* biên dịch có chỉnh sửa từ hodinkee*

Khi hãng A.lange & Sohne công bố chiếc Grand Complication lần đầu tiên tại SIHH vào năm 2013, nó đã thu hút sự chú ý của toàn bộ giới đồng hồ – nó là một chiếc đồng hồ cực kì phức tạp, đường kính 50mm, có giá lên tới 2,6 triệu đô la. Một vài tuần trước, chiếc đồng hồ này đã có mặt tại New York, chúng tôi đã gặp gỡ giám đốc điều hành Wilhelm Schmid, và giám đốc phát triển sản phẩm Anthony De Haas để có cái nhìn sâu hơn về chiếc đồng hồ đáng kinh ngạc này, và tìm hiểu xem nó có ý nghĩa gì đối với tương lai của hãng A.lange & Sohne.

GIỚI THIỆU CHIẾC ĐỒNG HỒ

trong khi hầu hết những chiếc đồng hồ Concept chỉ được làm 1-2 chiếc, và chẳng bao giờ có sẵn trên thị trường, thì hãng A.lange đã quyết định làm một cái gì đó khác biệt. Sẽ có hai nguyên mẫu được sản xuất và 6 chiếc bán ra, mỗi chiếc sẽ có đánh số thứ tự. Mức giá rất khủng khiếp, lên tới 2,6 triệu đô la tại thời điểm bán ra. Để bạn dễ hình dung và tiện so sánh, nó đắt gấp đôi so với chiếc Sky Moon Tourbillon, có giá khoảng 1,2 triệu đô la, kích thước 50mm và dày hơn 20mm, chiếc đồng hồ khá to và nặng.

Thuật ngữ Grand Complication được hiểu theo một vài nghĩa khác nhau, nhưng cách hiểu truyền thống nhất, là nó sở hữu bộ ba tính năng bao gồm : Lịch, thời gian và đánh chuông. Trong trường này, chúng ta có được một chiếc có sở hữu lịch vạn niên kèm lịch tuần trăng, đồng hồ bấm giờ chia kim ( chronograph đôi), và một tổ hợp tính năng đánh chuông gồm Grand Sonnerie, petite Sonnerie cùng điểm chuông tới phút– chắc chắn số lượng tính năng này là phù hợp với tiêu chuẩn truyền thống.

LỊCH VẠN NIÊN

Hãy bắt đầu với lịch vạn niên. Hãng Lange đã từng sản xuất đồng hồ có lịch vạn niên trước đó, ở đây chúng ta có một cơ chế lịch cực kì tinh vi. Phần hiển thị có phần khác biệt so với bản cũ, tất cả các tháng , chỉ báo năm nhuận đều được gộp lại tại góc 12 giờ, phần thứ trong tuần ở bên trái, và ngày trong tháng nằm ở bên phải. Tại góc 6 giờ là lịch tuần trăng moonphase nằm bên dưới kim giây bấm giờ ” bay” ( flying seconds) . Về cơ bản các tính năng lịch là khá dễ đọc, trừ một chút phức tạp ở góc 12 giờ.

BẤM GIỜ CHIA KIM ĐI KÈM KIM GIÂY ” BAY”

 

Chuyển đến chức năng bấm giờ Chronograph, những gì chúng ta có bên trong tổ hợp Grand Complication là một bộ bấm giờ chia kim, kèm theo kim giây ” bay” ở góc 6 giờ – bộ tính năng này chiếm tới 248 thành phần  tức gần 30% kết cấu cỗ máy. Khi bạn kích hoạt tính năng bấm giờ, bộ kim chronograph đôi sẽ di chuyển trên mặt số, kèm theo đó là kim giây nhỏ ở góc 6 giờ cũng sẽ nhảy lần lượt qua 5 vị trí, cho phép bạn tính toán thời gian đến 1/5 giây. Chiếc kim nhỏ này được cấp năng lượng bởi ổ cót riêng biệt, hệ thống bánh răng riêng cho phép nó di chuyển 5 lần mỗi giây, nó bao gồm cả một bánh xe có tới 50 răng trong góc phải bức ảnh bên dưới, thực sự thì đây là một cơ chế cực kì phức tạp.

Sự phức tạp thứ 2, nó chính là thứ đã làm say mê các tay sưu tập A.lange trong vài năm qua, đó chính là tính năng ” Double Split”. Theo cách làm của A.lange, bộ bấm giờ chia tách được đặt ở vị trí 10 giờ, điều này sẽ khiến cho những kẻ theo chủ nghĩa ” Thụy Sỹ thuần túy” không thích, nhưng đấy mới đúng là cái chất của Glashutte. Bạn sẽ thấy sự xuất hiện của một núm đẩy khác đặt ở giữa góc 1-2 giờ. Chức năng bấm giờ chính và chức năng phân chia kim đều sở hữu bánh xe dạng cột riêng.

GRAND SONNERIE, PETITE SONNERIE VÀ ĐIỂM CHUÔNG TỚI PHÚT.

Thứ được nhắc đến sau cùng, đó chính là các cơ chế điểm chuông. Glashutte vốn không quá nổi tiếng về việc chế tạo đồng hồ đánh chuông, đây là truyền thống của Thụy Sỹ và những vùng khác của Đức ( như Junghans). Một trong những mục tiêu chính khi áp dụng các cơ chế kiểu này lên chiếc đồng hồ, chính là dành cho những dự định tương lai. Chức năng Grand sonnerie và Petite Sonnerie có thể chuyển đổi qua lại, chức năng điểm chuông tới phút cho phép đánh chuông với 2 âm chiêng. Hai nút bấm ở góc 12 giờ và 6 giờ chính là nơi kích hoạt và điều khiển các cơ chế này.

Nếu có điều gì phàn nàn về cơ chế cơ học mới của A.lange, đó chính là bạn chưa thể nhìn thấy được nó. Vấn đề này phụ thuộc vào kĩ nghệ chế tạo đồng hồ truyền thống của Đức. Bộ búa và chiêng bị ẩn dưới các lớp máy khác, nó có nghĩa là bạn không thể thưởng thức được cảnh gõ chuông mỗi khi lật ra mặt sau.

CỖ MÁY VÀ MẶT SỐ

Cỗ máy L1902 có chứa 876 thành phần riêng lẻ, 67 trong số đó là chân kính, nó được lấy cảm hứng từ máy đồng hồ bỏ túi của Lange những năm 1902. Khả năng trữ cót là 30 giờ dành riêng cho phần đo đếm thời gian, trong khi đó, tính năng đánh chuông sở hữu ổ cót riêng có khả năng đánh tiếng trong 24 giờ cùng lúc. Cuối cùng, một ổ cót thứ 3 dùng để cấp năng lượng cho tính năng bấm giờ. Cả bộ 3 ổ cót này được điều chỉnh bởi một núm duy nhất : vặn lên phía trên là lên cót cho bấm giờ và thời gian, vặn xuống dưới là lên cót cho tính năng đánh chuông. Cỗ máy mà các bạn nhìn thấy trong ảnh vẫn chưa phải là sản phẩm được hoàn thiện hết mức.

Mặt số được tráng men, các lỗ nhỏ sẽ được cắt bằng cưa, vì nếu dùng tia laze sẽ làm hỏng lớp hoàn thiện bề mặt.

ĐÁNH GIÁ

Là một người yêu thích đồng hồ, thật khó để không bị kích thích bởi A.lange&Sohne Grand Complication. Đây là một hãng lớn, và A.lange hiểu rằng các nhà sưu tập đồng hồ mong muốn các hãng đi theo con đường sản xuất khó hơn, để có thể đạt được sự độc đáo và thú vị với những tính năng cả mới lẫn cũ. Chiếc đồng hồ này không chỉ thể hiện những điều mà A.lange đang làm, và sẽ làm trong tương lai, mà nó còn nói lên những gì mà các tay chơi đồng hồ cao cấp mong muốn được thấy từ các nhà sản xuất mà họ yêu mến.

Chiếc đồng hồ được bán giới hạn 6 chiếc trên toàn thế giới, với mức giá 2,6 triệu Đô La.

5/5 - (1 bình chọn)