo tay lịch vạn niên tự động. Khi ông trình bày sản phẩm mới trước mặt Blumlein, vị giám đốc điều hành mới có vẻ không mấy ấn tượng. ” ấn tượng là gì?”, Blumlein nói rằng sẽ phải là một chiếc đồng hồ lịch vạn niên đi kèm một cỗ máy bấm giờ lên cót tự động ( Perpetual Calendar/Chronograph/automatic). Klaus không thể tranh luận gì thêm, bởi trước đây chưa từng ai sản xuất được một mẫu nào có chứa cả 3 tính năng trên. Cảm thấy nản lòng, Klaus đã quay trở về với bảng vẽ của mình, làm việc trên đồng hồ, vẽ vời và tính toán nguyên mẫu trong thời gian 2 năm.
IWC đã công bố chiếc đồng hồ mới có tên là DAVINCI ( một sự tôn vinh dành cho danh họa này). Tại hội chợ đồng hồ Basel năm 1985, nó được bán với giá rất cao, lên tới 25.000 đô la ( ở thời điểm đó) chiếc đồng hồ này, nếu được vận hành đều đặn thì sẽ có khả năng theo dõi ngày, tháng, năm và lịch tuần trăng một cách chính xác, không cần điều chỉnh trong vòng 214 năm. Các nhân viên của IWC đã đặt cược vào doanh số của chiếc đồng hồ này tại hội chợ Basel, hầu hết đều cho rằng số lượng bán ra sẽ là 10-15 chiếc, do giá rất cao và thị trường dành cho mặt hàng cơ khí lúc ấy đang rất nhỏ và yếu, và ý kiến lạc quan nhất cũng chỉ là 30 chiếc. Nhưng thực tế thì IWC đã bán được ( tính theo đơn đặt) tới hơn 100 chiếc. DaVinci đã thuyết phục Blumlein rằng cơn thủy triều đang đổi chiều, rằng đồng hồ cổ điển sẽ không bị nhấn chìm bởi làn sóng đồng hồ thạch anh giá rẻ. Phấn khích vì thành công đạt được, IWC quyết định xông thẳng lên ” đỉnh Everest khủng khiếp” ( ám chỉ xông tới chỗ cao và khó nhất). Công ty đã tập hợp một đội ngũ, và hướng tới một nơi mà chưa từng có một nhà sản xuất đồng hồ nào từng đặt chân tới trước đây : TẠO RA MỘT CHIẾC ĐỒNG HỒ GRAND COMPLICATION TRÊN CỔ TAY.
CÁC NGHỆ NHẬN ĐỘC LẬP
cùng năm đó, hai nhà chế tạo đồng hồ độc lập : Sven Andersen và Vincent Calabrese đã thành lập một tổ chức để bảo tồn nghệ thuật chế tạo đồng hồ. Tổ chức đó có tên là AHCI : Académie Horlogèrie Des Créateurs In dépendants. Nó được giới thiệu trong triển lãm Basel World vào năm sau đó, màn hình AHCI tại hội chợ đã trở thành một nơi quan trọng để các thành viên giới thiệu về công việc chế tạo đồng hồ thủ công của Họ – những người đang dần bị cuốn theo cơn lốc khổng lồ của đồng hồ thạch anh. Roland Murphy, một thợ đồng hồ có gốc gác từ Baltimore là một ví dụ hoàn hảo khi nói về hoàn cảnh của những nghệ nhân độc lập. Năm hiệp hội AHCI ra mắt ở Basel, cũng là thời điểm mà Murphy chính thức tốt nghiệp trường đào tạo đồng hồ danh giá WOSTEP, nhưng sau khi tốt nghiệp anh ấy không đi phỏng vấn xin việc. Sau đó anh trở thành giám đốc phát triển sản phẩm, làm việc trên đồng hồ thạch anh tại hãng Hamilton. Nhưng đó vốn không phải là lý tưởng của anh, ” tôi là một thợ đồng hồ” – Murphy nói – ” tôi ghét đồng hồ thạch anh”.
Ở thời điểm đó, sự quan tâm đến đồng hồ cơ khí đeo tay, dù là dành cho những loại cũ đã tăng vọt. ” vào giữa thập kỉ, thị trường đồng hồ đeo tay cổ điển đã thức giấc với một sự phục thù”, Norma Buchanan đã viết như vậy vào năm 1988 ” giá cả bắt đầu tăng vọt, và các nhà đầu cơ bắt đầu chi số tiền tới 5-6 con số với hy vọng vào những thương hiệu ” big 5″ có thể giúp đưa con cái của họ vào được đại học” ( Patek Phillippe, Rolex, Cartier, Vacheron Constantin và AP). Một ví dụ về sự tăng tốc chóng mặt của giá bán : tại một đại lý bán đồng hồ Vintage ở Florida, họ nói rằng một chiếc Patek Philippe lịch vạn niên Chronograph bán ra vào tháng 2-1987 với giá 50.000 đô la, thì ngay trong năm sau nó đã có giá bán lên tới 70-80.000 đô la.
Sự bùng nổ của đồng hồ Vintage đã giúp phục hồi hình ảnh và sự quan tâm tới các sản phẩm đồng hồ cơ khí đeo tay. Tuy nhiên, điều mà những kẻ ” phản cách mạng” ( ám chỉ người chống lại làm sóng đồng hồ thạch anh) Thụy Sỹ cần là một cú huých nhằm thúc đẩy sự quan tâm của người dùng dành cho các sản phẩm đồng hồ cơ khí đời mới, và nó đã diễn ra vào khoảng 1985.
CƠN SỐT CHRONOGRAPH
Sự phục hưng đồng hồ cơ khí, như chúng ta biết ngày nay được bắt đầu từ nước Ý. Người Ý rất yêu thích đồng hồ. Vào giữa những năm 1985, họ đã bắt đầu ngất ngây với những chiếc đồng hồ bấm giờ cơ khí. Họ yêu những món đồ cổ điển, nhưng họ cũng đồng thời mua các sản phẩm đời mới. Phong cách phi công với áo khoác bomber bằng da đi kèm kính râm là mốt của đàn ông Ý khi đó, và Rolex Daytona, hay Breitling Navitimer, thậm chí là một chiếc đồng hồ quân đội Liên Xô Cộng Sản sành điệu là một sự kết hợp hoàn hảo.
Cơn sốt Chronograph sớm lan rộng ra khắp châu Âu, và cuối cùng cũng tới Hoa Kì. Nó được ghi nhận là đã tạo ra cơn sốt cháy hàng Daytona trong nhiều năm, và mang lại sự thúc đẩy rất cần thiết cho Breitling. Nhãn hiệu Breitling là một nạn nhân của cuộc khủng hoảng thạch anh, ông chủ sở hữu mới của nó, Ernest Schneider đã tiếp quản công ty khi hãng này đang gặp khó khăn về tài chính vào năm 1979. Là một doanh nhân thành đạt, một kĩ sư và một phi công. Ông đã tiến hành nâng cấp Breitling trong khi vẫn giữ nó trong dáng vẻ của một dòng Tools Watch. Ông đã khéo léo sắp xếp cho lực lượng không quân Ý đeo đồng hồ Breitling cơ khí lên tay, và chẳng mấy chốc, những chiếc đồng hồ phi công của Breitling đã được các tay chơi ở Milan coi là mẫu mực của đồng hồ cơ khí sang trọng. Khác với những chiếc đồng hồ thạch anh mỏng đang phổ biến, phong cách rối rắm, cồng kềnh cơ khí của Breitling Chronograph đã định nghĩa nên một phong cách đồng hồ mới.
Cơn sốt đồng hồ tại Ý đã tạo ra một hiện tượng mới : TẠP CHÍ VỀ ĐỒNG HỒ. Có tới 3 tạp chí đồng hồ khác nhau mỗi tháng mọc lên ở thời điểm năm 1987-1988. Hiện tượng đó lan rộng toàn châu âu và cuối cùng là sang Hoa Kì. Các tạp chí này đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra sự quan tâm mới mẻ về đồng hồ cơ khí cho một thế hệ người hâm mộ mới.
Cơn sốt Chronograph ở Ý đã tạo ra sự tăng trưởng cho đồng hồ cơ học. Năm 1988, sản lượng đồng hồ Cơ khí ở Thụy Sỹ đã lần đầu tiên tăng trưởng kể từ năm 1982, doanh thu tăng 17% tương đương 1.23 tỉ Đô La. Roland Schild, một chuyên gia hàng đầu về công nghiệp đồng hồ Thụy Sỹ đã nói với tôi : ” thời gian cơ khí rõ ràng đang được tận hưởng sự trở lại” ( ám chỉ sự phục hồi đồng hồ cơ học).
Ngay sau đó là một bữa tiệc kỉ niệm lớn đến từ hãng Patek Philippe, và nó diễn ra ở một thời điểm hoàn hảo.
CALIBRE 89
Vào năm 1989, hãng Patek Philippe đã kỉ niệm 150 năm thành lập công ty tại Geneva bởi bá tước Antoine de Patek. Điểm nổi bật nhất của lễ kỉ niệm, là một cuộc đấu giá của 301 chiếc đồng hồ Patek Philippe, lô sản phẩm được đem ra đấu giá cuối cùng, là một chiếc đồng hồ mà Philippe Stern và đội ngũ của ông đã quyết định làm từ 10 năm trước. Nó có tên là Calibre 89, đây là chiếc đồng hồ phức tạp nhất từng được tạo ra, với tổng cả 33 tính năng bổ sung cao cấp ( complications) nó được cấu thành bởi 1.728 bộ phận, với 2 mặt số chính, 12 ô phụ và đi kèm 24 kim. Trọng lượng 2.5 Pound và kích thước bằng một quả bóng. Người tiến hành đấu giá phù hợp cho nó là Osvaldo Patrizzi, Calibre 89 được bán với giá 3.17 triệu đô la, đã bao gồm cả thuế và hoa hồng, toàn bộ cuộc đấu giá đã mang về tới 15.2 triệu đô la.
Calibre 89 là bước ngoặt trong quá trình phục hồi đồng hồ cơ khí. Nó tạo ra những tiền đề trên khắp thế giới, làm nổi bật lên những tuyệt tác cơ khí đo đếm thời gian cơ học, và giới thiệu tới công chúng một thuật ngữ mà người ta chưa từng nghe nói trước đây : ” complication”. Một ví dụ của sự khuấy động được tạo ra bởi Calibre 89 có thể kể đến : thời báo Saturday Night Live đã dùng nó làm tin tức bao trùm cho phần tin cập nhật hàng tuần – đó quả là một tin lớn.
Hai tháng trước khi buổi đấu giá diễn ra, tôi đã được chiêm ngưỡng trước chiếc đồng hồ này từ Philippe Stern và Patrizzi ở Geneva. Nó là một chiếc đồng hồ khác biệt với thời đại, từ cấu trúc đồng hồ bỏ túi quá khổ, với hơn 2000 chi tiết cho tới thời gian hoàn thành lên tới 9 năm. Nhưng chiếc đồng hồ này không chỉ là một bản kỉ niệm, thành tựu mà hãng Patek đạt được, đó là tạo ra một chiếc đồng hồ từ công nghệ cũ nhưng lại có có nhiều tính năng phức tạp không kém gì bất cứ một cỗ máy thạch anh công nghệ cao nào.
Calibre 89 là ví dụ điển hình nhất cho việc áp dụng công nghệ mới để thiết kế và sản xuất máy và đồng hồ cơ khí. Trong số rất nhiều thách thức mà Patek gặp phải khi sản xuất Calibre 89 là làm thế nào để lắp 33 tính năng vào một chiếc đồng hồ. Đây quả thực là một điều rất khó khăn. Stern, khi đó đã 50 tuổi, đã có tầm nhìn xa để đưa một kỹ sư 28 tuổi, Jean Pierre Musy, phụ trách dự án Calibre 89. Musy là một lựa chọn gây tranh cãi, ” những tay thợ đồng hồ già rất tiêu cực”, họ nói ” anh không thể tạo ra một chiếc đồng hồ với một kĩ sư, đặc biệt là kĩ sư trẻ tuổi. Chỉ có thợ đồng hồ – và chỉ các tay thợ tốt nhất mới có thể làm được nó”. Họ đang có một chút ghen tị, nhưng Stern cho biết :” chúng tôi cảm thấy rằng cần phải có sự tham gia của các kĩ sư trẻ, những người có thể xây dựng nên một chiếc đồng hồ phức tạp theo một phương pháp mới”.
Họ đã tìm ra một giải pháp cho vấn đề : một chiếc máy tính. Đây là một thiết bị tiêu chuẩn dành cho một kĩ sư, nhưng các thợ đồng hồ thế hệ cũ thì coi nó là thứ ” dị giáo”. Patek đã chi ra 640.000 đô la cho máy tính thiết kế ( CAD) đầu tiên của công ty. Trong vài năm sau đó. Nhóm chế tạo Calibre 89 đã thực hiện 1600 bản thiết kế, cho phép họ chế tạo thành công chiếc đồng hồ.
Người Thụy Sỹ đã nắm bắt được công nghệ sản xuất cơ khí vi mô mang tính cách mạng : CAD/CAM, máy CNC, cắt dây tự động và nhiều thứ hơn thế nữa – là yếu tố chính tác động đến sự trở lại của đồng hồ cơ học. Nó bổ trợ cho nghề thủ công truyền thống của Thụy Sỹ, công nghệ mới đã cho phép tạo ra một thế hệ đồng hồ mới có độ phức tạp cao xuất hiện ngay sau Calibre 89, ví dụ như năm 1990, Kurt Klaus và nhóm IWC của ông đã giới thiệu chiếc đồng hồ đeo tay Grand Complication đầu tiên trên thế giới. Blancpain theo sau, ở vị trí thứ 2 vào năm 1991, sự bùng nổ của cái gọi là ” Complication” đã được bắt đầu.